Câu chuyện thoái vốn mới chỉ bắt đầu, cơn sóng tăng giá của cổ phiếu Vietcombank sẽ chưa dừng lại?
Theo kế hoạch trong năm 2017, Vietcombank sẽ tiếp tục thoái vốn khỏi OCB và trong tháng 1/2018, sẽ thoái vốn khỏi MBBank (MBB) và Eximbank (EIB). Tính theo giá thị trường hiện tại thì khoản đầu tư vào MBB và EIB đã tăng lhơn 2.300 tỷ đồng so với giá vốn.
- 20-11-2017Những điều cần biết khi muốn nhập cuộc chơi mua cổ phần tại doanh nghiệp do SCIC thoái vốn
- 20-11-2017Tâm điểm giao dịch tuần 20-24/11: Thoái vốn Nhà nước và sự hào hứng của khối ngoại sẽ giúp thị trường bứt phá?
- 16-11-2017Tổng giám đốc Chứng khoán Maritime (MSI): Việc thoái vốn của SCIC tại thời điểm này là hoàn toàn khả thi
- 15-11-2017Bộ Công thương công bố phương án và lộ trình thoái vốn cho Sabeco
Trong vòng 2 tháng qua, đồ thị giá “dựng đứng” của cổ phiếu Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) có thể khiến cho mọi cổ đông đang nắm giữ cảm thấy nức lòng, thu hút những nhà đầu tư mới đang kỳ vọng vào đà tăng tiếp theo của cổ phiếu và làm những người không có VCB vừa sợ hãi, vừa nuối tiếc và… tức giận. Từ vùng giá 36.000 đồng, VCB đã tăng 25% lên 45.000 đồng vào ngày 20/11.
Sự tăng giá của cổ phiếu không thể tách rời kỳ vọng đối với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, mà lợi nhuận là con số hiện hữu nhất. Đóng vai trò dẫn sóng trong giai đoạn vừa qua, nhóm ngân hàng là nhóm được đánh giá cao về khả năng tăng trưởng lợi nhuận dựa trên tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng như các hoạt động khác như đầu tư tài chính, dịch vụ. Đối với VCB – cổ phiếu đầu ngành ngân hàng, câu chuyện còn gắn với khoản lợi nhuận đột biến từ thoái vốn.
Cho đến ngày hôm qua, ngày 20/11/2017, Vietcombank đã thực hiện những hoạt động thoái vốn đầu tiên. Theo đó, Ngân hàng đã bán hết hơn 13,2 triệu cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài gòn Công thương (Saigonbank) cho 1 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức với giá đấu thành công bình quân là 20.100 đồng/cổ phần. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 266,3 tỷ đồng, chênh lệch so với giá trị tại mức giá khởi điểm đạt 100 tỷ đồng.
Cùng lúc, Vietcombank đã chào bán 6,6 triệu cổ phần của Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng cho 9 nhà đầu tư cá nhân với giá đấu thành công bình quân là 11.554 đồng/cổ phần. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 76,2 tỷ đồng.
Như vậy, Vietcombank đã thu về tổng số tiền hơn 342 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi Saigonbank và Tài chính Xi măng, đem về khoản lãi gần 150 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận ròng của cổ đông ngân hàng Vietcombank đạt 6.366 tỷ đồng tương đương lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 1.770 đồng và P/E của VCB đang ở mức 20 lần.
Tuy nhiên, câu chuyện thoái vốn của VCB chưa dừng lại ở Saigonbank và Tài chính xi măng. Theo kế hoạch trong năm 2017, Vietcombank sẽ tiếp tục thoái vốn khỏi OCB và trong tháng 1/2018, sẽ thoái vốn khỏi MBBank (MBB) và Eximbank (EIB). Tính theo giá thị trường hiện tại thì khoản đầu tư vào MBB và EIB đã tăng lần lượt 1.755 tỷ đồng và 592 tỷ đồng so với giá vốn. MBB có thể nói là quả trứng vàng của VCB khi cổ phiếu của ngân hàng Quân đội cũng đã tăng ấn tượng trong năm nay.
Đối với khoản đầu tư vào OCB, tạm tính giá thị trường tại 14.000 đồng/cp trên sàn OTC, thì OCB có thể đem về hơn 100 tỷ đồng lợi nhuận.
Như vậy, lãi từ thoái vốn khỏi 5 tổ chức tín dụng có thể lên tới hơn 2.600 tỷ đồng và đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của VCB, trong đó dựa trên thời điểm thoái vốn thì 255 tỷ đồng từ thoái vốn Saigonbank, OCB và Tài chính xi măng có thể sẽ được hạch toán vào năm 2017. Còn phần lớn (hơn 2.300 tỷ đồng) sẽ rơi vào năm 2018.
Trí Thức Trẻ