Câu chuyện đằng sau con tàu tỷ đô và 6 ngày khiến thương mại toàn cầu vỡ vụn
Chi tiết câu chuyện về cách tàu Ever Given mắc kẹt, được giải cứu, bị giữ làm con tin và đưa nhau ra toà.
- 03-05-2021Vụ siêu tàu mắc kẹt tại Suez vẫn ảnh hưởng nặng nề đến vận tải hàng hóa toàn cầu ra sao?
- 14-04-2021Ai Cập giữ tàu gây tắc kênh Suez, đòi bồi thường 900 triệu USD
- 04-04-2021Hàng hóa tắc nghẽn từ vụ kẹt tàu ở kênh đào Suez, tập đoàn Trung Quốc "hứng trọn" lộc lớn
Con tàu khổng lồ mắc kẹt như thế nào?
Thuyền trưởng Krishnan Kanthavel ngắm nhìn cảnh bình minh trên biển Đỏ thông qua 1 lớp bụi mờ. Những cơn gió mạnh với tốc độ hơn 40 dặm/giờ đang thổi qua sa mạc và biến bầu trời thành màu vàng. Từ góc quan sát của ông, chỉ có thể nhìn thấy mờ mờ khung cảnh 19 con tàu khác đang neo đậu ở vịnh Suez, chờ đợi đến lượt để đi vào con kênh nhỏ và dài dẫn ra biển Địa Trung Hải.
Theo lịch thì tàu container khổng lồ của Kanthavel sẽ là con tàu thứ 13 đi về phía Bắc thông qua kênh đào Suez trong ngày 23/3/2021. Không chỉ là một trong những con tàu lớn nhất, đây còn là tàu mới nhất và có giá trị nhất, vừa mới xuất xưởng được vài năm. Cái tên Ever Given in hoa được sơn trên đuôi tàu, màu trắng nổi bật trên vỏ tàu màu xanh lá cây.
Ngay sau giờ nghỉ trưa, 1 con tàu nhỏ tiếp cận Ever Given, mang theo những thuỷ thủ địa phương sẽ có nhiệm vụ hướng dẫn con tàu vượt qua hành trình kéo dài 12 tiếng vượt kênh đào Suez.
Đôi khi hành trình di chuyển qua Suez rất căng thẳng. Kênh đào này giúp rút ngắn thời gian được 3 tuần, nhưng kênh rất hẹp với chiều rộng khoảng 200m và chỉ sâu 24m. Ngược lại, kích thước của những con tàu thì ngày càng to. Ever Given dài 400m và rộng gần 60m, to bằng cả 1 toà nhà ở Manhattan và chiều dài gần bằng độ cao của toà nhà Empire State. Di chuyển từ Malaysia đến Hà Lan, con tàu chở khoảng 17.600 container. Kích thước khổng lồ của nó đồng nghĩa quá trình di chuyển qua kênh đào Suez không được phép mắc sai sót.
Sau khi lên tàu, 2 thuỷ thủ người Ai Cập được dẫn lên gặp thuyền trưởng, những người lái tàu và các cán bộ phụ trách – tất cả, và những người khác trong đoàn thuỷ thủ, đều là người Ấn Độ. Theo tài liệu nộp lên toà án Ai Cập vài tuần sau đó, đã có tranh cãi nổ ra về việc con tàu có nên đi vào kênh đào hay không vì thời tiết quá xấu, trong khi tiếng Anh không phải là ngôn ngữ bản địa của cả 2 bên. Ít nhất 4 cảng gần đó đã phải đóng cửa vì bão cát, và ngay hôm trước thuyền trưởng của 1 tàu chở khí đốt từ Qatar đã quyết định không nên mạo hiểm đi qua kênh đào trong lúc gió quá mạnh như vậy.
Ảnh chụp từ không gian ngày 25/3. Ảnh: CNES 2021, DISTRIBUTION AIRBUS DS
Giống như hộp đen của máy bay, những con tàu hiện đại cũng có thiết bị ghi lại dữ liệu hành trình (VDR), trong đó có cả các cuộc đối thoại trên tàu. Chính phủ Ai Cập không công bố toàn bộ dữ liệu, vì thế chúng ta không thể biết chính xác các thuỷ thủ bàn luận gì về điều kiện thời tiết. Tuy nhiên chắc chắn áp lực mà thuyền trưởng Kanthavel phải chịu là rất lớn. Con tàu của ông đang chở số hàng hoá trị giá gần 1 tỷ USD, bao gồm đồ nội thất Ikea, những đôi giày Nike, laptop Lenovo và 100 container chứa những chất lỏng dễ cháy.
Có rất nhiều bên muốn Ever Given nhanh chóng mang các container tới châu Âu. Trong số đó có Shoei Kisen Kaisha (công ty vận tải thuộc sở hữu của 1 gia tộc giàu có ở Nhật Bản) và Evergreen Group (tập đoàn của Đài Loan chịu trách nhiệm vận hành con tàu theo hợp đồng thuê tàu dài hạn). Các thuỷ thủ làm việc cho Bernhard Schulte Shipmanagement, 1 công ty Đức chuyên cung cấp thuỷ thủ cho các tàu vận tải thương mại. Mỗi ngày chậm trễ sẽ gây ra thiệt hại lên đến hàng chục nghìn USD.
Những thuyền trưởng kỳ cựu cho biết họ thường không có quá nhiều lựa chọn khi đi qua Suez trong thời tiết xấu. "Hãy làm đi, nếu không sẽ có người khác sẵn sàng thay thế bạn", đôi lúc họ nhận được yêu cầu như vậy. Hơn nữa tàu đều được trang bị radar và cảm biến điện tử mà về mặt kỹ thuật sẽ cho phép điều hướng tàu kể cả khi tầm nhìn bằng 0. Và Kanthavel được miêu tả là 1 người dạn dày kinh nghiệm.
Từ cầu tàu, tầm nhìn của ông vào khoảng nửa dặm. Những con tàu khác đang di chuyển chậm chạp qua những chiếc cần trục cao lớn ở hai bên bờ kênh. Vị thuyền trưởng vẫn có thể huỷ bỏ chuyến đi, nhưng vì mọi thứ và mọi người đều sẵn sàng và hào hứng, ông lựa chọn tiếp tục cuộc hành trình. Ever Given chậm rãi đi qua tấm biển "Chào mừng đến Ai Cập".
Những thuỷ thủ vừa được đưa lên tàu thuộc biên chế của Suez Canal Authority (SCA), cơ quan đã vận hành kênh đào suốt từ khi chính phủ Ai Cập tiếp quản nó năm 1956. Trước đây là các sĩ quan hải quân, thông thường họ sẽ không trực tiếp lái tàu mà chỉ đưa ra hướng dẫn, đồng thời liên lạc với tháp điều khiển trên bờ, đảm bảo các con tàu đi qua kênh an toàn.
Khi đã tiến vào kênh đào được vài dặm, Ever Given bắt đầu chệch hướng một cách đáng báo động. Những người lái tàu hò hét liên tục để đưa con tàu về đúng quỹ đạo, tuy nhiên kích thước khổng lồ cùng với gió quá to khiến việc đó trở nên rất khó khăn. Mọi chuyện đã vượt ngoài tầm kiểm soát, cuối cùng con tàu xoay ngang và chắn ngang kênh đào, tạo ra 1 cảnh tượng hi hữu.
Suez đẫm máu - Mắt xích quan trọng của thương mại toàn cầu
Hãy nhìn mọi thứ xung quanh bạn. Những đôi giày, bàn ghế, đồ chơi, máy tính, điện thoại, thậm chí cả những chiếc bút. Nếu bạn sống ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ, nhiều khả năng những món đồ đó đều đã đi qua kênh đào Suez. Đây là tuyến đường huyết mạch kết nối Đông Tây mở ra 1 kỷ nguyên mới cho thương mại toàn cầu. Trước khi có kênh đào Suez, các con tàu phải đương đầu với cướp biển và những trận bão khi đi vòng qua Mũi Hảo Vọng. Còn nếu di chuyển đường bộ, sẽ có cướp bóc và nhiều hiểm nguy khác trực chờ khi băng qua sa mạc.
Kênh đào Suez năm 1896. Ảnh: ZANGAKI BROTHERS
Ý tưởng về 1 tuyến đường trực tiếp đi qua eo đất Suez từng bị coi là hão huyền cho đến tận thế kỷ 19, khi Ferdinand de Lesseps, 1 nhà ngoại giao Pháp làm việc ở Cairo thành lập công ty Kênh đào Suez và thuyết phục nhà cầm quyền Ai Cập Sa’id Pasha cùng với hoàng đế Pháp Napoleon III hỗ trợ dự án. Chính phủ Ai Cập mua 44% cổ phần và các nhà đầu tư cá nhân Pháp thâu tóm số còn lại. Hàng chục nghìn tá điền Ai Cập bắt đầu đào kênh bằng tay, sau đó mới được hỗ trợ bởi máy móc nhập khẩu từ châu Âu.
