Câu chuyện truyền cảm hứng về cô gái 17 tuổi và thành công với chiến dịch "làm sạch" đất nước bị ô nhiễm bởi túi nilon thứ 2 thế giới
Hai chị em cô bé 17 tuổi người Indonesia Melati Wijsen kêu gọi thành công người dân và các nhà chức trách Indonesia trong chiến dịch mang sự trong lành quay trở lại với thiên đường du lịch Bali.
- 31-10-2018Cuộc sống của 2 đứa trẻ mất bố mẹ sau vụ cháy lớn ở Đê La Thành: "Con chỉ biết pha sữa chứ không dám bế em, sợ em ngã"
- 31-10-2018Cô bé Trung Quốc gây xôn xao với bài văn "không cần vào Harvard": Có lẽ, sống hạnh phúc mới là điều quan trọng nhất
Indonesia, một đất nước rộng lớn gồm 17.000 hòn đảo lớn nhỏ thường gợi ra hình ảnh xinh đẹp của biển xanh và cát vàng đang đứng trước vấn nạn ô nhiễm nghiêm trọng. Vào tháng 12 năm ngoái, hòn đảo du lịch Bali đã bị bủa vây bởi chất thải nhựa từ biển dạt vào bờ. Chính quyền địa phương đã phải ban bố “tình trạng khẩn cấp” về rác thải.
Nhiều năm trước khi cuộc khủng hoảng nổ ra, có một cô bé tên là Melati Wijsen đã tích cực vận động cấm các loại túi nilon ở Bali - hòn đảo mà cô lớn lên. Năm 2013, khi Wijsen mới 12 tuổi, cô bé đã bắt đầu một sáng kiến xã hội mang tên Bye Bye Plastic Bags cùng với em gái Isabel Wijsen, lúc đó mới chỉ 10 tuổi. Mục tiêu của chiến dịch nhằm kêu gọi người dân Bali "nói không với túi nhựa".
Hành trình vì môi trường trong 5 năm qua đã đưa Wijsen đến với các tổ chức vì môi trường quốc tế và có cơ hội gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới, những người nổi tiếng, cũng như tham gia các sự kiện toàn cầu. Nhưng những việc mà cô bé làm được còn nhiều hơn thế.
Đất nước ô nhiễm rác thải nhựa đứng thứ hai thế giới
Wijsen cho rằng các loại vật liệu nhựa đã được người dân Indonesia tiêu thụ với tốc độ nhanh chóng mà không hề có một cảnh báo nào về tác hại cũng như nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Indonesia có dân số lên tới 264 triệu người và là một thị trường tiêu dùng lớn. Từ gói dầu gội đầu, hạt đậu phộng đến keropok (một loại bánh gạo Indonesia phổ biến), đều được người dân nước này bày bán trong những túi nilon. Số lượng bao bì nilon này, tất nhiên sẽ được thải ra môi trường sau khi sử dụng. Theo một báo cáo năm 2015 của tạp chí Science, Indonesia là nước thải ô nhiễm chất thải biển lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc.
Melati Wijsen và những người bạn tại các cuộc họp của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Thế giới tại Bali.
Và những sáng kiến cải thiện vấn đề môi trường…
Wijsen bắt đầu theo đuổi cuộc chiến chống ô nhiễm rác thải nhựa từ khi cô còn là học sinh tại Green School – một ngôi trường tập trung vào giáo dục bền vững ở Bali. Cô bé Wijsen khi đó thường suy nghĩ về những nhà lãnh đạo truyền cảm hứng – như thủ lĩnh của cuộc cách mạng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Nam Phi Nelson Mandela và nhà hoạt động Ấn Độ Mahatma Gandhi – và không khỏi băn khoăn: "Là một đứa trẻ sống trên đảo Bali, chúng ta có thể làm được những gì?"
Wijsen bắt đầu Bye Bye Plastic Bags cùng với em gái của mình. Thông qua chiến dịch đó, hai chị em bắt đầu đưa ra đề xuất và thuyết phục người dân Bali ủng hộ lệnh cấm túi nhựa, đồng thời nâng cao nhận thức của giới trẻ bằng tài liệu giáo dục phát cho các trường tiểu học ở Indonesia.
