MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua hàng trực tuyến qua các kênh truyền hình - Nghe sướng tai, trả tiền... rát túi!

18-07-2011 - 12:19 PM |

Chất lượng sản phẩm không đảm bảo, DN hám lợi, còn “nhà đài” vẫn tiếp tay quảng cáo cho hàng kém chất lượng, cơ quan chức năng thì bỏ mặc người tiêu dùng “dính bẫy”

Thời gian qua, hàng loạt khách hàng đồng loạt lên tiếng than phiền, bức xúc về chất lượng và chính sách hậu mãi của các sản phẩm được bán qua các kênh truyền hình. Chất lượng sản phẩm không đảm bảo, doanh nghiệp hám lợi, bán một lời mười, còn “nhà đài” vẫn tiếp tay quảng cáo cho hàng kém chất lượng các cơ quan chức năng thì bỏ mặc người tiêu dùng “dính bẫy”…

Hàng giả tràn lan

Nếu trước đây, mặt hàng bán trên tivi thường là xa xỉ phẩm, giá cao như nhân sâm, kim cương, dụng cụ làm đẹp… thì nay nhiều mặt hàng lớn nhỏ đều được rao bán qua TV. Từ hàng điện tử, máy tập thể dục, cây lau nhà cho đến đồ lót làm ốm rẻ tiền từ Trung Quốc, nhưng qua các kênh truyền hình, mức giá vọt lên tận mây xanh. Một nhân viên đã từng làm việc cho công ty chuyên bán hàng qua truyền hình cho biết: “Với mức giá bán cực cao như thế, nếu doanh nghiệp trừ hết chi phí quà tặng, khuyến mãi, quảng cáo, thì tiền lời vẫn còn gấp chục lần”.

Những sản phẩm rao bán thường khá “độc” nên nhiều người tiêu dùng nghe những lời quảng cáo hấp dẫn trên truyền hình đã không kiềm được lòng, mua hàng và… “sập bẫy”. Chị Nguyễn Thị Tú T., ngụ tại Tân Bình cho biết, sau khi mua sản phẩm trị sẹo cấp tốc quảng cáo trên TV, tưởng có thể xóa được những tì vết không ưng ý trên cơ thể. Nào ngờ, dùng đến hai chai, mất hơn 2 triệu đồng mà đâu vẫn hoàn đấy. Đã vậy, chị phải tuân thủ đủ lời khuyên trong sản phẩm về chế độ sức khỏe, kiêng khem một số thực phẩm ảnh hưởng không tốt đến quá trình điều trị.

Chị Huỳnh A., Ngụ tại quận 5 cũng một phen bực bội với sản phẩm “trang phục lót tàng hình”. Chị bức xúc: “Tàng hình đâu chẳng thấy, chỉ thấy nóng nực, bức bối; nếu ngồi trong văn phòng thì lại càng khó chịu hơn. Khi mình gọi điện lên đòi trả hàng, họ viện cớ này nọ làm khó. Không biết công ty đó ở đâu, cũng không có văn bản pháp lý nào để đi kiện, tiền mất tật mang”.

Không chỉ sản phẩm không đúng công năng, chất lượng như quảng cáo, mà giá cả thì trên trời. Anh V.T. D ngụ tại đường 30-4, quận Bình Thạnh mua hàng trực tuyến qua đài truyền hình SCTV, cho biết, giữa tháng 3 vừa qua anh có mua con dao cắt đá trên đài truyền hình với giá hơn 800.000 đồng. Sau khi mua xong khoảng 2 ngày thì tại một hội chợ cũng con dao này, hiệu này và công dụng y chang nhưng giá bán chỉ có 70.000 đồng! (chưa bằng 9% giá bán).

“Nhà đài” đồng lõa?

Cùng với quá trình xã hội hóa truyền hình, các nhà đài ra sức giới thiệu kênh mới mà chất lượng chẳng đến đâu, các công ty truyền thông ra sức sản xuất chương trình mới mà nội dung ngày càng nhạt nhẽo, các đoạn phim tự giới thiệu, tự quảng cáo từ 5-7 phút ngày càng nhiều. Với gói 70 kênh truyền hình cáp, trong đó có khoảng một nửa là kênh tiếng Việt, nếu trung bình một ngày một kênh chiếu 5 spot quảng cáo dạng này, thì người xem sẽ phải “bội khán” với ít nhất hơn 100 spot mỗi ngày.

Thế nhưng, việc kiểm tra nội dung quảng cáo bị các nhà đài làm ngơ, mặc cho các doanh nghiệp quảng cáo không đúng sự thật, bán hàng lậu, lừa người tiêu dùng.

Cụ thể nhất là mới đây Quản lý thị trường TPHCM đã kiểm tra phát hiện trong trụ sở Công ty Mua sắm Hạnh Phúc (Happy Shopping - chuyên bán hàng qua truyền hình) có hơn 13.000 sản phẩm hàng nhập lậu mỹ phẩm, đồ dùng nhà bếp, trang sức...; gần 600 hàng hóa giả nhãn hiệu như: máy cắt rau củ (quay tay) hiệu Kitchen King Pro, cây lau nhà 72 volts (dùng pin) Swivwl Sweeper, bộ dụng cụ tắm 5 món hiệu Spin Spa, bộ dao đa năng (10 món) Contous Pro Knives... và 10.700 mặt hàng nhập khẩu có nhãn bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Khi sự việc bị phát giác, nhiều khách hàng tố cáo bức xúc vì bị lừa nhưng nhà đài vẫn làm ngơ. Đã vậy, một số kênh truyền hình khác vẫn vô tư phát phim tự giới thiệu mà không có động thái kiểm chứng lại chất lượng sản phẩm mình đang phát có đúng như trong quảng cáo không, như thế chẳng khác nào nhà đài tiếp tay cho các doanh nghiệp bán hàng gian, hàng giả. Người tiêu dùng có nguy cơ bị lừa khi mua sắm qua truyền hình. Bởi nếu tìm hiểu giá trị thật các sản phẩm nhập khẩu được khai báo ở cửa khẩu hải quan, chắc hẳn họ sẽ giật mình: một gói thực phẩm chức năng chỉ nhập với giá 3.000 - 4.000 đồng nhưng được rao bán với giá 120.000 đồng; một hộp nhân sâm nhập về với giá hơn 100.000 đồng được rao bán giá 1,8 – 1,9 triệu đồng…

Nói chung, thời gian qua, nhà đài đã tiếp tay cho không ít doanh nghiệp lừa đảo, móc túi người tiêu dùng. Hầu hết hàng hóa bán qua kênh truyền hình (đặt hàng qua điện thoại), được doanh nghiệp giao tận nhà, không hóa đơn chứng từ, hầu hết là hàng Trung Quốc không có chứng nhận chất lượng sản phẩm…

Thậm chí, người mua hàng xong, chất lượng hàng hóa kém cũng không biết phản ánh ở đâu vì ngay cả tên doanh nghiệp quảng cáo cũng bị nhà đài giấu nhẹm, khách hàng chỉ có thể giao dịch qua mỗi số điện thoại mà số điện thoại này cũng không được đăng ký ở tổng đài (!?).

Không thể phủ nhận doanh nghiệp kinh doanh thì phải có lời, tuy nhiên, để tối đa hóa lợi nhuận và thu nhiều quảng cáo mà bỏ rơi người tiêu dùng thì quả là điều không khôn ngoan. Khi người xem đã ngoảnh mặt, thì rất khó lấy lại niềm tin của họ.

Theo Thi Mai

Sài Gòn giải phóng

kyanh

Trở lên trên