Cậu bé móc giun, nhặt rác trên dòng kênh đen Nhiêu Lộc thành Tiến sĩ kinh tế, người Việt đầu tiên xuất khẩu máy bay không người lái sang Mỹ
Thuở nhỏ, ước mơ lớn nhất của Lương Việt Quốc là sau này đi làm chủ để ăn no tùy thích, không cần lương. Giờ đây, ông là người đứng sau công ty chế tạo Hera - máy bay không người lái Made in Vietnam đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ.
- 31-12-2023Đại gia Lào đứng sau DN muốn làm Nhà máy chế biến bột giấy và giấy gần 22.000 tỷ tại Bình Định: Từng hợp tác với T&T, VinFast
- 31-12-2023Từng có tham vọng là DN đầu tiên làm mô hình 'từ trang trại đến bàn ăn mà có đủ sản phẩm', HAGL chuẩn bị thoái vốn khỏi chuỗi bán thịt heo ăn chuối
Năm 2002, câu chuyện về Lương Việt Quốc - chàng trai lớn lên bên dòng kênh đen Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nơi anh gọi là "xóm nghèo dưới đáy xã hội", trúng tuyển học bổng Fulbright (Mỹ) đã khiến nhiều người ngạc nhiên và khâm phục. Khi ấy, Lương Việt Quốc vượt qua gần 600 ứng viên để trở thành một trong 26 người Việt Nam nhận được suất học bổng này. Hai năm sau, anh nhận tấm bằng thạc sĩ hạng xuất sắc của Đại học Cornell (trường xếp hạng top 10 của Mỹ) với thành tích 11 môn của hai năm học đều đạt điểm A, điểm trung bình tốt nghiệp 4.0 (điểm xếp hạng cao nhất).
Đến năm 2022, nhân vật này lại một lần nữa gây nhiều chú ý khi là người đứng sau thiết bị bay không người lái (drone) duy nhất trên thế giới nhỏ gọn, vừa vặn để mang trong ba lô cá nhân nhưng nâng được 15 kg và cũng đủ không gian mang cùng lúc 4 tải (thiết bị). Chiếc drone được làm ra từ "100% trí tuệ Việt" đã được xuất khẩu sang Mỹ, giúp Tiến sĩ Lương Việt Quốc trở thành người Việt đầu tiên làm được điều này.
Tuổi thơ nhặt rác trên dòng kênh đen, đào giun đêm kiếm sống
Tiến sĩ Lương Việt Quốc sinh ra trong một gia đình có 9 anh chị em, cùng sống dưới mái chòi rách chỉ rộng vỏn vẹn 10m2 nằm trên nhánh rạch của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ông hồi tưởng lại thời thơ ấu lam lũ trong một bài phỏng vấn với Vietnamnet: "Bây giờ đã có nhiều thay đổi, nhưng trước đây, đó là xóm nghèo dưới đáy xã hội với nạn trộm cắp, xì ke... Nhiều gia đình mưu sinh bằng nghề trộm cắp. Cuộc sống khiến họ phải vậy.
12 tuổi, tôi nhặt rác kiếm sống trên dòng nước đen đó. 13 tuổi, tôi bán chanh, ớt kiếm tiền. 15 tuổi, tôi móc giun chỉ dưới lòng kênh để bán cho các tiệm nuôi cá cảnh. Có những đêm dầm nước móc giun 5-6 tiếng, bán giun chỉ đủ tiền mua được 1kg gạo".
Với Lương Việt Quốc, việc nhịn đói 1-2 ngày đã trở thành chuyện bình thường, đến nỗi thời đó, ước mơ lớn nhất của ông là sau này đi làm chủ sẽ cho mình ăn no tùy thích, không cần lương.
Tuy nhiên, cuộc đời tăm tối của cậu bé nơi xóm nghèo đã tìm được ánh sáng nhờ giáo dục. Sau khi hoàn thành chương trình lớp 12, Lương Việt Quốc không đỗ đại học. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục theo đuổi con đường học vấn tại trường Trung học Tài chính TP.HCM, rồi học tiếp lên hệ đại học tại chức. Ông học thêm cả tiếng Anh và đạt 660/677 điểm TOEFL.
Sau khi trúng tuyển học bổng Fulbright và hoàn thành bậc học Thạc sĩ tại Mỹ, Lương Việt Quốc tiếp tục được tám trường đại học tổ chức hàng đầu về đào tạo kinh tế nông nghiệp của Mỹ chấp nhận cấp học bổng đào tạo tiến sĩ, gồm Đại học Cornell, Berkeley, US Davis, Maryland, Wisconsin, Purdue, Minnesota, East - West Center. Trong đó Maryland đã hai lần gửi thư để nâng mức học bổng từ 30.040 USD/năm lên 37.168 USD/năm.
