MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu chuyện của "cha đẻ" hãng thời trang toàn cầu Uniqlo: Mọi người nghĩ rằng tôi luôn thành công nhưng thực ra tôi đã sai lầm rất nhiều

07-01-2021 - 09:14 AM | Sống

Câu chuyện của "cha đẻ" hãng thời trang toàn cầu Uniqlo: Mọi người nghĩ rằng tôi luôn thành công nhưng thực ra tôi đã sai lầm rất nhiều

Trong thập kỷ qua, thương hiệu thời trang Nhật Bản Uniqlo đã đạt được vị thế nhất định trong giới thời trang toàn cầu. Nhưng người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tadashi Yanai thừa nhận rằng cả ông và công ty đều đã trải qua rất nhiều thất bại.

Dường như có một công thức chung trong việc một số nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới khi lựa chọn cách ăn mặc hàng ngày. Từ Steve Jobs với chiếc áo cổ lọ màu đen, quần jean và giày thể thao New Balance cho đến chiếc áo phông Brunello Cucinelli màu xám nổi tiếng của Mark Zuckerberg, nhiều doanh nhân đã lựa chọn một kiểu quần áo đơn giản để tiết kiệm thời gian vào mỗi buổi sáng.

Không có gì ngạc nhiên khi người giàu nhất Nhật Bản, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn thời trang khổng lồ Uniqlo (trị giá khoảng 12,88 tỷ đô la), Tadashi Yanai cũng chỉ có hai bộ trang phục - một chiếc áo khoác len cổ thuyền màu xanh nước biển trị giá 15 đô la và một bộ vest.

Câu chuyện của cha đẻ hãng thời trang toàn cầu Uniqlo: “Mọi người nghĩ rằng tôi luôn thành công nhưng thực ra tôi đã mắc rất nhiều sai lầm” - Ảnh 1.

Cách lựa chọn trang phục của ông có vẻ không liên quan với vị trí người sáng lập một trong những nhà mốt thành công nhất thế giới. Tuy nhiên, khi nhìn nhận triết lý về "vẻ đẹp thực tế" và "đơn giản" trong cách ăn mặc của ông Yanai, chúng ta có thể thấy được đây cũng là "kim chỉ nam" để ông vận hành sự nghiệp của mình.

Các thiết kế không đặc biệt nổi trội khi đặt lên bàn cân với những hãng thời trang khác, nhưng đó là một phần sức hấp dẫn của Uniqlo. Họ cung cấp những thiết kế cơ bản sang trọng, vượt thời gian, chất lượng cao có thể mặc năm này qua năm khác, dễ dàng kết hợp với tất cả quần áo trong tủ đồ của mọi người.

Câu chuyện của cha đẻ hãng thời trang toàn cầu Uniqlo: “Mọi người nghĩ rằng tôi luôn thành công nhưng thực ra tôi đã mắc rất nhiều sai lầm” - Ảnh 2.

Điều làm nên thành công của tỷ phú Nhật Bản là những thứ đã học được từ thời thơ ấu khi làm việc trong cửa hàng quần áo nam do cha ông làm chủ ở thị trấn nhỏ Ube.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Waseda năm 1971 với bằng kinh tế và khoa học chính trị, với vài năm làm việc cho một chuỗi siêu thị và đi khắp thế giới, Yanai cuối cùng đã trở lại tiếp quản cửa hàng của cha mình, lúc đó có tên là Ogori Shoji.

Những năm đầu tiên là chặng đường khó khăn đối với ông Yanai, những ngày tháng ấy đã cho ông bài học quý giá trong điều hành doanh nghiệp.

Trong một bài phỏng vấn, ông chia sẻ: "Tôi phải tự mình dọn dẹp cửa hàng, chải quần áo, tìm nguồn cung ứng và nhiều việc khác. Đó là một cơ hội học hỏi rất lớn".

Đến năm 1984, Yanai nắm quyền điều hành. Ông bắt đầu có những ý tưởng lớn và kế hoạch để thống trị thế giới thời trang. Ông thành lập chi nhánh đầu tiên của Unique Clothing Warehouse (sau này đổi thành Uniqlo) ở Hiroshima.

Lấy cảm hứng từ các thương hiệu châu Âu và Mỹ như Benetton, Gap và Esprit mà ông đã thấy trong các chuyến đi của mình, Tadashi Yanai bắt tay vào việc cho ra đời mô hình chuỗi cửa hàng may mặc thông thường tại Nhật Bản. Năm 1991, ông đổi tên công ty từ Ogori Shoji thành Fast Retailing dễ nhận diện hơn trên toàn cầu.

Đến năm 1998, Uniqlo đã có hơn 300 cửa hàng trên khắp Nhật Bản và mẫu áo khoác lông cừu của họ đã bán được hai triệu chiếc chỉ trong vòng 12 tháng. Công việc kinh doanh bùng nổ và Uniqlo đã trở nên nổi tiếng trên khắp Nhật Bản.

Tuy nhiên, bất chấp những thành tích và doanh thu "khủng", thương hiệu này bị gắn với danh hiệu không mấy tốt đẹp là "rẻ và kém chất lượng". Quyết tâm xoay chuyển tình thế, Yanai bắt tay vào cải tạo hình ảnh của Uniqlo.

Câu chuyện của cha đẻ hãng thời trang toàn cầu Uniqlo: “Mọi người nghĩ rằng tôi luôn thành công nhưng thực ra tôi đã mắc rất nhiều sai lầm” - Ảnh 3.

Năm 2004, công ty đã công bố Tuyên bố Chất lượng Toàn cầu, cam kết ngừng sản xuất hàng may mặc giá rẻ, chất lượng thấp. Ông khẳng định: "Tôi muốn được đánh giá cao vì đã mang đến những bộ quần áo đẹp. Bị mang tiếng là đồ rẻ tiền là điều thật đáng buồn".

Hàng năm, các sản phẩm được cải tiến theo những phong cách mới lạ nhất. Năm 2005, Fast Retailing áp dụng cơ cấu công ty mẹ, biến Uniqlo trở thành công ty con do Yanai sở hữu hoàn toàn, đồng thời là Giám đốc điều hành.

Ngày nay, Tadashi Yanai đã thành công trong mục tiêu đưa Uniqlo trở thành "thương hiệu quần áo toàn cầu thực sự đầu tiên đến từ Châu Á" với 2.200 cửa hàng tại 22 quốc gia và Fast Retailing đang trên đà phát triển để cạnh tranh với những gã khổng lồ trong ngành như Zara và H&M, trong vòng vài năm tới.

"Để thành công trong môi trường này, bạn cần phạm sai lầm, thất bại, học hỏi từ chúng và tiến lên". - Tadashi Yanai

Uniqlo được Hiệp hội Bán lẻ Thế giới trao giải Nhà bán lẻ của năm vào năm 2014, trong khi ông Yanai được tạp chí Time vinh danh là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2013 và một trong 100 bộ óc kinh doanh vĩ đại nhất của Forbes năm 2017.

Trong khi ở độ tuổi của ông mọi người dần chuẩn bị cho sự nghỉ hưu, nhưng vị tỷ phú này không có dấu hiệu dừng lại. "Tôi tin rằng trong từ điển của người sáng lập của một công ty không có khái niệm nghỉ hưu và niềm đam mê kinh doanh của tôi vẫn mạnh mẽ như ngày nào", ông nói trong một bài phỏng vấn vào tháng 3 năm 2020. Ngoài ra ông cũng từng phát biểu rằng: "Tôi không phi thường. Nhưng tôi luôn tin rằng bản thân có thể làm được".

Chia sẻ về những thành tựu đã đạt được tỷ phú Tadashi Yanai cho biết: "Mọi người nghĩ rằng tôi luôn thành công, nhưng thực ra tôi đã mắc rất nhiều sai lầm". Trong nhiều thập kỷ làm việc trong ngành, ông đã phát hiện ra rằng trên hết, các doanh nghiệp cần phải học cách thích ứng: “Thế giới luôn thay đổi. Để thành công trong môi trường này, bạn cần phải mắc sai lầm, thất bại, học hỏi từ chúng và tiến lên"

Nguồn: The CEO Magazine

Thùy Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên