MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiểu thương ngán cửa hàng đẹp ở phố lớn

16-12-2012 - 11:34 AM |

Kinh doanh ế ẩm, nhiều chủ cửa hàng đua nhau phải trả lại mặt bằng cho chủ, sang nhượng giá rẻ để thu hẹp hoạt động, thậm chí đóng cửa hàng.

Hiện tượng hiếm có ở Hà Nội đang diễn ra khi tiểu thương đang tháo chạy khỏi các cửa hàng đẹp, trên các phố lớn vì quá đắt đỏ.

Mở shop thời trang tại phố Phan Văn Trường, Cầu Giấy, Hà Nội chưa được bao lâu, anh Hiếu, chủ cửa hàng đã buộc phải thu dọn để chuyển địa điểm xuống Nhổn. Trong khi đó, ngôi nhà anh hiện đang thuê 2 tầng đã ký hợp đồng 1 năm và đóng đầy đủ tiền nhà với giá 15 triệu đồng/tháng. Tiếp tục bám trụ tại đây đồng nghĩa với gánh nặng về tài chính, anh quyết định chuyển cửa hàng, đồng thời rao nhượng lại cửa hàng.

Sau thời gian dài không có khách hỏi thuê, anh chấp nhận lỗ khi phải nhượng lại tầng 1 với giá thuê chỉ 7 triệu đồng/tháng, còn tầng 2 bỏ không. Anh Hiếu cho biết, do khó khăn anh mới cho thuê với mức giá này. Cách đây một năm, giá thuê mặt bằng ở đây cũng phải lên tới 10 – 15 triệu đồng/tháng tầng 1.

Khu vực này Phan Văn Trường, Chợ Xanh tập trung khá nhiều sinh viên của các trường đại học tại Cầu Giấy. Số lượng cửa hàng quần áo giá rẻ sinh viên mở ra nhan nhản nhưng cũng có hàng loạt shop phải đóng cửa vì cạnh tranh. Anh Hiếu cho biết thêm, cạnh dãy phố quán anh cũng có tới 4,5 cửa hàng đang rao chuyển nhượng, thanh lý quần áo.

Anh Hùng, chủ một cửa hàng trên phố Trần Đăng Ninh cũng đang rao chuyển nhượng lại mặt bằng tầng 1 rộng 40m2, mặt tiền 3m. Anh cũng chấp nhận lỗ khi rao chỉ 10 triệu đồng/tháng, thời gian thuê nhà cũng còn 5 tháng nữa. Bên cạnh đó, anh thanh lý toàn bộ nội thất, trang thiết bị và quần áo của cửa hàng với giá chỉ 50 triệu đồng, có bớt cho khách có thiện chí.

Mặc dù ký hợp đồng 1 năm nhưng buôn bán ế ẩm, cụt vốn, anh Cường, chủ shop thời trang trên đường Mai Hắc Đế buộc phải tìm người nhượng lại cửa hàng. Shop thời trang được anh đầu tư hàng trăm triệu đồng để nhập hàng, cùng với thiết kế nội thất và ký hợp đồng dài hạn để tránh chủ nhà tăng giá. Càng bán, càng lỗ, cuối cùng anh tính chuyện đóng cửa chuyển hướng kinh doanh.

Anh Cường cho hay, toàn bộ quần áo của cửa hàng cũng thanh lý với giá rẻ hơn 40% với giá chỉ 60 triệu đồng, tiền nhà cũng giảm. Tuy nhiên, chỉ lác đác vài khách tới hỏi xem rồi không quay trở lại. “Giờ chuyển nhượng lại cửa hàng lỗ là chắc chắn nhưng vớt vát được gì hay cái đó. Mình đang cố nốt từ nay đến Tết nếu không thanh lý được cũng phải đóng cửa hàng, còn quần áo thì bán rẻ trên mạng vậy”, anh Cường ngậm ngùi.

Chủ một quán phở trên đường Quán Thánh vừa mới khai trương được ít lâu đã vội đóng cửa, đề biển cho thuê lại. Đang bán ở vỉa hè, chủ quán quyết định đầu tư thành nhà hàng nhưng bán được hơn 1 tuần chưa được 20 bát phở. Phát hoảng, chủ quán “đành bỏ của chạy lấy người”, bởi giá thuê nhà lên tới 15 triệu đồng/tháng chưa tính tới việc thuê nhân viên, điện nước,…

Dọc các tuyến phố lớn như Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng,… số cửa hàng treo biển thanh lý, chuyển địa điểm cũng khá nhiều. Khảo sát cho thấy, ngành thời trang, bán lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, tiếp đến là hệ thống nhà hàng ăn uống, quán café,…

Thời điểm này cũng là lúc mà nhiều cửa hàng có nhu cầu mở rộng kinh doanh có thể tìm được nhiều địa điểm đẹp. Chị Yến, chủ cửa hàng giặt là cho hay, chị mới khai trương thêm 2 cửa hàng ở Cầu Giây và Đống Đa do giá thuê hiện tại tương đối “mềm”. “Trước đây, mình không nghĩ tới việc mở rộng hệ thống cửa hàng, vì thuê một địa điểm ở Thanh Xuân giá cao quá tận 15 triệu đồng/tháng. Hai cửa hàng mình mới thuê vị trí đẹp mà giá chỉ 8 triệu đồng/tháng.”, chị Yến chia sẻ.

Một số chủ cửa hàng còn nghĩ ra cách chia nhỏ mặt bằng để cho thuê lại. Đơn cử, quán bún tại phố Nguyễn Quý Đức của chị Hải chỉ hoạt động từ sáng tới 2 giờ trưa, còn buổi chiều tối chị cho người khác thuê mở bán đồ nướng với giá 6 triệu đồng/tháng. Mặt đường Triều Khúc, chủ quán quần áo cũng đã chia sẻ lại mặt bằng cho một hàng thịt thuê lại một nửa mặt tiền để bán lúc sáng và chiều. Ngay đó, cửa hàng điện thoại cũng chia đôi mặt bằng cho một hàng giầy dép thuê.

Báo cáo mới đây của một số đơn vị tư vấn cho thấy, số lượng cửa hàng mặt phố đóng cửa hàng loạt tăng mạnh. Hiện tượng sang nhượng mặt bằng giá rẻ nói riêng hay thị trường bán lẻ nói chung đang gặp những khó khăn chủ yếu là do tăng trưởng kinh tế không ổn định và sức mua yếu dần.

Hệ thống cửa hàng mặt phố cũng đang phải chịu sự cạnh tranh từ phía các siêu thị, trung tâm thương mại. Theo CBRE Việt Nam, bước sang các quý cuối cùng của năm, nhiều khả năng các con số của thị trường mặt bằng bán lẻ cho thuê cũng chưa thể khả quan bởi chưa thấy dấu hiệu tích cực nào về việc người tiêu dùng sẽ tăng chất lượng chi tiêu mua sắm.

Theo Duy Anh
VEF

duchai

Trở lên trên