MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cắt cỏ, tỉa hoa không phải là “cái bánh”

21-08-2016 - 13:17 PM | Xã hội

Câu chuyện chủ tịch UBND TP Hà Nội quyết tâm cắt giảm 700 tỉ đồng chi phí cắt cây, tỉa hoa mỗi năm được dư luận đặc biệt quan tâm. Làm thế nào để tiền ngân sách không bị rơi vào túi ai đó?

Tôi cho rằng chi phí về các công trình thị chính nếu được công bố sẽ khiến nhiều người giật mình như khi biết chi phí cắt hoa, tỉa cây của Hà Nội

Làm thế nào chi phí giảm nhưng vẫn duy trì được cảnh quan đô thị xanh và đẹp?

Trao đổi với chúng tôi, các ý kiến chuyên gia cho rằng phải có giám sát chặt chẽ các dịch vụ công, đồng thời Hà Nội cần có quy hoạch, thiết kế việc trồng cây xanh đảm bảo sử dụng tiền thuế của dân thật sự có trách nhiệm.

* Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hiệp (Trung tâm Bảo tồn thực vật VN):

Phải theo quy hoạch, thiết kế

Ông Nguyễn Tuấn Hiệp

Tôi có nghe ý kiến lãnh đạo TP nói việc duy trì trồng cỏ, chăm sóc cắt cỏ tốn kém nên dừng thực hiện, chuyển sang trồng cây. Thật ra đây cũng chỉ là một ý kiến và nếu trồng hết cây mà không duy trì thảm cỏ cũng không tốt. Vì với một TP lớn cần phải có những quy hoạch xác định tuyến phố nào trồng cây, gồm những loại cây gì, tuyến phố nào trồng thảm cỏ, hoa và việc thực hiện duy tu, duy trì là thực hiện theo quy hoạch đã được xác lập.

Chính quy hoạch đó sẽ xác lập nhiệm vụ thực hiện, như vậy sẽ tránh được tình trạng thực hiện dự án trồng thảm cỏ, trồng hoa trên tuyến phố này, tuyến phố kia theo ý nghĩa chủ quan.

Vấn đề đặt ra với Hà Nội hiện nay là việc trồng cây, trồng thảm cỏ hoa trên các tuyến phố đang được thực hiện theo tiêu chí, chủ trương hay quy hoạch nào và có quy hoạch, thiết kế riêng cho nhiệm vụ này hay không.

Tôi cho rằng với một thủ đô như Hà Nội cần phải có quy hoạch chuyên ngành về việc trồng, quản lý cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa, công viên có lộ trình đến năm 2020 hoặc tầm nhìn đến năm 2030. Chỉ có thực hiện theo quy hoạch, theo thiết kế mới hạn chế được bất cập trong cách làm manh mún, chủ quan, vì thực tế vừa qua có tuyến phố một năm thay tới hai loại cây.

Tôi cho rằng việc duy trì trồng cây hay trồng thảm cỏ phải có tính toán và có chủ trương cụ thể với từng tuyến phố, chỉ có vậy mới tránh được lãng phí.

* Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm (nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng):

Bộ Xây dựng phải xây dựng đơn giá cho các dịch vụ công

Ông Phạm Sĩ Liêm

Không chỉ công khai chi phí việc trồng và chăm sóc, cắt tỉa cây xanh, người dân còn mong lãnh đạo Hà Nội công khai các dịch vụ công ích như lát lại vỉa hè, sửa đường... mỗi năm ngốn mất bao nhiêu tỉ đồng tiền thuế của dân.

Tôi cho rằng chi phí về các công trình thị chính nếu được công bố sẽ khiến nhiều người giật mình như khi biết chi phí cắt hoa, tỉa cây của Hà Nội. 700 tỉ đồng mỗi năm là điều rất phi lý. Thế nhưng nó vẫn diễn ra bao lâu nay vì điều đơn giản là giám sát không chặt chẽ, đồng thời không công khai và minh bạch thông tin.

Chi phí cho dịch vụ công là vấn đề tài chính đô thị rất quan trọng. Nhưng cái khó của chi phí dịch vụ công ích khác với xây dựng là không có giá so sánh, nên chi phí của dịch vụ này thường rất bí mật. Như lĩnh vực xây dựng, người ta có giá so sánh được như xây một mét vuông nhà hết bao nhiêu tiền.

Chi phí của dịch vụ công ích thường không có giá so sánh nên hầu như không ai biết giá thực là bao nhiêu.

Do đó, Bộ Xây dựng phải có trách nhiệm đưa ra định mức, tiêu chí... để tránh thất thoát, lãng phí. Như cắt tỉa cây xanh định mức giá là bao nhiêu và mức giá cần phải so sánh giữa các địa phương trên cả nước, chứ không thể chỉ Hà Nội so sánh với Hà Nội mà Hà Nội so với Đà Nẵng, với TP.HCM...

Ít nhất có sự so sánh thì cơ quan quản lý địa phương sẽ đưa ra giá sao cho sát với chi phí thực tế nhất. Hay như định mức quản lý vỉa hè, thoát nước... là bao nhiêu để giúp chính quyền đô thị quản lý, giám sát, kiểm tra chặt chẽ hơn.

* Ông Ngô Trí Long(chuyên gia kinh tế):

Nên để tư nhân làm

Ông Ngô Trí Long

Hà Nội nói trồng cây xanh, cắt tỉa hoa được thực hiện theo hình thức xã hội hóa là không đúng, vì xã hội hóa mà lại vẫn dùng 700 tỉ đồng từ ngân sách để đặt hàng doanh nghiệp làm là sai bản chất.

Ngân sách nhà nước có hạn mà nhu cầu đầu tư tất cả các lĩnh vực, nhất là cơ sở hạ tầng... rất lớn. Với tinh thần Nhà nước chỉ đầu tư vào những lĩnh vực trọng yếu, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng... còn các lĩnh vực khác, trong đó có trồng, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh nên để tư nhân tham gia. Như ở các nước, hầu hết doanh nghiệp tư nhân tham gia và có sự giám sát chặt chẽ từ xã hội, người dân.

Nhưng đặt trong bối cảnh là ngân sách khó khăn và muốn nâng hiệu quả dịch vụ công nói chung, trong đó có trồng cây xanh, cắt cỏ tỉa hoa, Nhà nước phải để tư nhân tham gia. Đổi lại, Nhà nước phải có cơ chế khuyến khích để tư nhân làm bằng việc ưu đãi về thuế, về tín dụng... và cơ chế khác để tư nhân thu hồi vốn. Nhà nước chỉ giám sát và có những chế tài mà thôi.

* Ông Nguyễn Nguyên Quân (trưởng ban đô thị HĐND TP Hà Nội):

Rà soát đơn giá, định mức phải chi ngân sách

Ông Nguyễn Nguyên Quân

Trước đây quản lý cây xanh, công viên, vườn hoa được TP phân cấp, về cơ bản phân cấp cho quận huyện. Tới đây, sau khi có những bất cập, Hà Nội đã đưa ra giải pháp khắc phục ngay trong giai đoạn 2016-2020, trong đó giải pháp đầu tiên là từ việc phân cấp quản lý.

HĐND TP đã có nghị quyết về phân cấp mới. Thứ nhất, tới đây TP sẽ quản lý, trồng mới, duy tu, chăm sóc toàn bộ cây xanh trên toàn bộ các tuyến đường cao tốc, các đường xuyên tâm, các trục lộ chính đi qua địa bàn hai quận huyện trở lên.

Thứ hai, TP sẽ quản lý, trồng mới, duy tu toàn bộ vườn hoa, công viên lớn theo danh mục TP quản lý. Thứ ba, TP quản lý toàn bộ cây xanh trên địa bàn 12 quận nội thành. Còn các huyện sẽ quản lý, duy tu cây xanh ở những tuyến đường có danh mục cụ thể của TP giao.

Riêng về huy động nguồn vốn, trước đây áp dụng cơ chế dùng ngân sách đặt hàng, bây giờ TP chủ trương cùng với ngân sách thì huy động thêm các nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp, từ các nhà hảo tâm, kể cả quốc tế hỗ trợ. Trong thực tế, vừa qua đã có một số đơn vị ủng hộ cây xanh trồng trên địa bàn, điều này giúp giảm chi ngân sách trên địa bàn TP xuống.

Đồng thời TP rà soát lại toàn bộ đơn giá, định mức đối với những phần phải duy tu bằng ngân sách mà không có xã hội hóa. Như vậy với đơn giá, định mức tới đây sẽ thực hiện theo tinh thần đảm bảo để cho đơn vị tham gia hoạt động này đủ bù đắp chi phí nhưng tính toán phải hợp lý, khoa học, sát thực tiễn, không để lãng phí trong thực hiện.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:

Ông Chung giật mình còn hơn bỏ qua cái sai

Bà Phạm Chi Lan

Hà Nội chi 700 tỉ đồng mỗi năm cho việc cắt tỉa cây, hoa, cỏ... là con số gây giật mình. Bản thân ông Nguyễn Đức Chung - chủ tịch UBND TP Hà Nội - cũng cảm nhận được điều đó. Đây là con số quá lớn cho một việc hoàn toàn không cần phải đầu tư đến ngần ấy tiền.

Có lẽ họ không có phép tính đơn giản ai cũng có thể làm được mà sao lại có chi phí vô lý như thế? Vậy mà họ vẫn phê chuẩn. Điều này cho thấy tình trạng lãng phí kinh khủng về sử dụng ngân sách.

Điều quan trọng nhất rút ra ở vụ việc này là phải có trách nhiệm với tiền thuế của dân và phải minh bạch hóa tất cả những quyết định đó. Tôi không hiểu HĐND TP Hà Nội có được báo cáo mà phê chuẩn việc chi 700 tỉ đồng để cắt cỏ hay không, nhưng trong phê duyệt ngân sách hằng năm HĐND không thể bỏ qua những con số như vậy được.

Có thể đối với nhiều cơ quan nhà nước bây giờ, con số mấy trăm tỉ là con số nhỏ bởi họ đã quen rồi với những con số nghìn tỉ, chục nghìn tỉ. Nhưng trăm tỉ cũng là mồ hôi nước mắt của dân đóng thuế. Một vài cái trăm tỉ cộng lại đó sẽ là bao nhiêu nghìn tỉ.

Tôi hiểu ông Chung nói ngừng lại việc chi 700 tỉ đồng như vậy không phải là Hà Nội sẽ bỏ việc chăm sóc cây, để cây chết, mà phải thay đổi cách làm khác chứ không phải cứ nhắm mắt chi tiền như vậy. Tôi nghĩ khi đặt vấn đề như vậy, ông Chung cũng sẽ tính được cách đấu thầu khác sòng phẳng, minh bạch, có trách nhiệm giải trình rõ ràng hơn.

Tôi cũng mong Hà Nội cũng như các địa phương khác, các bộ, ngành sẽ phanh phui ra những vụ lớn hơn nhiều, kể cả những cái đã đầu tư, những cái đội vốn. Nếu tốt hơn nữa, lãnh đạo các địa phương phải rà soát lại những quy hoạch trong phạm vi trách nhiệm của mình, ở địa phương mình.

Con số ông Chung công bố gây giật mình, nhưng tôi mong rằng cứ làm cho xã hội giật mình như vậy còn hơn là bỏ qua tất cả những cái sai trước đây.

Theo X.LONG - V.V.TUÂN - L.THANH

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên