MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cắt ngắn cây thập tự để di chuyển dễ dàng hơn, người đàn ông phải trả giá đắt vì hiểm họa khôn lường ngay trước mặt

07-08-2020 - 23:35 PM | Sống

Câu chuyện này là bài học cho tất cả chúng ta chứ không riêng gì một ai.

Đề văn đặc biệt dành cho học sinh lớp 12

Một giáo viên giao cho các em học sinh lớp 12 một đề văn, yêu cầu phát biểu suy nghĩ của bản thân sau khi xem một bức tranh có nội dung như sau:

Có một nhóm người đang cắm đầu đi, ai nấy đều cõng trên lưng một cây thập tự lớn, dài hơn cả chiều cao của mình. Họ đi rất vất vả.

Trong số những người đó, có một người bắt đầu nảy ra sáng kiến. Nhân lúc mọi người không để ý, anh ta lấy cưa để cưa đi một khúc ở đoạn cuối của cây thập tự. Chà, rõ ràng là nhẹ nhõm hơn nhiều.

Chẳng mấy chốc, anh ta đã vượt qua tất cả mọi người, tiến tới phía trước một cách nhanh chóng.

Con người khi đã tận hưởng lợi ích ở một phương diện nào đó, về sau sẽ hết lần này tới lần khác nảy sinh ý nghĩ sử dụng cách giống như vậy để theo đuổi và tìm kiếm lợi ích. Người này cũng không ngoại lệ.

Anh ta lại lấy cưa ra, cưa thêm một khúc nữa ở đoạn cuối của cây thập tự. Nhẹ đi biết bao. Anh ta đắc ý ngâm nga một khúc hát. Lúc này, anh ta đã bỏ xa những người khác đang ì ạch cõng theo cây thập tự ở phía sau.

Bỗng nhiên, phía trước xuất hiện một vực sâu. Những người cõng theo cây thập tự lúc này cũng đã dần tiến lại gần chỗ anh ta đứng.

Họ lần lượt bắc cây thập tự dài lên hai bờ của vực sâu kia và đi qua một cách dễ dàng. Lúc này, cây thập tự nặng nề khi nãy bỗng trở thành một nhịp cầu vô cùng hữu ích giúp mọi người có thể thuận lợi sang bờ bên kia.

 Cắt ngắn cây thập tự để di chuyển dễ dàng hơn, người đàn ông phải trả giá đắt vì hiểm họa khôn lường ngay trước mặt - Ảnh 1.

Họ ung dung vui vẻ đi qua được từ trên cây thập tự của mình, sang được bên kia vực sâu như mong muốn.

Chỉ còn một con người mưu lợi, có thừa mưu mẹo lại không thể làm được điều đó. Anh ta không thể bắc cây thập tự lên hai bờ vực sâu, bởi vì nó đã trở nên ngắn ngủn. Bởi thế mà anh ta đã bị kẹt lại mãi mãi ở bờ bên này của vực sâu...

Từ chuyện đề văn bàn chuyện nhân cách, cuộc đời

Người giáo viên cung cấp cho các em học sinh lớp 12 một đề văn như vậy, thực ra chính là cung cấp cho các em một cách nhìn nhận rất trực quan về cuộc đời.

Bao công sức phấn đấu, bao ngày quên ăn quên ngủ, vượt khổ vượt khó để tới được lớp 12, sức nặng của cây thập giá trên lưng mỗi lúc một nặng thêm nhiều lần.

Hàng trăm đề thi thử, hàng ngàn bài tập, hàng vạn phương pháp, liệu có em nào nảy ra suy nghĩ ăn gian không?

Chiếc cưa ở trong cơ thể, chiếc cưa ở ngoài cơ thể, những chiếc răng sắc nhọn của nó bất cứ lúc nào cũng có thể giúp các em cắt bớt đi vài phần của cây thập tự, để nó trở nên nhẹ nhàng hơn, để bản thân không phải chịu quá nhiều áp lực và khổ sở.

Nhưng vực sâu không chấp nhận một cây thập tự có nhược điểm, một cây thập tự không nguyên vẹn chỉ có thể dệt nên một ước mơ không hoàn chỉnh mà thôi, bởi vì nó không thể nối liền hai bờ của ước mơ.

Đâu chỉ học sinh lớp 12, con người có lúc nào, nơi nào mà đều không như vậy?

Trên hành trình mang tên đường đời, mỗi chúng ta đều phải cõng trên lưng rất nhiều cây thập tự khác nhau trong khi tiến về phía trước, có thể đó sẽ là việc học hành, là công việc của chúng ta...

Tuy nhiên, chính những trách nhiệm và nghĩa vụ này là thứ cấu thành nên giá trị và là lý do chúng ta tồn tại trên thế giới này.

 Cắt ngắn cây thập tự để di chuyển dễ dàng hơn, người đàn ông phải trả giá đắt vì hiểm họa khôn lường ngay trước mặt - Ảnh 2.

Khôn lỏi dù có thể khiến con người giảm bớt được gánh nặng tức thì, có thể giúp con người dễ dàng có được những tiếng vỗ tay tán thưởng nhưng nó lại là lựa chọn vô cùng ngu ngốc.

Bởi vì, vực sâu không xuất hiện ở ngày hôm nay, vực sâu thậm chí cũng có thể không xuất hiện vào ngày mai, vực sâu sẽ luôn lặng lẽ chặn ngang một hành trình nào đó phía trước mà chúng ta phải đi qua, chờ đợi cười nhạo chúng ta ngay thời điểm có người không vượt qua được.

Uống rượu độc giải khát, xẻo thịt vá vết thương, tự cho rằng mình thông minh nhưng hóa ra lại là ngu dốt, đó là những cụm từ người xưa nghĩ ra và truyền lại để cho người đời sau biết mà tránh.

Ấy vậy mà ngày nay, hẳn còn nhiều người vẫn đang phạm sai lầm, vẫn đang cố tình tìm đường tắt để đi cho nhanh, cuối cùng tự cắt mất đường sống của mình, chuốc họa vào thân.

Phải đến khi nào chúng ta mới có thể thực sự hiểu rõ rằng: "Đường tắt" thật ra là con đường xa nhất, tưởng khôn khéo nhưng thật ra lại là sự nông cạn chí mạng?

Theo Khánh An

Trí thức trẻ

Trở lên trên