MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cây chuối héo khiến cả thế giới đau đầu: Sinh vật soi kính hiển vi mới thấy đang tàn phá nghiêm trọng một quốc gia

17-05-2023 - 20:19 PM | Tài chính quốc tế

Hãng tin Reuters (Anh) đưa tin, một loại nấm kháng thuốc làm héo chuối và cây mã đề, lây nhiễm vào đất có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực ở Venezuela.

Loại nấm khiến tất cả đau đầu

Hãng tin Reuters (Anh) đưa tin, một loại nấm kháng thuốc làm héo chuối và cây mã đề, lây nhiễm vào đất có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực ở Venezuela - nơi 6,5 triệu người đã bị đói, các nhóm nông dân và một cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết.

Loại nấm nhiệt đới Fusarium chủng 4 cho đến nay đã được tìm thấy ở các bang miền trung Aragua, Carabobo và Cojedes của Venezuela.

Viện y tế nông nghiệp quốc gia Venezuela đã chính thức phát hiện nấm fusarium vào tháng 1, nhưng các nhà sản xuất và các chuyên gia cho biết rằng, họ có bằng chứng cho thấy loại nấm này đã tồn tại nhiều năm nay và họ lo rằng chúng sẽ lây lan nhanh chóng.

"Khoảng 15% số cây chuối của tôi sẽ bị ảnh hưởng", nông dân Tomas Malave, 46 tuổi, người có 2.200 cây chuối trên diện tích 1 ha ở Aragua, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Reuters.

Ông Malave cho biết, ông đã thử nhiều biện pháp khắc phục trong nhiều năm mà không biết chính xác sinh vật gì đang ảnh hưởng tới cây trồng của mình.

"Thật không may, tôi đã thấy loại bệnh ở cây này nhiều năm trước, nhưng chỉ đến năm nay các tổ chức mới xác định được nguyên nhân", ông Malave nói.

Hàng xóm của ông, Gregory Gamboa, 49 tuổi, đã thấy phần lớn cây chuối của ông bị héo cách đây vài năm và giờ ông đã chuyển sang trồng các loại cây khác.

Ông Gamboa nói: “Chúng tôi đã thử mọi cách, nhưng chúng tôi đã mất cây chuối."

Cây chuối héo khiến cả thế giới đau đầu: Sinh vật soi kính hiển vi mới thấy đang tàn phá nghiêm trọng một quốc gia - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Nấm tàn phá Venezuela

Reuters nhấn mạnh, Venezuela đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài và dưới 23% dân số đang phải đối mặt với nạn đói, theo một báo cáo năm ngoài của Liên Hợp Quốc.

Theo Đài quan sát tài chính độc lập của Venezuela, lạm phát hàng năm ở mức đáng kinh ngạc là 471% trong tháng 4.

Các gia đình đang phải vật lộn để mua thức ăn đều dựa vào chuối - mỗi cân chuối có giá khoảng từ 1-2USD.

Mức lương tối thiểu hàng tháng tại đây chỉ vào khoảng 5USD và nhiều gia đình phải phụ thuộc vào các hỗ trợ của chính phủ về thực phẩm hoặc tiền gửi từ người thân ở nước ngoài.

Nguồn thức ăn và nguồn thu nhập

Alexis Bonte, đại diện của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Venezuela, cho biết đối với những nông dân canh tác quy mô nhỏ thì chuối và cây mã đề là nguồn chính cung cấp năng lượng cũng như thu nhập.

Bà Alexis Bonte cho biết: "Nếu mọi người không có chuối, họ sẽ không có nguồn thức ăn và tiền để mua thức ăn, đây là thiệt hại kép."

Bà cũng cho hay, loại nấm bệnh này làm cây khô dần và lan qua đất. Căn bệnh nấm ở cây chuối đã ảnh hưởng tới khoảng 150ha và khoảng 1.000 hộ sản xuất nhỏ lẻ cho đến nay.

FAO chỉ ra, cách duy nhất để diệt trừ nấm fusarium là nhổ các loại cây trồng và gieo các cây trồng khác như ngô hoặc ngũ cốc - các loại không dễ bị nhiễm nấm. Nấm fusarium không gây hại cho con người.

Theo Reuters, không rõ làm cách nào mà nấm fusarium được phát hiện ở các nước láng giềng Colombia ba năm trước và ở Peru năm ngoái đã lan sang tới Venezuela. Tuy nhiên một số người dự đoán nấm đã lây lan qua các xe vận tải hoặc đơn giản là giày dép của người di chuyển giữa các quốc gia.

Cây chuối héo khiến cả thế giới đau đầu: Sinh vật soi kính hiển vi mới thấy đang tàn phá nghiêm trọng một quốc gia - Ảnh 2.

Người bán chuối tại một khu chợ ở Venezuela. Ảnh: Reuters

Saul Lopez, chủ tịch hiệp hội kỹ sư nông nghiệp, cho biết có khoảng 28.000 ha trồng chuối táo quạ (plantain) và khoảng 32.000 ha trồng chuối thường ở Venezuela, cảnh báo vào năm 2019 rằng loại nấm này có khả năng xuất hiện và kêu gọi chính phủ áp dụng các biện pháp kiểm soát vệ sinh.

Theo hiệp hội nông nghiệp, chính phủ nước này hiện đã cấm vận chuyển hạt giống giữa ba tiểu bang nơi phát hiện thấy nấm fusarium. Tuy nhiên các chuyên gia đánh giá rằng xe tải vận chuyển và các công nhân cần trải qua nhiều biện pháp kiểm soát nấm hơn ở biên giới với Colombia.

Cả bộ thông tin và bộ nông nghiệp Venezuela đều không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Theo hiệp hội xúc tiến trồng chuối Fumplaven, loại nấm này vẫn chưa được phát hiện ở bang trồng chuối lớn nhất của Venezuela, Zulia, nơi có khoảng 10.000 ha cây trồng.

Domingo Mora, 36 tuổi, người trồng trọt ở Zulia cho biết: “Ở đây mọi người đều sợ loại nấm này vì nó sẽ phá hủy mọi thứ. Nếu như nó xuất hiện, đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ đói kém hơn và mất mát hơn trước tình hình hiện đã tương đối khó khăn của chúng tôi”.

Theo Duy Anh

Thể thao & văn hóa

Trở lên trên