MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh trước giờ "G": 7 bộ vẫn đang “ỳ ạch”!

Chỉ còn 2 ngày là hết thời hạn rà soát, cắt giảm 50% về điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành vốn là rào cản đối với các doanh nghiệp khi gia nhập thị trường. Đến thời điểm này, tỉ lệ cắt giảm mới đạt 15,2% và có 14 bộ, ngành đang phải cắt giảm khoảng 2.690 thủ tục.

Với tiến độ triển khai chậm, nhiều khi mang tính “đối phó”, liệu các bộ, ngành có thực hiện đúng hạn thời gian mà Chính phủ yêu cầu?

Còn 2.693 điều kiện kinh doanh cần cắt giảm

Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Nghị quyết 01/NQ-CP ban hành ngày 1.1.2018, Thủ tướng yêu cầu tất cả các bộ, ngành rà soát các ĐKKD và KTCN, yêu cầu cắt giảm 50% trong số 5.905 ĐKKD. Hiện tại các bộ, ngành đã rà soát, cắt giảm được 900 ĐKKD, đạt tỉ lệ 15,2%.

Một số bộ đã vào cuộc mạnh mẽ, trong đó Bộ Xây dựng cắt giảm 85% ĐKKD, Bộ Công Thương cắt giảm 55% (675 ĐKKD)… Hiện tại, còn 2.690 ĐKKD đã có phương án tiếp tục cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể thuộc trách nhiệm 14 bộ, ngành.

Tuy nhiên, hiện có 7 bộ đang thực hiện rất “ỳ ạch”, chưa đảm bảo mục tiêu đề ra: GTVT (249 thủ tục cần cắt giảm), Tài chính (223 thủ tục), NNPTNT (171 thủ tục), GDĐT (121 thủ tục), TNMT (82 thủ tục)…

Để “ốp” các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ, ngày 13.7.2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 20/CT-TTg yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực chất việc cắt giảm ĐKKD và thủ tục KTCN, coi đây là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ thị cũng nêu trước 15.8.2018 phải ban hành theo thẩm quyền và trình Chính phủ ban hành các văn bản thực thi phương án cải cách chuyên ngành và cắt giảm ĐKKD.

Có về đích đúng hạn?

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Bộ GTVT đã rà soát, thống nhất cắt giảm 69/134 (chiếm 51,5%) số lượng sản phẩm phải KTCN trước khi thông quan. Trong lĩnh vực kiểm tra chất lượng xe cơ giới, xe máy chuyên dụng, cắt giảm 50/97 sản phẩm; lĩnh vực tàu biển: Cắt giảm 10/20 sản phẩm; lĩnh vực đường sắt: Cắt giảm 9/17 sản phẩm.

Bộ đã đề xuất đơn giản hóa theo hướng giảm thời gian giải quyết TTHC đối với 7/9 TTHC liên quan đến công tác KTCN (chiếm 77,78%); hiện tại các đơn vị liên quan đang tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa danh mục hàng hóa và thủ tục KTCN.

Trả lời PV Báo Lao Động, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết: Bộ NNPTNT đề xuất loại 152 nhóm hàng hóa, sản phẩm khỏi Danh mục hàng hóa KTCN thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ (chiếm 60,6% tổng số nhóm hàng phải KTCN hiện nay): Nhóm kiểm dịch, lược bỏ 37/53 nhóm; nhóm kiểm tra chất lượng: Lược bỏ 87/104 nhóm; nhóm kiểm tra ATTP: Lược bỏ 44/94 nhóm.

Trong nhóm sản phẩm phải KTCN, Bộ NNPTNT có 64 thủ tục hành chính, hiện Bộ NNPTNT đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 35 TTHC (đạt 54,6%). “Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các mũi phải khẩn trương thực hiện. Trong đó, Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, đã được bộ trình Chính phủ để lấy ý kiến thành viên Chính phủ để ban hành.

Còn một số vấn đề như một mặt hàng phải chịu sự kiểm tra của nhiều đơn vị sẽ được giao về một đầu mối kiểm tra...; bên cạnh đó một số vấn đề khác cũng đang được khẩn trương thực hiện và hoàn thành đúng hạn 15.8.

Riêng một số vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều đơn vị sẽ được thực hiện cuốn chiếu và hoàn thành trong tháng 8.2018” - bà Nguyễn Thị Kim Anh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NNPTNT) khẳng định.

Cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh trước giờ G: 7 bộ vẫn đang “ỳ ạch”! - Ảnh 1.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, ngành thuế cần cắt giảm mạnh mẽ các TTHC, đẩy mạnh hoạt động thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Được coi là bộ có tốc độ cải cách mạnh mẽ nhất, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục đơn giản hóa các TTHC, cắt giảm các ĐKKD. Trong buổi làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các cán bộ chủ chốt Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Từ năm 2016, bộ đã thực hiện những cải cách mạnh mẽ: Xóa bỏ 420/720 mã hàng phải kiểm tra trước thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, đạt tỉ lệ xóa bỏ tới 58,3%; cắt giảm và đơn giản hóa 183/508 TTHC, triển khai 154/298 dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3 và cấp độ 4 thông qua một Cổng thống nhất.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng vừa ký quyết định số 1408/QĐ-BCT ngày 27.4.2018 phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa một loạt các TTHC và điều kiện ĐTKD của Bộ Công Thương năm 2018 trên 10 lĩnh vực, trong đó có năng lượng, điện, quản lý cạnh tranh, tiêu chuẩn đo lường, xúc tiến thương mại, ATTP và xuất nhập khẩu... Đây là lần cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, điều kiện ĐTKD đầu tiên trong năm 2018 và được xem là “cuộc cách mạng lần thứ 3” trong lịch sử ngành công thương.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lý Ngọc Hưng - Giám đốc Cty TNHH Hưng Cúc - cho biết: Chúng tôi ủng hộ việc đẩy mạnh cắt giảm các ĐKKD hoặc KTCN. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông nghiệp việc này cần cân nhắc thận trọng, bởi liên quan đến đời sống, sức khỏe của người tiêu dùng hằng ngày. Nếu ĐKKD quá dễ dàng, những DN không đứng đắn sẽ làm bậy kiểu “hôm nay thành lập, làm ăn không đứng đắn bị dẹp, lại dễ dàng mở tiếp công ty khác” và cái vòng làm ăn thiếu trách nhiệm cứ tiếp diễn. Trong các thủ tục KTCN đối với chăn nuôi, trồng trọt, nông sản cũng vậy, cần quản lý chặt. Do vậy, việc cắt giảm các ĐKKD hay bỏ bớt KTCN cần cân nhắc kỹ.


Theo Khánh Vũ - Lan Hương

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên