MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải mã sức 'hấp dẫn' của bánh trung thu

06-09-2014 - 14:58 PM |

Chỉ riêng ở Tp. Hồ Chí Minh đã có hơn 30 nhà cung cấp bánh trung thu đủ các phân khúc với hơn 4.200 tấn bánh tung ra thị trường.

Giải mã độ “hấp dẫn” của bánh trung thu

Đã từ lâu không khí trung thu đến với người dân ở khắp Việt Nam sớm hơn thời khắc của nó bởi sự đóng góp khá lớn của các hãng bánh kẹo có sản xuất bánh trung thu. Thị trường này cũng trở nên hấp dẫn hơn cho cả phía cung lẫn cầu khi có sự tham gia ngày càng đông các thương hiệu bánh mới, vị bánh mới…

Trong khoảng 5 năm trở lại, khối lượng bánh trung thu được tung ra thị trường ước tính tăng trên 10%/năm, nhiều hãng bánh lớn có năm mức tăng trưởng lên đến 15%/năm như Kinh Đô (mã CK: KDC), Bibica (mã CK: BBC), Brodard hay Givral… Ở các thành phố lớn, phân khúc bánh trung thu do khách sạn, nhà hàng 4 – 5 sao, chuỗi cửa hàng bánh sản xuất ngày một sôi động hơn, cả về số nhà cung cấp lẫn sản lượng.

Thống kê cho thấy hiện ở Tp. Hồ Chí Minh có hơn 30 nhà cung cấp bánh Trung thu ra thị trường bao gồm cả bánh nhập khẩu. Với sự tham gia ngày càng đông của các nhà cung cấp, quy mô thị trường tăng lên, phân khúc sản phẩm rõ, mạnh, cho thấy ẩn đằng sau đó là cuộc chiến dành thị phần không “ngọt” như ta tưởng.

Cuộc chiến giành thị phần trở nên “khốc liệt” hơn khi hơn 90% thị phần bánh trung thu ở TPHCM thuộc về 4 hãng bánh lớn Kinh Đô, Bibica, Đại Phát, Givral đó là chưa tính đến phân khúc chất lượng bánh (Bibica có phân khúc bánh khác so với Kinh Đô, Đại Phát, Givral). 

Bản thân trong nhóm 4 hãng bánh Trung thu lớn nhất thị trường cuộc chiến thị phần vô cùng căng thẳng, khi Kinh Đô với thế mạnh về tài chính, hệ thống phân phối, thương hiệu và quản trị giữ vững thị phần khoảng 76% trong nhiều năm liền.



Tỷ trọng khối lượng bánh (tính theo tấn) tung ra thị trường mùa Trung Thu 2014.

* Khác gồm: dòng bánh nhà hàng, khách sạn, New World, Sofitel, Windsor, Equatorial, Shang Palace, White Palace, REX, Intercontinental Asiana Saigon, Đồng Khánh, Hỷ Lâm Môn, Phúc Long, Như Lan, Thu Hương, Hữu Nghị, Fresh Garden, Long Đình, Tous Les Jours….

Lý do gì khiến bánh trung thu “hấp dẫn” các nhà sản xuất đến vậy?

Ở phía cung, biên lợi nhuận bánh trung thu cao. Mặc dù không có số liệu thống kê cụ thể, nhưng từ báo cáo tài chính của Bibica hay Kinh Đô cho thấy, quý III biên lợi nhuận gộp luôn ở mức cao hơn bình quân cả năm và các quý khác trong năm. 


Thêm vào đó, theo tiết lộ của một chủ đại lý cung cấp bánh trung thu trên địa bàn Tp. HCM, mùa vụ Trung thu là cơ hội kinh doanh chắc chắn sinh lợi vì doanh số khá cao, đủ hấp dẫn để  thu hút các điểm bán bánh mùa vụ mọc lên như nấm ở nơi mà nhà sản xuất nhắm tới.

Thiết kế bao bì cải tiến, biến tấu nhiều hơn trong vị bánh giúp khách hàng có nhiều lựa chọn cũng là cách để phía nhà sản xuất “tranh thủ”, “kích thích” thị trường.

Ở phía cầu, mức sống của người dân tăng lên. Dù cho tăng trưởng kinh tế chậm hay có nhiều chuyển biến tích cực thì thu nhập của một bộ phận lớn dân cư đang tăng lên từng ngày tác động tích cực đến thị trường bánh. Bằng chứng là sản lượng tiêu thụ bánh Trung thu năm sau cao hơn năm trước, và sản lượng bánh cung cấp thực tế của các nhà sản xuất lớn thường vượt sản lượng bánh kế hoạch.

Kinh Đô – với thị phần khoảng 76% ở các mùa vụ trước cho biết sản lượng tiêu thụ thực tế của hãng những năm qua luôn vượt kế hoạch.


Từ bánh trung thu nhìn ra các sản phẩm mùa vụ

Đối với doanh nghiệp nhóm ngành bánh kẹo, mùa vụ kinh doanh thường rơi vào quý III và quý IV của năm nhờ Tết Trung Thu và Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, với khuynh hướng tiêu dùng hiện nay, các doanh nghiệp nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh có thể khai thác được các lợi thế của mình trong kỳ “trái vụ” – quý I và quý II.

Khi các dịp lễ Tình nhân, Quốc tế Phụ nữ, Quốc tế Thiếu nhi, các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh tiêu thụ các dòng sản phẩm Chocolate,… thông qua việc tạo ra nét “văn hóa” cho các dòng sản phẩm tiêu dùng nhanh, sản phẩm biếu tặng các dịp lễ hội có tính mùa vụ này.

Bên cạnh các sản phẩm biếu tặng, một số doanh nghiệp đầu ngành như Kinh Đô đang tạo ra những “trào lưu” tiêu dùng nhằm tranh thủ thị trường với các dòng sản phẩm như Cracker, Cake, Buns, Kem… và khá thành công khi đánh bật các dòng sản phẩm ngoại nhập để dẫn đầu thị trường.

Để 1 năm 4 mùa, 12 tháng đều là “mùa vụ” quả là điều không dễ dàng, nhưng rõ ràng các doanh nghiệp Việt đang nổ lực để tối đa hóa lợi nhuận và tăng độ hài lòng của khách hàng. 

Đại diện của Kinh Đô khi đánh giá về kết quả 6 tháng đầu năm – “trái vụ” cho biết để có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng ổn định doanh nghiệp phát huy hiệu quả của hoạt động tái cấu trúc và khai thác tốt các ngành hàng có biên lợi nhuận cao.

Kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III?

Theo thống kê, tỷ trọng bánh trung thu chiếm khoảng 15% - 25% tổng doanh thu cả năm của các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo. Đến hôm nay, khảo sát quanh Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều hãng bánh như Kinh Đô, Givral, Bibica đã tiêu thụ hết phần lớn các dòng sản phẩm của họ.

Với tốc độ tăng trưởng của ngành, các dòng sản phẩm có tính chất mùa vụ Tết, cũng như kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế dự báo các doanh nghiệp bánh kẹo sẽ đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý III và nửa cuối năm 2014.

Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp lớn đầu ngành đang đẩy mạnh tái cơ cấu, tranh thủ các cơ hội từ các Hiệp định tự do thương mại có thể tạo ra “làn sóng” đầu tư trong ngành (bao gồm cả đầu tư bên trong doanh nghiệp, tiếp nhận đầu tư từ bên ngoài), giúp ngành phát triển vững chắc hơn trong tương lại.

Ở thái cực khác cho thấy, đây là cuộc chơi của các doanh nghiệp có năng lực tài chính mạnh, thương hiệu mạnh, hệ thống phân phối rộng khắp, chiến lược quản trị tốt. 

quynhnn

Theo Infonet

Trở lên trên