MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cho thuê máy bay - Ngành kinh doanh đầy mạo hiểm?

04-03-2013 - 17:23 PM |

(CafeBiz)1/2 số máy bay của các hãng hàng không Việt là đi thuê, tuy nhiên, trong nước mới xuất hiện mô hình này.

Tại Việt Nam, theo Cục hàng không, tính đến hết tháng 11/2012, đội tàu bay của các hãng Hàng không Việt Nam gồm 96 tàu bay các loại. Tuy nhiên, chỉ có 43 tàu bay trong số này là do các hãng hàng không sỡ hữu, còn lại 53 chiếc là phải đi thuê từ các công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê máy bay.

Dịch vụ cho thuê máy bay (aircraft leasing company) là mô hình khá phổ biến trên thế giới. Việc thuê lại máy bay giúp các hãng hàng không giảm được gánh nặng lớn về chi phí mua máy bay, đặc biệt là đối với các hãng hàng không tư nhân quy mô nhỏ. Bên cạnh việc cho thuê máy bay dân dụng, các công ty này còn cung cấp nhiều dịch vụ khác như cho thuê chuyên cơ riêng, thuê động cơ máy bay, bảo dưỡng.

Phần lớn máy bay là phải đi thuê, nhưng tại Việt Nam mới chỉ có duy nhất một công ty đó là CTCP cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) là hoạt động trong lĩnh vực này. Không thực hiện bất cứ một chuyến bay nào, nhiệm vụ chính của VALC là mua máy bay rồi cho các hãng hàng không trong nước thuê lại khai thác.


Cho thuê máy bay (Aircraft leasing) là hình thức phổ biến trên thế giới

VALC được thành lập vào năm 2007 với hai cổ đông chính là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VietNam Airlines), ngoài ra cơ cấu cổ đông còn có sự hiện diện của quỹ đầu tư nước ngoài là VinaCapital. Nắm giữ phần lớn thị trường hàng không trong nước, VietNam Airlines cũng là khách hàng chính thuê lại các máy bay của VALC.

VALC được kỳ vọng sẽ giúp thị trường trong nước đỡ phụ thuộc vào việc đi thuê máy bay của các công ty nước ngoài. Thời điểm mới ra đời, công ty đã ngay lập tức tạo tiếng vang với bản hợp đồng trị mua 8 “siêu máy bay” Boeing 787-8 trị giá tới 1,4 tỉ USD. Tuy nhiên bản hợp đồng quá lớn này nhanh chóng sụp đổ. Thương vụ này đã đi vào bế tắc từ hơn một năm nay và công ty đang tìm cách để hủy hợp đồng thông qua việc chuyển nhượng cho một hãng thứ 3 là Airlease Corporation.

Dù “siêu dự án” thất bại, VALC vẫn có trong tay hai dự án “khủng” khác, một đã hoàn tất công đoạn mua máy bay và một đang được triển khai.

Đầu tiên là dự án đầu tư mua 5 máy bay ATR72-500 với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD. Chiếc máy bay cuối cũng đã được chuyển về Việt nam trong 2010. Toàn bộ 5 chiếc máy được VALC mua đều được VietNam Airlines thuê lại. Dự kiến, 5 chiếc ATR72 sẽ đem lại doanh thu 270 tỉ đồng cho VALC trong năm 2012

Dự án “khủng” thứ hai hiện đang trong quá trình thực hiện đó là đầu tư mua 10 máy bay Airbus A321 trong năm 2012 – 2013 với tổn mức đầu tư hơn 700 triệu USD. Tính đến cuối năm 2012, công ty đã chính thức tiếp nhận 5 máy bay từ dự án này.

Bên cạnh các dự án mua máy bay dân dụng lớn, VALC còn tham gia mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực cho thuê máy bay trực thăng. Trong năm 2011, VALC đã cho Tổng công ty trực thăng Việt Nam thuộc Bộ quốc phòng thuê lại chiếc trực thăng EC-155B1. Đây cũng là chiếc trực thăng được ông chủ Facebook Mark Zurenberg sử dụng khi đến Việt Nam.

Trực thăng EC-155B1 đang được Bộ Quốc phòng thuê lại

Dự kiến trong năm 2012, tổng doanh thu của VALC sẽ đạt 556,9 tỉ đồng, trong đó hoạt động kinh doanh cho thuê máy bay đóng vai trò chủ chốt.



Khó nuốt

Thông thường, với những bản hợp đồng mua máy bay, chỉ có 10% là vốn tự có của doanh nghiệp, còn lại 90% số tiền sử dụng để mua máy bay là phải đi vay. Vì thế, để có thể thực hiện một dự án mua tới 5 - 7 máy bay một lúc, các công ty cho thuê máy bay phải huy động được vốn từ các tổ chức tín dụng. 

Chẳng hạn với dự án mua 10 chiếc A321, VALC đã tiến hành vay vốn từ tổ chức tín dụng xuất khẩu - ECAs (ở đây bao gồm tổ hợp ngân hàng của Nhật và Đức) với số tiền 561 triệu USD, tương đương với 85% giá máy bay.

Số tiền 561 triệu USD mà VALC vay từ các ECA thực sự là con số “khủng” trong bối cảnh thị các tổ chức tài chính quốc tế đang gặp khó khăn và thực hiện cắt giảm tín dụng đối với thị trường có độ rủi ro cao như Việt Nam. 

Đến cuối năm 2011, tổng tài sản của VALC đạt hơn 5700 tỷ đồng

Để vay được một khoản tiền lớn như vậy, VALC cần phải cho thấy "đầu ra" của sản phẩm sau khi mua về. Có cổ đông chính là VietNam Airlines, doanh nghiệp nắm thế độc tôn tại thị trường hàng không Việt Nam, VALC mới thỏa mãn được yêu cầu này.

Với 15% còn lại, VALC vay 5% giá máy bay từ vốn vay thương mại và 10% là vốn tự có.

Đáp ứng được 10% vốn tự có cũng là cả một vấn đề. Trong lần yêu cầu tăng vốn điều lệ đầu tiên, VALC chỉ thu về được hơn 380 tỉ đồng từ các cổ đông, qua đó nâng vốn điều lệ đạt 1,3 nghìn tỉ đồng, vẫn còn thiếu hơn 500 tỉ đồng để đáp ứng được hợp đồng.

Như vây, để có thể mở ra một công ty chuyên mua và cho thuê máy bay, đòi hỏi những yêu cầu rất ngặt nghèo: Vốn lớn, có đại gia chống lưng, có liên kết với các hãng hàng không lớn để tạo đầu ra cho sản phẩm,... Đấy là chưa kể, các khoản nợ của công ty còn chịu rủi ro lớn từ những biến động của tỉ giá.

"Khó nuốt" như vậy nên cũng dễ hiểu vì sao chỉ có duy nhất VALC hoạt động trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Và ngay cả khi không có đối thủ cạnh tranh trong nước, việc kinh doanh của VALC cũng không thực sự tốt khi mức lợi nhuận sau thuế của công ty năm 2011 chỉ là số không tròn trĩnh, bất chấp việc doanh thu tăng đều qua các năm.

Trang Lam

dungtq

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên