Cậu sinh viên RMIT bỏ học giữa chừng mở quán cà phê, thu nhập hơn một tỷ/tháng: Ở Việt Nam, cứ mỗi 3 bước chân cũng tìm được quán cà phê ngon hơn Starbucks!
Từ một chàng sinh viên đang theo học Commerce (chuyên ngành Marketing) của Đại học RMIT, Huỳnh Vũ Tiến bất ngờ “bỏ ngang” và quyết tâm mở quán cà phê tại TP.HCM trong sự ngỡ ngàng và phản đối của tất cả người thân và bạn bè.
- 17-02-2022Từ vụ cậu sinh viên nhập học và tự tử trên sông Sài Gòn: Em đã nghèo suốt 19 năm tuổi đời, nghèo suốt 12 năm học thì không cớ gì vào ĐH lại đầu hàng cái nghèo dễ dàng thế được!
- 18-08-2021Từ cậu sinh viên bị từ chối 35 lần đến “cha đẻ” của công ty khởi nghiệp tỷ đô, doanh nhân trẻ khẳng định: “Tuyệt vời nhất là được làm điều này”
- 24-04-2021Từ cậu sinh viên không định hướng đến "top 100 người giàu nhất Thâm Quyến", bí quyết của CEO 30 tuổi là sự nghiêm túc, không cho phép sai sót nhỏ nào trong công việc
Tuy nhiên, thời gian đã chứng minh quyết định của anh là chính xác khi hiện nay, anh đã có thu nhập hơn 1 tỷ đồng/tháng. Ngoài công việc kinh doanh, Vũ Tiến còn là một chuyên gia đào tạo pha chế có tiếng trong lĩnh vực này, với gu đồ uống đậm trà rất riêng.
Có thể nói ở độ tuổi rất trẻ, Vũ Tiến đã sở hữu cơ ngơi lẫn thu nhập khiến nhiều người không khỏi ghen tị. Càng bất ngờ hơn khi gặp ở ngoài, cách nói chuyện lẫn sự "quyết liệt" của anh đã thuyết phục chúng tôi ngay từ những câu hỏi đầu tiên.
Bước ngoặt nào đã đưa một chàng trai đang theo học Đại học RMIT đến với ngành F&B?
Tôi là người luôn bị "ám ảnh" về chuyện phải báo hiếu cho cha mẹ. Ngay cả khi gia đình tôi từ nhỏ tới lớn cũng không gọi là quá thiếu thốn về mặt vật chất, nhưng tôi nghĩ bản thân mình phải có nền tảng tài chính vững chắc càng sớm càng tốt, ưu tiên lo xong cho gia đình tôi mới tính đến chuyện của bản thân
Vậy nên khi còn đang học đại học tôi chợt nghĩ: "Có vẻ con đường này không đúng lắm, mình có đang lãng phí tiền bạc của ba mẹ, tốn thời gian của mình hay không?" Bởi vì tôi nhận ra, nhiều anh chị đi trước học cùng ngành và cả khác ngành tôi, mức lương đạt đâu đó tầm vài chục triệu/tháng, hoặc giỏi thì vài nghìn đô. Nghe có vẻ khá cao nhưng không phải là con số để tôi có thể sống thoải mái tại TP HCM, tôi muốn mình kiếm nhiều hơn nữa, muốn thử thách bản thân hơn. Cuối cùng tôi nhận ra, chỉ có kinh doanh mới giúp tôi chạm được mục tiêu. Đó chính là bước ngoặt đưa tôi đến với F&B.
Vậy so với công việc đầu tiên bạn kiếm ra tiền và thời điểm bây giờ, nó đã tăng lên gấp bao nhiêu lần rồi?
Tôi nhớ lần đầu tiên tôi kiếm được tiền là làm trợ giảng cho một trung tâm tiếng Anh, một tiếng tôi nhận được thù lao là 200k. Tuy nhiên, một ngày chỉ được vài tiếng, không có nhiều. Còn bây giờ, cứ mỗi tiếng trôi qua tôi có thêm 4 triệu đồng. Nhưng thú thật tôi tự thấy con số này vẫn chưa phải là mức tôi mong muốn. Tôi muốn mình phải cố gắng hơn nữa.
Nhìn vào thành công bây giờ của bạn, liệu những người từng không có ủng hộ bạn nghỉ học đại học có một cái nhìn khác hay không?
Người duy nhất ủng hộ tôi theo con đường kinh doanh đó chính là mẹ của tôi, còn lại tất cả mọi người đều phản đối. Tôi đã nói chuyện với rất nhiều người để cho tôi lời khuyên, và đa số đều phản đối việc tôi nghỉ học để khởi nghiệp. Câu trả lời tôi nhận được đều có nội dung na ná nhau như là học để sau này có công việc ổn định, rẽ hướng rất dễ thất bại, học để cho có cái bằng rồi muốn làm gì làm…
Thật sự những lý do mọi người đưa ra không thuyết phục được tôi. Về cơ bản, họ phản đối vì chưa ai từng bước ra khỏi vùng an toàn và cũng không mong muốn người khác bước ra khỏi vùng an toàn.
Sau tất cả, tôi nhận ra quan trọng nhất vẫn là phải biết bản thân mình đang làm gì. Vì tiền là ở xung quanh chúng ta, hơn nhau là ai đang hiểu thị trường, ai dám bứt phá để chọn con đường khác biệt. Tôi còn nhớ khi khai trương quán, với lượng khách cực kì đông, ra vào không ngớt, chính anh chủ nhà cũng phải hoảng hốt, bất ngờ vì địa điểm của anh ấy lại có thể đắt khách đến như vậy. Vì thời điểm năm 2015 quanh khu vực Phường 2 Quận 11 không hề có quán cà phê nào cả.
Về khởi nghiệp thì câu chuyện này chúng ta đã nói cả chục năm rồi, nhưng về cơ bản thì vấn đề vẫn là "đầu tiên - tiền đâu" nhỉ?
Bản thân tôi không nghĩ vấn đề "tiền đâu" quan trọng. Cái chính là khả năng lên kế hoạch và đánh giá rủi ro của mỗi cá nhân, bạn muốn làm thì bạn sẽ tìm cách. Tôi biết có nhiều người, tài chính - hậu thuẫn từ gia đình rất tốt, sẵn sàng đầu tư, thậm chí nếu có mất trắng cũng "vui vẻ" vì cho con cái mình được trải nghiệm. Nhưng nếu làm ăn mà không có kế hoạch, không suy tính kĩ càng thì dù có trong tay 10 tỷ hay 100 tỷ cũng thất bại như chơi, điển hình là những trường hợp thua lỗ của một số thương hiệu F&B gần đây, thậm chí phải dẹp cả chuỗi.
Cái quan trọng khi khởi nghiệp là nếu đã có vốn rồi, bạn có CÁI GAN làm hay không? Bạn có thể quản trị rủi ro, khiến dự án của mình THÀNH CÔNG hay không?
Dĩ nhiên, nếu bạn có ý chí làm giàu và cái đầu nhanh nhạy với thị trường, nhận ra cơ hội trong rủi ro, bạn sẽ tự tìm ra con đường cho mình trong hàng ngàn con đường khác mà ít ai nhận ra. Như mấy đợt dịch vừa rồi, người thì thấy hàng quán đóng cửa nhiều quá đâm ra sợ không dám làm, người thì lại thấy đó chính là cơ hội để đón đầu thị trường vì sau dịch, tất cả đều "RESET".
Nhưng tôi không hề phủ nhận, nếu có tiền - tài chính sẵn thì chúng ta sẽ đi nhanh hơn.
Nói nhiều về thành công nghe mãi cũng chán, bạn có thể nói về thất bại mà nó là bài học anh khắc sâu nhất khi làm F&B?
Bắt đầu hành trình khởi nghiệp, tôi nhận ra cách đi nhanh nhất và mau chóng thu hồi vốn nhất chính là kinh doanh nhượng quyền từ những brand lớn. Năm 2015, có một thương hiệu đầu tiên tôi chọn để nhượng quyền (với khả năng thành công gần như 100% nhưng tôi không tiện nêu tên), tôi đã cố gắng đàm phán để franchise nhưng không thành công, và bây giờ nó thậm chí đã vươn tầm ra quốc tế.
Sau đó, tôi hợp tác với một brand khác. Ngay khi mở cửa hàng đầu tiên, lượng khách đông đến nỗi khiến tôi và tất cả mọi người từng ngăn cản tôi trước đó đều sững sờ. Tôi như hồi sinh thương hiệu này trên thương trường F&B, và từ cửa hàng của tôi, thương hiệu bùng nổ nhượng quyền.
Tuy nhiên sau đó, công ty đã vi phạm hợp đồng và mở cửa hàng khác rất gần cửa hàng của tôi. Tôi đã chọn phương án chấm dứt hợp đồng với công ty nhưng những gì công ty làm sau đó lại khiến tôi gặp những rắc rối, khủng hoảng về mặt hình ảnh…
Vậy bài học mà anh rút ra đó chính là…?
Phốt trong ngành F&B là một việc cực kì nguy hiểm và nhạy cảm, khi gặp vấn đề bạn phải điều tra thật kĩ càng và lên tiếng càng sớm càng tốt để bảo vệ quyền lợi của Khách Hàng cũng như danh tiếng thương hiệu.
Nếu bạn không lên tiếng, trấn an người tiêu dùng ngay lập tức thì dư luận sẽ rất khó kiểm soát, bạn sẽ dễ mất đi sự tin tưởng của khách hàng vào những chiêu trò phốt bẩn. Tính tôi vốn chỉ muốn im lặng và làm tốt việc kinh doanh, nhưng dần dà tôi nhận ra sự im lặng không giúp ích gì được cả.
Người ta nói làm F&B cần có thời, nghe có vẻ may rủi nhỉ. Trong ngành này bạn nghĩ có bao nhiêu % là sự may mắn, bao nhiêu % là sự nỗ lực?
Có câu này nghe quen miệng nhưng nó đúng lắm này: Thiên thời - địa lợi - nhân hoà. Nếu bước ra làm F&B mà thiếu 1 trong 3 yếu tố này cũng không làm được gì. Tôi quan niệm mọi thứ cần có thời điểm, ngày xưa thời thế tạo anh hùng, bây giờ kinh doanh xuất hiện khi có nhu cầu của khách hàng. Ví dụ như trong đợt dịch vừa rồi, trà sữa đậm vị trà lên ngôi rất thành công. Chúng ta trước đó đã quá quen tới nỗi phát ngán vì những ly trà sữa "full topping", nhiều chỗ làm topping đầy đến nỗi tôi nghĩ đó là ly chè chứ không còn là ly trà sữa nữa.
Nhưng dần dà, thị trường cũng dần thay đổi theo gu trà sữa đậm trà, chỉ đơn giản là một trà sữa không hề có topping, nhưng uống vào đã rất ngon rồi. Phong cách này đánh vào trải nghiệm thưởng trà của khách hàng là chính. Và từ đó tạo nên tệp khách hàng trung thành cực kì bền vững.
Bạn đánh giá thị trường F&B Việt Nam đang phát triển thế nào?
Tôi nghĩ F&B tại Việt Nam là môi trường khắc nghiệt nhất thế giới, thậm chí ở những nước phát triển tôi cảm giác họ còn "non tay" hơn chúng ta. Ví dụ đơn giản, tại Việt Nam, nhiều brand F&B lớn du nhập vào nước ta đã gặp phải rất nhiều khó khăn, thậm chí phải dẹp cả thương hiệu: Starbucks, The Coffee Bean & Tea Leaf, Gloria Jeans, Angel In Us…
Học viên của tôi từ Mỹ, Nhật… thậm chí còn phải bay về đây để mang hương vị trà sữa đậm trà qua bên đó. Theo như họ đánh giá, thị trường trà sữa của những nước này còn rất "non" hoặc thậm chí còn không có.
Sau khi quan sát và nghiên cứu rất nhiều thương hiệu dù lớn dù nhỏ, tôi nhận ra sau tất cả, một ly nước ngon - được pha chế kĩ càng và đặt cái tâm vào sản phẩm mới là con đường duy nhất để cửa hàng của bạn tồn tại. Sản phẩm luôn là "trái tim" của mọi hình thức kinh doanh, tất cả các yếu tố khác chỉ là "phương tiện" để đưa sản phẩm của bạn đến tay KH một cách tốt nhất.
Đơn giản lắm, hãy đặt bản thân bạn là một người khách hàng, khi bạn cầm ly nước của một cửa hàng nào đó trên tay, bạn có cảm nhận được sự trân trọng, sự tỉ mỉ và sự đầu tư của quán đó vào sản phẩm hay không?
Bạn đánh giá thị trường nghe rất hay, vậy lý do vì sao bạn không tiếp tục đứng ra kinh doanh cafe sau cú vấp ngã mà ở trên bạn đã kể?
Tôi có một mục tiêu quan trọng, nó còn quan trọng hơn cả niềm đam mê mở quán của tôi: đó chính là phải mua nhà cho mẹ thật nhanh! (hiện chúng tôi vẫn phải đang ở nhà thuê).
Mở quán để kiếm tiền đối với tôi rất đơn giản, nhưng nó lại bất khả thi vào thời điểm này vì số vốn tôi cần để mở một cửa hàng chuẩn thương hiệu là quá lớn, việc xây dựng lại tất cả từ đầu cũng tốn rất nhiều thời gian. Nên tôi đã chọn con đường khác: dạy pha chế.
Trong quá trình khởi nghiệp và xây dựng thương hiệu Let’s Milk, tôi đã nghiên cứu và phát triển nhiều công thức nước lạ và độc đáo. Tôi tự nhủ sẽ để dành những công thức này để khi đủ vốn, sẽ xây dựng thương hiệu thật lớn mạnh, nhưng quá trình này lại quá lâu, và tôi không thể chờ.
Cuối cùng, tôi đã đem những công thức mà cả đời tôi không nghĩ là sẽ chia sẻ cho ai để phát triển con đường dạy pha chế.
