Vụ phá sản gây chấn động của Alpine lớn nhất lịch sử nước Áo
Dù Alpine chưa thuộc diện 10 thương hiệu sáng giá nhất ở Áo, nhưng nổi tiếng chẳng kém gì đại đa số trong 10 thương hiệu ấy.
Cũng bởi thế mà sự phá sản của thương hiệu này làm chấn động cả nền kinh tế nước Áo nói chung và thế giới thương hiệu nói riêng.
Alpine được hai anh em Georg và Dimitri Papas thành lập năm 1965 ở Salzburg. Thủa ban đầu, họ làm đại lý bán xe ôtô Mercedes (của Đức), sau đó chuyển sang bán máy móc thiết bị xây dựng trước khi trở thành tập đoàn xây dựng lớn nhất ở Áo. Năm 2006, Tập đoàn Fomento de Construcciones y Contratas (FCC) của Tây Ban Nha mua về đa số cổ phần và năm 2012 mua toàn bộ cổ phần của Alpine.
Đến nay, Tập đoàn Alpine bao gồm hơn 200 công ty con và tham gia vào nhiều hãng khác ở Áo và hơn 30 quốc gia trên thế giới. Vì thế, sự phá sản của Alpine chẳng khác gì sự đổ sụp của viên đá đầu tiên trong bức tường đô mi nô trong giới kinh tế Áo. Nó phá sản vì không còn có khả năng tự trả nợ. Nó lâm vào tình cảnh "thu không bù chi" có phần bởi lý do khách quan, có phần bởi chính do nó gây ra.
Thời gian trước, tên tuổi thương hiệu này nổi như cồn khi xây dựng nên rất nhiều công trình khiến công chúng phải khâm phục ở Đức, Hy Lạp và Vùng Vịnh. Tập đoàn FCC quyết tâm thâu tóm Alpine vì thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20 và đầu tiên của thế kỷ 21 là một trong những giai đoạn hoàng kim đối với ngành xây dựng ở Tây Ban Nha. Nhưng rồi khủng hoảng kinh tế và tài chính, thị trường bất động sản sa sút và ngành xây dựng ở Châu Âu nói chung, ở Tây Ban Nha nói riêng vô cùng khốn đốn.
Cả FCC lẫn Alpine đều bị thất điên bát đảo và một khi công ty mẹ còn chưa lo được cho mình thì làm sao có khả năng để cứu giúp công ty con. Chỉ cần bỏ ra khoảng 1 tỉ USD, FCC hiện tại có thể cứu được Alpine, nhưng chính FCC lại đang bị nợ ngập đến tận cổ với gần 8 tỉ USD.
Sai lầm của Alpine là đã tăng trưởng quá nhanh và đã bành trướng quá vội mà không trù liệu cho khả năng xấu nhất, say sưa ngủ quên trong thành công mà không ý thức rằng thời thế luôn có thể thay đổi. Thâu tóm hết công ty nọ đến công ty kia và mở rộng thị trường tràn lan theo phương châm "nhiều hơn nữa, lớn hơn nữa", Alpine đã trở nên quá nặng nề về tổ chức và quá sơ cứng trong chiến lược kinh doanh từ khi nào không để ý thấy nên mọi sự xoay xở để thoát khỏi khó khăn ở thời khủng hoảng đều trở nên quá muộn.
Lẽ ra, Alpine phải tự tổ chức lại tập đoàn, mạnh dạn sàng lọc các công ty con trong quá trình cơ cấu lại, xác định lại ưu tiên chiến lược và tìm kiếm hướng kinh doanh mới từ rất sớm thì mới tránh khỏi tình trạng quy mô lớn quá hoá ra đại hoạ đối với mình. Số phận của thương hiệu này có thể được coi là một trong những bài học kinh điển trong thế giới thương hiệu.
Theo Thụy Vân