MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ nghiệp nghìn tỷ của ông chủ SSI và canh bạc lớn vào lĩnh vực nông nghiệp

06-05-2013 - 08:57 AM |

Ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) được biết đến là một trong những người giàu nhất và thành công nhất trên sàn chứng khoán.

Cuối năm 2009, ông Hưng là người tiên phong trong việc chuyển tài sản cá nhân sang công ty riêng để tiện quản lý bằng việc thành lập Công ty TNHH Nguyễn Duy Hưng (nay đổi tên thành Công ty TNHH NDH Việt Nam) và sau đó chuyển toàn bộ lượng cổ phiếu SSI nắm giữ về công ty này.

Bẵng đi một thời gian, công ty NDH Việt Nam bỗng xuất hiện trở lại với việc đầu tư vào một loạt công ty, chủ yếu là những khoản đầu tư chung với SSI.

Theo tính toán của CafeBiz, chỉ tính riêng giá trị cổ phiếu tại một số công ty niêm yết mà NDH nắm giữ đã lên đến gần 800 tỷ đồng; trong đó có 500 tỷ là giá trị cổ phiếu SSI.

Là người sáng lập và nhân vật chủ chốt của SSI, tuy nhiên, cá nhân ông và công ty NDH chỉ nắm giữ 8,27%. Hai em của ông Hưng nắm giữ gần 7% nữa.

Dốc tiền vào nông nghiệp

Một sự kiện đáng chú ý gần đây là ông Hưng trở lại làm chủ tịch CTCP Xuyên Thái Bình (Pan Pacific) sau 10 năm. Đây là công ty có tiếng trong lĩnh vực dịch vụ vệ sinh công nghiệp và được chính ông Hưng sáng lập ra.

Mới đây, Pan Pacific đã có sự thay đổi mạnh về mặt chiến lược khi quyết định sẽ đầu tư mạnh vào mảng nông nghiệp: đầu tư vào các công ty nông nghiệp có các chuỗi liên kết với nhau tạo thành một chuỗi giá trị.

Hiện tại, Pan Pacific đang nắm giữ 24,9% cổ phần của 2 công ty thủy sản lớn là CTCP XNK Thủy sản Bến Tre (ABT) và 20,2% cổ phần của CTCP XNK Thủy sản An Giang (AGF).

Danh mục cổ phiếu nông nghiệp của SSI, Pan Pacific và NDH Việt Nam

Từ lâu, các công ty trong ngành nông nghiệp đã được SSI và nhóm cổ đông liên quan giải ngân một lượng vốn rất lớn vào rất nhiều phân khúc khác nhau: từ giống cây trồng (Giống cây trồng TW và Giống cây trồng Miền Nam), bảo vệ thực vật (HAI, Khử trùng VN), phân bón (Phân lân Văn điển), trồng trọt (Cao su Hoàng Anh Gia Lai), thức ăn thủy sản (Việt Thắng) hay các công ty nuôi trồng chế biến thủy sản (Hùng Vương, Agifish, Fimex, Aquatex Bến Tre…). Tại một số công ty, nhóm cổ đông SSI đã nắm quyền chi phối.

Qua đó có thể thấy ông Hưng và SSI kỳ vọng rất nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp; các công ty mà SSI đầu tư hầu hết là những công ty đầu ngành và có lợi nhuận cao.

Tuy vậy, vẫn có những khoản đầu tư chưa được như ý như việc đầu tư vào CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF). Công ty này đã lỗ hơn 150 tỷ trong năm ngoái.

Một đối tác thân thiết của SSI là Hoàng Anh Gia Lai từ lâu đã dốc hầu bao vào lĩnh vực nông nghiệp với việc đầu tư cây cao su và mía đường. Và khoản đầu tư lớn nhất của SSI cũng chính là gần 10,3 triệu cổ phiếu cao su Hoàng Anh Gia Lai với giá vốn hơn 50.000 đồng/cp, tương ứng giá trị đầu tư là 524 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2012, khoản đầu tư này đã bốc hơi (trích lập dự phòng) hơn 92 tỷ đồng. Trong năm 2013, cây cao su của Hoành Anh Gia Lai mới bắt đầu khai thác sau nửa thập kỷ đầu tư. Không chỉ bầu Đức mà cả SSI cũng đang rất muốn khoản đầu tư này mang về lợi nhuận.

Không loại trừ khả năng khi Pan Pacific chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp, một số khoản đầu tư của SSI trong lĩnh vực này sẽ được chuyển nhượng cho Pan Pacifc. Hai công ty con của SSI đã đăng ký thoái toàn bộ cổ phần tại Aquatex Bến Tre khi Pan Pacific đang tiến hành chào mua công khai để nâng tỷ lệ nắm giữ tại công ty này lên 53%.

Mối quan hệ SSI-Pan Pacific - NDH Việt Nam

KAL

duchai

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên