Câu chuyện mùa thu: Năm 2021, TGDĐ mở chuỗi TopZone bán đồ Apple chuẩn hãng, việc mà “đối thủ” FPT Retail đã làm từ năm 2012 và kinh doanh ngon lành suốt 9 năm qua
FPT Retail mới thực là tay chơi nhanh nhẹn và bản lĩnh khi tiếp cận sớm và được Apple công nhận là đối tác đại lý ủy quyền cấp cao nhất tại Việt Nam từ năm 2012. Rõ ràng, sự hấp dẫn của thương hiệu Apple đã khiến TGDĐ không thể chỉ chịu khoanh tay đứng nhìn. Dù họ đã đứng nhìn tới 9 năm!
- 24-10-2021Sau nhiều "lùm xùm", Thế giới Di động vẫn đặt mục tiêu số 1 bán lẻ Đông Nam Á: Đây là những đối thủ nặng ký cần đánh bại
- 24-10-2021Vì sao FPT Retail thuê lại mặt bằng ở Bình Định cao hơn Thế Giới Di Động?
- 22-10-2021Hồi kết vụ lùm xùm tiền thuê với Thế giới Di động: Chủ nhà tại Bình Định đã cho "đối thủ" thuê với giá cao hơn 20%
Mùa thu năm 2021
Ngày 22/10/2021, Tập đoàn Thế giới di động đã chính thức cho ra mắt 4 cửa hàng đầu tiên của chuỗi bán lẻ mới mang thương hiệu TopZone, chuyên kinh doanh các sản phẩm của Apple, sau nhiều ngày nhiệt tình truyền thông cho sự kiện này.
Chia sẻ trong buổi khai trương cửa hàng TopZone đầu tiên, Chủ tịch TGDĐ Nguyễn Đức Tài cho biết, người kế nhiệm ông - CEO Đoàn Văn Hiểu Em là người cầm trịch dự án này, từ việc đi đàm phán với Apple cho đến xây dựng và phát triển các cửa hàng. Theo đó, kế hoạch hợp tác với Apple được bàn bạc từ tháng 8/2021 và rất nhanh chóng, chưa đầy hai tháng cả hai bên đã quyết định đưa vào hoạt động 4 cửa hàng vào trung tuần tháng 10 vừa qua.
Chủ tịch TGDĐ Nguyễn Đức Tài và TGĐ Đoàn Văn Hiểu Em tại lễ khai trương cửa hàng TopZone đầu tiên hôm 22/10/2021.
Cụ thể, TopZone sẽ có 2 mô hình cửa hàng: AAR (Apple Authorized Reseller) nâng cao – với diện tích 100m2 -120m2, tích hợp bên cạnh các cửa hàng Điện máy Xanh và Thế Giới Di Động; APR (Apple Premium Reseller) với diện tích 180m2 – 220m2, là chuỗi cửa hàng độc lập nằm bên ngoài hệ thống cửa hàng đang có.
"Đằng sau thương hiệu TopZone được ra mắt là cả một quá trình. Để hình thành hệ sinh thái TopZone tại Việt Nam với quy mô lớn và những quy chuẩn ngặt nghèo từ website tới cửa hàng, thì chỉ có Thế Giới Di Động mới làm nổi", ông Tài tự hào cho biết.
"Với sự năng động và nhiệt tình của đội ngũ của CEO Đoàn Văn Hiểu Em, tôi tin chắc, TopZone sẽ nhanh chóng mở rộng và trở thành chuỗi cửa hàng Apple cao cấp lớn nhất Việt Nam. Ngoài TopZone, chúng tôi đang có dự định ra mắt nhiều chuỗi khác, bước ra khỏi ngành điện máy – điện thoại. Mục tiêu lớn sắp tới là trở thành chuỗi bán lẻ số 1 Đông Nam Á", Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho hay.
Với vị thế đứng đầu thế giới công nghệ, Apple luôn được đánh giá là một đối tác khó tiếp cận và cực kì "khó tính". Và ở vị thế của đơn vị bán lẻ điện tử có quy mô đứng đầu thị trường với 2.700 cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy xanh, ông Tài có cơ sở để tự tin về đội ngũ của mình đang làm được với đối tác tầm cỡ như Apple.
Tuy nhiên, cần phải nhắc lại rằng, dù là đơn vị đứng đầu về quy mô, nhưng Thế giới di động không phải là hệ thống đầu tiên tại Việt Nam hợp tác với ông lớn Apple, và càng không phải "chỉ Thế giới di động mới làm nổi". Đối thủ của họ - FPT Retail mới thực là tay chơi nhanh nhẹn và bản lĩnh khi tiếp cận và được Apple công nhận là đối tác đại lý ủy quyền cấp cao nhất, thậm chí từ cách đây tới 9 năm.