Năm 1869, "phép màu" dài 120 dặm chính thức hiện ra trên sa mạc khô cằn và nhanh chóng trở thành tuyến đường thương mại quan trọng, đặc biệt đối với các cường quốc châu Âu muốn mở rộng thuộc địa ở châu Á. Tuy nhiên người Ai Cập không được hưởng nhiều lợi ích. Công trình tốn kém khiến Ai Cập khánh kiệt và buộc phải bán cổ phần cho chính phủ Anh. Sau này kênh đào Suez còn trở thành tài sản mà các cường quốc châu Âu thi nhau tranh giành.
Năm 1956, Ai Cập tuyên bố quốc hữu hoá kênh đào Suez. Tuy nhiên kể từ lúc bắt đầu xây dựng cho đến sau này, xung quanh công trình này đã xảy ra rất nhiều xung đột chính trị cũng như sự cố kỹ thuật.
Ngày nay mỗi năm có khoảng 19.000 con tàu chở tổng cộng hơn 1 tỷ tấn hàng hoá đi qua kênh đào. Với mức phí có thể lên đến 1 triệu USD đối với những con tàu lớn nhất, kênh đào mang lại cho Ai Cập khoảng 5 tỷ USD mỗi năm.
Sáng sớm ngày 23/3, thuyền trưởng Mohamed Elsayed Hassanin vừa nhận ca trực tại tháp kiểm soát đặt tại trụ sở của SCA ở Ismaila, nơi cách vị trí của Ever Given khoảng 50 dặm về phía Bắc. Khi tin tức truyền về rằng con tàu số 13 đang mắc kẹt, 1 hình ảnh chưa từng thấy hiện ra trên màn hình: con tàu khổng lồ đang nằm chắn ngang kênh đào. Zoom cận cảnh, Elsayed nhìn thấy dáng vẻ đau khổ của Kantahvel trên cầu tàu.
Đã có mấy chục năm làm việc trong hải quân, Elsayed thực sự nghiêm túc với công việc. Trong 1 cuộc phỏng vấn, Elsayed cho biết Ever Given đã mắc kẹt tại một trong những vị trí tồi tệ nhất: khu vực 1 chiều của kênh đào. Ông quyết định tới hiện trường. Sau khi di chuyển 1 đoạn ngắn bằng xe hơi, ông lên 1 thuyền nhỏ và tiếp cận Ever Given. Kể cả với những người đã quá quen với các con tàu container cỡ lớn, kích thước của Ever Given vẫn khiến bất kỳ ai cũng phải choáng ngợp, giống như 1 ngọn núi bằng kim loại.
Bằng cách nào đó con tàu tạo thành 1 góc 45 độ với bờ và không còn khoảng trống để có thể đi qua kênh đào nữa. Lên tàu, Elsayed cố gắng trấn an Kantahvel rằng "mọi chuyện sẽ được giải quyết". Ông hỏi về trọng lượng hàng hoá, kích thước tàu và số nước đang chứa trong các khoang dằn. Giảm bớt mỗi 201 tấn tải trọng sẽ giúp tàu nổi thêm được 1 cm, tức muốn tàu nổi thêm 1m thì phải dỡ bớt 20.000 tấn hàng – 1 khối lượng khổng lồ kể cả nếu có thể tìm thấy cần trục đủ cao để nhanh chóng tháo dỡ các container.
2 tàu kéo cố gắng tiếp cận và kéo Ever Given ra nhưng họ đã nỗ lực trong vô vọng. Elsayed và ông chủ, Chủ tịch SCA Osama Rabie, vạch ra kế hoạch kết hợp giữa những chiếc máy xúc cố gắng loại bỏ phần đất cứng ở 2 bên bờ với các tàu kéo kéo dùng hết sức để kéo con tàu ra.
Ảnh chụp ngày 24/3. Nguồn: SUEZ CANAL HEAD OFFICE/XINHUA/ZUMA PRESS
Xuất hiện đầu tiên tại hiện trường là 1 chiếc máy xúc màu vàng đang làm việc ở công trường gần đó. Người tài xế tiếp cận một cách hồi hộp và bắt đầu đào xới đất đá xung quanh mũi tàu. Anh thật sự hoảng sợ, lo ngại khối kim loại khổng lồ có thể bị lật và đè nát cả người lẫn xe. Sau này hình ảnh chiếc máy xúc đơn độc và nhỏ bé như 1 món đồ chơi được lan truyền chóng mặt trên Internet. Lần đầu tiên trong lịch sử kênh đào Suez trở thành 1 trò đùa trên mạng.
