Dịch vụ “xuất khẩu người già” sang Thái Lan
Gửi người thân lớn tuổi ra nước ngoài để chăm sóc có thể là một quyết định khó khăn về mặt lý trí và tình cảm, nhưng ngày càng có nhiều người già Châu Âu được gửi đến các viện dưỡng lão Thái Lan.
- 28-11-2012Ông Lý Hiển Long: Singapore có thể trở thành “viện dưỡng lão”
- 25-12-2013Tỉ phú Đông Nam Á 'tấn công' bóng đá Châu Âu
- 23-12-20135 khu chợ lớn nổi tiếng ở châu Âu
- 04-12-2013Những trường kinh doanh hàng đầu châu Âu
- 02-12-2013Visa vàng châu Âu thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc
Nội dung nổi bật:
- Gửi người thân ra nước ngoài như Thái Lan để chăm sóc có thể là một lựa chọn mà nhiều người Châu Âu sẽ xem xét bởi hố ngăn cách giữa chi phí chăm sóc và chất lượng tại quê nhà họ ngày càng mở rộng.
- Ở Thụy Sĩ, chi phí này khoảng từ 5.000 đến 10.000USD/tháng, trong khi ở Thái Lan chỉ xấp xỉ 3.000USD - và đó là dịch vụ chăm sóc trọn gói tốt hơn nhiều. Ở Anh, chi phí trung bình là 3.600USD/tháng để chăm sóc cơ bản và hơn 5.000USD để chăm sóc điều dưỡng. Trong khi hệ thống chăm sóc người già ở Anh còn bị phàn nàn vì hiện tượng lạm dụng, bỏ đói khát người già thì trái lại ở Thái Lan có nền văn hóa lâu đời chăm sóc người lớn tuổi.
Sybille Wiedmer sống ở Thụy Sĩ và đang sắp xếp vali chuẩn bị cho chuyến đi Thái Lan. Nhưng đây không phải là một kỳ nghỉ bình thường. Chị đến thăm mẹ đang sống trong nhà dưỡng lão ở thành phố Chiang Mai.
“Lúc đầu nhiều người cũng sốc và hỏi: Tại sao chị có thể làm thế, tại sao cô dám làm thế. Chị không thể thăm bà ấy. Tôi nói rằng nếu tôi thăm mẹ tôi, chỉ nửa giờ sau bà sẽ không nhớ gì nữa” - Sybille nói. Mẹ chị, bà Elisabeth năm nay 91 tuổi và mắc chứng bệnh mất trí. Bà sống ở viện dưỡng lão Thái Lan cùng hàng chục người Đức và Thụy Sĩ khác đã 4 năm qua và ngày ngày vật lộn với cuộc chiến tìm lại trí nhớ trong hiện tại.
“Tôi ở đây chưa lâu, nhưng mọi chuyện rất tốt đẹp và mọi người cũng tốt nữa. Tôi còn phải ở đây bao lâu nữa?”. Khi bà Elisabeth được trả lời rằng bà đã ở đây 4 năm, bà thốt lên: “Đã lâu thế rồi ư? 4 năm rưỡi? Ồ, tôi già mất rồi”.
Chỉ cần nhìn vào chi phí thì có thể dễ dàng hiểu ngay vì sao nhiều gia đình Châu Âu muốn đưa người già ra nước ngoài chăm sóc. Chi phí cho nhân viên điều dưỡng thấp hơn đáng kể ở Thái Lan, song chất lượng dịch vụ rất cao.
Trong trường hợp của bà Elisabeth, gia đình bà chọn Thái Lan một phần vì bà từng sống ở Châu Á với người chồng quá cố, do đó đất nước này không phải là hoàn toàn xa lạ. Tuy nhiên, Sybille cho biết lý do chính là loại hình chăm sóc mà mẹ chị sẽ nhận được: “Việc điều trị và chăm sóc có tính chất cá nhân hơn và có cả tình yêu thương nữa. Do đó, tôi sẽ không ngần ngại đưa bất cứ ai như mẹ tôi tới đó”.
Gửi người thân ra nước ngoài để chăm sóc có thể là một lựa chọn mà nhiều người Châu Âu sẽ xem xét bởi hố ngăn cách giữa chi phí chăm sóc và chất lượng tại quê nhà họ ngày càng mở rộng. Vấn đề này một phần cũng được thúc đẩy bởi nhu cầu. Con người ngày càng sống thọ hơn và đến độ tuổi có nhiều khả năng xuất hiện các bệnh mạn tính.
Tổ chức Y tế thế giới cho biết đến năm 2050, số lượng người sống qua 80 tuổi dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần - lên 395 triệu, tuy nhiên sau tuổi đó cứ 6 người thì có 1 người mắc bệnh mất trí nhớ. Do vậy, hiển nhiên nhu cầu chăm sóc người già ngày càng tăng.
Tuy nhiên, đối với những người chưa bao giờ phải thắt lưng buộc bụng, việc trả chi phí cao cho một cơ sở dưỡng lão với chất lượng tốt lại là một vấn đề lớn. Ở Thụy Sĩ, chi phí này khoảng từ 5.000 đến 10.000USD/tháng, trong khi ở Thái Lan chỉ xấp xỉ 3.000USD - và đó là dịch vụ chăm sóc trọn gói tốt hơn nhiều.
Ở Anh, chi phí trung bình là 3.600USD/tháng để chăm sóc cơ bản và hơn 5.000USD để chăm sóc điều dưỡng. Trong khi hệ thống chăm sóc người già ở Anh còn bị phàn nàn vì hiện tượng lạm dụng, bỏ đói khát người già thì trái lại ở Thái Lan có nền văn hóa lâu đời chăm sóc người lớn tuổi. Ông Martin Woodtli, giám đốc một nhà dưỡng lão ở Chiang Mai - nói rằng khách hàng của ông được hưởng chất lượng chăm sóc tốt và xứng đáng với đồng tiền bỏ ra. “Thậm chí có đến 3 hoặc 4 nhân viên thay nhau chăm sóc một người 24/24h. Điều đó không thể có ở Châu Âu” - ông nói.
Tuy nhiên, ngay cả như vậy thì bà La - người chăm sóc cho bà Elisabeth - nói rằng viện dưỡng lão không phải là giải pháp tốt nhất: “Bản thân tôi thấy rằng tôi không cần phải đến đây. Nếu tôi đến viện dưỡng lão ở, tôi sẽ gặp rắc rối với con gái. Nếu bạn có con gái, bạn không cần ở đây, bởi con gái có thể chăm sóc bạn tại nhà. Chúng tôi thường thế, chăm sóc lẫn nhau và ở cùng nhau”.
Cùng chung suy nghĩ với bà La, ông Markus Leser - tại Hiệp hội Chăm sóc tại gia cho người già ở Thụy Sĩ - không tin rằng việc gửi người thân ra nước ngoài dưỡng lão là việc nên làm. “Con đường từ nhà đến nhà dưỡng lão là một bước dài. Nó còn dài hơn khi nhà dưỡng lão ở tận Thái Lan, nơi có sự cách biệt về ngôn ngữ và khoảng cách địa lý, tách biệt hẳn với gia đình. Tất nhiên chi phí rẻ hơn, nhưng để quyết định cho cha mẹ tôi thì chi phí không phải là vấn đề cốt yếu”.
Sybille cũng đã cố chăm sóc mẹ mình, nhưng giống như nhiều người thân của những bệnh nhân bị chứng mất trí nhớ khác, cô cảm thấy vô cùng khó khăn. Rốt cuộc, cô vẫn phải để mẹ ở Thái Lan, hằng ngày nói chuyện với bà qua Skype và đến thăm bà mỗi năm 2 lần. Thế hệ những người tầm 40-50 tuổi có thể phải trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính khi vừa phải chăm sóc con cái, vừa chăm sóc bố mẹ già. Điều đó có nghĩa là sẽ còn nhiều người như bà Elisabeth sẽ được gửi đến viện dưỡng lão ở nước ngoài.
Theo Vân Anh