Câu chuyện phi thường ở lớp tiếng Anh đặc biệt: Người cha 70 tuổi vì cậu con trai mắc hội chứng Down mà cùng cắp sách đi học
Những nỗ lực của Mừng chỉ để hoàn thành tâm nguyện của người cha già: Trở thành người đại diện Việt Nam phát biểu trong Ngày Hội chứng Down thế giới tổ chức vào nước Anh vào tháng 8 năm sau.
Khi ai đó nói họ đã 29 tuổi, bạn nghĩ, chắc có lẽ họ sẽ làm được nhiều thứ ở đời.
Song, với Mạc Đăng Mừng, việc anh có thể chơi đàn organ, đạt đai nâu võ Aikido, bơi lội, đá banh, có khả năng đọc, hiểu tiếng Anh cơ bản... đã là một kỳ tích hiếm có ở cái tuổi mấp mé 30 xuân xanh của một người mắc Hội chứng Down bẩm sinh.
Phía sau hành trình tìm cách thay đổi số phận của Mừng là câu chuyện về sự hy sinh, nỗ lực không biết mệt mỏi của người cha - bác Mạc Văn Mỹ.
Khóe mắt bác Mỹ (66 tuổi) long lanh khi thông báo với những vị khách đến thăm nhà rằng Mừng đang rất cố gắng để có thể trở thành người đại diện Việt Nam phát biểu trong Ngày Hội chứng Down thế giới tổ chức vào nước Anh vào tháng 8 năm sau. Với người cha dành cả đời đấu tranh với số phận để con mình được sống như một người bình thường nhất, đó gọi là hạnh phúc.
Câu chuyện bác Mỹ đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bậc cha mẹ có con cái khiếm khuyết. Khiến họ thêm tin rằng có những hành trình dẫu khởi đầu rất khó khăn nhưng nếu ta không dừng lại, không nản lòng thì đích đến là những điều ngọt ngào không ai ngờ đến.
Cũng như hành trình đồng hành cùng con của bác Mỹ, nó đang diễn ra, chưa dừng lại và sẽ còn tiếp tục.
Cậu bé Mạc Đăng Mừng chào đời vào năm 1988 ở Sài Gòn với hội chứng Down bẩm sinh. 7 tuổi mới chỉ biết bò, 9 tuổi bập bẹ nói và 12 tuổi mới đi những bước đầu tiên. Nhờ sự đồng hành của người cha và hậu phương vững chắc của người mẹ, Mừng không đầu hàng số phận như những đứa trẻ bệnh Down khác.
Cùng cha miệt mài đến lớp học, 26 tuổi, Mừng đã nhận được chứng chỉ nghề kĩ thuật viên đồ họa của trường ĐH Văn Lang, giành được HCV cá nhân, HCĐ tập thể môn bóng rổ và HCB đồng đội môn bóng đá kết hợp tại giải thể thao dành cho người khuyết tật 2014. Mừng biết chơi đàn Organ, biết võ Aikido, thành thạo bơi lội. Mới đây, Mừng được một Trung tâm Anh ngữ ở Sài Gòn trao tặng học bổng 200 triệu đồng, đây là động lực rất lớn cho gia đình Mừng, một bước đệm cho uớc mơ nơi trời Tây mà anh muốn thực hiện để đáp lại công ơn cho bố mẹ mình.
Bác Mạc Văn Mỹ hào hứng khoe về kết quả bài thi trắc nghiệm đầu tiên của con trai khiến người thầy ở Trung tâm Anh ngữ cũng phải bật khóc. Bác kể, từ khi được tặng học bổng 200 triệu của trường Acet, cả nhà đã cùng ngồi lại bàn bạc và quyết tâm không bỏ qua cơ hội này để vẽ tương lai mới cho Mừng.
Để được học gói học bổng này, Mừng cũng như bao sinh viên bình thường khác, phải thi đầu vào để xem khả năng của anh có thể theo học được không. Là tú tài Pháp và cũng từng đi dạy tiếng Anh thời trẻ, bác Mỹ có một vốn kiến thức ngoại ngữ vừa đủ để kèm cặp cậu con trai trước ngày thi, nhưng thế vẫn... chưa đủ.
Khi kiểm tra thử khả năng ngoại ngữ trước kỳ thi, thầy của Mừng đã lắc đầu: "Tui hỏi nó hổng có hiểu gì hết sao học được đây...". Cũng chính người thầy ấy, bảo với bác Mỹ rằng ông sẽ kèm cặp riêng cho Mừng, với điều kiện là bác phải... vào học cùng con trai. Học để cập nhật kiến thức mới, để biết phương pháp dạy và phối hợp cùng thầy để về nhà dạy Mừng cho... khớp. Vậy là từ 1 giờ chiều, Mừng cùng bố cắp sách đến thư viện của Trung tâm mà học với thầy. Sau 40 ngày, Mừng đi thi. Rớt lần 1, Mừng ôn để thi lại. Rớt lần 2, Mừng học tiếp. Đến lần thứ 3, Mừng đã đem về kết quả vượt ngoài mong đợi.
