MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xách máy ảnh lên và đi: Đừng chết vì kém long lanh

02-11-2013 - 09:53 AM |

Những tấm ảnh đẹp lung linh đã cứu hãng công nghệ sáng tạo nhất thung lũng Silicon như thế nào?

Chúng tôi xin gửi tới bạn đọc series "Mỗi ngày một Case Study", giới thiệu những câu chuyện kinh doanh thú vị, giàu ý nghĩa do các trường kinh doanh hàng đầu thế giới biên soạn. Series "Mỗi ngày một Case Study" đăng mỗi tuần hai số, vào thứ 4 và thứ 7.

Nội dung nổi bật:

- AirBnB là website cung cấp dịch vụ cho thuê căn hộ, nơi ở trống, chỗ cư trú ngắn hạn của các chủ nhà tư nhân cho du khách.

- Thách thức: Chẳng "ma" nào thuê phòng qua AirBnB, mỗi tuần chỉ kiếm được 200 đôla.

- Lý do: Ảnh minh họa được chụp từ điện thoại nên xấu tệ

- Chiến lược: Ngồi một chỗ thì việc không bao giờ xong

(i) Nhóm sáng lập đích thân tới tận nơi, bỏ 5000 đô thuê máy ảnh xịn để chụp ảnh độ phân giải cao, thay thế những bức ảnh "cùi bắp" bằng những tấm chuyên nghiệp, rõ nét. Doanh thu tăng gấp đôi.

(ii) Đích thân ở thử trên 30 căn hộ trong vòng 6 tháng để trải nghiệm.

- Kết quả: AirBnB trở thành hình mẫu đáng noi gương nhất tại Thung lũng Sillicon.

- Bài học: Những cách thức "thủ công" đôi khi có thể cứu sống cả một hãng công nghệ.


Nếu bạn là một chủ nhà đang có thừa phòng trống, để không thì thật là phí, hãy đăng thông tin lên AirBnB. Đó là ý tưởng của công ty trực tuyến nhằm cung cấp dịch vụ cho thuê căn hộ, nơi ở trống và những chỗ cư trú ngắn hạn cho du khách. Trên website AirBnB, chủ nhà sẽ liệt rõ các chi tiết như giá thuê, tiện nghi, nội quy nhà ở, hình ảnh và cả thông tin về hàng xóm xung quanh.

Công ty được thành lập vào năm 2008, tại San Francisco bởi ba nhà sáng lập Brian Chesky, Joe Gebbia và Nathan Blecharczyk. Ngày nay khách hàng có thể thoải mái lựa chọn từ lều trên cây, nhà thuyền, căn hộ riêng, thậm chí muốn cả lâu đài cũng có. Hiện danh sách lên tới 9000 phòng thuê trên khắp 170 quốc gia.

Thách thức: Xấu quá chẳng "ma" nào ngó

Bài cùng series:

Sếp lớn cũng phải xắn tay làm việc nhỏ

Đuổi khách khéo như IKEA

Đi máy bay rẻ như xe buýt, làm cách nào?

Nghệ thuật quảng cáo bằng siêu sao của hãng viễn thông lớn nhất Châu Âu

Con đường thành công của "hợp tác xã thương nghiệp" lớn nhất nước Anh

Xem toàn series

Vừa ra đời chưa đầy một năm AirBnB đã ngấp nghé trước bờ vực phá sản vì chẳng ai ngó ngàng tới. Vốn đã ít, doanh thu công ty chỉ "thoi thóp" ở con số 200 USD/tuần chia đều cho ba nhà sáng lập, ba người phải cùng nghiền ngẫm kết quả phân tích tại New York để tìm ra nguyên nhân tại sao công ty cứ lẹt đẹt.

Họ đích thân đặt chân tới hàng chục căn phòng của các chủ nhà đã đăng ký thông tin trên website và nhận ra một điểm chung: các chủ nhà không biết cách thể hiện hình ảnh căn bất động sản của mình. Gebbia phải thốt lên: "Ảnh xấu kinh khủng khiếp! Họ chỉ dùng điện thoại để chụp ảnh, thảo nào! Ai lại muốn đặt phòng khi chẳng hiểu mình đang phải bỏ tiền cho cái gì?"

Chiến lược: Cần gì phải công nghệ

Xách máy ảnh lên và đi

Đứng trước vấn đề này, một hãng IT thông thường hẳn sẽ đề xuất: "Hãy gửi email, dạy người dùng cách chụp ảnh chuyên nghiệp rồi kiểm tra xem họ làm được đến đâu". Nhưng ba nhà sáng lập AirBnB gạt đi.

Họ thuê một chiếc máy ảnh trị giá 5.000 USD, cố gắng đặt chân tới các căn hộ tại New York càng nhiều càng tốt và chụp ảnh với độ phân giải cực cao. Họ thay thế những bức ảnh "cùi bắp" với những "shot" chuyên nghiệp đẹp lung linh.

Trước đó không có bất cứ dữ liệu máy móc nào dự báo rằng cách làm này thuyết phục và hiệu quả, họ cứ xách máy ảnh lên và đi thôi! Nhưng chỉ một tuần sau, kết quả thật đáng kinh ngạc: Doanh thu tại New York tăng gấp đôi, đạt 400 USD. Nhờ ảnh đẹp, chi tiết, tỉ lệ đặt phòng tăng vọt. Vấn đề ở New York xong xuôi, các khó khăn tương tự ở Paris, London, Vancouver và Miami cũng được giải quyết gọn lẹ. Đây là bước tiến tài chính đầu tiên của công ty trong 8 tháng vừa qua. Họ biết mình đã đi đúng hướng. 

Thuê không?

Ngày nay AirBnB còn tiến xa hơn bằng cách cung cấp dịch vụ chụp ảnh chuyên nghiệp miễn phí cho các chủ nhà, với hơn 2.000 nhiếp ảnh gia tự do đặt chân tới hơn 13.000 điểm đến trên khắp 6 châu lục.

Người bán phải làm khách hàng

Trải nghiệm của Gebbia cho thấy công nghệ không phải chìa khóa vạn năng. Nhóm sáng lập quyết định bước chân khỏi phòng máy tính để ra ngoài thu thập tư liệu. Brian đã dành sáu tháng để sống thử trên 30 căn hộ khác nhau có trong danh sách AirBnB. Càng thử nhiều, Brian càng hiểu làm thế nào để nâng cấp cho dịch vụ tốt hơn.

AirBnB đã trải qua một bước ngoặt lớn. Gebbia chia sẻ lúc đầu nhóm tâm niệm mọi thứ cần phải làm thật hoành tráng, thật "công nghệ". Nhưng chỉ khi cho phép mình trải nghiệm với những thay đổi mang tính phi công nghệ, công ty mới thoát khỏi nguy cơ phá sản.

Kết quả: Trở thành nguồn cảm hứng

Lượng du khách đặt phòng qua danh sách mới tăng 2,5 lần, trung bình một tháng mỗi chủ nhà kiếm được 1.025 USD.

Ứng dụng AirBnB được tải hơn một triệu lượt trên iPhone, chiếm 12% tổng số lượng truy cập vào AirBnB, tăng từ 4% so với năm trước đó.

AirBnB trở thành thành công ty đáng noi gương nhất tại Silicon. Lấy cảm hứng từ ý tưởng "kinh tế chia sẻ" của AirBnB, nhiều công ty thành lập với sáng kiến cho thuê ô tô, tàu thuyền, xe máy, chỗ đậu xe, phòng thí nghiệm ...

Bài học

- Không nhất thiết vốn liếng dồi dào mới là hay. Đôi khi thiếu tiền, thua lỗ cũng tốt, đội ngũ lại làm việc kỷ luật và tập trung hơn.

- Những giá trị dài hạn (cụ thể với AirBnB là tính thẩm mỹ cao, thông tin căn hộ rõ ràng) có tác dụng to lớn hơn cả kinh phí, vốn liếng.

- Khi giải quyết vấn đề cho riêng mình (thua lỗ), vô hình chung công ty đã giải quyết cả vấn đề cho cả người khác (những căn hộ ế ẩm của các chủ nhà), từ đó cánh cửa cơ hội sẽ mở ra.

- Thi thoảng phải áp dụng những cách thức "thủ công" là chuyện thường tình. Những tấm ảnh chất lượng cao của Gebbia cho thấy công nghệ không phải phương thuốc vạn năng.

Thùy An

tuannm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên