Từ nguồn cây giống được người dân lấy từ rừng về, đến nay sâm Lai Châu đã được bà con và các tổ chức trên địa bàn đã nhân rộng diện tích lên tới hàng chục ha và coi là cây làm giàu của người dân địa phương.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, sâm Lai Châu có nguồn gen đặc biệt quý hiếm, khi củ có thành phần saponin phong phú với 52 loại hoạt chất quý hiếm và tất cả bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc.
Từ nguồn cây giống được người dân lấy từ rừng về, đến nay bà con và các tổ chức trên địa bàn đã nhân rộng diện tích lên tới hàng chục ha và được coi là cây làm giàu của người dân địa phương.
Năm 2018, Hợp tác xã sâm Lai Châu - Khun Há (huyện Tam Đường) ra đời, với 8 thành viên là người dân địa phương tự góp vốn với nhau để đi mua sâm của người dân về trồng. Từ vài chục mét vuông trồng sâm ban đầu, đến nay hợp tác xã đã phát triển được hơn 1.000 m2. Không chỉ tự ươm giống để nhân rộng diện tích, hợp tác xã còn đang chăm sóc, bảo tồn các cây sâm có tuổi đời 3 - 20 năm tuổi.
Anh Cứ A Chinh, thành viên Hợp tác xã Sâm Lai Châu - Khun Há, huyện Tam Đường chia sẻ, hợp tác xã hình thành khi một số người dân đi rừng mang xuống núi một số cây lạ và bán được cho du khách mấy chục triệu đồng. Ban đầu bà con bảo là tam thất đen và sau này nói là sâm, dùng làm thuốc rất tốt cho sức khỏe. Cây sâm không chỉ là dược liệu quý cần được bảo tồn, mà còn mang lại kinh tế rất lớn, giúp bà con làm giàu.