"Hôm thông báo kết quả cho bác, thầy đứng trước mặt bác mà khóc. Thầy nói, nó "quýnh" trắc nghiệm 100 câu mà đúng hơn 80 câu. Tôi không ngờ Mừng làm được điều này", bác kể lại. Riêng bài thi của Mừng phải được trình lên Giám đốc của Trung tâm để đảm bảo thầy giáo không chấm "ăn gian". Sau khi xem qua, Mừng chính thức được vào học lớp 1.0 Ielts. Hiện tại Mừng đã thi và lên lớp 3.0.
Cứ học xong khóa 100 giờ thì Mừng thi lên lớp, 100 giờ học đó là những tháng ngày "căng" não của tất cả mọi người: Từ Mừng đến bố, mẹ và cả thầy giáo. Với bác Mỹ, chuyện đi học cùng con trai không phải quá mới mẻ, duy một điều là lần này bác phải nỗ lực gấp 10 lần vì chương trình học khá nặng.
Bác kể, ngày trước khi học thiết kế đồ họa cùng Mừng, bác cũng từng muốn bỏ cuộc nhưng được thầy thiết kế động viên. "Ngày ấy cũng như bây giờ, sáng thì hai bố con vào trường học, tối thì chỉ có một cái máy vi tính nên bác nhường Mừng học trước, đến 11 giờ đêm, Mừng ngủ thì đến bác học, bác thức làm bài đến 2,3 giờ sáng rồi ngủ. Sáng 6 giờ dậy chở Mừng đi học tiếp. Riết rồi cũng quen", bác Mỹ cười.
Cầm xấp bài tập tiếng Anh về nhà của con, bác Mỹ chép miệng: "Nè tụi con thấy không, ông thầy cho cả trăm cả ngàn câu tiếng Anh về, làm mệt mỏi luôn đó". Bác nói, tiếng Anh ngày nay sao khác ngày trước quá. Ngày trước câu văn phải đầy đủ trước sau, không nói tắt, viết rút gọn như bây giờ. Nên đối với bác, dù có kiến thức về ngoại ngữ khá nhiều nhưng tất cả bây giờ như hoàn toàn mới lạ mà bác phải học lại từ đầu.
Để Mừng theo kịp chương trình trên lớp, hàng ngày bác xem Mừng sẽ học cái gì rồi dạy trước ở nhà. "Giờ bác để ý kỹ, nhìn cách thầy dạy mình đoán được, mình biết phương pháp dạy cho Mừng. Mình dạy con thì mình phải giỏi hơn nó mới làm thầy nó được. Giờ Mừng học đến đâu thì bác ráng chạy theo đến đó".
Tháng 3 năm nay, Hiệu trường trường ĐH Y Dược TP. HCM mời gia đình Mừng đến gặp gỡ 30 y, bác sĩ, giám đốc các bệnh viện nổi tiếng, buổi gặp giúp mọi người hiểu hơn về hành trình mà hai bố con đã đi qua như thế nào, những phương pháp trị liệu bằng tinh thần của người cha đã mang đến hiệu quả như thế nào cho con trai.
Sau hôm đó, thầy Hiệu trưởng cũng đặt kỳ vọng vào việc học tiếng Anh của Mừng. Thầy bảo, bác Mỹ cố gắng làm sao từ bây giờ đến tháng 8 năm sau có thể dạy Mừng nói tiếng Anh lưu loát, để Mừng trở thành đại diện Việt Nam sang Anh quốc phát biểu tại Ngày Hội chứng Down thế giới trước các đại diện khác.
"Bây giờ, bác và Mừng sẽ cố gắng cho giấc mơ tháng 8. Được không Mừng?", bác nói rồi quay sang hỏi cậu con trai. Mắt Mừng lóe lên niềm vui, Mừng gật đầu đầy tự tin. Giọng bác gái từ trong bếp vọng lên: "Ừ hai cha con cứ lao tới vậy đó, cô chạy theo sau, cô lo nồi cơm và tiền nhà cho hai bố con nó".
Không ai biết trước liệu đến năm sau, Mừng có thực hiện được uớc mơ cho bố mẹ, cho chính mình hay không. Nhưng nhìn cách mà Mừng chăm chỉ miệt mài ôn luyện cùng bố, những ai biết câu chuyện này đều có một niềm tin: Cố lên, Mừng sẽ làm được mà!
Ai cũng có một câu chuyện để kể, và thật tốt biết bao nếu mỗi ngày, chúng ta đều được truyền cảm hứng từ câu chuyện của những người luôn sống bền bỉ và hết mình với cuộc đời này.
Với nỗ lực đem những giá trị tích cực tới cộng đồng, hành trình Road to Wechoice đã bắt đầu, với nhiều nhân vật và câu chuyện khác nhau, nhưng tất cả đều chung một mục đích, là mang lại niềm cảm hứng sống tích cực.
Trí thức trẻ