MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường dược phẩm: Liều "thuốc thử" mới (Phần 2)

07-06-2014 - 13:30 PM |

Việt Nam thuộc nhóm 3 (nhóm nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất) trong số 17 các quốc gia có ngành công nghiệp dược đang phát triển trên thế giới (pharmerging countries).

So đo lợi thế

Mặc dù áp lực canh tranh từ các đối thủ ngoại là không nhỏ nhưng theo phân tích của Công ty MBKE, các doanh nghiệp dược phẩm nội vẫn có những lợi thế riêng.

Đơn cử, lợi thế của DHG là có hệ thống phân phối lớn. Thế mạnh của DMC là các loại thuốc đặc trị (có kê toa) cho các bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì với giá thấp hơn 30 - 40% so với thuốc ngoại nhập nhờ linh động trong nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào. Còn lợi thế của IMP là chất lượng sản phẩm tốt.

Việt Nam thuộc nhóm 3 (nhóm nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất) trong số 17 các quốc gia có ngành công nghiệp dược đang phát triển trên thế giới (pharmerging countries).


(Nguồn: IMS Health) Ngoài ra, ngành dược trong nước còn được hậu thuẫn bởi Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành dược theo hướng nâng tỷ lệ sản xuất thuốc trong nước từ 50% tổng giá trị như hiện nay lên 80% đến năm 2020. Mặc dù thuốc nội chiếm khoảng 40-50% số lượng thuốc dùng tại các bệnh viện, nhưng chi phí rẻ hơn rất nhiều nhưng hiệu quả điều trị vẫn cao và người dùng đang thay đổi quan niệm về thuốc nội.

Tuy nhiên, theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam xếp thứ 3/4 về mức độ phát triển của ngành công nghiệp dược. Tức là chỉ dừng ở việc có nền công nghiệp dược nội địa, có sản xuất thuốc generic, xuất khẩu được một số sản phẩm. Vì thế, như DHG muốn tăng trưởng mạnh cần đầu tư hơn nữa vào chiến lược sản phẩm.

Hay vấn đề của DMC là phải tìm cách khắc phục năng lực sản xuất. Riêng Traphaco (TRA), hiện vẫn chưa có nhiều đột phá về sản phẩm (sau 2 nhãn hiệu khá thành công là hoạt huyết dưỡng não và thuốc bổ gan Boganic). Do vậy, đầu tư cho nghiên cứu và sản phẩm là điều mà TRA cần quan tâm.

Để sản phẩm của doanh nghiệp (DN) nội địa có chất lượng cao hơn, Chính phủ khuyến khích các DN phải đạt chứng chỉ thực hành sản xuất thuốc (GMP). Tuy nhiên, tới nay chỉ có khoảng một phần ba các công ty dược Việt Nam đạt GMP.

Thực tế, các công ty cũng đang dồn lực để giải quyết những hạn chế nội tại như nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm mới, nâng cấp chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh kênh bán hàng, mở rộng sản xuất và giảm bớt sự lệ thuộc về nguyên liệu nhập khẩu (90% nguyên liệu phải nhập khẩu). Những công ty dược nhỏ lẻ thiếu đầu tư, thiếu lợi thế cạnh tranh và sản phẩm bị trùng lắp, khó khăn sẽ càng chồng chất.

Trong khi đó, khi đầu tư sản xuất dược phẩm, các công ty nước ngoài quan tâm nhiều nhất đến nguồn nguyên liệu tại chỗ vì nguyên phụ liệu chiếm gần 60% chi phí sản xuất. Nhưng tại Việt Nam, 90% nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho ngành dược phải nhập khẩu. Mức thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất dược phẩm lại cao hơn so với các nước khác.

Do vậy, dù mong muốn sẽ trở thành công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam nhưng các công ty GSK hướng nhiều đến việc liên doanh, liên kết với các nhà sản xuất trong nước chứ không đẩy mạnh sản xuất. Vì vậy, số lượng DN đầu tư vào thị trường chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại 70% DN ngoại được cấp phép hoạt động tại Việt Nam chỉ tham gia nhập khẩu.

Chỉ có một số dự án đầu tư nước ngoài đáng chú ý là dự án của United International Pharma (UIP), thuộc Tập đoàn Unilab (Philippine), với nhà máy dược phẩm đạt chuẩn PIC/S-GMP tại Bình Dương. Vì thế, cùng với xu hướng mở cửa thị trường dược phẩm, hoạt động mua bán, sáp nhập dự báo sẽ diễn ra mạnh (giữa công ty trong nước với đối tác ngoại, giữa các công ty dược nội địa).

Chẳng hạn, Traphaco liên kết với một đối tác Nhật Bản nhằm mở rộng năng lực sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và nhân rộng hệ thống phân phối. Trước đó, Traphaco đã mua 51% cổ phần Công ty Dược Đăk Lăk và 43% cổ phần Công ty Dược Quảng Trị.

Chọn hướng đi xoay vòng vốn nhanh, dựa vào thế mạnh của đối tác để cùng phát triển, DHG đã bán lại thương hiệu thuốc Eugika cho Công ty Dược Mega Wecare (Thái Lan)... Xu hướng này trong thời gian tới có thể sẽ giúp các công ty dược nội địa lớn mạnh hơn cả về quy mô lẫn công nghệ sản xuất.


Theo Ngọc Thủy

thuyntt

Doanh nhân Sài Gòn

Trở lên trên