MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới sẽ trải qua cách mạng công nghiệp lần 3 như thế nào?

14-05-2014 - 12:33 PM |

Chìa khóa, ví tiền, kính mắt biết đâu cũng sẽ biến mất nhờ số hóa, ô tô xe cộ không còn cần người lái và bưu điện sẽ dùng máy bay để giao hàng?

Nội dung nổi bật:

Tình trạng sử dụng tài nguyên kém hiệu quả đang diễn ra tràn lan từ điện, nước, cho tới giao thông, đường xá... Đó là lý do dẫn tới cuộc cách mạng tài nguyên làm thay đổi nền kinh tế toàn cầu trong tương lai. Hiện đã có nhiều công ty đang thực hiện cuộc cách mạng đó, và họ đã thực hiện bằng cách nào?

- Thay thế: Công ty Hampton Creek phát minh ra "trứng chay" làm từ thực vật với chi phí rẻ hơn để thay thế cho trứng thật.

- Tối ưu hóa: Hãng Komatsu tạo thị trường để các công ty thuê và cho thuê những tài sản nhàn rỗi.

- Ảo hóa: Nhu cầu sử dụng ô tô giảm, vì người ta có thể mua sắm, gặp gỡ, trao đổi với nhau qua thế giới ảo.



Trung bình hầu như chiếc ô tô nào cũng phải "nằm lì" tại ga ra hay bãi đỗ trong 95% suốt "cuộc đời", và dù hầu như chiếc nào cũng có năm chỗ ngồi nhưng khi vận hành, tỉ suất sử dụng trung bình lại chưa đến hai người. Đường xá cũng đang được sử dụng một cách kém hiệu quả. Mỗi ngày tại Mỹ, thông lượng của các làn đường cao tốc chỉ đạt mức tối đa 2000 xe/giờ duy nhất một lần trên một chiều đi.

Rõ ràng, tình trạng sử dụng tài nguyên kém hiệu quả đang cần một biện pháp xử lý từ gốc rễ. Nếu làm được, một cuộc cách mạng trong quản lý và kinh doanh sẽ bùng nổ, mang lại những cơ hội mới đem lại lợi nhuận hàng nghìn tỉ đô và kéo nền kinh tế toàn cầu khỏi tình trạng khan hiếm tài nguyên.

Trong cuốn sách kinh điển "Nguồn gốc của cải của các quốc gia", nhà kinh tế học Adam Smith đã chỉ ra ba yếu tố đầu vào chủ yếu trong kinh doanh: lao động, vốn, đất đai (được định nghĩa rộng là mọi tài nguyên sản xuất, khai thác từ đất). 

Hai cuộc cách mạng công nghiệp thế giới đã trải qua đều chủ yếu tập trung vào lao động và vốn. 

Cuộc cách mạng thứ nhất đem lại cho chúng ta nhà máy, xí nghiệp cùng các công ty trách nhiệm hữu hạn.

Nhờ cuộc cách mạng thứ hai, chúng ta có thêm xăng dầu, mạng điện, dây chuyền lắp ráp, xe hơi, nhà chọc trời trang bị điều hòa và thang máy. 

Nhưng chưa có cuộc cách mạng nào tập trung vào yếu tố thứ ba: đất đai và tài nguyên thiên nhiên.

Vì thế, định hướng của cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo đang được hình thành ngày một rõ nét: tập trung vào sản xuất tài nguyên. 

Cách mạng công nghiệp "lần ba" có gì?

Những doanh nghiệp thành công nhất trong cuộc cách mạng tài nguyên đều sử dụng đến một hay nhiều trong số năm mô hình sau: 

Thay thế (thay những vật liệu tốn kém, cồng kềnh, khan hiếm bằng những vật liệu rẻ hơn, hiệu suất cao hơn và phổ biến hơn); 

Tối ưu hóa (đưa phần mềm vào các ngành công nghiệp nhằm cải thiện cách thức sản xuất và sử dụng tài nguyên khan hiếm); 

Ảo hóa (đưa mọi quy trình trên đời ra khỏi thế giới thực);

Tuần hoàn (tìm ra giá trị của sản phẩm sau lần sử dụng đầu tiên);

Giảm lãng phí (sử dụng hiệu quả hơn nhờ tái thiết kế các sản phẩm, dịch vụ).

Những doanh nghiệp đã và đang khai thác năm mô hình trên gồm có: Tesla Motors, Uber và Zipcar (giao thông vận tải); C3 Energy, Opower và SolarCity (về năng lượng); Hampton Creek Foods và Kaiima (nông nghiệp); Cree, DIRTT và Nest Labs (xây dựng, kiến trúc).

Thay thế

Đó là mô hình kiếm tìm và áp dụng những nguyên liệu rẻ hơn, hiệu xuất cao hơn, ít rủi ro hơn so với nguyên liệu ban đầu. 

Trong sản xuất, sợi các-bon đã được thay thế cho các nguyên liệu cũ để giúp các công ty như Telsa, Boeing cho ra đời những chiếc ô tô hay máy bay nhẹ hơn, chạy êm hơn, hiệu suất cao hơn, tiện nghi hơn và đẹp mắt hơn. 

Chính nguyên vật liệu đã và đang định hình lại các sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng. Công nghệ nano kết hợp với sức mạnh xử lý của vi tính đã sinh ra một cuộc cách mạng làm thay đổi thuộc tính bề mặt, tính thấm hút, tính quang học và điện tử của nguyên vật liệu. 

Ví dụ, than hoạt tính được làm từ hạt nano với kích thước nhỏ như lỗ chân lông có thể tùy chỉnh trong thiết kế hiện đang cải thiện hiệu suất của các thiết bị lọc nước, điện trong pin và thậm chí là khả năng lọc khí thải của nhà máy phát điện một cách đáng kinh ngạc. 

Một công ty có tên View tại Mỹ còn đang tạo ra "thủy tinh động" (dynamic glass) có khả năng thay đổi tính truyền dẫn đối với ánh sáng nhìn thấy được và ánh sáng vùng hồng ngoại. Nhờ công nghệ mới lạ này, cửa sổ có thể tự động hạn chế bớt ánh nắng trong ngày nóng và hấp thụ ánh nắng trong ngày rét, nhu cầu sử dụng máy sưởi và điều hòa sẽ được giảm thiểu đáng kể.

Ngành sản xuất thực phẩm cũng đang áp dụng mô hình thay thế. 

Hãng Hampton Creek Foods đã phát minh ra loại trứng chay mang tên Beyond Eggs được làm từ đậu Hà Lan, lúa miến, đậu... và những thành phần khác, đem lại giá trị dinh dưỡng và mùi vị giống hệt như trứng. 

Để cho ra một quả trứng thường, nhà chăn nuôi sẽ phải dành 70% chi phí vào cây ngô - loại cây trồng rất kỵ hạn hán, và còn phụ thuộc mạnh vào biến động giá dầu. Nhưng trứng chay của Hampton Creek ít bị ảnh hưởng bởi hạn hán hơn, không bị phụ thuộc vào các nhiên liệu sinh học hay mắc rủi ro nhiễm khuẩn ngộ độc salmonella. 



Tối ưu hóa

Ứng dụng phần mềm vào các thiết bị công nghiệp truyền thống hay các thiết bị nặng là việc mà hầu hết các doanh nghiệp trên mọi cấp độ đều có thể làm. 

Nhà sản xuất thiết bị xây dựng Komatsu của Nhật Bản đã tối ưu hóa sử dụng thiết bị bằng cách thiết lập một thị trường nhằm phục vụ khách hàng có nhu cầu thuê và cho thuê thiết bị. Doanh nghiệp đang cần sử dụng một máy xúc đất có giá 300.000 USD chỉ trong vài ngày? Komatsu sẽ giúp họ tìm xem có máy xúc nào đang nhàn rỗi hay không. Doanh nghiệp có thiết bị nhưng không sử dụng? Komatsu sẽ đi tìm giúp công ty có nhu cầu thuê.

Mấu chốt nằm ở chỗ, doanh nghiệp phải xác định được trong các thiết bị đang sở hữu, tài sản đắt tiền nào có thể ứng dụng được phần mềm và cảm biến, phần nào của thiết bị chỉ được sử dụng ít, thiết bị nào đang vận hành mà không cho ra chức năng hữu ích? Đó có thể là thiết bị xây dựng, container vận chuyển đang bỏ trống hoặc máy bay đang đi lòng vòng trong sân bay để chờ hết ùn tắc. 

Ảo hóa

Từ 5-10 năm trước, nhiều người đã bắt đầu mất đi thói quen sử dụng máy tính bỏ túi, lịch bàn, máy ảnh, đồng hồ báo thức, album ảnh... bởi tất cả đã được ảo hóa bằng công nghệ smartphone.

Ảo hóa có nghĩa đưa các hoạt động ra khỏi thế giới thực. Nhưng nhiều công ty không muốn ảo hóa vì họ không muốn người dân ngưng những hoạt động đang tạo ra lợi ích cho dù chi phí sẽ giảm thiểu khi thực hiện tiến trình này.

Không một hãng xe hơi nào muốn người dân lái xe ít đi. Nhưng tại các nước phát triển, ví dụ như Hoa Kỳ, số dặm đường đi bằng ô tô bình quân đầu người đang giảm dần đều. Giá xăng tăng là một nhẽ nhưng bên cạnh đó người ta có thể thực hiện nhiều nhu cầu nhờ công nghệ ảo hóa thay vì đánh ô tô khỏi gara và lên đường. 

Ví dụ điển hình là mua sắm trực tuyến, "teen" Mỹ ngày nay không thích lái xe nhiều như trước nữa dù việc có được tấm bằng lái xe từng được coi là tiêu chí của một "người trưởng thành". 



Skype, các phần mềm video-chat cũng giúp người ta trò chuyện, trao đổi với nhau mà không cần phải gặp mặt trực tiếp, văn phòng cũng không còn cần thiết khi nhiều ngành nghề, công việc có thể được thực hiện thông qua mạng Internet. 

Dù có muốn hay không thì tiến trình ảo hóa vẫn sẽ diễn ra, do đó các công ty nên chuẩn bị sẵn sàng cho điều này.

Cuộc cách mạng tài nguyên đang gợi ra cơ hội kinh doanh lớn lao nhất thế kỷ. Doanh nghiệp nào thành công trong việc nâng cao năng suất sử dụng tài nguyên sẽ trở thành những kẻ chiến thắng của thế kỷ 21.


Thùy An 

thuyntt

Mckinsey

Trở lên trên