Cắt tiền du lịch, hạn chế ăn ngoài sau khi mua nhà
Nhiều người trẻ đã thay đổi thói quen chi tiêu để cân bằng tài chính khi mua nhà.
- 05-01-2023Gia đình 4 người ở Hà Nội chi tiêu 15 triệu/ tháng, tiết kiệm nửa lương để mua nhà
- 04-01-2023Có nên chờ tiết kiệm đủ tiền rồi mới mua nhà?
- 04-01-2023Từ người vô gia cư phải ngủ trên ghế công viên đến triệu phú đô la, mua nhà tặng từng thành viên trong gia đình
Nhiều người trẻ đã thay đổi thói quen chi tiêu sau khi mua nhà, đặc biệt trong quá trình trả nợ khi bỏ ra một số tiền rất lớn để sở hữu không gian sống cho riêng mình.
Không chi tiêu tự thưởng, nỗ lực tăng thu nhập
Minh Hằng, 31 tuổi, hiện là nhân viên văn phòng và kinh doanh trực tuyến, vừa cùng chồng chuyển sang căn hộ 125m2 ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Giá mua căn hộ 8,8 tỷ đồng, chi phí cải tạo và nội thất là 1,5 tỷ, tổng số tiền bỏ ra mua nhà là 10,3 tỷ.
Đây là một con số không hề nhỏ, dù được gia đình hai bên hỗ trợ cũng như có tiền tiết kiệm riêng, gia đình Minh Hằng vẫn phải thay đổi một số thói quen chi tiêu khi mua nhà. Trước đây vợ chồng cô rất thích đi du lịch, thường thì 1-2/tháng lại đi đâu đó vài ngày để giải tỏa áp lực, song khi lên kế hoạch mua nhà, khoản này liền phải cắt bỏ.
Chi tiêu hàng tháng cũng phải thay đổi, thay vì ra ngoài ăn, cô sẽ nấu ăn ở nhà. Quần áo, giày dép, túi xách, đồ linh tinh theo sở thích… cắt giảm hết cả 2 vợ chồng, riêng phần em bé, Minh Hằng giữ nguyên không cắt giảm vì vẫn muốn dành mọi thứ tốt nhất cho con. Những khoản chi tiêu chưa cần thiết cô sẽ để lại, khi nào thực sự cần mới chi, hạn chế tối đa nhất có thể.
Căn nhà mới của gia đình Minh Hằng
Cũng giống như Minh Hằng, sau khi vay nợ 50% mua căn nhà gần 5 tỷ ở TP Hồ Chí Minh, gia đình Tú Uyên (27 tuổi) đã có rất nhiều sự thay đổi trong chi tiêu. Hiện nay, vợ chồng cô không dám chi tiêu cho nhu cầu ăn chơi. "Hơn thế nữa, mình từng là một người nghiện mua sắm trực tuyến, giờ đây cũng hạn chế không còn lướt các trang thương mại điện tử hay mạng xã hội mua đồ như trước nữa. Mình tiết kiệm phần lớn tiền để mua những đồ dùng cần thiết trong nhà mới như bếp, tủ lạnh, chén bát. Nhu cầu làm đẹp, dưỡng da, quần áo tạm gác hết lại".
Thiết kế nhà xinh xăn của Tú Uyên
Bên cạnh đó, cũng có nhiều bạn trẻ lựa chọn gia tăng thu nhập để có thể nhanh chóng trả nợ. "Muốn mua nhà thì phải có khả năng tài chính phù hợp và vững mạnh. Để có nguồn thu nhập ổn định cần phải lao động và nỗ lực kiếm tiền. Làm việc càng nhiều, nỗ lực càng lớn, mức độ cống hiến càng cao cho công việc, tổ chức, mỗi cá nhân sẽ gặt hái được thành quả, sớm hay muộn còn phụ thuộc đôi phần vào yếu tố may mắn. Nhưng mình tin chắc để mua nhà không phải điều gì quá khó trong thời điểm hiện tại, miễn là bạn có bài toán tài chính phù hợp", quan điểm của Phi Hùng (29 tuổi) mua căn hộ hơn 3 tỷ và vay nợ 200 triệu đồng.
Phi Hùng
Song, một số người vẫn giữ thói quen chi tiêu cũ sau khi mua nhà
Thương Nguyễn (sinh năm 1989) vừa mua căn hộ 61,5m2 ở Nam Từ Liêm chia sẻ rằng gia đình không thay đổi cách chi tiêu trong quá trình mua nhà. "Bình thường nhà mình cũng không có thói quen tiêu hoang hay tiết kiệm quá, mình chi tiêu bình thường, thấy hợp lý và đủ. Do vậy, giai đoạn đó mình không nghĩ đến việc này mà cuộc sống vẫn diễn ra bình thường. Song, mình nghĩ nên thay đổi lại cách chi tiêu hợp lý hơn nữa vì không chỉ giai đoạn mua nhà mà cả ngay bây giờ, cần có kiến thức về quản lý tài chính".
Thương Nguyễn
Đồng quan điểm với Thương Nguyễn, Ngọc (30 tuổi), mua căn nhà đầu tiên diện tích sàn là 25-27m2, xây lên 1 trệt 2 lầu, tổng giá trị nhà sau khi hoàn thành là 4 tỷ đồng, cô đi vay hơn 1 tỷ đồng. Theo Ngọc, trước đây cô đã đặt ra có quy định trong chi tiêu cá nhân. Phần trước đó, Ngọc tích lũy hàng tháng trong tài khoản tiết kiệm, bây giờ dùng để trả tiền vay ngân hàng. Cô có một nguyên tắc, tiền về đầu tháng là cứ trích ra trước 20 triệu để dành vào tài khoản khác. Sau đó thanh toán các chi phí sinh hoạt thiết yếu như điện nước ăn uống cưới hỏi. Cuối tháng còn dư được bao nhiêu có thể đi mua sắm hoặc du lịch như một cách "tự thưởng".
Ngọc
Ảnh: NVCC
Phụ nữ Việt Nam