Cắt giảm điều kiện kinh doanh: “Đinh đóng rồi, khó nhổ lắm”
Chủ trì cuộc kiểm tra các bộ, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ và công tác kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng phản ánh, một số quy định về điều kiện kinh doanh còn chung chung, mang tính “cài cắm câu chữ” để rồi lúc “vui vẻ” thì cho qua, “không vui vẻ thì bắt luôn”.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trước cuộc họp, Thủ tướng đã truyền đạt những yêu cầu, chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tới đại diện các Bộ, ngành dự họp. Theo đó, đối với việc kiểm tra chuyên ngành hàng hoá xuất nhập khẩu, Thủ tướng lưu ý các bộ việc xem xét cắt giảm hoặc bãi bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Tinh thần của lãnh đạo Chính phủ là chỉ đạo các bộ gương mẫu cắt bỏ giấy phép con, những rào cản làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tiến tới cắt giảm chi phí chính thức và phi chính thức cho doanh nghiệp.
Cài cắm câu chữ
“Việc cắt giảm bãi bỏ phải thực chất chứ không phải chỉ mang tính chất hình thức, cơ học thuần tuý, cắt giảm không phải chỉ là sửa chữa, cài cắm câu chữ, cắt thủ tục này để mọc quy định khác”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. Về điều kiện kinh doanh, ông Dũng cho hay, nhiều quy định vẫn còn chung chung, không rõ ràng, cụ thể, như yêu cầu “phải phù hợp”, “phải đủ”, “phải có đạo đức tốt”, “phải có trình độ”, “phải sạch sẽ”, “phải thoáng mát”… “Những quy định chung chung đó đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí doanh nghiệp nói là “cài cắm câu chữ để bẫy doanh nghiệp”, để lúc vui vẻ thì cho qua, không vui vẻ thì bắt luôn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu thực tế.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phản ánh thực tế là báo cáo của các bộ cho thấy việc cắt giảm các thủ tục diễn ra đúng tiến độ nhưng thực tế việc cắt giảm hầu như chưa đáng kể. “Thủ tướng nói, nếu cỗ xe phát triển đã bắt đầu chuyển động mà dừng lại thì rất nguy hiểm”, ông Thiên nói. Theo ông Thiên, hiện vẫn còn tình trạng trên trải thảm đẹp lắm nhưng dưới lại rải đinh nhiều. “Đến tỉnh nào cũng nói kiên quyết phải nhổ từng cái đinh một, nhổ đến cái đinh cuối cùng, nhưng đinh đóng rồi khó nhổ lắm, và còn phụ thuộc trên có cho nhổ đinh hay không. Chúng ta cứ hì hục gỡ những cái do chúng ta tạo ra và coi đó là thành tích vĩ đại thì không được. Không làm được là nguy hiểm, còn làm được là bình thường”, ông Thiên nói.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ở đâu lãnh đạo bộ, đặc biệt là bộ trưởng, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, thì ở đó có kết quả tốt, chuyển biến nhanh. “Các bộ trưởng chuyển động không đồng đều. Nhìn vào kết quả có thể thấy bộ nào thực sự quyết tâm”, ông Cung nhận xét và cho rằng “sự chống đối, hay nói cách khác là chần chừ trong cải cách, vẫn còn rất lớn trong nội bộ các bộ”.
Gần 2 năm chưa làm xong 1 km đường mẫu
Về thực hiện nhiệm vụ được giao, ông Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu các bộ khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao, không để nhiệm vụ quá hạn. Thủ tướng cũng nhắc nhở các bộ phải khắc phục triệt để tình trạng trì trệ, chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội. Đơn cử như nhiệm vụ trình Thủ tướng phê duyệt kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016- 2020, nhưng nay Bộ TN&MT mới trình được 30/63 tỉnh, thành phố, điều này ảnh hưởng đến chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước và địa phương.
Tương tự, năm 2016, Thủ tướng giao Bộ GTVT xây dựng 1km đường mẫu cao tốc để làm căn cứ xác định chi phí, tính thời gian thu phí hoàn vốn cho các dự án để minh bạch tới dư luận. Thời hạn cho việc thực hiện nhiệm vụ này được đề ra cho Bộ GTVT là tháng 10/2016 nhưng sau đó đã phải gia hạn tới 31/7/2017. Tuy nhiên, một lần nữa, dù quá hạn thực hiện nhiệm vụ rất lâu, Bộ GTVT vẫn chưa hoàn thành.
Giải trình về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thanh minh rằng “không phải bộ không thực hiện nhưng thực tế triển khai gặp vướng mắc và đã có báo cáo giải trình xin ý kiến Văn phòng Chính phủ”. Theo ông Đông việc xây dựng định mức 1 km đường mẫu không mang tính đại diện do điều kiện mỗi vùng, địa hình địa chất khác nhau. Vì thế bộ này đề xuất xây dựng định mức cho 1km đường cao tốc phân chia theo khu vực Bắc – Trung – Nam và gắn với dự án. Tuy nhiên cách xác định định mức cũng cần thay đổi theo tư duy thị trường chứ không thể bao cấp, đong đếm số lượng vật liệu đưa vào như trước đây.
Hiện Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng đề án mới về định mức, theo hướng xác định theo năng suất, đảm bảo tính thị trường. Ngoài ra, một số lý do chậm nữa là chưa có dự án cao tốc mới nào được đưa vào đầu tư nên chưa thể áp dụng triển khai xây dựng đường mẫu. “Hiện đang thiếu 2 điều kiện để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng là chưa có dự án mới triển khai để gắn vào và đang trong quá trình cùng Bộ Xây dựng xây dựng đề án chung về định mức theo quan điểm mới. Vướng mắc này Bộ đã báo cáo 2- 3 lần lên Văn phòng Chính phủ và đã nhận được sự đồng thuận”, ông Đông nói.
“Đến tỉnh nào cũng nói kiên quyết phải nhổ từng cái đinh một, nhổ đến cái đinh cuối cùng, nhưng đinh đóng rồi khó nhổ lắm, và còn phụ thuộc trên có cho nhổ đinh hay không. Chúng ta cứ hì hục gỡ những cái do chúng ta tạo ra và coi đó là thành tích vĩ đại thì không được. Không làm được là nguy hiểm, còn làm được là bình thường”.
Ông Trần Đình Thiên
Tiền phong