MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu chuyện bầy đàn của loài chuột Lemming và bài học kinh điển trong đầu tư chứng khoán

Một trong những lý do chính khiến nhiều nhà đầu tư thất bại trong việc tìm kiếm các khoản đầu tư tuyệt vời là vì một điều mà tôi gọi là hiệu ứng Lemming. Hiệu ứng Lemming xảy ra khi một nhà đầu tư mua theo những nhà đầu tư khác.

Nhân dịp xuân Canh Tý 2020, chúng tôi xin trích lược một phần của cuốn sách "Dạy con làm giàu" của Tác giả Robert Kiyosaki để nói về cạm bẫy nhà đầu tư thường mắc phải khi tham gia đầu tư chứng khoán.

Cuộc đời và cái chết của loài chuột Lemming

Khi tôi còn học tiểu học, thầy giáo có cho cả lớp xem một đoạn phim về vòng đời của chuột Lemming. Cả lớp rất thích thú khi xem cảnh chuột mẹ Lemming hạ sinh những con chuột con Lemming bé xíu. Chúng tôi cười rúc rích khi xem những sinh vật lông tơ mịn màng dễ thương này chơi đùa và lớn lên. Thế nhưng bỗng nhiên, tất cả chúng tôi đều giật mình kinh ngạc khi đoạn phim chuyển sang hàng ngàn con chuột Lemming này đã trưởng thành lại ồ ạt nhảy từ vách đã xuống biển, bơi đến mệt lử rồi chết.

Từ năm 1995 đến năm 2003, hàng triệu nhà đầu tư đã hành động y như loài chuột Lemming. Nhưng thay vì mất mạng, rất nhiều người đã mất trắng khoản tiền dành dụm cả đời mình. Vì sao vậy? Như mọi khi, có nhiều lý do.

Một trong những lý do đó là vì các nhà đầu tư này đã mù quáng làm theo xu hướng của số đông, làm những điều mà người khác làm chứ không phải những điều có lợi cho mình. Năm 1995, khi thị trường chứng khoán bắt đầu nóng lên, những chú chuột Lemming này bắt đầu thò đầu ra khỏi hang. Khi thấy bạn bè xung quanh giàu lên và không muốn bỏ qua dịp này, nhiều chú chuột Lemming khác cũng rời hang an toàn của mình để chạy theo bầy đàn, nhảy từ vách đá vào thị trường chứng khoán nóng bỏng nhất trong lịch sử.

Chuyện gì đã xảy ra với những chú chuột Lemming không nhảy xuống biển?

Dĩ nhiên, không phải chú chuột Lemming nào cũng nhảy từ vách đá xuống đại dương thị trường chứng khoán trong thời gian 1995 đến 2000. Có nhiều chú chuột nhận ra thị trường sắp sụt giá đã nhảy sang bất động sản và trái phiếu khi lãi suất ngân hàng giảm xuống. Một lần nữa, những chú chuột Lemming này lại làm theo đám đông.

Khi lãi suất ngân hàng giảm xuống vào khoảng năm 2000 đến 2003, hàng triệu nhà đầu tư đã rời thị trường chứng khoán để tìm kiếm một nơi an toàn - họ bắt đầu đầu tư vào bất động sản và trái phiếu vào một thời điểm cực kì tồi tệ.

Đó là thời điểm cực kì tồi tệ bởi vì những người khác cũng đang đầu tư vào đó - điều đó biến bất động sản, trái phiếu trở thành những khoản đầu tư đầy rủi ro chứ không an toàn như trước nữa. Đầu tư vào trái phiếu lại càng rủi ro hơn bởi vì lãi suất ngân hàng đang giảm xuống. Dù lãi suất và lợi tức trái phiếu giảm xuống nhưng các nhà đầu tư vẫn tiếp tục đổ tiền vào đó. Xét về khía cạnh tài chính, mua trái phiếu khi lãi suất đang giảm cũng chẳng khác gì mua cổ phiếu khi giá cổ phiếu đang tăng.

Cũng thời điểm đó, khi lãi suất ngân hàng giảm xuống thì giá bất động sản lại tăng lên. Khi giá bất động sản tăng lên lại càng có nhiều nhà đầu tư bỏ tiền vào bất động sản, và như vậy, bất động sản cũng trở thành một mối đầu tư đầy rủi ro.

Thời điểm đầu tư tồi tệ nhất

Trong giới đầu tư có một câu nói đùa nhưng có phần rất đúng: "Khi các tài xế taxi và những em bé đánh giầy bắt đầu đầu tư thì đó là lúc nên rời khỏi thị trường". Người cha giàu thường nói: "Thời điểm đầu tư tồi tệ nhất là khi thị trường đang tăng giá".

Thay vì dạy chúng tôi chạy theo những xu hướng đầu tư hấp dẫn. Người cha giàu lại dạy chúng tôi bán các khoản đầu tư tệ hại đi khi thị trường gia cao và mua những khoản đầu tư giá trị khi thị trường giá thấp. Ông nói: "Thời điểm tốt nhất để loại bỏ những tài sản không hiệu quả trong danh mục đầu tư của mình là khi thị trường đang tăng giá và những tay nghiệp dư nhảy vào thị trường tìm mua".

Tìm kiếm một khoản đầu tư

Một trong những lý do chính khiến nhiều nhà đầu tư thất bại trong việc tìm kiếm các khoản đầu tư tuyệt vời là vì một điều mà tôi gọi là hiệu ứng Lemming. Hiệu ứng Lemming xảy ra khi một nhà đầu tư mua theo những nhà đầu tư khác.

Trong nhiều ấn phẩm tài chính, bạn có thể thấy những mẩu quảng cáo tự xưng là: "Quỹ tương hỗ số 1 năm 2002", hay "36% lợi nhuận trong vòng 5 năm", hay "Xếp hạng 5 sao". Chính những mẩu quảng cáo như thế đã lôi kéo được nhiều chú chuột Lemming. Nhìn chung, nếu đó là sự thật, nếu một quỹ tương hỗ được xếp hạng nhất hay đem đến cho bạn 36% lợi nhuận trong vòng 5 năm thì có nghĩa là mọi chuyện cũng sắp kết thúc rồi.

Trong lĩnh vực bất động sản, những chú chuột Lemming bị thu hút khi nghe nói bạn bè hay một người quen nào đó mua một bất động sản với giá 125.000 đôla rồi bán nó đi với giá 165.000 đôla chỉ trong vòng 3 tháng. Như Người cha giàu thường nói: "Những chuyện kể về sự thành công đưa những tay mơ đến với thị trường".

Bài học kinh nghiệm

Người cha giàu nói: "Cơ hội sẽ trở lại vì người ta thường hay mắc sai lầm cũ". Ông cũng nói rằng: "Một trong những cách tìm ra các khoản đầu tư tuyệt vời là hãy trở thành một chuyên gia về những sai lầm đầu tư khác". Và một trong những sai lầm thông thường nhất là người ta thường hành động như những chú chuột Lemming khi thị trường nóng lên. Hay nói cách khác, khi một thị trường đã nóng lên đến mức mọi người đều biết thì đã quá trễ rồi, đừng hành động như một chú chuột Lemming.

Tuy điều này nghe có vẻ dễ dàng và hợp lý nhưng khi đứng nhìn tất cả những người khác nhảy khỏi vách đá thì bạn rất khó lòng không nhảy theo họ. Một sai lầm chủ yếu mà mọi người thường mắc phải là đầu tư vào những gì quá phổ biến. Những năm 1995 - 2000, những khoản đầu tư phổ biến nhất chính là quỹ tương hỗ và trái phiếu. Lẽ ra sự phổ biến thất thường này chính là một dấu hiệu cảnh báo không nên đầu tư, thế nhưng người ta vẫn đổ xô bỏ tiền vào đó.

Hãy nhắc lại câu nói của Warren Buffett: "Không thể thu được nhiều lợi nhuận nếu chỉ mua những gì mà mọi người đổ xô đi mua".

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên