MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu chuyện có thật về "cậu bé rừng xanh" được bầy sói nuôi dưỡng trong 12 năm và cuộc sống sau khi tái hòa nhập cộng đồng con người

27-12-2020 - 16:29 PM | Sống

Câu chuyện có thật về "cậu bé rừng xanh" được bầy sói nuôi dưỡng trong 12 năm và cuộc sống sau khi tái hòa nhập cộng đồng con người

Một cậu bé người Tây Ban Nha đã được một bầy sói nuôi dưỡng từ năm lên 7 tuổi trong suốt 12 năm.

Marcos Rodriguez Pantoja sinh ra tại thành phố Cordoba, miền Nam Tây Ban Nha vào năm 1946. Năm lên 3 tuổi, cậu mất mẹ và phải lớn lên cùng người cha nghiện rượu và thường xuyên bạo hành, đánh đập cậu mỗi khi cậu cất tiếng khóc.

Hai năm sau khi mẹ Marcos qua đời, cha cậu tái hôn. Cuộc sống giữa mẹ kế và con riêng của chồng không bao giờ "cơm lành canh ngọt" và tất nhiên mẹ kế không bao giờ yêu thương cậu. Thậm chí, bà còn bắt cha cậu bán cậu cho người khác.

Câu chuyện có thật về cậu bé rừng xanh được bầy sói nuôi dưỡng trong 12 năm và cuộc sống sau khi tái hòa nhập cộng đồng con người - Ảnh 1.

Cảnh trong phim Entre Lobos (tạm dịch: Giữa bầy sói).

Vì vậy, khi mới 4 tuổi, Marcos đã bị bán cho một người chăn dê ở vùng núi Sierra Morena. May mắn rằng người chăn dê đã đối xử rất tử tế với Marcos, khiến cậu bé có một cuộc sống bớt đau khổ hơn.

Người chăn dê cũng đã dạy cho cậu rất nhiều kĩ năng để sống ở vùng núi hoang dã như cách thu thập thức ăn, bẫy chim sẻ và thỏ bằng que và lá. Ông cũng dạy cho cậu về những gì cậu có thể ăn được. Marcos cũng bắt đầu có mối quan hệ đặc biệt với một số loài động vật sống quanh ngôi nhà trên núi của mình.

Thật không may, 2 năm sau đó người chăn dê qua đời và Marcos chỉ còn lại một mình sống trong ngôi nhà trên núi. Trong một lần đi khám phá những ngọn núi và hang động, Marcos phát hiện ra một con sói con.

Cậu bắt đầu chơi với con sói con và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Cậu tỉnh dậy khi con sói mẹ trở về cùng thức ăn. Ban đầu, sói mẹ gầm gừ và tỏ ra cảnh giác với Marcos. Sau khi đàn sói con đã ăn no, sói mẹ lại gần Marcos và liếm lên người cậu. Hành động này có thể hiểu được rằng cậu đã trở thành một thành viên trong đàn.

Câu chuyện có thật về cậu bé rừng xanh được bầy sói nuôi dưỡng trong 12 năm và cuộc sống sau khi tái hòa nhập cộng đồng con người - Ảnh 2.

Kể từ đó, Marcos dần hòa nhập với đàn sói bằng những kĩ năng sống sót nơi hoang dã cậu đã học được từ người chăn dê. Marcos ngủ và chơi cùng bầy sói. Cậu cũng ăn các loại quả mọng và nấm ở trong rừng để tồn tại.

Vào mùa đông, Marcos trú ẩn trong những thân cây rỗng ở trong rừng và được bầy sói bảo vệ khỏi dơi, rắn và các loài động vật nguy hiểm khác. Và mùa hè, Marcos vô tư chơi đùa cùng bầy sói con bằng cách chạy quanh rừng hoặc lăn lộn trong bụi đất.

Sau tất cả những đau khổ đã trải qua khi còn rất nhỏ, Marcos dường như cảm thấy hạnh phúc và vui thích khi được sống cùng bầy sói. Có lẽ là chỉ có khi ở cùng với đàn sói, cậu mới cảm nhận được tình yêu thương.

Câu chuyện có thật về cậu bé rừng xanh được bầy sói nuôi dưỡng trong 12 năm và cuộc sống sau khi tái hòa nhập cộng đồng con người - Ảnh 3.

Nhưng mọi thứ không dừng lại ở đó, đến năm 19 tuổi, Marcos được "giải cứu" khỏi vùng hoang dã. Trong một buổi truy lùng tội phạm trốn trong rừng, cảnh sát đã phát hiện ra "cậu bé rừng xanh" Marcos và quyết định đưa cậu trở về cuộc sống con người.

Do đã 12 năm không tương tác với con người, Marcos hầu như quên tiếng người và cách nói chuyện. Khi đó, Marcos chỉ phát ra những tiếng gào rú giống như bầy sói của mình.

Các dịch vụ xã hội của Tây Ban Nha đã giúp Marcos hòa nhập lại với xã hội. Anh bắt đầu kiếm được tiền để sinh sống qua ngày nhờ một công việc trong lĩnh vực xây dựng. Marcos từng mô tả trải nghiệm làm việc với con người là một trải nghiệm khủng khiếp bởi anh luôn cảm thấy rằng mọi người, đặc biệt là ông chủ của anh đang lợi dụng anh.

Sau những gì đã trải qua, Marcos không hề mong muốn được trở lại xã hội loài người. Vì vậy, anh không bao giờ đặt niềm tin của mình vào bất cứ ai. Theo các nhà nghiên cứu tâm lý học, điều này có thể là một vấn đề liên quan đến sự bất an mà anh phải đối mặt liên tục khi còn quá nhỏ.

Marcos đã phải vật lộn với việc quản lý tài chính và theo nhiều cách, anh luôn đấu tranh với nền văn hóa hiện đại. Những năm tháng sống hoàn toàn tách biệt với con người của Marcos đã khiến mọi thứ trở nên khó khăn với anh.

Câu chuyện có thật về cậu bé rừng xanh được bầy sói nuôi dưỡng trong 12 năm và cuộc sống sau khi tái hòa nhập cộng đồng con người - Ảnh 4.

Sau 30 năm cố gắng làm quen với cuộc sống của con người, Marcos cảm thấy vô cùng chán nản vì không thể thích nghi được. Vì vậy, Marcos bỏ việc và quay trở lại khu rừng mà bầy sói đã từng nuôi nấng anh.

Thế nhưng, những gì mà anh nhìn thấy không chỉ khiến anh ngạc nhiên mà còn khiến anh sợ hãi, suy sụp. Nơi anh trải qua phần lớn tuổi thơ và tuổi thiếu niên giờ đây đã bị đô thị hóa bởi con người, với những ngôi nhà gỗ và hàng rào điện xung quanh.

Sau này, Marcos cố gắng hòa nhập trở lại với các bầy sói khác, nhưng không có bầy sói nào chào đón anh như một thành viên trong đàn. Đối với chúng, Marcos giờ đây là một con người, cũng có nghĩa là một kẻ thù tiềm tàng của chúng.

Câu chuyện có thật về cậu bé rừng xanh được bầy sói nuôi dưỡng trong 12 năm và cuộc sống sau khi tái hòa nhập cộng đồng con người - Ảnh 5.

Marcos Rodriguez giờ đây đã 74 tuổi và vẫn đang cố gắng thích nghi với lối sống con người. Ông tìm thấy niềm vui vào năm 2010 khi được cộng tác với nhiều tổ chức bảo vệ động vật. Điều này cho phép ông đi khắp các trường học để kể cho lũ trẻ nghe về câu chuyện cuộc đời mình và tầm quan trọng của việc chăm sóc động vật.

Khi đã ở tuổi xế chiều, Marcos vẫn không ngừng cảm thấy hối tiếc về ngày ông được chính quyền địa phương cứu khỏi bầy sói. Với ông, thà chết bên cạnh gia đình sói của mình còn hơn trở lại với văn minh con người.

Cuộc đời của Marcos là chủ đề của nhiều nghiên cứu nhân chủng học và đã có nhiều cuốn sách viết về cuộc đời của ông. Câu chuyện sống cùng bầy sói của Marcos đã được dựng thành phim truyền hình với cái tên: Entre Lobos (tạm dịch: Giữa bầy sói).

(Theo Medium)

Theo Pan Nhí

Pháp luật và Bạn đọc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên