American Airlines trì hoãn sát nhập US Airways: "Hùm thiêng đến lúc sa cơ cũng hèn"
Không hiểu vì lý do gì lãnh đạo hãng hàng không lớn thứ ba nước Mỹ American Airlines cứ mãi trì hoãn thương vụ sáp nhập với US Airway, dù American Airlines đã phải đệ đơn xin phá sản hơn nửa năm trời.
- 30-03-2012Lò luyện “chân dài” của Singapore Airlines
- 03-12-2011Sẽ sáp nhập Jetstar Pacific vào Vietnam Airlines
Có ý kiến cho rằng, tân Chủ tịch đồng thời là Tổng giám đốc của American Airlines, Tom Horton, gần như đã liều lĩnh khi cố gắng kéo dài các buổi thương lượng sáp nhập với Tổng giám đốc US Airways Doug Parker.
Từ cuối tháng 11 năm ngoái, hãng hàng không đã từng đứng đầu nước Mỹ đã phải xin tòa án bảo hộ phá sản, coi đó như giải pháp bất đắc dĩ để hãng này tái cấu trúc lại khi mà công ty đã quá ngập trong thua lỗ cũng như những căng thẳng kéo dài với người lao động.
Trong các phương án mà tòa đưa ra cho American Airlines, sáp nhập với hãng tương đương US Airway được coi như con đường hợp lý nhất cho American Airlines.
“Đó không phải là một lựa chọn. Đó cũng không phải là một giải pháp thay thế. Đó là điều không thể tránh được”, Daniel Akins, một chuyên gia trong ngành vận tải và đã làm việc cho đoàn tiếp viên của American phát biểu trong phiên tòa hồi tháng Năm.
Nhưng từ đó trở đi, bất chấp nỗ lực của US Airway cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía công đoàn và rất nhiều chủ nợ của American Airlines, US Airways vẫn không thể nào đạt được kết quả với American Airlines.
Hầu như toàn bộ ngành hàng không đều tin rằng American Airlines và US Airways, hãng hàng không lớn thứ tư nước Mỹ, cuối cùng rồi sẽ sáp nhập và tạo nên một lực cạnh tranh đối trọng lại với United (hiện là hãng lớn nhất và đã sáp nhập với Continental) và Delta (hiện đã sáp nhập với Northwest). Câu hỏi chỉ là bao giờ.
Tuy nhiên, Horton lại chẳng có phản ứng gì, ngoài một câu nói rằng, ông chấp thuận việc đàm phán, coi đó như một phần nhiệm vụ ủy thác từ các chủ nợ. Thêm vào đó, Horton liên tục lặp lại ý kiến của mình rằng, lựa chọn tốt nhất cho American Airlines là tái cấu trúc độc lập, và tuyên bố rằng ông đang lên kế hoạch khôi phục lại vị trí dẫn đầu ngành của Hãng, bất chấp thị phần ngày một giảm sút.
Người ta bắt đầu đồn đoán về lý do thực sự của việc trì hoãn, trong đó có một động cơ khá hợp lý: khoản thù lao khổng lồ cho Horton và đội ngũ nếu ông có thể dẫn dắt American Airlines tái cấu trúc độc lập.
Theo các điều khoản trong luật phá sản, đội ngũ lãnh đạo có thể được nhận về 5 - 10% cổ phần của công ty sau khi việc tái cấu trúc hoàn tất, trong đó, CEO thường nhận được 1%. Như vậy, Horton và đội ngũ lãnh đạo của mình có thể được nhận khoảng 300 triệu USD đến 600 triệu USD nếu ông có thể hoàn tất vụ phá sản và cấu trúc lại Công ty mà không cần phải sáp nhập với một đối thủ như US Airways.
Điều này giống như cách làm giàu của lãnh đạo United hồi năm 2005: Glenn Tilton, người sau này là Tổng giám đốc của Hãng, đã đòi 15% cổ phần của Công ty cho ban lãnh đạo. Sau một vài giằng co với các nhóm khác, ban lãnh đạo hạ bớt yêu cầu xuống 11% và cuối cùng được hưởng 8% cổ phần của Công ty. Tilton được nhận khoản thù lao trị giá gần 40 triệu USD bằng cổ phiếu mới và các khoản trả khác của Công ty trong năm đầu tiên sau khi công ty này cấu trúc lại.
Tương tự, đối với hãng hàng không Northwest, Tổng giám đốc trước của Công ty là Doug Steenland đã nhận một khoản thù lao trị giá khoảng 26,6 triệu USD bằng cổ phiếu mới khi công ty cấu trúc lại từ vụ phá sản hồi năm 2007.
Công bằng mà nói, với Horton, đề xuất sáp nhập của US Airways có vẻ hơi mang chủ nghĩa cơ hội và có thể cũng khá phức tạp. Một vài hãng tư vấn cho rằng, American Airlines sẽ ở vị thế cao hơn nên khó có thể chấp nhận là người bị mua chứ không phải người đi mua. Tòa án phá sản cho American Airlines khoảng thời gian đến cuối năm nay để đưa ra một kế hoạch tái cấu trúc độc lập.
Cũng phải thừa nhận, US Airway dường như bị lép vế trước đối thủ. Parker của US Airways đã đưa ra lời chào mua khổng lồ, thậm chí có vẻ hơi phi kinh tế và nhượng bộ rõ ràng với công đoàn người lao động và chủ nợ của American Airlines.
William S. Swelbar, một kỹ sư nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế ngành vận tải hàng không tại Massachusetts Institute of Technology, viết trên blog của mình: “Trong nỗ lực để mua lại American Airlines, US Airways có vẻ giống như một cậu thiếu niên lần đầu tiên cầm trong tay tấm thẻ tín dụng, và tiêu số tiền không phải của chính mình”. Trước đó, Parker đã cố gắng hàng năm trời để thực hiện một cuộc sáp nhập mà vẫn thất bại, đặc biệt trong vụ sáp nhập với United.
Cần lưu ý là, Horton đã chủ động từ chối việc HĐQT của American Airlines tăng lương. Ông đang được trả lương 660.000 USD mỗi năm dù Công ty đang trong cảnh phá sản. Một vài ý kiến của các hãng tư vấn liên quan tới vụ việc cho rằng, có thể Horton đủ ý thức được về khoản thù lao hậu hĩnh này và sẽ không có ý tư lợi một khoản thù lao khác.
Theo Quang Minh
Đầu tư Chứng khoán