Câu chuyện đằng sau bức ảnh đẹp nhất năm 1987 trên tạp chí National Geographic
Nhờ công việc của các bác sĩ tài năng và chu đáo như Zbigniew Religa, ghép tim bây giờ đã trở thành một kỹ thuật ít rủi ro hơn với tỷ lệ thành công cao.
- 18-05-2019Khi đi cầu thang có dấu hiệu này cần tới bác sĩ ngay: Ít người để ý nhưng rất nguy hiểm
- 17-05-2019Nhiều người Việt dễ "chết đuối trên cạn" nếu không làm theo khuyến cáo của bác sĩ dưới đây
Năm 1987, tạp chí National Geographic công bố đây là bức ảnh đẹp nhất năm của họ. Trong ảnh là Zbigniew Religa, một bác sĩ người Ba Lan đang theo dõi các chỉ dấu sinh tồn trên màn hình cho một bệnh nhân.
Religa đã thức suốt 23 tiếng đồng hồ để thực hiện ca phẫu thuật tim cho bệnh nhân này, và ông ấy vẫn tiếp tục ngồi đó, chiến đấu với sự mệt mỏi để đảm bảo bệnh nhân của mình còn sống và sẽ sống.
Bức ảnh đẹp nhất năm 1987 của National Geographic.
Ở góc dưới bên phải, bạn có thể thấy một trong những đồng nghiệp của Religa đã ngủ thiếp đi vì kiệt sức. Ông cùng ekip của mình là những bác sĩ đầu tiên thực hiện kỹ thuật ghép tim ở Ba Lan, một thủ thuật khi đó được đánh giá là vô cùng phức tạp và gần như không thể thành công.
Nhưng cuối cùng, Religa đã chứng minh cho mọi người thấy điều ngược lại. Bệnh nhân trong bức ảnh, Tadeusz Żytkiewicz, đã sống tới 30 năm sau khi được ghép trái tim mới, lâu hơn cả vị bác sĩ đã đem đến cơ hội cho ông ấy.
Religa qua đời vào năm 2009 vì bệnh ung thư phổi. Mặc dù trái tim ông ấy không còn đập, nó đã phục vụ một chủ nhân hết sức xứng đáng suốt 70 năm, người đem đến nhịp đập cho những trái tim khác.
Công việc căng thẳng đã biến Religa thành một người nghiện thuốc lá. Ông qua đời vào năm 2009 vì bệnh ung thư phổi.
Zbigniew Religa sinh năm 1938, là một bác sĩ phẫu thuật tim nổi tiếng của Ba Lan. Ông là người đã tiến hành ca ghép tim thành công đầu tiên ở nước này.
Tháng 6 năm 1995, Religa được cả cộng đồng y khoa thế giới biết đến là bác sĩ phẫu thuật đầu tiên ghép thành công van tim nhân tạo được làm từ vật liệu thu thập từ xác chết của con người.
Song song với việc là một bác sĩ phẫu thuật, ông cũng có một sự nghiệp chính trị tương đối thành công. Năm 1993, Religa trở thành thành viên của thượng viện Ba Lan và được bầu lại vào năm 2001.
Ông là ứng cử viên đầy triển vọng trong cuộc bầu cử tổng thống Ba Lan năm 2005; ngay cả khi ông rút lui khỏi cuộc đua tổng thống chỉ với 6% số phiếu, ông cũng vẫn giành được sự tôn trọng và niềm yêu mến của người dân Ba Lan.
Religa giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế Ba Lan từ năm 2005-2007.
Zbigniew Religa (bên trái) đang là Bộ trưởng Bộ Y tế Ba Lan năm 2006
Trở lại sự nghiệp y khoa của ông năm 1987, Religa đã thúc đẩy việc bật đèn xanh cho quy trình ghép tim ở Ba Lan. Ông đã chính tay thực hiện cuộc phẫu thuật đầu tiên sau khi nó được phê duyệt. Ở thời điểm đó, ghép tim chưa phải là một kỹ thuật phổ biến, nó mới chỉ được thực hiện thành công trước đó 3 năm ở Mỹ, trên một bệnh nhi 4 tuổi.
Ca phẫu thuật của Religa kéo dài tới 23 tiếng đồng hồ và diễn ra vô cùng căng thẳng. Nó đã được ghi hình lại bởi James Stanfield, một nhiếp ảnh gia người Mỹ. Stanfield cũng chính là người chụp bức ảnh nổi tiếng cho Religa, khi ông đang ngồi theo dõi những tín hiệu sống trên màn hình cho bệnh nhân của mình.
Bức ảnh truyền tải đến người xem một thông điệp vượt thời gian, rằng y học có thể biến những điều không thể thành có thể. Đó là sức mạnh của y học, bên trong phòng mổ, các bác sĩ sẽ chiến đấu đến kiệt sức như một người hùng.
Hình ảnh Religa ngồi chăm chú, một bác sĩ phẫu thuật khác ngủ gục trong góc phòng, một bệnh nhân hôn mê nằm trên giường với mỡ hỗn độn dây cáp và ống thở đã chứng minh cho điều tuyệt vời ấy. Bệnh nhân của ông, Tadeusz Żytkiewicz, đã sống tới 30 năm sau khi được ghép trái tim mới.
Ngoài tấm ảnh trên bìa tạp chí National Geographic, rất nhiều khoảnh khắc trong phòng mổ hôm đó cũng đã được ghi lại. Video bằng tiếng Ba Lan dưới đây cho thấy khoảnh khắc Religa và các bác sĩ khác ăn mừng sau khi chắc chắn bệnh nhân của họ đã sống và sẽ sống:
Ngày nay, các ca phẫu thuật ghép tim vẫn đang cứu sống hàng ngàn người mỗi năm trên thế giới. Chỉ tính riêng tại Mỹ, mỗi năm đã có từ 2.000-2.300 bệnh nhân nhận được trái tim mới.
Nhờ công việc của các bác sĩ tài năng và chu đáo như Zbigniew Religa, ghép tim bây giờ đã trở thành một kỹ thuật ít rủi ro hơn với tỷ lệ thành công cao. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải cảm ơn các nhiếp ảnh gia như James Stansfield, người đã ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời, giúp chúng ta biết đến công việc đáng ngưỡng mộ của các bác sĩ phẫu thuật.
Tham khảo Wikipedia, Zmescience
Trí thức trẻ