Những sự cố trên kênh đào Suez không phải là hiếm và thường được giải quyết gọn ghẽ chỉ trong vài giờ đồng hồ. Tuy nhiên sự cố tàu Ever Given thực sự là vượt quá tưởng tượng và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Giống như dây chuyền sản xuất ô tô và quy trình phân phối hàng trong siêu thị, ngành vận tải biển hiện đại tuân theo mô hình just-in-time, tức dựa trên kỳ vọng hàng hoá sẽ đến đúng lúc, đúng nơi cần đến một cách hoàn hảo.
Trước khi container được sử dụng rộng rãi từ những năm 1970, thường mất khoảng 1 tuần hoặc hơn để dỡ hết hàng xuống khỏi 1 con tàu và sau đó lại chất những hàng hoá khác lên. Nhưng ngày nay thậm chí những con tàu chở cả 10.000 container cũng chỉ tốn vài giờ tại 1 cảng để tháo dỡ hàng hoá. Công việc được thực hiện bằng những cần trục đã được lập trình sẵn với những thuật toán phức tạp. Mô hình này thực sự hiệu quả, giúp tiết kiệm được nhiều thứ nhưng cũng khá mong manh. Chỉ cần 1 lỗi nhỏ trên chuỗi cung ứng là mọi thứ sẽ rơi vào hỗn loạn.
1 con tàu không đến cảng đúng hạn sẽ gây ra rắc rối không chỉ cho những công ty đang chờ đợi hàng hoá mà còn làm tắc nghẽn trên cả dây chuyền. Và ở cách đó nửa vòng trái đất, các nhà máy ở Trung Quốc hoặc Malaysia đang chờ tàu đến bốc hàng hoá đi cũng sẽ phải nhanh chóng tìm kiếm những giải pháp thay thế.
Đến cuối ngày 24/3, 185 tàu đang neo đậu ở gần kênh đào, chờ đợi để đi qua. Trên khoang là đủ mọi thứ, từ đồ điện tử, xi măng, nước, dầu mỏ cho đến hàng nghìn con gia súc. Ước tính khoảng 10 tỷ USD bị mắc kẹt mỗi ngày.
Cuối cùng sau 6 ngày, nhờ triều cường cao và các tàu kéo công suất lớn, phần đuôi của Ever Given đã được di chuyển khỏi vị trí mắc kẹt sau đó là phần mũi. Khoảng 3h chiều ngày 29/2, nỗ lực giải cứu thành công. Con tàu được kéo ra giữa dòng kênh, kết thúc gần một tuần thảm họa của thương mại toàn cầu.
Giải quyết hậu quả
Thế giới nhanh chóng quên đi Suez sau khi Ever Given được giải cứu. Tuy nhiên đối với Elsayed và các đồng nghiệp, cuộc khủng hoảng còn lâu mới kết thúc. Mất 6 ngày nữa để giải quyết hết hàng dài tàu đang xếp hàng. Trên khắp chuỗi cung ứng là nỗ lực xoá bỏ tắc nghẽn và đưa mọi thứ trở lại bình thường. Tại cảng Valencia, cần 1 tháng làm việc liên tục 24/7.
Nhưng những điều này không được truyền thông quốc tế chú ý. Trên mạng xã hội, mọi người mải mê dõi theo những chủ đề mới. Kênh đào Suez lại lặng lẽ quay trở về với vai trò 1 bản lề rất lớn và quan trọng của thương mại toàn cầu nhưng lại vô hình trong mắt nhiều người. Trong ngành vận tải biển, niềm hân hoan sau cuộc giải cứu thành công bị thay thế bằng cuộc chiến đổ tội, tranh cãi bên nào phải chi trả cho những thiệt hại.
Ngày 13/4, toà án Ai Cập ra lệnh bắt giữ Ever Given, đòi chủ tàu là công ty Nhật Bản Shoei Kisen Kaisha phải bồi thường gần 1 tỷ USD. SCA cho biết đó là chi phí cho những nỗ lực họ đã bỏ ra để giải cứu con tàu. Cho đến khi SCA thu hồi được số tiền thì thuỷ thủ trên tàu chưa được thả.
Đến nay những tranh cãi vẫn chưa ngã ngũ dù thuyền trưởng Kanthavel và các thuỷ thủ đã được thả còn Ever Given vẫn được giữ ở hồ Great Bitter của kênh đào.
Tham khảo Bloomberg