Cặp vợ chồng phiên dịch - kĩ sư Hà Nội bỏ việc để "bốc đất", làm mộc, đối diện không ít áp lực và có bài học startup xương máu
Vợ là phiên dịch, chồng là kĩ sư, nhưng bỗng dưng 1 ngày họ bỏ việc để "bốc đất", làm mộc. Nhiều người bảo sướng không biết đường sướng, nhưng người trong cuộc lại nghĩ khác.
- 22-11-2021Từ bỏ mức lương cả triệu USD ở Phố Wall, "mỹ nhân" 1987 về quê chọn nghề "thu gom phế thải" và cuộc gặp gỡ định mệnh đã thay đổi tất cả
- 20-11-2021Cặp vợ chồng 8x bỏ phố về quê, dựng nên cơ ngơi trị giá tiền tỷ bên cánh đồng: Mái ấm đặc biệt với cả 2 bên nội ngoại, gắn kết con người, mở ra thiên nhiên
- 04-11-20212 gia đình từ bỏ thành phố chuyển đến sống ở nông thôn chia sẻ về cuộc sống mới: Một đi là không hề muốn quay lại!
Chị Hà vốn là dân học Ngoại ngữ, trước đây chị là phiên dịch viên tiếng Nhật. Chồng chị Hà, anh Khánh là kĩ sư xây dựng, công việc công sở đi làm đủ để có một mức thu nhập ổn định.
Dù làm công việc cả 2 được đào tạo, công việc cũng không phải tẻ nhạt, nhưng guồng quay của sáng đi làm, chiều trở về nhà mệt nhoài. Chị Hà cùng với chồng đã có lúc cảm thấy chính mình đang mắc kẹt với những vấn đề của tâm lý mà chỉ mình là người rõ nhất.
1. Trồng cây để giải tỏa vấn đề tâm lý rồi bỏ việc theo nghiệp... "bốc đất" luôn
Đầu tháng 4 năm 2019, lúc đó chị Hà tham gia học trồng cây được 1 buổi khi tâm lý không ổn và cô bạn thân khuyên: "Thử trồng cây đi". Và chị Hà đã nhận ra nhờ cây mà bản thân đã có những thay đổi, mọi thứ tốt lên từ trong tư tưởng, cái nhìn của chị cũng bao dung và bình thản, thoáng đãng hơn.
Chị Hà nghĩ đến nghỉ việc vì tìm thấy niềm đam mê của mình với cây cối, chị gọi đùa nghề mới của mình là nghề "bốc đất". Và thế là cô phiên dịch quần áo thanh lịch, văn phòng xịn sò, bỗng ăn mặc giản tiện hàng ngày bốc đất, chốt đơn. Chị cho biết lý do chọn việc làm vườn, bán cây là vì bản thân mình, chị tìm thấy niềm vui với cây cỏ, thấy cây như người bạn tâm giao.
Chị Hà không chọn làm nông thuần túy mà chọn một ngách kinh doanh là trồng cây nội thất và bán. Đang từ người có thu nhập ổn định, có 1 công việc ổn định nơi công sở, giờ thành người làm tự do, chị Hà cũng phải đối diện với những áp lực và những lo lắng đến từ người thân.
Đầu tiên là bố chị khi biết tin chị sẽ nghỉ việc, ngay lập tức gọi điện bảo: "Làm giàu không dễ đâu con", nhưng chị quả quyết: "Bố cứ để con làm, hồi sau sẽ rõ". Mẹ chị cũng khuyên không nên nghỉ việc do lúc đó chị Hà đang nuôi 2 con nhỏ, kinh tế chưa đủ mạnh, công việc được ăn học, phấn đấu làm gần 5 năm, thu nhập không quá cao, nhưng cũng không quá thấp, môi trường làm việc tốt nên bố mẹ cũng sốt ruột và lo lắng.
Bố mẹ chồng, chồng, các em cũng không ai ủng hộ, đặc biệt chồng chị không ủng hộ bằng cách là không hỗ trợ chị kể cả bưng bao đất. Ai gặp cũng nói "cơm áo không đùa với khách thơ" và "làm kinh tế không thể mộng mơ" nhưng chị đã định hướng được hướng đi và hơn hết là hiểu rõ lý do tại sao mình dừng công việc đang làm để theo cây và làm vườn.
