MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng sáng lập PayPal - Peter Thiel: Bong bóng Internet khó xảy ra lúc này

27-06-2011 - 22:41 PM |

Peter Thiel cũng cho rằng mọi người đã đánh giá hơi thấp giá trị của Thung lũng Silicon.

Trong cuộc phỏng vấn riêng của báo CapLinked với Peter Thiel – đồng sáng lập PayPal và thành viên quản lý Founders Fund, Peter Thiel đã cho biết lý do anh đầu tư vào Facebook, sự khác biệt giữa Phố Wall và Thung lũng Silicon, và tại sao anh nói sẽ không thành lập PayPal nếu biết trước những điều mà giờ đây anh đã biết.

Mùa thu năm ngoái anh đã công bố học bổng “20 tuổi trở xuống” nhằm khuyến khích các tài năng trẻ bỏ học đại học để theo đuổi kinh doanh. Đó là một chương trình gây nhiều tranh cãi. Cảm giác của anh như thế nào khi phải đứng vào vị trí bị nhiều người công kích? Anh đã làm thế nào để giữ vững lập trường của mình khi có quá nhiều người chống lại anh?

Việc là người đầu tiên thử điều gì mới hay nói ra những điều trái với lẽ thường sẽ đem đến nguy cơ bị xã hội lên án, nhưng qua thời gian, điều đã từng gây tranh cãi cuối cùng lại trở thành điều hiển nhiên. Cũng như giờ đây mọi người đã thấy quá rõ nhà đất không phải lúc nào cũng là khoản đầu tư tốt, ngày càng có nhiều người nhận ra đại học không phải luôn luôn là sự lựa chọn tốt nhất.

Kể từ khi công bố học bổng đó vào mùa thu năm ngoái, đã có một làn sóng tranh cãi về việc bong bóng giáo dục là chuyện ngớ ngẩn thế nào. Tôi hi vọng học bổng của chúng tôi sẽ tiếp sức cho một thế hệ để họ cân nhắc cẩn trọng hơn họ muốn gì trong cuộc sống và làm thế nào để đạt được nó. Nền kinh tế của chúng ta cần những ý tưởng sáng tạo và cấp tiến, và để có được điều đó, chúng ta cần nhiều hơn những người có hoài bão, vượt qua dư luận và mạo hiểm.

Từ rất sớm trong sự nghiệp của mình, anh đã làm việc một thời gian ngắn tại Phố Wall trước khi quay về California để đầu tư tư nhân và sau đó thành lập công ty PayPal. Tại sao anh lại từ bỏ ngành luật và rời Phố Wall quá sớm như vậy? Và nguyên nhân gì đã khiến anh rời bỏ con đường mà anh đã mất rất nhiều năm chuẩn bị từ trước?

Tôi không thể nói rằng mình đã lên kế hoạch cho mọi thứ từ khi bắt đầu học tiểu học được. Tôi không nghĩ quá nhiều để quyết định vào đại học hay trường luật; đó là những lựa chọn mặc định khi bạn không có kế hoạch gì khác.
 
Tôi không cảm thấy hối hận về quyết định đó, và nếu được làm lại, có thể tôi sẽ vẫn quyết định như vậy, nhưng tôi chắc chắn sẽ suy nghĩ kĩ lưỡng hơn. Thung lũng Silicon cuối những năm 90 rất thú vị bởi ở đó không có sẵn một lối mòn nào, như trong lĩnh vực luật hay tài chính, và thực sự rất đáng từ bỏ con đường kia để tham gia vào những thử thách đòi hỏi nhiều trí tuệ hơn.

Tại sao anh lại đam mê công nghệ như vậy? Anh là học sinh ngành triết học rồi sau đó theo học trường luật. Mà đó thì không phải kinh nghiệm điển hình cho một kỹ sư công nghệ. Anh đã quyết định theo đuổi công nghệ kể từ lúc nào?

Đó là vấn đề về tư duy bao quát hay tư duy chuyên sâu. Tư duy bao quát là sao chép những gì đã biết và triển khai nó ở nơi khác. Tư duy chuyên sâu là tưởng tượng ra những thứ chưa từng có ai nghĩ đến hay thực hiện trước đó. Việc đó khó hơn nhiều. Ngành pháp lý yêu cầu rất ít tư duy chuyên sâu, đặc biệt nếu đem so với ngành công nghệ.

Phân tích cơ bản về kinh nghiệm với PayPal của tôi là, nếu trước đây, tôi biết được những điều mà giờ đây tôi đã biết về lĩnh vực thanh toán, tôi đã không thành lập công ty. Việc đó quá đáng sợ. Có quá nhiều thử thách khó nhằn mà chúng tôi không biết trước. Trong những thử thách đó, tôi đã thấy công nghệ đột phá có thể thực sự biến đổi mọi thứ thế nào. Và có một sự thực vĩ mô về tăng trưởng kinh tế, rằng mọi thứ chỉ có thể tiến bộ hơn khi xã hội cải cách hơn.

Công nghệ về cơ bản là việc làm được nhiều hơn mà tốn ít sức hơn. Một khi bạn nhận ra điều đó, thật khó để nghĩ rằng mình sẽ làm một việc gì khác.

Tại sao anh lại tin tưởng Mark Zuckerberg và Sean Parker khi họ tiếp cận anh về Facebook? Ý tưởng Facebook không hề mới – về cơ bản thì nó giống với Friendster, một trang web đã thất bại. MySpace cũng không thành công cho lắm. Anh đã thấy điều gì ở họ và ở Facebook, mà người khác không nhìn thấy được?

Cả Mark và Sean đều là những người biết nhìn xa trông rộng về sản phẩm. Điều mà tôi thích nhất là họ đã giải quyết được vấn đề nhận diện. Trước Facebook hiếm khi người ta thấy mọi người đăng nhận diện thật của mình lên mạng. Mark và Sean đã làm được điều đó bằng cách thức mà có thể tăng trưởng rất nhanh từ những thành công ban đầu ở các trường đại học.
 
Rất nhiều người đã quy thành công của họ là do cơ hội, nhưng thực tế họ có một lợi thế đó là luôn có kế hoạch. Tôi sẽ lấy 1 ví dụ mà tôi thực sự rất ấn tượng. Mùa hè 2006, Facebook có 30 triệu USD doanh thu, 5 triệu người dùng, và chủ yếu là ở thị trường đại học của những người Mỹ gốc Anh. Yahoo đã cố mua nó với giá 1 tỷ USD.
 
Nếu họ không lên kế hoạch trước sẽ làm gì với công ty, họ có thể đã bán nó. Nhiều người đã nghĩ Mark thật điên rồ vì không bán Facebook. Nhưng anh ta luôn có kế hoạch và tầm nhìn về việc Facebook có thể làm gì, và thành công của Facebook chính là minh chứng cho tầm nhìn ấy.

Mọi người đều muốn biết – chúng ta liệu có đang ở trong một bong bóng internet khác? Anh đã từng nói rằng vì mọi người còn nhớ mình đã bị đốt cháy khi bong bóng nổ cuối những năm 90 như thế nào, nên sẽ rất khó để chuyện đó xảy ra lần nữa. Anh có còn tin vào điều đó không?

Tôi nghĩ thế giới đang đánh giá hơi thấp Thung lũng Silicon và tầm quan trọng của công nghệ. Khi bạn thấy giá cổ phiếu của LinkedIn tăng mạnh ngay trong ngày đầu tiên lên sàn, bạn phải giả định rằng các ngân hàng đầu tư đã không biết cách đo đếm giá trị của công ty. Phố Wall không thực sự hiểu các công ty công nghệ làm việc như thế nào. 

Chúng ta đã đi một chặng đường khá xa so với cuối những năm 90. Tại thời điểm đó cả cộng đồng cùng góp phần thổi phồng giá trị của những khoản đầu tư có vấn đề. Câu chuyện ngày nay lại thiếu đi một số yếu tố quan trọng khi hầu hết các công ty công nghệ mới đều không phải công ty đại chúng (chỉ có một số ít cổ đông).

Một số người bi quan tập trung vào các công ty như Groupon, LinkedIn, Zynga, Facebook và Twitter, nhưng chỉ 5 công ty này không thể tạo nên bong bóng được, ngay cả khi tất cả đều lên niêm yết.
 
Nếu chỉ có vậy cũng tạo nên bong bóng, thì chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề rất nghiêm trọng. Điều đó nghĩa là hóa ra có rất ít cải cách đang thực sự diễn ra và toàn bộ nền kinh tế tồi tệ hơn mọi người vẫn tưởng. Nhưng thực ra có rất nhiều thứ đang tiến triển tại Thung lũng Silicon.
 
Quyết định kinh doanh sáng suốt nhất anh đã từng đưa ra là gì?
Tôi không dám nói chắc chắn quyết định nào là tốt nhất, nhưng quay trở lại California những năm 1990 là một trong số đó. Có lẽ đó là thời điểm và địa điểm thích hợp nhất trong lịch sử thế giới để khởi nghiệp. Thung lũng Silicon có nhiều lợi thế, nhưng một trong số những lợi thế hấp dẫn nhất đó là niềm tin của nó vào quyền năng biến đổi thế giới của công nghệ đột phá.
Thu Thủy
Theo CapLinked

thuthuy

Trở lên trên