MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cắt giảm ngân sách TP.HCM 5%: Chuyên gia kinh tế nói gì?

Theo các chuyên gia kinh tế, việc cắt giảm 5% tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại giai đoạn 2017-2020 sẽ khiến TP.HCM tụt hậu xa so với các đô thị cạnh tranh, trong khi kết cấu hạ tầng lại đang yếu kém và quá tải.

Như chúng tôi đã thông tin, tại buổi Quốc hội thảo luận về ngân sách mới đây, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM - cho rằng ngân sách bị cắt giảm đột ngột, TP.HCM trở tay không kịp khi tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại giảm từ 23% xuống 18% giai đoạn 2017 - 2020. Ngân sách giảm thì chỉ còn cách cắt giảm việc chi đầu tư phát triển, đầu tư hạ tầng.

Tuy nhiên, theo bà Tâm, điều này để lại hệ lụy rất lớn, tác động nhiều chiều đến xã hội vì hạ tầng của TP.HCM hiện đang quá bức bối, TP cũng không thể giảm chi thường xuyên vì thực tế TP đã giảm chi thường xuyên tối đa.

5% là quá cao

Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, TP.HCM không thể nào chịu nổi khi tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại giảm đột ngột, thay vào đó chỉ nên giảm 2%.

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng việc cắt giảm từ 23% xuống còn 18% là sự sụt giảm rất mạnh và tỷ lệ thu ngân sách nhà nước được giữ lại của TP.HCM quá thấp.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Thắng - Trưởng bộ môn Tài chính công (khoa Tài chính công, ĐH Kinh tế TP.HCM) - cũng đánh giá mức cắt giảm 5% là quá cao.

Tuy mức ngân sách để lại cho TP.HCM qua các thời kỳ đều giảm (3% hoặc 4% mỗi thời kỳ) nhưng mức giảm lần này là cao hơn hẳn và mang tính đột ngột. Vì vậy, sẽ ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của TP năng động hàng đầu cả nước.

“Nếu ví TP.HCM như “người con có thu nhập cao nhất trong nhà” và có trách nhiệm lo lắng cho các địa phương khác thì việc thu nhiều, nộp lại nhiều cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc cắt giảm lần này quá lớn khi nhu cầu chi của TP.HCM đang rất lớn”, ông Thắng nhận định.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Thắng cho rằng ở thời điểm hiện tại, TP.HCM có quá nhiều việc phải làm và sức hút của đô thị này gần như là lớn nhất nước. Do đó, việc cắt giảm ngân sách chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Với một đô thị có sức hút lớn và tiềm năng phát triển như TP.HCM thì nên có những chính sách hợp lý để TP.HCM tự túc phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo đảm đời sống người dân.

Nếu giảm, hạ tầng càng thêm quá tải

Theo TS Huỳnh Thế Du - giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Đại học Fulbright, việc cắt giảm 5% tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại rất đáng lo ngại vì thời gian qua, với mức giữ lại hiện tại, TP.HCM còn chưa thể đầu tư cho cơ sở hạ tầng hoàn thiện, nay giảm hơn thì rất khó cho TP.

Ông Du chỉ ra số liệu: TP.HCM có diện tích 2.095 km2 nhỏ hơn diện tích Hà Nội (3.325 km2). Năm 2015, dân số của TP.HCM và của Hà Nội lần lượt là 8,22 và 7,38 triệu người; tỉ lệ thu và chi ngân sách của TP.HCM và Hà Nội là 481/282 nghìn tỷ đồng và 163/205 nghìn tỷ đồng.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Thắng phân tích, nếu so sánh với các đô thị phát triển khác trong nước như Hà Nội hay Đà Nẵng, mức thu của các địa phương này không cao bằng TP.HCM nhưng tỉ lệ được giữ lại lại cao hơn. Trong khi xét về cơ sở hạ tầng chung thì TP.HCM hiện tại không thể sánh bằng các đô thị ấy.

“So với số thu và hạ tầng của TP.HCM thì mức giữ lại này chưa tương xứng. Mỗi năm có khoảng một trăm ngàn lượt người đến TP.HCM làm việc, sinh sống. Lượng người tăng lên thì áp lực đối với các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng, đường, trường, bệnh viện, vấn đề vệ sinh môi trường… cũng từ đó tăng lên, trong khi ngân sách thì teo tóp lại. Vậy lấy đâu tiền để giải quyết những vấn đề này?”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Thắng đặt câu hỏi.

Tụt xa các đô thị bạn

TPHCM luôn là đầu tàu, đi trước và đột phá của cả nước . Ảnh Hữu Khoa

TS Huỳnh Thế Du cho biết: “Chúng ta cứ hay nói vì sao các đô thị ở VN không có khả năng cạnh tranh và có sự bức phá như các đô thị ở nước khác như Singapore, Thượng Hải, Bắc Kinh,...? Tuy nhiên, tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại của TP.HCM hiện nay (tức là 23%) chỉ bằng 7% so với GRDP của TP (Tổng sản phẩm trên địa bàn TP). Bây giờ cắt giảm xuống còn 18% thì con số này chỉ lại càng nhỏ, tương đương giảm 5%”.

Theo ông Du, trong các đô thị tạm gọi là đối thủ cạnh tranh của TP.HCM thì tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại so với GRDP của Singapore cũng đã là 14% hay Thượng Hải, Bắc Kinh là khoảng 21%. Do đó, giảm 5% từ 235 xuống còn 18% thì nguy cơ TP.HCM sẽ tụt hậu rất xa.

“TP.HCM phát triển hơn nên “gánh” cho các vùng khác thì cũng gánh có mức độ vừa phải chứ không phải còng lưng “gánh” cho tất cả”, ông Du nhấn mạnh.

Theo TS Vũ Đình Ánh, việc điều chỉnh tỉ lệ ngân sách nhà nước được giữ lại ít nhất phải dựa trên hai căn cứ quan trọng: một là quy định về phân cấp ngân sách nhà nước, hai là kết quả phân tích cụ thể các nguồn thu, các nhiệm vụ chi ngân sách của TP.HCM.

“Phải làm rõ tính chất các khoản thu trên địa bàn của TP.HCM cũng như các khoản chi thì mới tính toán được. Về các khoản thu, cần xác định rõ đâu là khoản thu trực tiếp, gắn với kinh tế và nỗ lực của TP.HCM, đâu là khoản mà TP.HCM chỉ là đại diện thu.

Tương tự, trong các khoản chi, đâu là khoản chi trực tiếp để đầu tư, phát triển TP.HCM, đâu là khoản TP.HCM chi với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả vùng, của cả nước”, ông Ánh giải thích.

Theo VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MẠNH KHANG

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên