Cậu bé đánh giày trên phố Wall: Tin đồn và những câu chuyện truyền miệng có thể điều hành cả thị trường như thế nào?
Những câu chuyện này ảnh hưởng khá lớn đến cách hành xử, đến các quyết định tuyển dụng hay sa thải, mua hay bán, chi tiêu hay tiết kiệm. Chính những quyết định mang tính cá nhân này khi tích tụ lại sẽ khiến thị trường chuyển động cũng như điều chỉnh chu kỳ kinh doanh.
- 24-09-2019Tiền trực thăng - học thuyết kinh tế rủi ro và từng bị coi thường giờ lại trở thành một ý tưởng hay ho
- 03-09-2019Vì sao Đại học Harvard "giàu" hơn 109 nền kinh tế trên thế giới?
- 07-06-2018Nhà kinh tế học đưa ra nghiên cứu cho thấy nước Đức sẽ vô địch World Cup 2018
Cậu bé đánh giày trên phố Wall là câu chuyện phổ biến mà hầu như ai cũng biết. Năm 1929, Joseph Kennedy nảy ra 1 ý tưởng khi đang ngồi chờ đánh giày. Sau khi nghe cậu bé đánh giày đưa ra lời khuyên về lựa chọn cổ phiếu, ông nhận ra rằng thị trường chứng khoán sắp vỡ tung. Ngay lập tức Kennedy bán ra tất cả số cổ phiếu đang nắm giữ và vào vị thế bán khống, đặt cược rằng thị trường sẽ sụp đổ. Khi dự đoán của ông trở thành hiện thực tháng 10 năm đó, ông thắng lớn.
Trong cuốn sách mới xuất bản có tựa đề "Narrative Economics" (tạm dịch: Kinh tế học kể chuyện", tác giả từng đạt giải Nobel kinh tế Robert Shiller đưa ra câu chuyện nói trên để lấy ví dụ về việc một câu chuyện được lan truyền có thể trở thành một phần của những câu châm ngôn dân gian như thế nào.
Thực tế là 1 câu chuyện không cần phải chính xác mới có thể lan truyền. Shiller đã tìm kiếm nhiều bài báo cũ trong giai đoạn đó, nhưng không hề có bất cứ chứng cứ nào được ghi lại. Ông chỉ tìm thấy 1 câu chuyện tương tự đăng trên tờ Minneapolis Morning Tribune. Bài báo này nói rằng thị trường chứng khoán có thể vẫn chưa đạt đỉnh bởi vì "chúng ta không nghe thấy những cô hầu phòng và những anh đánh giày tìm kiếm vận may trên thị trường chứng khoán". Bài báo này được xuất bản năm 1915.
Dù nguồn gốc của câu chuyện là gì, thì theo Shiller, điểm mấu chốt là câu chuyện đó như thế nào và tại sao nó lại được lan truyền. Những câu chuyện này ảnh hưởng khá lớn đến cách hành xử, đến các quyết định tuyển dụng hay sa thải, mua hay bán, chi tiêu hay tiết kiệm. Chính những quyết định mang tính cá nhân này khi tích tụ lại sẽ khiến thị trường chuyển động cũng như điều chỉnh chu kỳ kinh doanh. Những yếu tố cơ bản như giá và lợi nhuận chỉ là một phần. Những câu chuyện truyền miệng cũng đóng vai trò quan trọng không kém.
Để có được tầm ảnh hưởng lớn như vậy, đầu tiên những câu chuyện kinh tế phải được lan truyền rộng rãi. Thông thường sẽ trải qua hai giai đoạn: ngày càng có nhiều người biết đến câu chuyện và thông tin lan truyền chóng mặt, sau đó là đến giai đoạn công chúng mất dần hứng thú và câu chuyện rơi vào quên lãng.
Những câu chuyện phổ biến nhất sẽ điều chỉnh các chu kỳ lên xuống của nền kinh tế. Các câu chuyện này đều có một số đặc điểm chung: đơn giản hóa quá mức những gì diễn ra trên thực tế và rất hấp dẫn. Thành công của chúng có thể đến từ "những người loan tin siêu đẳng", ví dụ như 1 người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Thị trường chứng khoán bùng nổ trong những năm 1990 nhờ một loạt câu chuyện được lan truyền về chiến thắng của chủ nghĩa tư bản, sự trỗi dậy của internet, lạm phát giảm...
Một số câu chuyện lây lan mạnh nhất chỉ là phiên bản mới hơn và bền vững hơn những câu chuyện cũ. Đằng sau mỗi đợt sốt bất động sản đều là những câu chuyện không bao giờ tắt về sự khan hiếm đất đai. Cơn sốt bất động sản trên toàn cầu mà đã dẫn đến Đại khủng hoảng 2007-09 được thổi bùng lên một phần nhờ những câu chuyện thuyết phục mọi người rằng ngôi nhà của họ sẽ là 1 khoản đầu cơ đáng giá khi đất đai trở nên khan hiếm.
Theo Shiller, để những câu chuyện trở nên đúng đắn thì cần phải có các dữ liệu chất lượng cao, cần thực hiện các cuộc khảo sát thường xuyên để thuyết phục mọi người điều chỉnh các quyết định kinh tế của bản thân. Tuy nhiên, ngay cả việc diễn giải và hiểu đúng và các số liệu tốt cũng không hề dễ dàng. Các câu chuyện truyền miệng thường bị các nhà kinh tế học lờ đi vì chúng kết nối quá nhiều sự kiện phức tạp và biến đổi khôn lường.
Ngày nay, chúng ta đang nghe thấy những câu chuyện kinh tế không mấy vui vẻ. Khảo sát được Bank of America thực hiện hàng tháng cho thấy 40% các nhà quản lý quỹ dự đoán kinh tế thế giới sẽ suy thoái vào năm sau. Một tỷ lệ tương tự nghĩ rằng tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không bao giờ được giải quyết thỏa đáng. Ngoài chiến tranh thương mại, các nhà quản lý liệt kê sự bất lực của các NHTW và bong bóng trên thị trường trái phiếu là những mối lo ngại lớn nhất.
Nhìn vào những thông điệp này, kết hợp với các khảo sát ảm đạm về niềm tin kinh doanh trên toàn thế giới, có thể bạn sẽ quyết định lùi 1 bước để chuẩn bị cho cơn bão sắp tới. Tuy nhiên kể cả khi đã làm như vậy, bạn vẫn sẽ phiền não vì bị ám ảnh bởi nỗi hoài nghi thường trực. Kết thúc thường thấy của 1 chu kỳ, khi các công ty đưa ra những quyết định đầu tư mù quáng và những nhà đầu tư non nớt đổ xô vào các tài sản đầu cơ, vẫn chưa xuất hiện. Trong câu chuyện này không có cô hầu phòng và anh thợ đánh giày.