Chị Hà cũng biết rõ tầm quan trọng của cây, giá trị cây mang lại cho chính mình nên chưa lúc nào nản, lo lắng hay sợ hãi trước lời nói và thái độ của mọi người dành cho mình. Nên ai nói gì, ai phản đối thế nào chị Hà cũng kệ, chỉ quyết tâm để làm tốt.
2. Dùng tiền thai sản và hồi môn cưới để startup, vừa bán cây vừa... thiền
Vì không được ai ủng hộ nên chị Hà xác định phải tự thân vận động hoàn toàn, chị bắt đầu tự startup với số vốn ban đầu khoảng hơn 100 triệu. Đó là tiền thai sản sau sinh bé thứ 2 chị tiết kiệm được và của hồi môn ông bà nội ngoại cho 2 vợ chồng. Khách hàng đến với chị do các bài viết chị chia sẻ trên trang cá nhân với nội dung chủ yếu bày tỏ tình yêu với cây trồng, chứ không đơn thuần là đưa một mặt hàng và nói mức giá.
Đối tượng khách hàng chị tập trung đến là phụ nữ, những chị em đang muốn xây dựng phát triển bản thân, tập trung những giá trị vô hình, quan tâm đến Thiền, Yoga, các chị em sống xanh... Vì cách làm khác xuất phát từ đường đi nước bước riêng biệt và bán hàng bằng trái tim, bằng tâm thiền nên hội chị em "cùng tần số" đã nhận được tín hiệu.
Chị Hà nói khi có nhờ tư vấn của 1 anh đứng đầu về giới cây, chuyên làm thương hiệu cho nhiều doanh nghiệp rằng có nên chạy quảng cáo facebook không. Thì anh nói: "Em đang đi đúng hướng, cứ làm như trước giờ em làm, không quảng cáo nào lớn mạnh bằng truyền miệng, hãy trở thành chuyên gia về cây, bất cứ ai chăm cây trồng cây cũng cần 1 chuyên gia hỗ trợ họ chăm cây, cứu cây". Từ đó, chị không ngừng học hỏi, trau dồi để có nhiều kiến thức về cây hơn nữa.
Cách chị Hà đến với công việc này bằng đam mê nên chị không ngại khó ngại khổ, bản thân không ngừng học hỏi nên có nhiều kinh nghiệm thực tế.
Tuy nhiên, công việc không phải lúc nào cũng thuận lợi. Mặc dù chị nhắm tới đối tượng khách hàng bằng "tần số tầm hồn", nhưng nhiều khách hàng lại chỉ so sánh về giá. Bản thân chị cũng là người startup tự phát, không có kiến thức nền về kinh doanh, tài chính, quản lý tài chính, không hiểu đúng về tiền, nhân sự. Vì thế, cũng có những lúc chị làm không xuể, có tình trạng ùn đơn, ùn việc.
Bản thân chị Hà tự làm từ A-Z nên phải tự làm tất cả. Đồng nghĩa với việc này là khi không may nhà có việc, ốm đau, thì việc cũng phải dừng lại. Có lúc facebook bo tương tác nên bài up trên trang cá nhân gần như có lúc không ai thấy, tương tác hạn chế, bản thân chị Hà cũng phải nỗ lực để xoay xở tiền duy trì vườn.
Nhưng cùng thời điểm đó chị Hà có thêm người đồng hành chính là chồng mình. Người mà trước đây còn ngờ vực việc "bốc đất" của vợ nhưng dần dần tình yêu với cây của vợ đã ngấm sang anh lúc nào không hay. Việc cả 2 vợ chồng làm cùng nhau vừa là thuận lợi vừa là khó khăn vì áp lực tài chính tăng lên gấp bội khi cả 2 không ai có 1 mức lương ổn định.
Cả 2 người trồng cây, người làm mộc, vừa bán cây vừa thiết kế sân vườn, chăm cây ốm cho khách. Công việc nhiều nhưng áp lực tài chính cũng tăng lên gấp bội vì cả 2 không có 1 mức lương ổn định mà đều trông chờ vào nguồn thu nhập từ vườn và từ khách hàng cũng có lúc bấp bênh.
"Đợt dịch vừa rồi, giãn cách nhiều ngày, đó là cái không tưởng, không lường được. Cả 2 bỗng rơi vào trạng thái bị động. Tuần đầu tiên mọi người vẫn đặt hàng nhưng cứ giãn cách liên tiếp 15 ngày rồi lại 15 ngày nữa, khách không còn muốn đặt vì biết khi nào mới được nhận?