9 năm trước, mùa thu năm 2012
Trong cuộc tọa đàm WeTALK số 3 của CafeBiz với chủ đề "Kinh doanh chuỗi - Không phải cứ mở là thắng" năm 2018, ông Ngô Quốc Bảo - Giám đốc trải nghiệm khách hàng và Marketing FRT (CXMO) từng cho biết: Trước thời điểm thành lập CTCP FPT Retail năm 2012, đội điều hành cũ của công ty đã tìm cách tiếp cận Apple. Ông Bảo trước đó từng làm việc với Vertu và tham gia set up việc kinh doanh với Vertu ở Việt Nam, nhưng với Apple lại là một cấp độ hoàn toàn khác.
"Anh em làm việc nói hẳn ra là họ 'chảnh'. Apple có mức độ yêu cầu khó khăn cao hơn hết tất cả các đối tác khác. Ngày xưa khi nộp hồ sơ đi đi lại lại để trở thành APR (Apple Premium Reseller), anh em nói đùa với nhau là còn khó hơn đi xin việc", ông Bảo hài hước chia sẻ.
Với chức vụ giám đốc bán lẻ phụ trách mảng Apple, khi đó, ông Bảo phải viết CV (lý lịch xin việc), gửi profile của đội ngũ điều hành, CFO (Giám đốc Tài chính), Marketing Head… gửi sang để phía đối tác (Apple) xem. Sau đó, ông phải trình cho Apple thấy một kế hoạch kinh doanh trong vòng 5 năm tới.
"Lúc đó Apple không nói chuyện hỗ trợ kinh phí, mình phải đi submit (đệ trình). Họ thấy OK thì mới hợp tác với mình. Ở thời điểm 2012, FPT Retail là công ty đầu tiên lấy được license Apple Premium Reseller ở Việt Nam với thời gian kỷ lục chỉ sau 3 tháng đàm phán", ông Bảo nhớ lại.
Theo ông Bảo, để đầu tư một shop Apple chi phí cực kì lớn. Về mặt bằng, phải chọn mặt bằng to và đẹp. Tại Sài Gòn thì phải là mặt bằng ngay mặt tiền Nguyễn Huệ hay Lê Lợi (cửa hàng đầu tiên của F.Studio khai trương ở ngay Lê Lợi), ở Hà Nội phải nhắm tới Tràng Tiền Plaza.
"Bạn biết thời điểm Tràng Tiền Plaza bắt đầu đầu tư trở lại thì chi phí rất cao. Ở Sài Gòn, những điểm đẹp nhất như Vincom A Lê Thánh Tôn thì phải có F.Studio trong đó".
"Mà F.Studio lại phải submit hồ sơ bình quân 6 tháng mới được duyệt để mở 1 APR. Hồ sơ gửi qua Singapore, phía Singapore gửi qua Úc. Úc từ chối là về làm lại hồ sơ rồi lại gửi sang Úc. Phía Úc cho đi qua Mỹ, Mỹ từ chối là phải làm lại hồ sơ, đi lại từ vòng đầu. Nhanh nhất phải 6 tháng mới mở được một cửa hàng", ông Bảo kể.
Đã có những tình huống tính toán tưởng khôn ngoan lại thành dở. Có đối tác nước ngoài trước đó biết Apple duyệt một cửa hàng rất lâu như vậy, bèn tính toán không ký hợp đồng thuê mặt bằng liền. Thay vào đó, họ đợi đến khi Apple duyệt xong hết rồi mới ký. Tiếc thay, lúc ấy mặt bằng to đẹp kia lại bị cho thuê mất. Muốn chọn mặt bằng khác thì lại phải làm một bộ hồ sơ hoàn toàn khác, nộp lại từ đầu.
Và đây là kết quả.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình và các lãnh đạo FPT Retail nâng ly trong ngày khai trương cửa hàng F.Studio đầu tiên chiều ngày 17/9/2012.
14h chiều ngày 17/9/2012, FPT Retail ra mắt thị trường cửa hàng đầu tiên trong chuỗi cửa hàng F.Studio được Apple ủy quyền chính hãng tại tầng 1, Trung tâm thương mại Indochina Plaza, 239 Xuân Thủy, Hà Nội. 1 tuần sau đó, cửa hàng F.Studio Lê Lợi được khai trương ngày 25/9/2012 tại 121 Lê Lợi, Quận 1 (gần trung tâm thương mại Sài Gòn Square), TPHCM.
Sau khi khai trương F.Studio với license cao nhất dạng APR (Apple Premium Reseller), FPT Retail đã sở hữu chuỗi bán lẻ với đầy đủ mô hình cửa hàng Apple gồm APR, AAR (Apple Authorised Reseller - Đại lý ủy quyền cấp 2 của Apple), CES (Consumer Electronic Stores). Suốt từ đó tới nay, hệ thống mô hình cửa hàng Apple trở thành "át chủ bài" trong chiến lược phát triển kinh doanh của FPT Retail.
Theo yêu cầu từ Apple, tất cả sản phẩm iPhone, iPad, Macbook và phụ kiện Apple tại các cửa hàng thuộc đại lý ủy quyền cấp cao nhất như F.Studio phải đảm bảo đều là hàng nguyên seal được nhập khẩu trực tiếp từ Apple (dán tem của Apple niêm phong), được Apple quản lý nghiêm ngặt theo mã vạch số serial, số lô nhập khẩu. Đại lý ủy quyền sẽ không được quyền nhập hoặc bán hàng đã qua sửa chữa hoặc làm mới, không bán hàng xách tay trôi nổi nhập lại từ các nguồn khác, nhằm đảm bảo tất cả hàng Apple đều là hàng chính hãng mới nguyên, chất lượng chuẩn toàn cầu.
"Câu chuyện F.Studio chúng tôi không đặt nặng lợi nhuận vào thời điểm đầu, mà đặt vấn đề xây dựng thương hiệu và độ nhận biết thương hiệu. Thời điểm đó, công ty đầu ngành có hơn trăm cửa hàng, FPT Retail chỉ có 17 cửa hàng FPT Shop, chúng tôi phải nhắm vào lấy license Apple Premium Reseller, đi cùng với brand Apple, co-brand với nhiều đối tác khác để đẩy brand mình lên.
Vừa vô tình, vừa chủ ý, FPT Shop lại mạnh ở phân khúc trung – cao cấp sau một loạt động thái như vậy. Ít nhất để người ta biết mình là ai, sau đó mới tăng độ phủ", ông Bảo nói.
Nhờ đáp ứng những tiêu chuẩn cao cấp và khắt khe từ đối tác Mỹ, nhiều năm liền FPT Retail trở thành đơn vị duy nhất sở hữu chuỗi cửa hàng Apple được ủy quyền ở mức độ cao nhất (Apple Premium Reseller) tại Việt Nam. Họ sở hữu lợi thế cực kỳ lớn trong việc tiếp cận và phân phối mỗi khi Apple ra mắt iPhone các đời mới nhất mỗi năm.
Năm 2012, công ty đầu ngành có hơn trăm cửa hàng, FPT Retail chỉ có 17 cửa hàng FPT Shop, chúng tôi phải đi cùng với brand Apple, co-brand với nhiều đối tác khác để đẩy brand mình lên.
Mùa thu nay khác rồi?
Không phải ngẫu nhiên, cả FPT Retail và TGDĐ đều khai trương cửa hàng đầu tiên của hệ thống đại lý ủy quyền cấp cao Apple vào mùa thu. Với các tín đồ công nghệ, chắc hẳn không ai còn xa lạ về khái niệm "sự kiện mùa thu" được Apple tổ chức thường niên. Tại đó, thương hiệu Táo khuyết sẽ trình làng các sản phẩm công nghệ tiên tiến nhất, được fan khắp thế giới mong đợi nhất.
Mùa thu năm nay, FPT Shop và F.Studio by FPT vẫn là chuỗi bán lẻ đã giao lượng máy iPhone 13 series chính hãng nhiều nhất tại Việt Nam. Theo đó, chỉ trong ngày đầu bán ra iPhone 13 Series 22/10, FPT Shop và F.Studio by FPT - hệ thống uỷ quyền hàng đầu của Apple tại Việt Nam đã thu về gần 200 tỷ đồng khi bán ra gần 5.000 máy, con số "kỷ lục mọi thời đại" trong tất cả các kỳ mở bán.
Tỷ trọng đóng góp của dòng sản phẩm Apple nói chung tại FPT Retail trong quý 3/2021 chiếm 25% tổng doanh thu mảng ICT của doanh nghiệp này, do đây là quý cao điểm bán laptop nên nhóm này chiếm tỷ lệ cao nhất. Sang quý 4/2021, với việc chính thức mở bán iPhone 13 vào ngày 22/10, các sản phẩm Apple dự kiến có thể đóng góp 40% doanh thu mảng ICT.
Rõ ràng, sự hấp dẫn của thương hiệu Apple và những lợi ích mà FPT Retail nhận được từ việc là đại lý ủy quyền cấp cao nhất của Apple đã khiến TGDĐ không thể chỉ chịu khoanh tay đứng nhìn. Họ đã hành động - dù chậm chân so với FPT Retail tới 9 năm. TGDĐ rất mạnh tay, khi mở cùng lúc tới 4 cửa hàng, thương thảo ngay trong thời điểm "nước sôi lửa bỏng" giãn cách vì Covid và chỉ sau 2 tháng đã có thể khai trương cho kịp "mùa thu" - vào đúng ngày mở bán iPhone 13 tại Việt Nam.
Về phía FPT Retail, do đặc thù chi phí cao và điều kiện ngặt nghèo, chuỗi F.Studio hiện mới có 15 cửa hàng trên toàn quốc. Với sự xuất hiện của TopZone, sức ép từ "đối thủ truyền đời" như TGDĐ sẽ khiến lãnh đạo FPT Retail phải làm việc vất vả nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Doanh nghiệp và tiếp thị