MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đất hiếm: Nguồn “dầu lửa mới”

11-01-2013 - 22:25 PM |

Thậm chí, khi trữ lượng dầu mỏ thế giới có nguy cơ cạn kiệt, có thể gọi đất hiếm là một loại “dầu lửa mới”. Đối với nhiều nước châu Á, nơi có trữ lượng đất hiếm dồi dào, đây rõ ràng là mối lợi không thể bỏ qua.

Các nguyên tố đất hiếm (REM) trong thời đại kinh tế trí thức đã trở thành một nguồn tài nguyên chiến lược then chốt. 17 nguyên tố được gọi là đất hiếm này có mặt trong hầu hết các thiết bị công nghệ cao, từ các công nghệ quân sự tiên tiến cho tới điện thoại di động.

Cái tên đất hiếm thực sự là một sự lầm lẫn. Trên thực tế, những nguyên tố này trên Trái Đất còn có số lượng nhiều hơn so với bất kỳ loại khoáng sản quý nào. Cho đến nay, sự phân tán của chúng khiến cho chúng hiếm khi được phát hiện với một số lượng đủ để khai thác có lãi. Sự tương đồng về các thuộc tính hóa học của 17 nguyên tố đất hiếm, thể hiện bởi vị trí gần nhau của chúng trong bảng Tuần hoàn các nguyên tố hóa học, đã khiến chúng rất khó để tách rời nhau. Việc khai thác những nguyên tố này đòi hỏi rất nhiều vốn cũng như kỹ năng cần thiết. Đất hiếm được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, chúng phần lớn được sử dụng để chế tạo các hỗn hợp pin, gốm và từ tính, các lĩnh vực đang liên tục phát triển nhằm phục vụ cho ngành công nghiệp công nghệ cao. Đất hiếm còn được sử dụng cả trong các công nghệ quốc phòng. Thậm chí, nếu không có chúng, người ta sẽ phải mất thêm rất nhiều thời gian để phát triển lại những phương tiện chiến tranh hiện đại như máy bay phản lực, máy bay không người lái và các thiết bị điều khiển bằng máy tính khác. Bởi vây, một sự độc quyền tuyệt đối đối với một nguồn tài nguyên như vậy sẽ gây ra sự lo ngại nghiêm trong đối với bất kỳ quốc gia nào.

Theo một khảo sát địa chất của Mỹ, hiện trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc chiếm một nửa số đất hiếm của toàn thế giới với con số lên tới 55 triệu tấn. Nếu không tính tới các nước nằm trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Mỹ là quốc gia có số lượng dự trữ đất hiếm đứng thứ hai trên thế giới với 13 triệu tấn. Ấn Độ đứng thứ ba với ước tính trữ lượng đất hiếm khoảng 3,1 triệu tấn. .

Trong những năm gần đây, Hàn Quốc và Nhật Bản đã có sự hợp tác nhằm lưu trữ và chia sẻ các nguồn năng lượng nhằm bảo đảm an toàn cho việc nhập khẩu năng lượng. Những thỏa thuận chia sẻ tài nguyên cũng rất có thể được áp dụng đối với các khoáng sản đất hiếm trong tương lai. Năm 2011, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, ông Mike Coffman (R-CO) đã đưa dự thảo Đạo luật RESTART (Đạo luật chuyển đổi và Công nghệ chuỗi cung cấp đất hiếm) ra Hạ viện Mỹ. Đạo luật này, hiện vẫn chưa được thông qua, bao gồm một điều khoản kêu gọi tạo ra một kho dự trữ quốc gia nằm dưới sự quản lý của Bộ Quốc phòng Mỹ. Đề xuất này đã từng được đưa ra một số lần trong vài năm qua. Vào tháng 7-2012, tờ Tạp chí An ninh Trung Quốc đã cho biết nước này đã bắt đầu tiến hành dự trữ đất hiếm nhưng không công bố cụ thể kế hoạch này đã bắt đầu từ khi nào.

Còn Ấn Độ, cho đến nay vẫn chưa thể tiến hành dự trữ nguồn tài nguyên này. Thay vì thế họ đã đẩy mạnh việc sản xuất và khai thác đất hiếm để tìm cách đáp ứng nhu cầu trong nước. Ở Orissa, một nhà máy xử lý đất hiếm có công suất 10.000 tấn dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong năm tới. Nhà máy trị giá 25 triệu USD này dự kiến sẽ xử lý khoảng 4% sản lượng Monazite toàn cầu. Phần lớn trong số này sẽ chỉ để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đã bắt đầu việc thăm dò đất hiếm ở ngoài khơi. Sẽ còn phải mất nhiều năm nữa trước khi việc khai thác và sản xuất đất hiếm từ các mỏ ở ngoài khơi được thực hiện. Theo ước tính của một số nhà khoa học thì nếu có kế hoạch khả thi thì việc này có thể được triển khai vào năm 2030-2040.
Nhiều chuyên gia ví ý tưởng này như việc tìm cách khai thác mỏ trên một thiên thạch đang bay trong vũ trụ. Bất chấp các vấn đề cố hữu và tốn kém, Trung Quốc đã bắt đầu tìm cách triển khai thực hiện kế hoạch này và đã giành được quyền khảo sát từ Ủy ban Đáy biển Quốc tế cho phép họ thăm dò một khu vực rộng 10 nghìn km vuông ở vùng tây nam Đại Tây Dương. Ấn Độ cũng đã triển khai kế hoạch theo hướng tương tự.
New Dehli đã chi 135 triệu USD để mua một con tàu thăm dò mới với hy vọng sẽ bổ sung nguồn tài nguyên ít ỏi trên đất liền bằng những mỏ lớn hơn ở ngoài khơi. Một nhóm các nhà khoa học nhiều thành phần, trong đó có cả các kỹ sư vũ trụ và năng lượng hạt nhân, đã được thành lập nhằm phát triển năng lực khai thác mỏ ngoài khơi của Ấn Độ. Theo Bộ trưởng Khoa học Trái đất của Ấn Độ, ông Ashwani Kumar, chương trình này sẽ giải quyết “nhu cầu chiến lược và cấp thiết” của đất nước.

Mặc dù khi giá đất hiếm đã giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh điểm, nhiều người vẫn lạc quan về triển vọng của nguồn tài nguyên này. Tập đoàn KPMG tin rằng khoảng 75% số công ty sẽ đóng cửa trong vòng 24 tháng tới do mức giá thấp hiện nay. Nếu xuất hiện một sự sụp đổ với quy mô lớn như vậy, ngành công nghiệp này sẽ được củng cố và chỉ còn chịu sự kiểm soát của một vài ông lớn.

Không nghi ngờ gì nữa, Tập đoàn Đất hiếm Ấn Độ sẽ được chính quyền New Dehli chống đỡ. Tương tự, hồi tháng 11-2012, Trung Quốc cũng mới công bố việc thiết lập một quỹ tài chính mới nhằm “tái cấu trúc” ngành công nghiệp đất hiếm của nước này. Quỹ này sẽ giúp tập trung hóa và củng cố ngành công nghiệp đất hiếm, thu nhỏ quy mô của nó và giúp chính quyền dễ quản lý hơn.

Bất chấp các quốc gia như Mỹ và Australia đang đẩy mạnh việc đầu tư vào việc sản xuất đất hiếm, nhưng khả năng thu được lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp đang là một dấu hỏi lớn bởi chi phí nhân công cao và những khó khăn trong trong việc đáp ứng các quy định chặt chẽ về môi trường.
Jack Lifton, ông chủ của hãng Technology Metals Research, trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters hồi năm 2011 đã nói rằng ông tin rằng chỉ có 4% số các doanh nghiệp là làm ăn có lãi. Với những ước tính như thế, sự đầu tư tốn kém của Ấn Độ vào việc khai thác và sản xuất đất hiếm trong thời điểm giá cả đang ở mức thấp như hiện nay đã cho thấy tầm quan trọng chiến lược của nguồn tài nguyên này đối với chính quyền New Dehli.
Chi phí lao động rẻ ở một số quốc gia có đất hiếm khác, thí dụ như Myanmar, Mông Cổ, Ấn Độ và có thể là Triều Tiên, có thể sẽ hấp dẫn được các nước phát triển. Tuy nhiên, bất chấp việc các nước khác đang gia tăng việc khai thác và sản xuất đất hiếm, cho đến nay Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất và có giá rẻ nhất.
Thật sự, đất hiếm dường như sẽ trở thành nguồn tài nguyên chiến lược có tính quyết định, con át chủ bài của khả năng bứt phá giữa các nền kinh tế trong kỷ nguyên mới.
Theo Nhân dân

duchai

Trở lên trên