Châu Á Thái Bình Dương: - Mảnh đất vàng của hãng đồ xa xỉ Richemont
Châu Á Thái Bình Dương chiếm phần lớn nguồn thu với mức tỷ trọng 41%. Hong Kong và Trung Quốc là hai nước tiêu thụ lớn nhất khu vực.
Mới đây, tập đoàn sản xuất trang sức, đồng hồ cao cấp Richemont công bố kết quả kinh doanh năm tài chính 2012 kết thúc vào 31/03. Richemont cho biết nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của hãng này tăng mạnh tại thị trường Trung Quốc và Châu Á Thái Bình Dương. Năm 2012, doanh thu của Richemmont đạt 13 tỷ USD, tăng 14% so với năm trước.
Hãng đồng hồ cao cấp này cũng ăn nên làm ra khi lợi nhuận tăng trưởng 30% với mức 2,6 tỷ USD trong năm 2012 so với con số 2 tỷ USD năm trước. Ngoài ra, báo cáo từ Richemont cho biết Châu Á Thái Bình Dương đóng góp lớn vào tăng trưởng của tập đoàn.
Milton Pedraza, CEO của The Luxury Institute cho biết: “Giới thượng lưu Trung Quốc và Châu Á rất hứng thú với các sản phẩm trang sức cao cấp”. Ông còn cho biết tại châu lục này thị trường các sản phẩm đồ may sẵn, túi xách đã bão hòa, thay vào đó là gia tăng nhu cầu tiêu thụ đồng hồ, trang sức. Mặc dù kinh tế toàn cầu đang suy thoái những nhiều công ty sản xuất sản phẩm cao cấp vẫn tăng trưởng tốt.
Richemont là tập đoàn khá kín tiếng nhưng sở hữu một loạt thương hiệu cao cấp gồm Vacheron Constantin, Jaeger-LeCoultre, Baume & Mercier, A. Lange & Söhne, Cartier, IWC, Piaget, Alfred Dunhill, Van Cleef & Arpels, Montblanc, Chloé and Roger Dubuis.
Châu Á dẫn đầu tiêu thụ
Đóng góp của Trung Quốc, châu Á Thái Bình Dương đối với doanh thu Richemont ghi nhận được lợi từ tỷ giá và sự tăng trưởng của tất cả các nhãn hàng. Hãng này tin tưởng rằng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong tương lai nhờ danh tiếng vốn có. Tuy nhiên trong ngắn hạn, Richemont cho biết những bất ổn kinh tế sẽ tác động đến niềm tin tiêu dùng tại một số thị trường.
Theo báo cáo vừa công bố, Châu Á Thái Bình Dương chiếm phần lớn nguồn thu với mức tỷ trọng 41%. Hong Kong và Trung Quốc là hai nước tiêu thụ lớn nhất khu vực.
Khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi chiếm 36% tổng doanh thu Richemont. Khách du lịch là động lực thúc đẩy tiêu thụ tăng trưởng tại thị trường này. Trong khi đó doanh thu từ châu Mỹ chỉ đạt 15%.
Ông Pedraza nhận xét: “Châu Á Thái Bình Dương vẫn là khu vực sôi động trên thế giới và nhiều công ty gặt hái thành công tại đây. Nhiều thương hiệu đang kinh doanh tuyệt vời tại châu lục này và Richemont là một trong số đó”.
Bán buôn và bán lẻ
Một khía cạnh khác giải thích cho sự tăng trưởng của Richemont là chiến lược tập trung vào bán lẻ từng thương hiệu thay vì bán buôn.
Tại Châu Á và châu Âu, Richemont cho biết doanh thu từ các cửa hàng tăng trưởng nhanh nhất. Doanh thu từ cửa hàng bán lẻ cao hơn hắn so với nguồn thu so đến từ các đối tác bán buôn châu Á. Vì vậy chiến lược mở rộng chuỗi cửa hàng tại đây của hãng này là điều dễ hiểu.
CEO Pedraza cho biết, Richemont vừa đề ra kế hoạch trong vài năm tới sẽ tạo ra hệ thống phân phối riêng. Bán lẻ thường có tốc độ tăng nhanh hơn bán buôn và công ty sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với việc chỉ phân phối thông qua các đối tác. Cách tốt nhất là đồng thời triển khai hai chiến kênh bán hàng trên và sở hữu hệ thống phân phối riêng.
Một cửa hàng bán lẻ thương hiệu Cartier
Kim Thủy