MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cậu shipper trẻ tuổi ngồi một mình trên đường vắng đón sinh nhật giữa đêm cùng lời nhắn đầy năng lượng: Nếu còn nghèo, đừng ngại ra đường!

06-05-2020 - 12:19 PM | Sống

Không ai có quyền gán cho bạn cái mác "sang" hay "hèn". Chỉ mong bạn đừng bị vướng bận bởi suy nghĩ của người khác.

Hôm qua, do còn nhiều bản thảo chưa kiểm duyệt xong, nên đến tận 11 giờ đêm tôi mới bắt đầu tan làm. Trời đã tối mịt, đường phố vắng tanh, chỉ còn lác đác vài người bán hàng buổi tối.

Khi tôi đang chạy qua khúc quanh quen thuộc thì bắt gặp một cậu trai trẻ mặc áo shipper đang ngồi loay hoay một bên vỉa hè đốt một cây đèn cầy nhỏ cắm vào chiếc bánh kem bé tí. Nhưng không biết do gió lớn hay ánh đèn đường quá yếu ớt mà cậu chàng thắp lửa mãi không xong.

Thấy thế, tôi ghé vào đưa cho cậu ta cái bật lửa, hỏi:

"Hay cậu dùng thử cái này xem?"

Cậu ta ngẩn người một lát nhìn tôi, sau đó mỉm cười vui vẻ đón lấy cái bật lửa từ tay tôi và cám ơn, còn mời tôi ở lại ăn bánh cùng cậu ta.

"Sao cậu không tranh thủ về nhà, đón sinh nhật đông người mới vui hơn chứ?"

"Em ở trọ một mình, ba mẹ đều đang dưới quê, ở đây em không có bạn vì bận quá!"

Đó là cuộc đối thoại giữa tôi và cậu ấy.

Cậu chàng mới 20 tuổi, tên Kiên, tốt nghiệp cấp ba liền lên thành phố làm đủ ngành nghề, giờ công việc chủ yếu là shipper.

Nhìn khuôn mặt trẻ tuổi kia của Kiên, tôi thấy tiếc nuối thay cậu. Thành tích trước đây của Kiên tốt lắm, là học sinh luôn được biểu dương trong lớp. Nhưng chỉ vì cha mẹ cậu bệnh nặng, cậu muốn đỡ đần cho cha mẹ nên từ chối việc học lên cao mà đi làm khi mới 18 tuổi.

Lúc mới lên thành phố, phải ăn khổ rất nhiều. Nào là bị đa cấp lừa tiền, rồi nơi ở trọ vì giá rẻ nên an ninh không tốt, thường bị mất trộm hoặc có đánh nhau, đi làm thì mới đầu chưa quen việc nên bị la như cơm bữa.

Nghe Kiên kể, công việc mới đầu của cậu là phụ bếp nhà hàng, bị la mắng mỗi ngày, nhưng cậu lại rất vui vì sau đó học được không ít cái hay.

Tôi hỏi: "Thế công việc shipper hiện tại em làm có ổn không?"

Kiên vừa ăn một miếng bánh kem vừa đáp: "Cũng được ạ, thỉnh thoảng kẹt xe, bị khách hàng hối đồ hoặc bom hàng vài chận. Ngoài ra, em thấy công việc không đến nỗi quá mệt mỏi."

Tôi cũng ăn một mẩu bánh do cậu ấy đưa, vị ngọt nhẹ cộng thêm làn gió hiu hiu mát mẻ khiến bao áp lực trong ngày đều trôi hết. Hai chúng tôi ngồi im lặng ăn bánh một lát, có lẽ vì cậu ấy cho tôi cảm giác là một người rất dễ chịu, nên tôi chưa kịp suy nghĩ đã bật ra một câu:

"Em còn trẻ thế, học lực lại tốt, có từng tiếc nuối hay tủi thân vì không được đi học đại học hay không?"

Tôi hỏi xong lại chợt giật mình, có lẽ bản thân vốn không nên hỏi như thế, lỡ như đụng chạm đến nỗi đau của người ta thì không hay.

Nhưng không ngờ Kiên lại thoải mái cười to đáp lại tôi:

"Không đâu anh, thật ra trước giờ cũng có nhiều người hỏi em, có thấy tủi thân hay không, vì người khác có gia đình lo lắng, được đi học, còn em phải suốt ngày nai lưng làm việc ngoài đường?

Em thấy chẳng sao cả, vì công việc của em không phải công việc xấu xa gì, em kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, thay vì suy nghĩ đến khổ cực, em lại thích dành thời gian tính toán biện pháp kiếm tiền nhiều để gửi cho ba mẹ hơn. Nếu ngay cả việc chấp nhận hiện tại còn không được, làm sao có thể đủ năng lực thay đổi tương lai, đúng không anh?"

Cậu shipper trẻ tuổi ngồi một mình trên đường vắng đón sinh nhật giữa đêm cùng lời nhắn đầy năng lượng: Nếu còn nghèo, đừng ngại ra đường! - Ảnh 1.

Tối hôm đó khi về nhà, tôi bỗng thấy cả người như được tiếp thêm sức mạnh.

Đúng vậy, có nhiều người vì đắm chìm trong buồn đau, tiếc nuối, tủi thân mà không vượt qua được thử thách tâm lý do chính mình tạo ra.

Chúng ta đừng nên vì những cái hào nhoáng bên ngoài mà quyết định hay đánh giá sự vật, sự việc gì. Không phải cứ ngồi văn phòng máy lạnh, làm việc trên máy tính là sang. Cũng không phải nhắc đến lao công, shipper, bán lề đường là việc đáng xấu hổ gì.

Không ai có quyền gán cho bạn cái mác "sang" hay "hèn". Chỉ mong bạn đừng bị vướng bận bởi suy nghĩ của người khác.

Cử nhân tốt nghiệp đại học nhưng đi bán bún riêu thì đã sao?

Học giỏi nhưng chạy làm shipper thì thế nào?

Chỉ là cách để chúng ta mưu sinh, để chúng ta kiếm tìm cơ hội thay đổi cuộc sống, muốn dành được hạnh phúc cho quãng đời còn lại.

Người khác có thể ác ý bình luận, nhưng không thể cho bạn cơm ăn. Quan tâm đến ánh mắt và lời nói của người khác chính là cái "dại" lớn nhất của chúng ta.

Cậu shipper trẻ tuổi ngồi một mình trên đường vắng đón sinh nhật giữa đêm cùng lời nhắn đầy năng lượng: Nếu còn nghèo, đừng ngại ra đường! - Ảnh 2.

Nếu còn nghèo, vậy đừng ngại ra đường!

Hãy tự tin khám phá thế giới bên ngoài, tự tìm cho mình một công việc phù hợp, một nghề nghiệp ưa thích, sống một cuộc sống khiến mình thấy thoải mái.

Bạn có thể học được nhiều kiến thức trên mạng nhưng lại không thể tận mắt nhìn thấy chúng được tạo ra thế nào nếu không ra đường.

Những tòa nhà kiến trúc lớn ở trung tâm thành phố được tạo ra thế nào? Những thước phim đã được edit kĩ lưỡng kia chỉ cho bạn biết phần nổi. Chỉ khi bạn tự mình dấn thân vào đó làm việc, bạn mới nhận ra kiến thức học được từ thực tế là vô giá đến cỡ nào.

Giống như câu nói của Bill Gates:

"Nhà trường chỉ cho chúng ta chiếc chìa khóa tri thức, học trong cuộc sống là công việc cả đời."

Khó khăn trong mắt người giàu nghị lực chỉ là thứ cần phải vượt qua, là cơ hội làm giàu, là điều bình thường trong cuộc sống mỗi người. Khó khăn trong mắt người tiêu cực là những mảng tối cuộc sống, khiến họ không dám bước đi, cũng chẳng dám lùi lại.

Nếu bạn muốn làm giàu, đừng ngại ra đường, phải tự vượt qua định kiến của người khác và định kiến của chính bản thân mình.


Theo Thiên Tuyết

Báo Dân sinh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên