MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu trả lời từ một sinh viên Bách Khoa, chưa ra trường đã nhận lương 60 triệu đồng/tháng: Tu nghiệp ở Nhật và chuẩn bị ngay từ năm nhất

27-02-2017 - 10:24 AM | Sống

"Em không bất ngờ với con số này, đó là mức trung bình so với thị trường quốc tế" anh chàng sinh viên năm cuối Bách khoa - người được công ty Rakuten của Nhật Bản mời về làm với mức lương 60 triệu/tháng- chia sẻ

Trong một chương trình thời sự mới đây được phát sóng trên đài truyền hình VTC, anh chàng Nguyễn Xuân Bách, sinh viên năm thứ 5 Đại Học Bách Khoa Hà Nội, đã chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân trong việc biến giấc mơ lương 60 triệu/tháng trở thành hiện thực.

Tuy vẫn chưa tốt nghiệp Bách Khoa nhưng hiện Bách đã được Rakuten – gã khổng lồ thương mại điện tử Nhật Bản, xếp top 4 trong các công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới – mời về làm việc với mức lương 60 triệu đồng/tháng.

Điều đáng nói, Bách chia sẻ, là thực ra mức lương này là mức bình thường đối với những cử nhân của ngôi trường Bách Khoa.

Bí kíp quan trọng nhất: Nhật Bản chính là “miền đất hứa”

Theo Bách, với sinh viên Bách Khoa, mức lương 2.000 USD – 3.000 USD/tháng là điều hoàn toàn có thể đạt được, dù đó là con số mơ ước của rất nhiều người thậm chí đã đi làm nhiều năm.

Bách chia sẻ: “Mức lương đó (60 triệu đồng/tháng) là không quá cao so với các thị trường quốc tế”

“Em không bất ngờ với mức 2.000 USD – 3.000 USD. Đó là con số hoàn toàn có thể đạt được do nhiều các anh đi trước em cũng đều nhận được mức lương tương tự”.

Điểm chung của tất cả các sinh viên này? Đó là họ đã đều bắt đầu gây dựng sự nghiệp của mình từ đất nước Nhật Bản.

Theo phân tích của Bách, trong khoảng thời gian gần đây, phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản đều đang khá khó khăn trong tìm kiếm các nhân sự. Nước này cũng có đặc điểm là dân số già nên việc tìm được người để làm lại càng khó.

Xu hướng tuyển dụng nhân sự tại Trung Quốc giờ đây đã thay đổi, Nhật Bản chuyển hướng sang Việt Nam như một “mỏ vàng” về nhân sự. Vì thế, cơ hội làm việc cho các công ty Nhật Bản cũng tăng lên cho sinh viên Việt Nam.

Bên cạnh mức lương, các công ty Nhật Bản cũng có nhiều yếu tố thu hút các sinh viên Việt Nam.

Mức lương lớn thì cũng đồng nghĩa với nhiều áp lực sẽ được tạo ra. Tuy nhiên, các công ty Nhật giờ đây đã rất biết cách “chiều” nhân viên của mình, qua đó những áp lực trong công việc cũng được giảm bớt.

“Hiện tại ở Nhật có 2 trường phái công ty: một là các công ty hoạt động theo phong cách cũ, tức là làm việc có khi đến 10h tối mới về; hai là các công ty công nghệ thông tin (như Rakuten) theo trường phái làm việc của các nước phương Tây, thời gian làm việc thoải mái hơn” – Bách nói.

Nếu ở trong nước, mức lương 1 ngàn đô là con số trong mơ thì nhiều sinh viên đã tìm ra lời giải bằng việc tu nghiệp nước ngoài với lương vài ngàn đô.

“Khi ra nước ngoài, mình sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn. Bên cạnh đó, làm việc ở môi trường quốc tế nhiều sẽ khiến mình dày dặn hơn, nếu trở lại Việt Nam sẽ dễ hơn rất là nhiều”

Bách nói thêm: “Theo em thấy, các anh chị đi làm ở Nhật trước đó, có người ở lại luôn, có người thì về Việt Nam mở công ty riêng. Sự nghiêm khắc, tính kỷ cương của môi trường Nhật là yếu tố giúp họ rất dễ thành công khi về Việt Nam”

"Nói chung, em thấy lựa chọn bắt đầu làm việc ở Nhật là một khởi đầu tốt cho sự nghiệp” tân nhân viên của Rakuten kết luận.

Yêu cầu của công ty Nhật thực ra là không quá trên trời

Để chinh phục được mức lương trên thì thực ra theo Bách, không cần phải đến mức thiên tài mới có thể đáp ứng.

Bách chia sẻ, bên cạnh kỹ năng chuyên môn thì người lao động cần đáp ứng bộ 3 tiêu chí:

- Tốt nghiệp đại học

- Trải qua 10 khóa thực tập bổ sung kỹ thuật cũng như văn hóa làm việc tại 1 doanh nghiệp liên kết Nhật Bản tại Việt nam

- Năng lực tiếng Anh: có chứng chỉ TOEIC trên 800 điểm

Bách cho biết thêm, thực ra các câu hỏi phỏng vấn của công ty Nhật Bản sẽ không quá khó. Nhà tuyển dụng sẽ không hỏi trực tiếp các vấn đề về chuyên môn quá nhiều, mà là những câu hỏi để kiểm tra khả năng xử lý vấn đề, cũng như điểm mạnh/điểm yếu của ứng viên.

“Có một câu hỏi mà họ rất hay hỏi là “điểm mạnh của em là gì ?”. Hôm đó e trả lời rằng điểm mạnh của em là có tinh thần nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm cao, có lẽ đó là yếu tố làm họ đánh giá cao bản thân em” – Bách bộc bạch.

Nhớ kỹ: Hãy chuẩn bị bài bản và dài hạn

Để được như ngày hôm nay, thực ra Bách đã tìm hiểu kỹ ngay từ năm đầu tiên tại Bách Khoa về cơ hội làm việc tại Nhật.

Bách nói: “Nhờ tìm hiểu sớm, em nhận thấy mình cần bổ sung thêm tiếng Nhật để tìm được công việc hợp chuyên ngành của mình.

Bên cạnh kỹ năng về chuyên môn, em cũng đã tìm hiểu thêm văn hóa làm việc, cũng như về tiếng Nhật”

Câu chuyện của Bách phần nào giải đáp cho bài toán giấc mơ lương 2-3 ngàn USD/tháng hay 60 triệu/tháng khi mới ra trường.

Chìa khóa ở đây chính là sự định hướng càng sớm càng tốt, cùng với một công sức chuẩn bị thật bài bản và nghiêm túc.

Cuộc trò chuyện với Nguyễn Xuân Bách

Theo Vũ Hán

Trí thức trẻ

Trở lên trên