Cầu trị giá 110 tỷ, hoàn thành phần mặt cầu gần 2 năm nhưng chưa thể 'lưu thông'
Cầu Chiếc đã hoàn thành phần mặt cầu gần 2 năm nay nhưng vẫn chưa thể đưa vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân do vướng mắc di dời, giải toả.
- 20-07-2022Cây cầu "cụt" trăm tỷ ở Bắc Giang xây xong 2 năm vẫn để "trưng bày"
- 22-05-2022Hà Nội: Một thập kỷ hoàn thành 12 cây cầu vượt nhẹ trị giá hơn 3.000 tỷ đồng
- 23-04-2022Ảnh: Cận cảnh cây cầu vượt biển dài nhất Quảng Ninh đang hối hả hoàn thiện những hạng mục cuối cùng
Cầu Chiếc mới tại xã Hiền Giang (huyện Thường Tín, Hà Nội) mặc dù đã được hoàn thiện phần mặt cầu cách đây gần 2 năm nhưng lại chưa được đưa vào sử dụng do vướng mắc 6 hộ dân thuộc diện di dời, giải toả ở mố cầu phía Tây huyện Thường Tín đi Thanh Oai.
Dự án xây dựng cầu Chiếc mới bắc qua sông Nhuệ được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đầu tư xây dựng vào năm 2016. Dự án có tổng mức đầu tư 115,544 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, thời gian thực hiện dự án trong 2 năm (2017 - 2018) nhằm thay thế cầu Chiếc cũ đã xuống cấp.
Cầu Chiếc mới rộng 18,5 m, trong đó lòng đường phần xe chạy mỗi bên rộng 7,5 m, dải phân cách giữa rộng 1,5m.
Theo ghi nhận của PV, hệ thống đường dẫn từ Tỉnh lộ 427 và cầu Chiếc mới đã được xây dựng, rải thảm nhựa và lắp đặt hệ thống cột đèn chiếu sáng.
Phía bên đầu cầu thuộc thôn Nhân Hiền (xã Hiền Giang) do vướng 6 hộ dân chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng nên chưa thể thông cầu.
Bà Nguyễn Thị Hoàn - Chủ tịch UBND xã Hiền Giang nói rằng chính quyền địa phương cũng như người dân rất mong muốn cây cầu sớm đưa vào sử dụng để người dân thuận tiện trong việc đi lại. Theo bà Hoàn, khi triển khai dự án cầu Chiếc mới có khoảng 30 hộ dân nằm trong diện đất nông nghiệp phải thu hồi. Sau đó, việc đền bù, thu hồi đất của các hộ này diễn ra thuận tiện, nhanh chóng. Tuy nhiên, khi dự án triển khai đến khu vực 6 hộ dân phải di dời thì chưa thể thực hiện được.
Do phần mặt cầu đã hoàn thiện nhưng chưa thông nên giữa cầu được đặt các tấm bê tông để đảm bảo an toàn cho người dân.
Mặt cắt ngang phần đường dẫn lên hai bên cầu Chiếc rộng 22,5 m. Trong đó, lòng đường phần xe chạy mỗi bên rộng 7,5 m, dải phân cách giữa rộng 1,5 m, lề đường cộng mái taluy mỗi bên rộng 3 m.
"6 hộ dân có mong muốn nguyện vọng di dời đến khu tái định cư nằm trong địa bàn xã chứ không muốn đi xã khác do quê quán, gốc tích tại đây, đất được giao ở đây.", bà Hoàn nói và cho biết thêm, hiện đã có phương án tái định cư cho 6 hộ dân về khu vực cầu Chiếc cũ và người dân hoàn toàn đồng ý về đây.
"Khi được đất tái định cư thì lại liên quan đến giá đền bù và định giá đất đầu đi, đầu đến. Vừa rồi Hội đồng thành phố đã ra nghị quyết và có giá đầu đi, đầu đến. Tới đây, huyện sẽ triển khai giao đất cho người dân và di dời...", bà Hoàn cho biết.
Do nhiều năm chưa được đưa vào sử dụng nên cỏ mọc um tùm 2 bên đường. Anh H. (bảo vệ cầu Chiếc mới) cho biết, cách đây 6 năm anh được thuê để làm nhiệm vụ trông coi khu vực cầu Chiếc. Đến nay, phần mặt cầu đã làm xong được gần 2 năm nhưng vẫn chưa thể sử dụng do vướng mắc di dời 6 hộ dân bên địa phận thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang.
Cầu Chiếc mới hoàn thành sẽ thay thế cầu Chiếc cũ đã bị xuống cấp và góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trong khu vực, tạo điều kiện cho mọi người dân đi lại thuận lợi, đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện Thường Tín và Thanh Oai.
Được biết, mới đây TP Hà Nội đã ra quyết định về việc phê duyệt giá đất cụ thể làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Chiếc.
Tổ quốc