Năm 2012 sữa liên tục tăng giá và đi kèm theo đó là không ít những vụ kiện tụng các loại sữa kém chất lượng. Nhưng điều đáng nói là trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối chưa bao giờ được thể hiện rõ nét hơn thông qua những câu trả lời vòng vo, thiếu trách nhiệm hoặc ậm ừ để “chìm xuồng’…
Sữa Abbott vón cục, “cứ ăn đi”
Chưa năm nào sữa Abbott lại gặp nhiều vấn đề với khách hàng như năm 2012. Liên tiếp các vụ kiện tụng xoay quanh việc sữa Abbott vón cục, kém chất lượng khiến khách hàng bị tiêu chảy…
Vào giữa tháng 5/2012, báo chí có đưa tin: hộp sữa bột Grow Advance loại 400g, hương Vani, dành cho trẻ từ 3-6 tuổi, sản xuất tại Singapore, do chị chị Đào Thị Hằng (27 tuổi, ở số 23 phố Hoàng Ngân, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) đã xảy ra tình trạng nổi váng, vón cục khi pha với nước ấm. Khi để cốc sữa một lúc, trên bề mặt cốc hình thành lớp váng màu vàng nhạt và kết thành cục, khi nếm thử những váng cục này không có vị, nhưng cứng và sàn sạn như cắn hạt gạo, nước sữa lại rất ngọt.
Dù còn hạn sử dụng nhưng chị Hằng không dám cho con uống vì lo lắng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Mặc dù tất cả các trường hợp sữa bị vón cục, nổi váng đều được đại diện phía Abbott khẳng định bình thường, sữa nổi váng, không tan là do…quá nhiều chất bổ nhưng các bà mẹ đều càm thấy không an tâm. Nhiều người đã lên tiếng sẽ “tuyệt giao” với hãng sữa nổi tiếng này.
|
Dù đã hòa với nước ấm nhưng sữa Abbott vẫn không thể tan, bị vón từng cục |
Không chỉ riêng chị Hằng gặp tình trạng trên, mà chị Trần Thị Thương (ở 280 Lương Định Của, phường An Phú, Quận 2, TP. HCM), anh Võ Văn Thành (38 tuổi, ở nhà K197/8 Hoàng Diệu, phường Nam Dương, Hải Châu, Đà Nẵng) cũng đều mua phải sữa của hãng Abbott khó tan, vón cục cho con mình.
Điều đáng nói là sau khi họ liên lạc với nhà sản xuất thì đều nhận được lời tư vấn rất khác nhau như: là do bé mới chuyển sữa nên bị vậy; sữa bị khó tan do bảo quản, vận chuyển, còn chất lượng sữa không có vấn đề; trẻ bị như vậy là bình thường, do tác động của hệ tiêu hóa, dịch dạ dày… nên sữa bị vón cục…
Thậm chí, các nhân viên tư vấn của Công ty sữa 3A (nhà phân phối sữa Abbott tại Việt Nam) còn khuyên các gia đình vẫn cho bé uống sữa bình thường, nếu có làm sao công ty sẽ chịu trách nhiệm.
“Khi phát hiện sữa như vậy đáng lẽ công ty phải bảo gia đình ngừng uống sữa, sau đấy phải kiểm tra sữa do chất lượng hay do bảo quản… Đằng này họ lại bảo cứ cho uống đi, nếu có vấn đề gì thì họ chịu trách nhiệm, nói thế nghe sao được, chẳng nhẽ đưa con tôi ra làm vật thí nghiệm” – Anh Võ Văn Thành bức xúc.
Do cửa hàng đông khách nên... chưa kịp in ngày sản xuất
Ngày 25/10, trên báo Công An nhân dân có đưa tin: vào chiều 20/10, con gái anh Nguyễn Ngọc Hiền, (trú tại ngõ 533 phố Bạch Đằng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là Nguyễn Thị Nguyệt Quế, học sinh lớp 10A5, Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm đi tham quan và ghé vào một đại lý của Công ty TNHH Minh Nga tại huyện Thạch Thất, Hà Nội mua 2 chai sữa thanh trùng. Sau khi về nhà, anh Hiền cất 2 chai sữa vào ngăn mát của tủ lạnh.
Ngày hôm sau, anh Hiền lấy 2 chai sữa ra uống thì phát hiện chai sữa đã bị đóng cục lại, phía dưới chai sữa có màu trắng trong như nước. Vỏ chai méo mó. Dù nắp chai không mở nhưng sữa vẫn chảy ra bên ngoài.
|
2 chai sữa của Công ty TNHH Minh Nga bị khách hàng “tố” đóng bơ và chảy nước. |
Khi xem lại, anh Hiền mới “tá hỏa” khi thấy trên vỏ chai không hề ghi ngày sản xuất, chỉ thấy ghi hạn sử dụng là 4 ngày kể từ ngày sản xuất nhưng không biết là kể từ ngày nào.
Vào ngày 24/10, bà Nguyễn Thị Hương, phụ trách kinh doanh của Công ty TNHH Minh Nga khẳng định, chai sữa trên là sữa của Công ty Minh Nga và đây cũng là lần đầu tiên bà thấy sữa của công ty mình có hiện tượng như trên. Tuy nhiên, bà Hương chưa khẳng định vì sao sữa của công ty lại bị “biến dạng” như vậy mà chỉ trả lời chung chung: “có thể do khách hàng bảo quản không đủ lạnh hoặc do cạnh tranh, sữa đã bị đổ nước vào”.
"Hướng dẫn cách bảo quản đã được in trên bao bì. Hơn nữa, khi mua sữa, khách hàng còn được nhân viên hướng dẫn cách bảo quản. Nhìn chai sữa này rất có thể khách hàng đã không bảo quản đúng hướng dẫn” - bàHương cho biết. Còn theo anh Hiền thì con gái anh không hề nhận được hướng dẫn về cách bảo quản sữa từ phía các nhân viên bán hàng của Công ty TNHH Minh Nga.
Về việc trên 2 chai sữa không hề in ngày sản xuất, hạn sử dụng, vi phạm nghiêm trọng về nhãn mác đối với mặt hàng thực phẩm, bà Hương lại trả lời một cách rất vô lý: “Công ty dập ngày sản xuất, hạn sử dụng bằng mực nước trên nắp chai, có thể do lúc đó chai sữa còn lạnh, khi bị buộc vào túi nilon hấp hơi làm mờ mực đi... Cũng có thể do sơ suất của cửa hàng chưa in ngày sản xuất... Do cửa hàng hôm đó đông khách quá, nhân viên không kịp dập ngày sản xuất và hạn sử dụng”...
Chìm xuồng vì… khách hàng không giao toàn bộ sữa bị hỏng
Ngày 11/5, báo Dân Trí có đưa: chị Trần Thị Phương Loan trú tại P 209 - chung cư CT19A1 (KĐTM Việt Hưng - Hà Nội) phản ánh đã mua lô sữa tươi tiệt trùng hiệu Dutch Lady vào tối ngày 6/5 ở siêu thị FC-Mark. Ngay khi uống ngụm sữa đầu tiên con chị Loan phát hiện ra mùi vị chua bất thường và nhăn mặt không chịu uống. Trước phản ứng của con, chị và một số thành viên trong gia định đã đổ một nửa ra cốc và phát hiện sữa có mùi chua, đặc sánh và lợn cợn như sữa chua, trong khi đây là sản phấm sữa tươi.
|
Bịch sữa có mùi chua, đặc sánh và lợn cợn như sữa chua, trong khi đây là sản phấm sữa tươi |
Sau khi phát hiện sự việc, chị Loan mang túi sữa dở và các túi còn lại ra siêu thị và yêu cầu nhân viên siêu thị kiểm tra lại. Nhân viên bán hàng cũng công nhận túi sữa tươi đã bị hỏng và hứa sẽ liên hệ với đại lý cung cấp, nhà sản xuất đến giải quyết.
Đến chiều ngày 7/5, đại diện của nhà sản xuất là anh Đào Đức Cường có đến nhà khách hàng kiểm tra sản phẩm và lập biên bản. Theo lời chị Loan, nhân viên của FrieslandCampina kiểm tra bằng cảm quan và công nhận sản phẩm có dấu hiệu nhiễm khuẩn và xin sản phẩm mang về xét nghiệm, nhưng chị Loan chỉ đồng ý giao một phần sữa có vấn đề, còn nhân viên thì muốn lấy hết cả túi sữa nên chị Loan không đồng ý.
Trả lời trên Dân Trí, đại diện FrieslandCampina cho biết, trong buổi làm việc, anh Đào Đức Cường có đề nghị mở bịch sữa nguyên vẹn để kiểm tra cảm quan tại chỗ nhưng rất tiếc là khách hàng không đồng ý. Bên cạnh đó, khách hàng cũng không đồng ý cung cấp bịch sữa đã mở để FrieslandCampina kiểm định bao bì nhằm tìm ra nguyên nhân. Do không nhận được bịch sữa mẫu nên FrieslandCampina chỉ có thể sử dụng mẫu lưu cùng lô để tiến hành các bước kiểm định cần thiết tại nhà máy và tại Quatest.
Do việc kiểm nghiệm mẫu cần phải có thời gian khoảng 5 ngày để có kết quả kiểm nghiệm vi sinh, nên công ty đã hẹn với khách hàng trong 7 ngày sẽ có phản hồi chính thức từ công ty.
Tuy nhiên, sau đó không thấy bất cứ công bố nào được đăng tải trên các trang báo và dường như vụ việc đã bị “chìm xuồng”.
- Theo Duyên Duyên
- Báo Đất Việt