MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu chuyện về đứa trẻ "kỳ dị", đến nhà người lạ ăn uống nghỉ ngơi không muốn về và thực trạng đáng sợ của xã hội Nhật Bản nuôi con kiểu tự lập

13-12-2019 - 22:50 PM | Sống

Xã hội Nhật Bản đang xảy ra thực trạng nhiều đứa trẻ thường đến nhà người lạ hoặc hàng xóm thân quen để ăn uống, ngủ nghỉ tại đó mà không muốn trở về với gia đình.

Một phụ nữ 30 tuổi, làm nội trợ ở nhà đến từ vùng Kanto, Nhật Bản, cho biết thường xuyên có một cậu bé đến nhà cô chơi gần như hàng ngày, ngay cả khi con trai cô không có nhà. Vì nghĩ đó là bạn của con trai mình nên cô tiếp đón đứa trẻ rất nồng hậu.

Cô cho bé trai đồ ăn nhẹ, thức uống ngon lành và đôi khi đứa trẻ còn ngồi ăn tối với gia đình của cô. Tuy nhiên, sau đó, cô mới phát hiện ra rằng cậu bé đó không phải là bạn của con trai mình, thậm chí cũng không phải người quen của họ hàng. Cô chết lặng khi biết được sự việc lạ kỳ này, nhớ về những gì bé trai xa lạ đó thường xuyên đến nhà cô trong thời gian qua.

Câu chuyện trên của người phụ nữ 30 tuổi tưởng chừng như là một điều phi lý nhưng thực tế nó lại đang xuất hiện ở nhiều nơi trên khắp đất nước Nhật Bản. Một số đứa trẻ ở đây đang có xu hướng dành thời gian ở nhà của người lạ và người quen nhiều hơn trong chính gia đình của mình. Hoặc bất kỳ ai cũng có thể vô tình bắt gặp một đứa trẻ đi lang thang trên đường vì bố mẹ mải làm việc, không quan tâm chăm sóc.

Theo tiếng Nhật, những đứa trẻ như vậy gọi là "Hochigo" (nghĩa đen là đứa trẻ chỉ có một mình). Thậm chí là nó đã trở thành từ vựng được đưa vào từ điển năm 2010. Mặc dù không có số liệu thống kê cụ thể để xác định mức độ của hiện tượng này nhưng trong thời gian gần đây, nhiều bậc phụ huynh thường chia sẻ trên các diễn đàn mạng xã hội rằng họ hoang mang khi thấy nhiều cha mẹ bỏ bê con cái của họ nhưng lại nghĩ rằng đó là cách để khiến con tự lập hơn.

Câu chuyện về đứa trẻ kỳ dị, đến nhà người lạ ăn uống nghỉ ngơi không muốn về và thực trạng đáng sợ của xã hội Nhật Bản nuôi con kiểu tự lập  - Ảnh 1.

Nhiều đứa trẻ Nhật Bản thích ở nhà người khác hơn ở nhà mình.

Nhật Bản được coi là một đất nước an toàn, nơi mà trẻ em được dạy tự lập từ rất sớm. Hàng xóm và cộng đồng Nhật Bản đều tin tưởng rằng trẻ em của họ có thể tự chăm sóc bản thân tốt hơn nhiều so với các quốc gia khác. Ví dụ điển hình cho điều này là ngay từ khi bắt đầu học lớp một, học sinh tiểu học ở Nhật Bản đã tự đi bộ từ trường về nhà hoặc đi lên xe lửa một mình để đi học, điều gần như chưa từng thấy ở các nơi khác trên thế giới.

Người phụ nữ 30 tuổi cho biết, vào một ngày nọ, con trai học lớp một của cô trở về nhà, đứng đằng sau cậu bé là một bé trai khác có vẻ lớn hơn một chút. Nghĩ rằng đó là bạn của con trai nên cô không hỏi gì nhiều và tiếp đón cậu bé chu đáo. Tuy nhiên, về sau, cậu bé đến nhà chơi thường xuyên hơn, thậm chí còn tự ý mở tủ lạnh lấy đồ ăn mà không xin phép người lớn. Đứa trẻ thường đi loanh quanh trong nhà của cô và không có ý định rời đi dù trời đã tối muộn. Một thời gian sau, người phụ nữ nghi ngờ hỏi con trai mình thì đứa trẻ tỏ ra rất ngạc nhiên và trả lời rằng không quen biết cậu bé xa lạ đó.

"Trên thực tế, cậu bé đó hoàn toàn là người xa lạ. Con trai tôi không biết gì cả", cô nói. Sau khi tham khảo ý kiến giáo viên của con trai, người phụ nữ phát hiện ra rằng đứa trẻ lạ kỳ đó là học sinh lớp ba tại trường.

Sau khi người phụ nữ nói chuyện với giáo viên của trường, cậu bé đó không còn đến nhà của cô nữa nhưng cô thường thấy đứa trẻ xuất hiện lảng vảng xung quanh nhà mình. Mặc dù Nhật Bản là một đất nước mà trẻ em có thể tự đi một mình bên ngoài mà không cần có người lớn bên cạnh nhưng dường như mọi thứ đã biến tướng theo chiều hướng khác.

Câu chuyện về đứa trẻ kỳ dị, đến nhà người lạ ăn uống nghỉ ngơi không muốn về và thực trạng đáng sợ của xã hội Nhật Bản nuôi con kiểu tự lập  - Ảnh 2.

Hình thành tính cách tự lập cho con từ nhỏ là cách dạy con phổ biến của người Nhật.

Mới đây, dư luận Nhật Bản đã xôn xao trước thông tin một bé gái Osaka 12 tuổi bị mất tích đã được tìm thấy trong nhà một người đàn ông mà cô bé quen trên mạng xã hội. Khi bị cảnh sát bắt giam, người đàn ông phủ nhận việc bắt cóc và giam giữ cô bé. Anh này cho biết, cô bé hẹn anh đến công viên và người đàn ông đã đưa cô về nhà mình trên một chuyến tàu với hành trình dài 400km. Cô bé đề nghị muốn ở lại đây vì chán gia đình của mình.

Điều kinh ngạc là một thiếu niên 15 tuổi khác ở tỉnh Ibaraki, bị báo cáo là mất tích, cũng được tìm thấy tại nhà của người đàn ông này ở tỉnh Ibaraki. Cô gái đã ở đây được 6 tháng. Theo các chuyên gia, một đặc điểm dễ nhận thấy từ cha mẹ của các "hochigo" là họ ít quan tâm đến việc con cái đang làm gì sau giờ học. Sự thờ ơ của cha mẹ có thể dẫn đến việc bỏ bê chăm sóc, quan tâm đến con cái mình. Thậm chí nghiêm trọng hơn là họ bỏ qua những mối đe dọa tiềm ẩn về sức khỏe và tính mạng của con em mình.

Một phụ nữ ở độ tuổi 40 đến từ Yokohama, gần Tokyo, người biết một đứa trẻ như vậy, cho hay: "Khi cả cha mẹ đều bận rộn với công việc, họ rất dễ quên đi việc dành thời gian cho con cái và dành sự yêu thương cho chúng. Con tôi có thể trở thành một hochigo nếu như tôi bỏ mặc mọi thứ".

Câu chuyện về đứa trẻ kỳ dị, đến nhà người lạ ăn uống nghỉ ngơi không muốn về và thực trạng đáng sợ của xã hội Nhật Bản nuôi con kiểu tự lập  - Ảnh 3.

Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, tính đến năm 2018, đã có ít nhất 700 nhóm trên toàn quốc được thành lập để phụ huynh có thể chia sẻ thông tin về việc nuôi con cái và thúc đẩy nhận thức về việc bỏ bê trẻ em. Các chuyên gia đến từ một số nhóm này cũng đã có các chuyến thăm tới một số gia đình để giúp đỡ những cha mẹ bối rối trong việc chăm sóc con cái.

Noa Fukaya, phó giáo sư tại Đại học Shoin, chuyên về các vấn đề của trẻ em, nói rằng một số cha mẹ không chắc chắn hoặc không biết cách nào tốt nhất để nuôi dạy con cái của họ. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ đang phải đối mặt với nhiều áp lực trong cuộc sống, họ không có sự hỗ trợ của các ông bà hoặc những người thân vì các gia đình Nhật trước đây đều ngại việc sinh đông con.

Do đó, xã hội Nhật Bản đang phải đối mặt với thực trạng đáng lo ngại là nhiều cha mẹ đã bỏ bê con cái mình, những đứa trẻ bị bỏ lại một mình dễ bị phạm pháp, trốn học và gặp nhiều vấn đề khác. Theo các chuyên gia đã đến lúc chính phủ cần quan tâm đến các "hochigo" và giúp đỡ các bậc cha mẹ chăm sóc và giáo dục con cái của mình tốt hơn bằng một mạng lưới liên kết hiệu quả, phổ biến khắp mọi nơi.

Nguồn: Japan Today

Theo Diệp Lục

Helino

Trở lên trên