Ngoài việc không ngừng học hỏi, trau dồi, nghĩ cách làm thế nào để đẩy mạnh được vườn thì còn hàng loạt những câu hỏi đặt ra. Làm thế nào để bản thân vững chãi cả về thân lẫn tâm? Làm thế nào để khách vẫn sẵn lòng đặt hàng, trả tiền trước, nhận hàng sau?..", chị Hà tâm sự về những khó khăn đã phải đối mặt như thế.
3. Cũng có lúc định bỏ cuộc
Tuy quyết tâm là thế, nhưng cũng có lúc chị Hà cũng đã có ý định bỏ cuộc. Đó là vào tháng 5/2021 vừa rồi, khi biến cố xảy ra liên tục. Đầu tiên là sự cố mặt bằng, rồi biết mẹ bị ung thư, các bạn thuê cùng báo qua lấy hết đồ, nội thất ở vườn. Vườn trở thành vườn trống với 1 số đồ ngổn ngang còn lại. Chị Hà như muốn buông xuôi, nhưng rồi chị lại nhớ tới lý do mình bắt đầu, tình yêu với cây và giờ còn có thêm cả chồng đồng hành cùng, chị lại vực dậy.
Chị Hà cho biết mình vẫn đang trên hành trình xây dựng nên còn nhiều thử thách, chưa được vào guồng. Mức thu nhập hiện tại vẫn chưa như mong muốn dù cũng đủ sống 1 cuộc sống tằn tiện. Thậm chí cũng có lúc chị không có tiền.
Hiện tại chị đã trở lại làm việc sau chuỗi ngày giãn cách xã hội. Sau khi dọn dẹp sắp xếp lại vườn chị đã có thể trả khách đặt trong thời gian giãn cách.
Chồng chị sau khi phản đối vợ nhưng tình yêu cây của vợ đã truyền sang anh lúc nào. Vì thế, anh cũng đang nghỉ việc để 2 vợ chồng làm cùng nhau. Nhưng chị Hà thiên về cây và vườn còn anh Khánh thì tập trung vào mảng mộc vì anh có sức khỏe, có sự khéo léo và tài năng.
Những chị Hà thú nhận áp lực khi làm cùng chồng là có, khó khăn có, việc làm cùng chồng, giữ được nhân tài này là 1 thách thức lớn bởi để anh đồng hành cùng mình 1 cách thoải mái và tự nhiên nhất cũng là thử thách lớn.
4. "Làm giàu không dễ" và hạnh phúc thôi là chưa đủ
Hiện tại cả 2 vợ chồng đang tập trung xây dựng vườn và đầu tư cho việc marketing. Thời gian tới, cả 2 vợ chồng muốn đẩy mạnh vườn ngoài các sản phẩm về cây, còn có các decor nội thất ban công, các sản phẩm của chồng từ gỗ pallet. Hướng tới là chồng sẽ có 1 xưởng gỗ pallet đi lên từ vườn Nắng mà ban đầu chị Hà xây dựng.
Sau 2 năm, dù công việc chưa phải cao, cũng chưa có thu nhập mơ ước. Cuộc sống dù vẫn còn khó khăn nhưng chị Hà vẫn cảm thấy mình may mắn vì cây đã mang đến cho chị sự bình yên trong tâm hồn, cho cuộc sống của chị thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
Cách bán cây nhưng không phải bán sản phẩm mà là bán câu chuyện đã mang cho chị 1 lối đi riêng. Hiện tại 2 vợ chồng cùng làm, vợ bán cây, chồng làm đồ gỗ thiết kế sân vườn. Chị cũng nhận thêm việc chăm sóc cây cối, cứu cây cho mọi người nên chị làm việc bằng niềm yêu thích và không cảm thấy bị áp lực.
Kinh nghiệm chị Hà rút ra là cần trang bị cho mình những kiến thức về tài chính, về kinh doanh, tầm quan trọng của việc nên có nhiều nguồn thu nhập trước khi bắt đầu nghỉ việc. Cũng nên có 1 khoản tích lũy để dù không làm việc 10 tháng vẫn ổn cho chính mình và con cái. Dịch bệnh là khó khăn của nhiều người nhưng cũng là cơ hội của không ít người.
Dù vẫn kiên định với con đường mình đã đi và lạc quan với nó, nhưng chị Hà cũng đã nhận thức rõ không phải chỉ cần hạnh phúc là đủ, mà cần hạnh phúc đồng hành với thịnh vượng. Và chị Hà muốn có được điều đó để giúp chính mình, giúp những người xung quanh.
Nhịp sống Việt