Sau khi lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học California, Berkeley, ông dành thời gian sống và làm việc tại Silicon Valley. Đến năm 2014, Lương Việt Quốc thành lập Realtime Robotics Inc, đặt trụ sở tại San Francisco (Bay Area, Mỹ). Ba năm sau đó, ông trở về Việt Nam để xây dựng đội ngũ kỹ sư 100% người Việt, cũng là người Việt đầu tiên được cấp phép sản xuất drone.
Đưa "chất xám" của người Việt cất cánh
Cũng như nhiều nhà khởi nghiệp khác, ông gặp khó khăn trong việc gọi vốn ở giai đoạn đầu. Ông có nhà đầu tư thiên thần, đã rót 4 triệu USD từ khi Realtime Robotics Inc mới thành lập năm 2014. Bản thân nhà sáng lập cũng phải bán nhà để nuôi startup.
Tiến sĩ Lương Việt Quốc mất 6 năm để tạo ra chiếc drone đầu tiên theo ý mình. Công ty đã tiêu hết hơn 100 tỷ đồng nhưng theo nhà sáng lập, nếu ở Mỹ, chi phí có thể cao gấp 10-20 lần.
Tên tuổi của Realtime Robotics Inc bắt đầu được biết đến nhiều hơn sau khi ra mắt chiếc drone có tên Hera. Tỷ lệ mà công ty tự thiết kế và tự chế tạo lên đến 90%. Điều đặc biệt của thiết bị bay không người lái Hera là vừa nhỏ gọn, vừa tối ưu hơn các dòng drone khác trong một số công việc, như công tác quân sự, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, với công suất quét tìm gấp đôi, mang tải nặng, có thể thả đồ tiếp tế, phao cứu sinh ngay khi tìm thấy nạn nhân, thay vì phải đợi lực lượng cứu hộ tìm được vị trí.
Theo đó, Hera có thể bỏ vào trong ba lô để một người mang, nhưng lại có thể nâng được tải tới 15 kg. Hơn thế nữa, chiếc drone này còn có thể mang được 4 tải cùng lúc, với mỗi tải có tầm quan sát 360 độ, đảm bảo sự minh bạch và an ninh dữ liệu.
Tháng 9/2022, Realtime Robotics Inc xuất khẩu lô hàng đầu tiên cho RMUS - một nhà phân phối drone chuyên nghiệp của Mỹ, gồm 10 sản phẩm (hệ thống) có giá trị nửa triệu USD. RMUS niêm yết Hera với giá 58.000 USD/chiếc, trong khi các sản phẩm cùng loại đang có giá khoảng 30.000 USD/chiếc. Ngoài ra, chiếc drone này còn được Công ty Valmont Industries - sở hữu một phần lưới điện ở Mỹ dùng để kiểm tra đường điện cao thế.
Tháng 9/2023, hãng tin Sputnik (Nga) đưa tin về chiếc drone HERA vừa hoàn thành chuyến bay thực chứng trong việc cứu hộ cứu nạn ở Đức, "thể hiện đẳng cấp" trên bầu trời đất nước 84 triệu dân. Hera mang camera quang và camera nhiệt, cộng thêm 2 chai nước (1,5 lít) và 3 túi chứa vật cứu thương và cứu hộ, cất cánh. Nó lượn vòng trên bầu trời xanh trong ở vùng Bavaria, lên đến độ cao 220m, tự động tìm thấy khói từ đám cháy sau đó hạ độ cao để tiếp cận mục tiêu cần cứu hộ và thả toàn bộ nước uống cũng như vật dụng cứu thương cho người cần cứu hộ nhanh chóng và chính xác. Giây phút Hera chạm đất sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, nó đã nhận được tràng pháo tay và sự tán thưởng nồng nhiệt từ những người dự khán, cũng như các chuyên gia có mặt.
Tại Việt Nam, khách hàng đầu tiên sử dụng Hera là Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an).
Công ty cũng đã giới thiệu sản phẩm tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 lần đầu tiên được tổ chức ở Hà Nội, hướng tới thị trường Việt trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, nông nghiệ. Ngoài Hera, Tiến sĩ Lương Việt Quốc cùng đội ngũ đã và đang phát triển các dòng drone tối ưu cho nông nghiệp Việt Nam, giúp phát hiện sâu, bệnh, hỗ trợ phun thuốc, bổ sung dinh dưỡng cây trồng.
An ninh tiền tệ