Tôi thật sự tò mò, bạn có tự tin đâu là sự khác biệt của mình giữa thị trường mà chỉ vài hôm là có quán cafe, một thứ đồ uống mới nổi lên thế này?
Tôi là người đã làm việc gì là phải làm tới nơi tới chốn, tôi dành hết kiến thức và đam mê truyền thụ lại cho những anh, chị, em có cùng đam mê. Có những người dù không thích nước, sau khi tham gia khoá học lại tìm thấy sự yêu thích với nghề. Còn có những bạn sau khi kết thúc khoá học, đã đến bắt tay và cảm ơn khiến tôi khá bất ngờ và hạnh phúc.
Con đường tôi chọn trong ngành này cũng rất khác biệt và khó khăn: đó là phát triển các dòng sản phẩm gu đậm trà - một phong cách mà trên thị trường bạn sẽ rất khó tìm. Nhưng phải là những thứ tôi thích thì tôi mới làm được, tôi không quan tâm người khác nghĩ gì. Cuối cùng khóa học của tôi được đông đảo các học viên đón nhận, có những bạn học xong không vận dụng bị quên kiến thức, đăng kí đi học lại rất nhiều.
Tôi nghĩ, nếu sản phẩm tôi dạy không ngon thì mọi người sẽ không đăng kí đi học lại nhiều đến thế, và đa số phải đi quãng đường rất xa để vào Nam học. Có những bạn ở tận phía Bắc và cả bên Mỹ, Úc, New Zealand…
Có một câu nói rất hay: Muốn xúi ai đó sập nghiệp thì cứ xúi người ta mở tiệm cafe. Bạn nghĩ sao?
Tôi cực kì ghét câu nói này, bạn biết một trong những lí do tôi chọn mở quán cà phê so với các ngành nghề khác là gì không? Bởi vì nó NHÀN.
Thực sự tôi mở quán rất nhàn, một tuần chỉ đến quán một lần để lấy doanh thu, xem qua sổ sách và uống nước (để kiểm tra chất lượng sản phẩm). Mọi thứ đã có quản lý và những phần mềm tự vận hành. Doanh thu, biên bản kiểm kho cũng được xuất minh bạch bằng chứng từ. Quanh đi quẩn lại, câu trên sẽ đúng nếu như bạn mở quán mà không trang bị kiến thức quản lí để quán tự vận hành thì sập là điều hiển nhiên.
Mục đích cuối cùng khi tôi mở quán là đạt được thu nhập thụ động, để bản thân có thời gian relax và đầu tư thêm nhiều mô hình tiềm năng khác.
Sau tất cả, bạn có lời khuyên gì cho những ai sắp bước vào con đường F&B?
Tôi nghĩ bạn phải chọn được thế mạnh trong kinh doanh của mình, bởi vì khách hàng có rất nhiều nhu cầu. Bạn phải tính toán được rủi ro khi bước vào ngành.
Chẳng hạn câu chuyện mặt bằng, nếu bạn chọn lợi thế của mình là mặt bằng thì chẳng may chủ nhà phá hợp đồng cho bên khác thuê với giá cao hơn thì sao? Và bên thuê sẵn sàng đền hợp đồng để đá bạn đi.
Hoặc nếu bạn chọn tập trung vào cách decor quán đẹp, bạn nghĩ khách sẽ đến chụp hình check in bao nhiêu lần? Và nếu có quán khác decor đẹp hơn bạn thì liệu khách có chọn ngồi quán bạn nữa không? Tập trung vào decor nghĩa là bạn phải thay đổi concept decor theo mùa, theo chủ đề để tạo sự đổi mới, bạn nghĩ bạn có bù đắp nổi các chi phí này không?
Tôi còn biết một vài mô hình cà phê kết hợp, ví dụ : Cà phê sách, cà phê acoustic, cà phê moto, cà phê kết hợp rửa xe, cà phê bi-a... Và cho tới bây giờ, các kiểu cửa hàng mà tôi biết đều đóng cửa hết, rất khó tồn tại được lâu. Vì nó làm loạn giá trị của một mô hình kinh doanh, khách hàng đến với quán bạn không biết chủ yếu vì cái gì, vì bạn chẳng chuyên biệt mảng nào cả.
Vậy nên tôi nghĩ mọi người phải lấy sản phẩm làm cốt lõi, nó chính là thứ tạo nên lòng trung thành của khách hàng. Một ly nước ngon sẽ giúp bạn có được niềm tin của khách, bạn có đi đâu thì khách cũng tìm đến uống nước của bạn cho bằng được, và nếu không thể đi thì họ có thể dễ dàng order qua app!
Không phải tự nhiên ngành này có tên là Đồ ăn & Thức uống (F&B), ai đi trái với quy luật này sớm muộn đều sẽ bị đào thải!
Cảm ơn Vũ Tiến vì buổi nói chuyện đầy thú vị này!
Trí thức trẻ