MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng, đại gia Hòa Phát còn 'phát'?

04-05-2013 - 08:19 AM |

Bất chấp khó khăn chung của toàn ngành vật liệu xây dựng lẫn địa ốc, Hòa Phát vẫn giữ vững vị thế đại gia của mình bằng cả hai chân bất động sản và thép...

“Vị trí không thể đẹp hơn”…

Đó là slogan của dự án Mandarin Garden mà Tập đoàn Hòa Phát là chủ đầu tư. Dự án này đã ngốn của Hòa Phát không ít vốn liếng và tâm sức trong vòng 3 năm kể từ ngày khởi công xây dựng đến giai đoạn hoàn thành thô và ra nhà mẫu, với tổng vốn đầu tư lên tới 3.648 tỷ đồng. 

Có thể nói Mandarin Garden là dự án bất động sản tâm huyết của Hòa Phát khi tập đoàn đã đầu tư tới 85% vốn (hiện nay là 60%) vào Công ty cổ phần Golden Gain Việt Nam để cho ra một sản phẩm gần như duy nhất ở một công ty con, tính đến thời điểm hiện nay (tất nhiên, ngoại trừ những hạng mục đầu tư địa ốc trực tiếp hoặc của các công ty con và liên kết khác thuộc Hòa Phát).

Vì vậy, khu phức hợp Mandarin, niềm tự hào của Hòa Phát về vị trí không thể đẹp hơn - theo đúng nghĩa đen của một tổ hợp có tổng diện tích sàn xây dựng là 230.000 m2 ngay tại vị trí đất đẹp của Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, TP. Hà Nội, cũng có một vị trí không thể đẹp hơn trong bảng xếp hạng vị trí các hạng mục ưu tiên đầu tư thời gian qua của Hòa Phát. 

Nếu có, thì chắc chỉ xếp sau ưu tiên tuyệt đối dành cho khu liên hợp Gang Thép Hòa Phát giai đoạn 2, vì đây là lĩnh vực cốt lõi và không thể không đầu tư tiếp, nếu tập đoàn muốn duy trì vị thế số 1 trên thị trường thép ống Việt Nam.

Ngay khi dự án Mandarin Garden hoàn thành nhà mẫu vào tháng 10/2012, Hòa Phát đã tích cực đẩy mạnh bán ra, tận dụng tín hiệu tốt hơn nhờ một tác động nhất thời của chính sách đối với thị trường bất động sản. 

Đặc biệt, việc áp dụng linh động giảm giá căn hộ tới gần 50%, từ mức 45 triệu đồng/m2 dự kiến xuống chỉ còn khoảng 26 triệu đồng/m2 không nội thất, đã mang về kết quả doanh thu từ Mandarin ước khoảng 5.000 tỷ đồng, với tỷ suất lợi nhuận khoảng trên 10%. Tức Hòa Phát có thể sẽ thu được khoản lợi nhuận tới 500 tỷ đồng, tương đương gần 50% lợi nhuận của cả năm 2012 mà doanh nghiệp đã đạt được.

Tuy vậy, theo ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn, khoản 500 tỷ đồng lợi nhuận dự kiến này Hòa Phát tính chỉ hạch toán chừng 100 tỷ đồng trong năm 2013. Lượng hàng thì đã bán hết gần 1/3, chỉ còn tồn 400/1.000 căn hộ Mandarin. Khi lợi nhuận dự kiến lẫn hàng tồn kho đều được hạch toán chung trong mục hàng tồn kho thì rõ ràng đây là một khoản “để dành” không nhỏ của Hòa Phát trong các năm tới.

Ngoài Mandarin Garden, năm 2012, dự án chung cư 257 Giải Phóng của Hòa Phát cũng đã đạt doanh thu 454 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 117 tỷ đồng. Đây là dự án được khởi công cùng năm với Mandarin, tọa lạc tại địa chỉ 257 đường Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội; được bàn giao và chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 3/2012.

Như vậy, trong lúc thị trường bất động sản đóng băng và hầu hết các doanh nghiệp đều lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần vì chôn vốn vào tồn kho, thì Hòa Phát vẫn thu được của ăn của để từ cả dự án cũ lẫn mới.

Ai bảo đại gia càng to béo càng khó chịu được nhiệt bốc hơi của thị trường địa ốc, hẳn đã quá vội vàng!?

'Phát' nhưng coi chừng

Ống ở đây là ống thép, sản phẩm chủ lực của Thép Hòa Phát và hiện đang dẫn đầu thị trường với thị phần chiếm tới 15%. Theo lý mà nói, thép ống vốn là thép xây dựng, sẽ chịu rất nhiều tác động từ tình trạng trồi sụt của thị trường địa ốc và khó vượt thoát số phận của các vật liệu xây dựng cơ bản. 

Tuy nhiên, phân tích nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh vượt hơn 100% năm2012 của Hòa Phát, chuyên viên phân tích của Công ty chứng khoán VCbS cho rằng, mặc dù việcsản xuất và kinh doanh thép Hòa Phát giảm về lợi nhuận nhưng tập đoàn vẫn đạt được những thành công nhất định nhờ quy trình sản xuất khép kín. 

Bên cạnh đó, mặc dù mức tiêu thụ giảm nhưng vẫn thấp hơn so với mức giảm chung của ngành. Thống kê cho thấy, ở thị phần thép xây dựng Hòa Phát đang duy trì vị trí thứ 2, tăng từ 13,3% lên 13,7% trong khi tiếp tục khẳng định vị thế là nhà sản xuất ống thép hàng đầu Việt Nam.

Báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) về sản lượng thép xây dựng bán ra trong tháng 3 và quý I/2013 cho thấy, Thép Hòa Phát đang lội ngược so với dòng chảy chung của thị trường. Cụ thế, các thành viên VSA chỉ bán được 450.000 tấn thép xây dựng, giảm 13,6% so với tháng 3/2012, và tính chung 3 tháng đầu năm VSA tiêu thụ được 1,1 triệu tấn, giảm trên 3% so với cùng kỳ. 

Nhưng riêng Thép Hòa Phát tháng 3 đã bán được hơn 70.000 tấn, gấp 2 lần mức tiêu thụ tháng 2, cũng là tháng nghỉ Tết Âm lịch. Sản lượng hàng bán trong quý của Hòa Phát chỉ giảm 1,4% so với cùng kỳ, chưa tới 1/2 mức giảm của toàn VSA.

Có được kết quả này, VSA nhận xét, là nhờ Thép Hòa Phát đang cung cấp hàng cho hầu hết các công trình lớn trên khắp cả nước như khu chung cư cao cấp Times City, Khu đô thị Đại Thanh, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Thủy Điện Sông bung 4a, cầu Cửa Đại (Quảng Nam), Khách sạn Mường Thanh (Đà Nẵng), Formosa Hà Tĩnh, Thủy Điện Mông Dương…

Thị phần vững, thương hiệu mạnh, khách hàng lớn, mục tiêu cải thiện và gia tăng thị phần thép ống lên 14-15% trong năm 2013 của Hòa Phát đã ở rất gần, chỉ còn chờ cú hích từ việc hoàn thiện đầu tư Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát giai đoạn 2.

Nhưng nói đi vẫn phải nói lại. Mang đến doanh thu, tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng rất tốt cũng như triển vọng phát triển dài lâu cho năng lực lõi - ống thép, nhưng chi phí đầu tư Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát giai đoạn 2 và cả hạng mục dự án Mandarin Garden, tính đến thời điểm hiện nay, đều đang trong giai đoạn khấu hao. Điều này sẽ làm tăng chi phí khấu hao lớn của Hòa Phát. 

Cùng với đó, việc phải tiếp tục giải ngân 40% tổng vốn đầu tư, tương đương khoảng hơn 1.220 tỷ đồng trong năm 2013 cho Khu liên hợp Gang thép, đồng thời theo kế hoạch sẽ tiếp tục triển khai một số dự án nếu thị trường bất động sản khởi sắc như: 493 Trương Định, 70 Nguyễn Đức Cảnh (Hà Nội)... cũng khiến áp lực từ việc sử dụng mạnh đòn cân nợ để trang trải các chi phí đầu tư sẽ quay trở lại với Hòa Phát.

Thế nên, giới đầu tư nhìn nhận dù đang 'phát' và đang rất tự tin với hai chân mạnh mẽ của mình, nhưng Hòa Phát cần cẩn trọng trong chiến lược đầu tư, quan trọng là đề cao tiêu chí cải thiện hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời, tránh tham bát bỏ mâm. Nhà giàu cũng có lúc khó tránh khỏi tình thế khó khăn về thanh khoản, như chính Hòa Phát đã từng vướng phải trong năm qua.

kyanh

Theo Doanh Nhân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên