Tại sao các đại gia sữa đồng loạt chọn đối tác nuôi bò?
Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài Tập đoàn TH và Hoàng Anh Gia Lai bắt tay chăn nuôi bò sữa, một đại gia khác cũng đã đánh tiếng gia nhập cuộc chơi là Đức Long Gia Lai.
- 09-09-201430 năm nữa chăn nuôi bò sữa Việt Nam mới bằng nổi Đài Loan
- 02-08-2014Đấu trường bò sữa
- 02-08-2014Ì ạch ngành chăn nuôi bò sữa
- 16-07-2014Cận cảnh nghề nuôi bò sữa ở đất thép Củ Chi
- 23-06-2014Vì sao bầu Đức dốc hàng ngàn tỷ nuôi bò sữa?
Điều đáng chú ý ở đây là, đối tác chiến lược của Đức Long Gia Lai chính là doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam - Vinamilk.
Sữa tươi nguyên liệu: Cầu cao, cung yếu
Sữa là ngành có động lực mạnh nhất trong các ngành hàng tiêu dùng thiết yếu tại Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng.
Nghiên cứu của Nielsen cho thấy, năm 2012 mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam là 15 lít mỗi năm, thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan (34 lít/năm), Trung Quốc (25 lít/năm) và Anh (112 lít/năm). Cục chăn nuôi Việt Nam ước tính người dân sẽ tiêu thụ gấp đôi mức hiện nay, lên đến 28 lít sữa/năm vào năm 2020.
Với mức doanh thu toàn thị trường năm 2013 đạt 62,2 ngàn tỷ đồng (2,9 tỷ USD), tăng 16,5% so với năm 2012, sữa đang là một trong các ngành hàng phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu của Việt Nam.
Tốc độ tăng trưởng kép của ngành sữa trong giai đoạn 2010-2013 là 14%. Theo dự đoán của Euromonitor, doanh thu ngành sữa Việt Nam sẽ còn tăng đến 20% và 23% vào năm 2014-2015.
Theo thống kê từ Cục chăn nuôi, đàn bò sữa 184.216 con trong nước (năm 2013) mới chỉ có thể cung cấp 420.000 tấn sữa nguyên liệu, chỉ đáp ứng khoảng 28% tổng nhu cầu sản xuất năm 2013. Do vậy, ngành sữa Việt Nam hiện đối mặt với sự mất cân bằng cung - cầu sữa tươi nguyên liệu nghiêm trọng.
Theo công ty chứng khoán VPBS, Việt Nam hiện có khoảng hơn 20 doanh nghiệp sản xuất và chế biến sữa, nhưng doanh nghiệp tự chủ hoàn toàn về nguyên liệu mới chỉ có hãng sữa TH True Milk đầu tư bài bản vào trang trại nuôi bò. Các doanh nghiệp khác chỉ tự chủ được một phần sữa nguyên liệu, còn lại là thu mua của nông dân và nhập khẩu.
Theo đó, Vinamilk và FrieslandCapina Vietnam (nhãn sữa Cô gái Hà Lan) cũng đồng thời là hai đơn vị thu mua sữa tươi lớn nhất cả nước, trong đó Vinamilk thu mua 60%, FrieslandCapina Vietnam 20% lượng sữa tươi cả nước).
Do nhu cầu lớn,nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ, mà sữa tươi thì không thể nhập khẩu, nên cách được nhiều doanh nghiệp sữa lựa chọn là nhập sữa bột rồi pha lại. Thị trường vì thế có sữa hoàn nguyên.
Việt Nam hiện đứng trong top 20 nước trên thế giới nhập khẩu nguyên liệu sữa. Theo đó, năm 2013, nước ta nhập khẩu đến 1,2 triệu tấn sữa bột nguyên liệu, với giá trị lên tới 841 triệu USD. Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu dẫn đến rủi ro biên lợi nhuận giảm do biến động giá sữa bột nguyên liệu thế giới.
Điểm mặt đại gia
Thực tế thì nghề nuôi bò sữa đã có ở Việt Nam từ nhiều thập niên trước trên các cao nguyên như Mộc Châu, Ba Vì, nhưng phần lớn là chăn nuôi hộ nhỏ lẻ trong các nông trại. Trước sức hấp dẫn của thị trường sữa Việt Nam, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã bắt đầu quan tâm phát triển các dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa.
Việc đầu tư trang trại nuôi bò đòi hỏi nguồn lực lớn, từ nguồn vốn xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng, xây dựng đồng cỏ, chuồng trại, cho đến nguồn con giống, nguồn nhân lực, kỹ thuật và quy trình chăn nuôi... Do đó, việc hợp tác giữa nhiều doanh nghiệp sẽ làm giảm bớt gánh nặng cho các bên, cả phía doanh nghiệp kinh doanh, chế biến sữa, lẫn doanh nghiệp làm đối tác chăn nuôi.
Bởi vậy, ngoại trừ TH Milk thực hiện chu trình khép kín từ trang trại chăn nuôi bò sữa đến chế biến sữa và bán ra thị trường, bước đi mới của các doanh nghiệp sữa trong nước như Nutifood và Vinamilk là thông qua hợp tác liên kết với doanh nghiệp khác như Hoàng Anh Gia Lai và Đức Long Gia Lai.
Doanh nghiệp trong nước
TH True Milk
Năm 2009, tập đoàn TH (hãng sữa TH True Milk) đầu tư 1,2 tỷ USD vào trang trại bò ở Nghĩa Đàn (Nghệ An), trở thành doanh nghiệp đầu tiên đầu tư bài bản vào làm trang trại.
Phải đến năm 2012, tức là sau 3 năm, dự án của này mới cho sản phẩm đầu tiên. Hiện tại, trang trại bò của TH Milk sở hữu 45.000 con, trong đó số bò cho sữa mới khoảng 50%, sản lượng đạt khoảng 400 tấn sữa tươi/ngày.
Sau dự án 1,2 tỷ USD ở Nghệ An, tập đoàn TH cũng đang đề xuất dự án chăn nuôi bò sữa 500 triệu USD ở Đắk Lắk.
Nutifood - Hoàng Anh Gia Lai
Cách đây 4 tháng, ngày 10/6, một dự án 3 bên gồm tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Nutifood và Vissan, sản xuất bò thịt, bò sữa với tổng vốn đầu tư lên đến 12.000 tỷ đồng cũng chính thức được ký kết. Theo đó, 6.300 tỷ đồng sẽ dùng để đầu tư nuôi 236.000 con bò, trong đó 116.000 bò thịt và 120.000 bò sữa.
Theo NutiFood, đơn vị này sẽ đầu tư nhà máy chế biến sữa tươi 100% tại Gia Lai sử dụng nguyên liệu là sữa tươi của trang trại bò sữa HAGL. Dự kiến đầu năm 2016, sản phẩm sữa từ nhà máy này sẽ cung ứng ra thị trường.
Như vậy, Nutifood trở thành hãng sữa thứ hai cũng bắt tay tạo nguồn nguyên liệu chủ động thông qua hợp tác với HAGL.
Vinamilk - Đức Long Gia Lai
Sự kiện mới đây nhất, ngày 8/9/2014, doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam - Vinamilk cũng đã chính thức bắt tay với Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) đầu tư trang trại bò sữa quy mô 80.000 con bò sữa, 45.000 con bò thịt, với tổng mức đầu tư lên đến 11.000 tỷ đồng.
DLG thỏa thuận hợp tác với Vinamilk trên lĩnh vực nhập con giống, chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, đào tạo kỹ sư, bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Bước đầu, dự án tập trung đầu tư tại 3 tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai. Hiện DLG đang trong giai đoạn chuẩn bị chuồng trại. Dự kiến quý I-II/2015, DLG sẽ chăn nuôi 125.000 con bò tại khu vực Tây Nguyên.
Doanh nghiệp nước ngoài
FrieslandCampina - De Heus, Wageningen UR, The Friesian Agro Consultancy B.V, Fresh Studio…
Giữa tháng 7/2014, Tập đoàn FrieslandCampina (nhãn sữa Cô gái Hà Lan, Friso…) khởi công xây dựng Vùng chăn nuôi bò sữa tại xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, với hàng loạt đối tác như De Heus, Wageningen UR, The Friesian Agro Consultancy B.V, Fresh Studio… .
Theo kế hoạch, với vai trò là đối tác chính của Dự án, FrieslandCampina đảm nhận quản lý, điều hành và trực tiếp đầu tư để xây dựng 3 vùng chăn nuôi bò sữa chuyên nghiệp tại Việt Nam, với 2 trang trại mẫu ở mỗi vùng.
Dairy Milk (New Zealand)
Ngày 31/7/2014, đài Truyền hình Vĩnh Phúc đưa tin, Chủ tịch công ty Dairy Milk (New Zealand) đến làm việc với lãnh đạo tỉnh này với mong muốn đầu tư khoảng 40 triệu USD xây dựng trang trại bò sữa ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) trong thời gian tới.
Theo dự kiến, dự án được đầu tư trên diện tích 500 ha bao gồm: khu chăn nuôi bò sữa với số lượng 3000 con bò sữa, trong tương lai là 30 nghìn con; 1 nhà máy chế biến sữa và khu trang trại dành cho trẻ em và khách du lịch tham quan. 50% sản phẩm sẽ được Dairy Milk xuất khẩu ra nước ngoài.
Kết
Có thể thấy, bằng cách đầu tư trang trại nuôi bò, những tên tuổi kinh doanh - chế biến sữa lớn nhất trên thị trường Việt Nam đều đã có những động thái tích cực để tạo nguồn nguyên liệu bền vững, cũng như tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường với các đối thủ.
Mong rằng kết quả của các hoạt động đầu tư nói trên sẽ giúp người tiêu dùng trong nước có thêm những sản phẩm thực sự chất lượng, với mức giá hợp lý trong tương lai, đồng thời thúc đẩy tính cạnh tranh và minh bạch trên thị trường sữa Việt Nam.
Kỳ Anh