MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Samsung: Nhà họ Lee loay hoay giải quyết vấn đề 'Thừa kế'

24-07-2014 - 10:46 AM |

Nếu thực sự trở thành người thừa kế, con trai duy nhất của chủ tịch tập đoàn Samsung có thể phải đối mặt với khoản thuế thừa kế lên tới 6 tỷ USD, tương đương 50% tổng giá trị tài sản.

Trong khi báo cáo kết quả kinh doanh không mấy khả thi mới được công bố, Samsung lại phải đối mặt với một cuộc chiến khác mang tên "Thừa kế và Cấu trúc lại tập đoàn".

Rắn mất đầu

Tháng 4 vừa qua, Lee Kun Hee - chủ tịch Samsung và là người có quyền lực tối cao nhất tại tập đoàn này phải nhập viện vì suy tim, câu hỏi ai thừa kế và người thừa kế đó sẽ dẫn dắt tập đoàn này ra sao đang trở thành vấn đề nổi cộm hơn bao giờ hết.

Samsung được biết đến là tập đoàn hoạt động theo kiểu gia đình thành công nhất tại Hàn Quốc. 27 năm trước, chủ tịch Lee Kun Hee đã kế nghiệp cha mình và dẫn dắt Samsung vượt qua hàng loạt đối thủ cạnh tranh “đáng gờm” để tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường điện thoại di động như hiện nay.

Tuy nhiên, trước diễn biến sức khỏe không được tốt của chủ tịch Lee Kun Hee đã 72 tuổi, giới đầu tư nghi ngại rằng con trai duy nhất của ông là Lee Jae Yong (46 tuổi), người được dự đoán sẽ kế nghiệp chủ tịch Lee không đủ sức ảnh hưởng và khả năng để có thể lãnh đạo Samsung như cha của mình.

Ngoài ra, nếu thực sự trở thành người thừa kế, Yong có thể phải đối mặt với khoản thuế thừa kế lên tới 6 tỷ USD cùng vô số thử thách khác.

Thậm chí giáo sư Kim Houng Yo của trường quản lý Kyung Hee Seoul còn thẳng thắn nhận xét: “Samsung có được như ngày hôm nay là nhờ vào tài lãnh đạo của chủ tịch Lee Kun Hee. Một khi cấu trúc lãnh đạo hiện tại bị phá vỡ, tầm kiểm soát của các thành viên trong gia đình họ Lee sẽ bị suy yếu và dẫn tới thất bại trên thị trường”.

Tiến thoái lưỡng nan

Chủ tịch Lee Kun Hee được biết đến là một trong những tỷ phú giàu có và ảnh hưởng nhất Hàn Quốc với khối tài sản lên tới 11,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh khi ông Lee phải nhập viện hồi tháng 4 vừa qua do suy tim. Theo luật Hàn Quốc, một khi có vấn đề gì bất trắc xảy ra, và khối tài sản của ông Lee được thừa kế cho con cái thì người đó sẽ phải nộp khoản thuế lên tới 6 tỷ USD, chiếm một nửa tổng giá trị tài sản.

Các chuyên gia cho rằng, dù gia đình họ Lee làm bất cứ phương cách nào để “né” khoản thuế khổng lồ này cũng sẽ khiến quyền lực của họ bị suy yếu đi rất nhiều.

Một nguồn tin tiết lộ, để giảm bớt số tiền nộp thuế và tuân thủ chính sách mới của chính phủ Hàn Quốc về việc hạn chế sở hữu chéo trong các tập đoàn lớn, gia đình họ Lee đang có kế hoạch biến một số công ty con, trong đó có Cheil Industries Inc. thành công ty đại chúng.

Cheil Industries Inc. đang điều hành nhiều sở thú, khu chơi golf và một trong những công viên nước lớn nhất thế giới Caribbean Bay. Dù là công ty con, nhưng Cheil lại đóng vai trò quan trọng trong chiến lược kinh doanh đa ngành nghề của gia đình họ Lee.

Vì vậy giới đầu tư đang trông đợi, thời gian tới sẽ có một thương vụ IPO lớn nhất trong lịch sử.

Nhận định của chuyên gia

Trong khi công ty điện tử Samsung là "cỗ máy in tiền" lớn nhất của gia đình họ Lee thì một nguồn thu khổng lồ khác đến từ Cheil. 

Các chuyên gia cho rằng, một khi Cheil trở thành công ty đại chúng, nó có thể giúp huy động thêm được tiền mặt, tạo ra cấu trúc kiếm soát rõ ràng. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc các thành viên trong gia đình họ Lee sẽ phải mất đi một phần lớn quyền kiểm soát mà trước đó họ nắm gần như 100%.

Ngoài ra, khi trở thành công ty đại chúng, nhiều thông tin cố tình bị che giấu trước đó sẽ phải được công khai ra như tài chính, chi tiêu…

Park Ju Gun, chủ tịch tập đoàn CEOSCORE cho biết: “Việc biến một số công ty nòng cốt thành công ty đại chúng sẽ khiến gia đình họ Lee mất đi nhiều quyền kiểm soát. Tuy nhiên, nếu không làm việc này, trước tình hình sức khỏe ái ngại của chủ tịch Lee, con trai của ông là Lee Jae Yong khó có thể đảm đương được chưa kể đến khoản thuế thừa kế khổng lồ”.

Áp lực từ bên ngoài

Dù có tài năng và trình độ học vấn tốt, nhưng con trai duy nhất của chủ tịch tập đoàn Samsung là Lee Jae Yong dường như vẫn chưa đủ sức mạnh và tầm ảnh hưởng như người cha của mình. 

Chung Sun Sup chủ tịch hãng tư vấn Chaebul.com nhận xét: “Yong chưa chứng tỏ được khả năng ở bất cứ thử thách lớn nào. Nhà đầu tư đang tỏ ra ái ngại về tương lai của Samsung nếu trao quyền kiểm soát cho Yong. Dù là ai thì cũng rất khó có được khả năng lãnh đạo và tầm ảnh hưởng giống như chủ tịch Lee Kun Hee”.

Bên cạnh đó, áp lực về cạnh tranh từ các hãng điện thoại giá rẻ của Trung Quốc như Xiaomi và cả những thương hiệu lớn như Apple cũng đang khiến con thuyền Samsung “chao đảo”. 

Bằng chứng là báo cáo kết quả kinh doanh gần nhất cho thấy doanh thu của hãng đạt 7,2 nghìn tỷ won (tương đương 7,1 tỷ USD) trong vòng ba tháng tính đến ngày 30/06. Con số này giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và không đạt được mức kỳ vọng như ban đầu là 8 nghìn tỷ won.

Trước những vấn đề kể trên, đến nay đại diện phía Samsung vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận chính thức nào về việc thừa kế cũng như thay đổi cấu trúc hoạt động.

>> Samsung: Lợi nhuận quý 2 quá thất vọng do doanh số sụt giảm mạnh tại Trung Quốc

Vân Đàm

vandoan

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên