Bóng đá: Chơi đẹp nhưng làm ăn bẩn?
Bóng đá là một môn thể thao tuyệt vời, nhưng sẽ còn tuyệt vời hơn khi "trong sạch".
- 12-06-2014Số triệu phú Brazil dự báo tăng mạnh nhờ World Cup và Olympics
- 11-06-2014Dép tông ăn theo World Cup
- 11-06-2014Quản lý doanh nghiệp học được gì từ World Cup 2014?
- 10-06-2014Chuyện làm ăn mùa World Cup của nhân viên ngân hàng đầu tư
- 09-06-201410 video quảng cáo được chia sẻ nhiều nhất trước thềm World Cup
Nội dung nổi bật:
Nhiều bê bối tài chính đã xuất hiện ở World Cup, liên quan đến tham nhũng. Nhưng người hâm mộ bóng đá lại đang quá thờ ơ với những thứ ấy, cái họ để tâm là những pha bóng đẹp mắt chứ không phải mấy nhân vật quyền hành già cằn cỗi ở tít bên trên.
Người hâm mộ bóng đá đã hoàn toàn sai lầm khi cho rằng những vụ bê bối trên không hề tốn kém.
- Thứ nhất, tham nhũng và tính tự mãn khiến cuộc chiến trở nên khó khăn.
- Thứ hai, có tham nhũng là có nạn nhân, và không phải chọn được nước chủ nhà là tham nhũng chấm dứt.
- Cuối cùng, chi phí cơ hội ở đây rất lớn. Bóng đá không còn mang tính toàn cầu như ta tưởng, bằng chứng là nó đã không chinh phục được ba quốc gia lớn: Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ.
Vẻ đẹp thực sự của bóng đá nằm ở đâu? Đó là sự lan tỏa vô tận vào trái tim khán giả toàn cầu từ đông sang tây, từ nam qua bắc. Bóng đá, xứng danh môn thể thao vua, đã phát triển mạnh mẽ hơn bất cứ bộ môn nào khác trên thế giới.
Sắp tới đây, gần một nửa nhân loại sẽ cùng nhau hướng mắt theo dõi World Cup, sự kiện đáng nhớ nhất trong năm, khai mạc tại Brazil vào ngày 12 tháng 6.
Bóng mây tham nhũng phủ kín sân cầu
Nhưng thật đáng buồn vì những vụ lùm xùm tựa đám mây đen đang bao trùm giải đấu. Tờ báo Sunday Times của Anh đã thu thập được những tài liệu cáo buộc những khoản thanh toán bí mật giúp Qatar giành được quyền tổ chức World Cup 2022. Một bản báo cáo của FIFA cũng đã phát hiện ra một vài trận đấu gian lận ngay trước thềm World Cup năm 2010. Nhưng như thường lệ, không một ai bị phạt.
Một loạt câu hỏi được đặt ra: Ai đời người ta lại đi tổ chức World Cup ở một nơi nóng như "mùa hè Ả Rập", tại sao bóng đá thua xa các bộ môn khác như bóng bầu dục, cricket, quần vợt trong việc áp dụng công nghệ để kiểm tra lại quyết định của trong tài, và tại sao môn thể thao vua lại được dẫn dắt bởi những nhóm người "chẳng có gì nổi trội" như ông chủ FIFA Sepp Blatter suốt từ năm 1998?
Nếu là ở những tổ chức khác thì loạt bê bối tài chính liên miên vừa qua đã đủ khiến ông này "mất ghế". Ấy thế mà Blatter vẫn tại vị và gây ra thêm nhiều scandal khác, từ những lời bình luận kỳ thị nữ giới cho tới việc phá hỏng giây phút tưởng niệm Nelso Mandela. Michael Platini, đối thủ cạnh tranh của ông Blatter cũng dính dáng ít nhiều trong việc đưa Qatar lên làm chủ nhà World Cup 2022.
Nhưng người hâm mộ bóng đá lại đang quá thờ ơ với những thứ ấy, cái họ để tâm là những pha bóng đẹp mắt chứ không phải mấy nhân vật quyền hành già cằn cỗi ở tít bên trên.
FIFA không phải tổ chức duy nhất có biểu hiện suy đồi đạo đức. Ủy ban Olympic Quốc Tế cũng từng đối mặt với vụ bê bối tương tự như Qatar trong Thế Vận Hội Mùa Đông năm 2002 và đã phải cố gắng hết sức để gột rửa danh tiếng.
Ông chủ của Giải đua Công Thức I, Bernie Ecclestone, cũng bị tố dính dáng đến hối lộ ở Đức, trong khi đó, giới bóng rổ Hoa Kỳ vừa sa thải một ông chủ vì tội phân biệt chủng tộc. Cricket, môn thể thao phổ biến thứ nhì hành tinh, cũng nổi cộm với những vụ dàn xếp tỉ số. Bóng đá Hoa Kỳ thì la liệt những vụ đòi bồi thường chấn thương.
Người hâm mộ bóng đá đã hoàn toàn sai lầm khi cho rằng những vụ bê bối trên không hề tốn kém.
Thứ nhất, tham nhũng và tính tự mãn khiến cuộc chiến trở nên khó khăn. Số tiền đặt cược vào các trận đấu ngày một lớn, có thể lên tới 1 tỷ USD cho một trận tại World Cup. Dưới áp lực cải cách từ bên ngoài, gần đây FIFA cũng mời tới những nhân vật được tôn trọng như Mark Pieth. Nhưng ai sẽ tin vào sự "cải cách" khi ông Blatter còn tại vị?
Thứ hai, có tham nhũng là có nạn nhân, và không phải chọn được nước chủ nhà là tham nhũng chấm dứt. Đối với hối lộ quan chức bóng đá, một sự kiện thể thao lớn cũng là cơ hội để đục khoét ngân sách nhà nước, ví dụ như trao các hợp đồng béo bở cho các bên thân cận. Đáng ra một giải đấu phải trở thành sự kiện lớn của quốc gia nhưng nay đã biến tướng thành "ngày hội tham nhũng".
Cuối cùng, chi phí cơ hội ở đây rất lớn. Bóng đá không còn mang tính toàn cầu như ta tưởng, bằng chứng là nó đã không chinh phục được ba quốc gia lớn: Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ. Ở Mỹ, người ta đá nhưng không ai xem, ở hai nước kia, người ta xem nhưng không ai đá.
FIFA phản biện rằng ba quốc gia này có văn hóa, lịch sử và nền thể thao riêng, điển hình như Ấn Độ thì có cricket. Bóng đá tại Mỹ cũng đang có những sự tiến bộ riêng, thế hệ cha mẹ đầu tiên tại đây nay đang truyền lại tinh thần yêu bóng đá cho đời sau.
Nhưng lập luận này chỉ càng thêm nhấn mạnh sự "điên rồ" của Qatar khi trao quyền đăng cai cho Qatar chứ không phải Mỹ. Và bầu không khí gian lận lan tỏa từ FIFA sẽ khó lòng trấn an người hâm mộ trẻ tuổi ở Trung Quốc vì họ đã phát ngán tham nhũng và dàn xếp tỉ số trong bóng đá nội địa.
(Xem thêm: Chuyện làm ăn mùa World Cup của nhân viên ngân hàng đầu tư)
Một thế giới không ngủ yên
Cho dù FIFA cho ông Blatter về hưu thì vấn đề về mặt cấu trúc của tổ chức này vẫn không được giải quyết. Về pháp lý, FIFA giống như một tổ chức phi lợi nhuận nhưng lại không có chủ. Muốn quản lý nó thì những tổ chức bóng đá quốc gia hay khu vực phải có tiền. Rào cản cao, không đối thủ nào có thể xuất hiện, FIFA có thế độc quyền trong bóng đá quốc tế. Điều này cần phải điều chỉnh nhưng FIFA thực chất không thuộc về bất cứ chính phủ nào.
Thụy Sĩ có thể yêu cầu FIFA rút bỏ ưu đãi thuế. Các nhà tài trợ có thể cân nhắc tới giải pháp áp dụng công nghệ, một video xem lại tức thì các quả phạt và ghi bàn chẳng hạn.
Nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là khâu chọn nước đăng cai.
Có một giải pháp là cứ trao quyền tổ chức World Cup cho một nước cố định, nhưng đội nhà nước này sẽ lại được lợi thế quá lớn. Một giải pháp hợp lý hơn về mặt kinh tế là trao quyền đăng cai cho nước nào thắng cuộc.
Quốc gia nào vô địch liên tiếp thì có thể đăng cai trong tám năm hay đấu giá quyền đăng cai cho bên nào trả giá cao nhất. Điều này sẽ có lợi cho các cường quốc bóng đá, nhưng hầu như nước nào cũng có sẵn sân vận động tầm cỡ nên sẽ ít tốn kém hơn.
Nhưng điều đáng buồn là người hâm mộ bóng đá đâu phải là nhà kinh tế, họ chỉ cần "ăn bóng đá, ngủ bóng đá" mà thôi, nên các đề xuất trên khó lòng được chấp nhận. Do đó, cách khả thi nhất mà chúng ta có thể trông đợi là các lục địa cùng nhau từng bước chấm dứt tham nhũng ngay từ bây giờ.
>> Quản lý doanh nghiệp học được gì từ World Cup 2014?
Thùy An