"Cất cánh" trên thị trường quốc tế trước khi phục vụ thị trường nội địa – Câu chuyện thành công của nhiều doanh nghiệp Việt
Tạo dựng vị thế vững chắc trên thị trường nội địa trước khi xâm nhập thị trường quốc tế thường là bài toán chiến lược đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Tuy nhiên, quy trình này cũng có thể bị phá vỡ bởi một số doanh nghiệp Việt ngay từ những ngày đầu thành lập đã xác định "mặt trận" chính của họ là thị trường quốc tế.
AAA – 97% doanh thu đến từ thị trường xuất khẩu
CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát (mã chứng khoán: AAA), thành viên của tập đoàn An Phát Holdings, hiện là doanh nghiệp màng mỏng niêm yết có quy mô lớn nhất trong ngành nhựa Việt Nam. Năm 2017 công ty đã vượt qua các đối thủ trong khu vực để trở thành nhà sản xuất bao bì màng mỏng lớn nhất Đông Nam Á với sản lượng 96.000 tấn/năm.
Trong giai đoạn 2013-2017, tốc độ tăng trưởng bình quân của doanh thu và LNST hợp nhất lần lượt đạt 28,6% và 32,4%. Riêng trong năm 2017, doanh thu và LNST của An Phát tăng 90% so với năm 2016.
Tuy nhiên sản phẩm của công ty hiện không tiêu thụ trong nước mà chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Hiện nay An Phát đã xuất sản phẩm đi Mỹ, Nhật, Châu Âu, Úc, Hàn Quốc, Châu Phi, Ả rập... Sản phẩm An Phát có mặt ở khắp 5 Châu trong đó châu Âu là thị phần nhiều nhất. Cơ cấu sản phẩm của An Phát hiện tỷ trọng xuất khẩu chiếm 97%.
Túi màng mỏng thân thiện với môi trường của An Phát
Lý giải về vấn đề này, ông Phạm Ánh Dương – Chủ tịch HĐQT của AAA đã từng chia sẻ rằng: Các sản phẩm túi màng mỏng, màng phức (có khả năng tự phân hủy trong thời gian ngắn, thay vì mất nhiều năm như túi nylon thông thường) của công ty hiện chủ yếu được các siêu thị và tập đoàn nước ngoài đặt hàng, in nhãn hiệu trên bao bì. Mức giá bán bình quân sản phẩm túi của công ty cao hơn 2,5 lần so với loại túi nylon thông thường. Chính vì rào cản chi phí cùng với thói quen của người tiêu dùng của người Việt đã khiến các sản phẩm của AAA vẫn "đứng ngoài trên chính sân nhà".
Và để sản phẩm túi Nylon tự hủy trở thành phổ biến đối với người tiêu dùng Việt Nam thì cần thêm sự chung tay của cơ quan quản lý, cũng như sự ủng hộ của các nhà phân phối và doanh nghiệp trong nước. Mới đây, Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo sửa đổi Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó nilon sẽ bị nâng khung mức thuế từ 40.000 đồng lên 80.000 đồng/kg.
Theo Chủ tịch An Phát, việc này có thể khiến các loại túi nilon thông thường trên thị trường tăng giá mạnh, lên mức 100.000 - 120.000 đồng/kg. Nếu dự thảo được thực thi, thì đây sẽ là một cơ hội của An Phát với các loại túi tự huỷ, khi đó giá thành sản phẩm sẽ ngang nhau và An Phát hoàn toàn có thể cạnh tranh bán tại Việt Nam. Đối tượng hướng đến đầu tiên có thể là các siêu thị lớn, cửa hàng tiện ích… đang được mở rầm rộ tại Việt Nam.
Vicostone – Top 4 nhà sản xuất đá thạch anh thế giới
Sau 15 năm liên tục hoạt động ở thị trường quốc tế, các sản phẩm của Công ty cổ phần Vicostone (mã CK: VCS) đã xuất hiện tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện nay các sản phẩm của VCS tập trung xuất khẩu số lượng lớn tại những thị trường được mệnh danh là khó tính như Mỹ, Canada, Australia và châu Âu … Mặc dù thị trường xuất khẩu đang chứng kiến áp lực ngày càng gia tăng đối với các ngành hàng vật liệu xây dựng, nhưng cơ cấu hàng xuất khẩu vẫn luôn giữ tỷ trọng lớn trong chiến lược kinh doanh của VCS. Dự tính đến năm 2020, VCS vẫn xác định tập trung chủ yếu tại các thị trường Bắc Mỹ, Australia, mở rộng thêm tại các nước EU. VCS nổi tiếng với các sản phẩm đá thạch anh VCS chứa khoảng 90% cốt liệu là thạch anh tự nhiên được kết dính bởi nhựa polymer cùng với các thành phần tạo màu sắc,. Sản phẩm đảm bảo có độ cứng, khả năng chống thấm, chống xước cao hơn nhiều lần so với các loại vật liệu ốp lát khác. Sản phẩm đá thạch anh của VCS có mẫu mã đa dạng và chất lượng đạt chuẩn quốc tế, phù hợp với các công trình đòi hỏi tính thẩm mỹ cao như Khách sạn, khu nghỉ dưỡng, biệt thự…
Gặt hái được nhiều thành công trên thương trường quốc tế là thế, nhưng phải đến năm 2018 công ty này mới chính thức quay về chinh phục người tiêu dùng trong nước. Hiện tại tiêu thị nội địa của VCS chỉ chiếm khoảng 5%, doanh nghiệp này đang triển khai kế hoạch đẩy mạnh tiêu thụ thị trường trong nước với kỳ vọng tăng lên 10 - 20% doanh thu trong 5 năm tới.
FPT Software xuất khẩu phần mềm - Lĩnh vực không có đối thủ ở Việt Nam
Sau khi giảm tỷ lệ sở hữu ở mảng bán lẻ và bán buôn, FPT xác định động lực tăng trưởng của tập đoàn sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghệ. Trong đó, xuất khẩu phần mềm được kỳ vọng sẽ mang đến những bước tăng trưởng đột phá cho FPT. Thống kê trong 10 năm gần đây, mảng kinh doanh xuất khẩu phần mềm của FPT tăng trưởng trung bình 26%/năm. Theo đánh giá của VCSC, lĩnh vực này của FPT vẫn sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao và dự phóng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 24% trong năm 2018 so với 2017.
Theo xếp hạng 50 doanh nghiệp CNTT Việt Nam năm 2017 của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa), FPT Software (đơn vị thành viên phụ trách mảng xuất khẩu phần mềm của FPT) đứng đầu trong lĩnh vực BPO, ITO và KPO xét cả về quy mô doanh thu và nguồn nhân lực.