MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu chuyện về 'Thuế tội lỗi' và sự cân bằng giữa ngân sách và lợi ích cộng đồng

13-08-2018 - 14:57 PM | Tài chính quốc tế

Nhiều hãng sản xuất bia rượu, thuốc lá, đồ ngọt cho rằng khách hàng nghiện các sản phẩm này sẽ qua đời sớm hơn so với người thường, qua đó tiết kiệm ngân sách cho nhà nước.

Thuốc lá xuất hiện tại Anh vào thế kỷ 17 nhưng ngay từ ban đầu, quốc gia này đã dè chừng với tác hại của chúng. Năm 1604, vua King James I nổi tiếng của Anh đã từng miêu tả thuốc lá là thuốc độc cho cơ thể người, tạo nền những hệ lụy xấu và nâng thuế nhập khẩu thuốc lá thêm 4.000%.

Ngày nay, không riêng gì thuốc lá, nhiều mặt hàng như rượu bia cũng bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt bởi chúng có hại cho sức khỏe người dân.

Mới đây, Anh đã đánh thuế lên mặt hàng đường cũng như các sản phẩm có đường, qua đó kỳ vọng giảm số lượng người sử dụng sản phẩm này để đối phó với bệnh béo phì, tiểu đường đang tăng cao trong người dân. Trước đó, nhiều nước như Mỹ, Pháp, Hungary, Thái Lan… cũng đã có những bước đi tương tự.

Đối với các chuyên gia kinh tế, việc đánh thuế lên những mặt hàng được cho là có hại cho người dân cũng như xã hội là điều nên làm, và những khoản thuế, lệ phí này được gọi vui là "Thuế tội lỗi" (Sin tax).

Mục đích ban đầu của Thuế tội lỗi là vô cùng rõ ràng khi hạn chế người dân tiêu thụ các sản phẩm có hại và chi trả những chi phí gây hại cho cộng đồng. Ví dụ một người mua xăng lái xe hơi sẽ phải đóng thuế môi trường bởi cộng đồng phải chịu ảnh hưởng từ khí thải mà người đó lái ô tô thải ra. Việc cấm mua xăng hay lái xe là điều không thể nên các chuyên gia kinh tế đề nghị áp dụng Thuế tội lỗi.

Câu chuyện về Thuế tội lỗi và sự cân bằng giữa ngân sách và lợi ích cộng đồng - Ảnh 1.

Bình quân giá tăng 1% sẽ khiến doanh số rượu, thuốc lá giảm 0,5% ở Mỹ.

Tương tự, những mặt hàng như bia rượu, thuốc lá hay thậm chí đồ ngọt đều có độ nghiện nhất định với người tiêu dùng. Bởi vậy chúng không dễ dàng biến động về sản lượng tiêu thụ khi giá thay đổi, nhưng ít nhất người dân vẫn sẽ hạn chế tiêu dùng các mặt hàng này nếu giá đi lên.

Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy bình quân giá tăng 1% sẽ khiến doanh số rượu, thuốc lá giảm 0,5% ở Mỹ.

Đối với mặt hàng đồ ngọt, số liệu cũng cho thấy người tiêu dùng ít tiêu thụ đường hơn khi giá tăng. Nghiên cứu của trường đại học Bắc Carolina (UNC) và Tổ chức sức khỏe cộng đồng (PHI) tại Oakland cho thấy doanh số đồ ngọt ở bang California-Mỹ đã giảm 9,6%/năm khi bang này áp 0,01 USD/28gr đường trong đồ uống.

Tại Mexico, khi chính phủ áp thuế 1 Peso (0,08 USD)/lít đồ uống có đường vào tháng 1/2014, doanh số sản phẩm này đã giảm 5,5% trong năm đầu tiên và 9,7% trong năm kế tiếp.

Thuế tội lỗi có thực sự hiệu quả?

Bất chấp những số liệu cho thấy lượng tiêu dùng giảm, nhiều chuyên gia cho rằng Thuế tội lỗi không thực sự hiệu quả. Những khoản thuế trên chỉ tác dụng đến những khách hàng không thực sự nghiện rượu bia thuốc lá, đồ có đường… nhưng không ngăn được những người thực sự nghiện chúng.

Nghiên cứu của Viện IFS-Anh cho thấy những người vài cốc rượu mỗi tuần khá mẫn cảm với Thuế tội lỗi nhưng những người nghiện rượu nặng thì không. Tương tự, việc đánh thuế lên sản phẩm có đường chẳng tác động mấy đến những người thích đồ ngọt.

Số liệu khảo sát của Mexico cho thấy việc áp thuế lên đồ uống có đường khiến người nghèo mua ít sản phẩm này hơn nhưng chúng lại chẳng tác động mấy đến thói quen của tầng lớp trung thượng lưu.

Ngoài ra, chuyên gia kinh tế John Cawley của trường đại học Cornell University cho biết việc áp thuế sẽ không hiệu quả nếu chỉ mang tính vùng miền. Ví dụ như thành phố Bekeley của bang California-Mỹ áp thuế lên đồ uống có đường, doanh số tiêu thụ sản phẩm này tại các vùng lân cận đã tăng 6,9% do người dân Berkeley đổ xô sang nơi khác mua hàng.

Tương tự tại Đan Mạch khi chính phủ áp thuế lên thực phẩm chứa nhiều chất béo vào năm 2011, người dân đã sang các nước láng giềng như Đức hay Thụy Điển để mua hàng về phân phối. Hệ quả là chính phủ Đan Mạch phải từ bỏ loại thuế này chỉ 1 năm sau ngày áp dụng.

Câu chuyện về Thuế tội lỗi và sự cân bằng giữa ngân sách và lợi ích cộng đồng - Ảnh 2.

Nghiện đồ ngọt cũng là một loại nghiện

 Tồi tệ hơn, việc áp Thuế tội lỗi lên các sản phẩm có đường hay nhiều chất béo nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng thì nay lại khiến người nghèo gặp khó. Nguyên nhân rất đơn giản, mọi người cần thực phẩm để sống và chỉ những người tiêu thụ quá nhiều đường, chất béo mới bị bệnh. Tuy nhiên những người tiêu thụ nhiều các sản phẩm này thường thuộc tầng lớp trung thượng lưu và việc nâng giá vài cent chẳng hề hấn, trong khi người nghèo lại phải mất thêm tiền cho nhu yếu phẩm.

Bên cạnh đó, những người nghèo thường hút thuốc và uống rượu bia nhiều hơn. Việc áp thuế lên các sản phẩm này không khiến họ giảm tiêu thụ, đặc biệt là với những người nghiện nặng. Hệ quả là Thuế tội lỗi càng khiến người nghèo mất thêm tiền.

Điều tương tự cũng diễn ra với túi nilong. Năm 2015, chính phủ Anh áp thuế 0,066 USD cho mỗi chiếc túi nilong và lượng tiêu thụ sản phẩm này giảm đến 85%. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia lo ngại người dân đang chuyển sang sử dụng những chiếc túi gây ô nhiễm môi trường không kém. Ví dụ như túi vải bông cần phải được sử dụng 131 lần mới được coi là dễ tiêu hủy hơn nilong, bằng không thì chúng cũng ô nhiễm môi trường chẳng kém.

Mặc dù vậy, chính phủ có thể bù trừ bớt ảnh hưởng bằng cách sử dụng ngân sách từ Thuế tội lỗi để đầu tư công, xây dựng trường học, bệnh viện… cho cộng đồng.

Chết sớm tiết kiệm ngân sách?

Hiện hay, nhiều hãng sản xuất bia, rượu thuốc lá hoặc đồ ngọt tranh luận rằng những người sử dụng sản phẩm mặc dù khiến xã hội phải tốn nhiều tiền thuế hơn để chăm lo cho họ nhưng những khách hàng này cũng tử vong sớm hơn thường lệ, qua đó tiết kiệm ngân sách.

Trên thực tế, luận điểm này nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều và chưa có một bằng chứng rõ ràng nào. Ví dụ như những người béo phì, hầu hết họ không qua đời sớm hơn so với bình quân xã hội nên rõ ràng đồ béo đang khiến nhà nước phải chi nhiều tiền hơn cho y tế.

Đối với đồ uống có cồn, chỉ một phần rất nhỏ số người nghiện rượu nặng gặp nhiều nguy cơ tử vong hơn bình thường. Trong khi đó, rượu bia là nguyên nhân chính dẫn đến 30% vụ tai nạn ở Mỹ, hàng loạt các vụ tội phạm, hành hung cùng cả đống tiền chữa trị cho những người nghiện đồ uống có cồn.

Câu chuyện về Thuế tội lỗi và sự cân bằng giữa ngân sách và lợi ích cộng đồng - Ảnh 3.

Nghiên cứu của IEA (tỷ Bảng Anh)

Trong khi đó, thuốc lá lại được nghiên cứu kỹ hơn và cho kết quả khá bất ngờ. Những người hút thuốc sẽ tử vong sớm 10 năm so với bình thường, qua đó tiết kiệm khá nhiều ngân sách. Nghiên cứu năm 2002 của chuyên gia kinh tế Kip Viscusi thuộc đại học Vanderbilt University cho thấy cho dù thuốc lá không bị đánh thuế thì mỗi hộp thuốc cũng tiết kiệm 0,32 USD ngân sách nhờ người tiêu dùng qua đời sớm.

Mới đây, nghiên cứu của Viện kinh tế IEA cho thấy nếu tính cả chi phí chăm sóc y tế, tiết kiệm ngân sách nhờ tử vong sớm và Thuế tội lỗi, ngành thuốc lá cùng đồ uống có cồn đem lại 14,7 tỷ Bảng Anh (19,3 tỷ USD) cho ngân sách Anh. Trái lại, ngành đường lại khiến nước này thiệt hại 2,5 tỷ Bảng mỗi năm bất chấp việc có đánh Thuế tội lỗi.

Với nhiều người, luận điểm tử vong sớm tiết kiệm ngân sách nghe thật lố bịch nhưng đối với nhiều khách hàng, việc tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá, đồ ngọt… mang tính hưởng thụ cuộc sống hơn là nhu yếu phẩm. Họ chấp nhận tiêu thụ mà không màng đến những tác hại sau này cũng như ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước trong tương lai.

Bởi vậy, tờ Economist cho rằng việc áp Thuế tội lỗi cần điều chỉnh sao cho hạn chế được việc tiêu thụ những sản phẩm này chứ không chỉ mang tính hình thức đóng góp cho ngân sách như hiện nay.

Theo AB

Thời Đại

Trở lên trên