Gần đây, họ đã thành lập các tổ chức khác, bao gồm Mountain Mamas, một sáng kiến dạy phụ nữ sống ở vùng núi Bali cách làm túi từ các vật liệu tái chế. Sáng kiến này vừa góp phần làm giảm thiểu lượng rác thải nhựa, vừa tạo thêm nguồn thu nhập cho phụ nữ địa phương.
Để thu hút sự quan tâm của các nhà chức trách, họ đã lên kế hoạch cho các cuộc diễu hành vì môi trường trong năm 2014. Wijsen giải thích rằng hai chị em muốn chứng tỏ họ "nghiêm túc" về việc bảo vệ hòn đảo này.
Isabel Wijsen (ở giữa), người đồng sáng lập Bye Bye Plastic Bags, đi bộ trên đường phố Bali để nâng cao nhận thức về ô nhiễm nhựa.
Thống đốc Bali vào thời điểm đó, Made Mangku Pastika, đã có những phản ứng tích cực và mời hai chị em Wijsen gặp ông chỉ hai ngày sau khi tuyên bố cuộc diễu hành. Cuộc gặp kết thúc với một biên bản thỏa thuận giữa Thống đốc và Bye Bye Plastic Bags. Cả hai bên đã đồng ý sẽ hợp tác cùng nhau để giúp cư dân Bali không sử dụng túi nilon và giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa.
Isabel và Melati Wijsen (từ trái sang phải) với thống đốc của Bali, Made Mangku Pastika, tại lễ ký thỏa thuận của họ vào năm 2014.
Một năm sau, Thống đốc Pastika tuyên bố rằng ông ủng hộ chiến dịch làm cho Bali không còn rác thải nhựa vào năm 2018. Đáng tiếc là cho đến nay điều đó vẫn không xảy ra. Tuy nhiên, chị em Wijsen không vì thế mà nản lòng.
Là một nhà cải cách 17 tuổi, cô bé cho biết điều khiến mình cảm thấy thú vị nhất là việc cô được học cách đối thoại với các chính trị gia. Cô cũng chia sẻ thêm rằng điều quan trọng nhất là phải hiểu được các lớp phức tạp trong một hệ thống và tại sao cần phải có thời gian để tạo ra sự thay đổi.
Mặc dù cuộc hành trình chống lại ô nhiễm rác thải nhựa đã đưa Wijsen đến Liên Hợp Quốc, được mời làm diễn giả truyền cảm hứng tại cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các cuộc họp của Ngân hàng Thế giới gần đây, Wijsen vẫn không hề nghỉ ngơi. Cô bé vừa tốt nghiệp trung học vào tháng sáu và đang dành một năm gap year để khởi động một số dự án cộng đồng.
Trong năm nay, mục tiêu của Wijsen là hướng tới việc vận động 1.000 doanh nghiệp Bali cam kết sử dụng ít túi nhựa sử dụng một lần hơn và cô đã nhận được cam kết từ hơn 350 công ty chỉ trong ba tháng.
Melati Wijsen, người đồng sáng lập tổ chức phi chính phủ Bye Bye Plastic Bags, đang đưa các bản cam kết cắt giảm đồ dùng nhựa sử dụng một lần cho các doanh nghiệp.
Trong khi đang cân nhắc việc theo học đại học tại Mỹ, Wijsen lại nảy ra một dự án khác – xây dựng một nền tảng toàn cầu, với trụ sở đặt tại Bali để kết nối các nhà hoạt động xã hội trẻ lại với nhau.
Mặc dù có rất nhiều dự định trong tương lai nhưng Wijsen vẫn luôn tâm niệm rằng mình sẽ cố gắng để trở thành "một người bạn tốt, một người con ngoan, một người yêu chân thành" và chỉ "sống vui vẻ như một đứa trẻ 17 tuổi”.
CNBC