CDC Hà Nội "chịu" lên tiếng sau nhiều lần được chỉ đạo mua sắm sinh phẩm xét nghiệm Covid-19
Sau nhiều lần lãnh đạo TP Hà Nội lo lắng, chỉ đạo khẩn trương mua sắm thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19, sáng nay 23-9, CDC Hà Nội mới cho biết sẽ đấu thầu, mua thêm 10 ngàn test PCR.
- 16-09-2020Điều tra mở rộng 18 gói thầu mua sắm khác tại CDC Hà Nội
- 15-09-2020Thổi giá máy xét nghiệm COVID 19: Có lời khai chi 15% cho giám đốc CDC Hà Nội
- 12-09-2020Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm bị đề nghị truy tố
Sáng 23-9, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 (BCĐ) của Hà Nội họp dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý chỉ đạo tại cuộc họp sáng 23-9
Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết tại Việt Nam, đã qua 20 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng. Tại Hà Nội, từ ngày 17-8 đến nay đã 36 ngày không ghi nhận thêm ca mắc ngoài cộng đồng
Theo ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, ngày 22-9, TP có ghi nhận một trường hợp từ Hà Nội đi sang Nhật ở cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Tại sân bay ở Nhật, trường hợp này được test nhanh và kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Phía Nhật Bản thông báo 10 ngày sau sẽ thông báo kết quả xét nghiệm PCR với trường hợp này.
Liên quan đến việc chuẩn bị vật tư y tế phục vụ công tác xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn, ông Trương Quang Việt cho biết trong chiều 23-9, CDC Hà Nội sẽ tiến hành đàm phán mua sắm 10 ngàn test PCR (xét nghiệm sinh học phân tử). "Chúng tôi cam kết thực hiện đúng quy định, đấu thầu công khai, minh bạch" - ông Việt nói.
Trước đó, trong các buổi họp BCĐ trước, ông Ngô Văn Quý đã lo lắng khi chỉ còn hơn 1 ngàn sinh phẩm xét nghiệm nên đã nhiều lần yêu cầu Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo CDC khẩn trương mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch. Theo ông Quý, BCĐ đã nhiều lần chỉ đạo ngành y tế của TP khẩn trương mua sắm mà vẫn chưa thực hiện được, lãnh đạo CDC Hà Nội "xin vắng họp giao ban để ở nhà làm công tác đấu thầu nhưng mãi chả thấy đâu cả".
Đại diện quận Hoàn Kiếm cho biết ngay sau khi Hà Nội cho phép hoạt động trở lại các quán bar, karaoke, trong ngày đầu tiên số người đến các quán bar, khu Tạ Hiện quá đông. Sau khi báo chí phản ánh, quận đã yêu cầu các quán bar này tạm dừng hoạt động, bổ sung, đảm bảo các biện pháp phòng dịch mới cho hoạt động trở lại.
Còn Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền nhận định người dân đã có dấu hiệu chủ quan, không đeo khẩu trang khi ra đường. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hầu như chấp hành không tốt các biện pháp phòng dịch. Nếu không kiểm soát tốt thì rất nguy hiểm. Gần đến Tết Trung thu, giới trẻ sẽ tập trung rất đông. Các đơn vị cần chú ý các biện pháp phòng dịch.
Kết luận tại cuộc họp, ông Ngô Văn Quý nhấn mạnh tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn hết sức phức tạp. Việt Nam đã 20 ngày không có ca nhiễm mới. Hà Nội vẫn tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh; thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng, TP.
TP Hà Nội đã tiếp tục khảo sát, trước mắt đảm bảo ít nhất 3.000 giường phục vụ cách ly thu phí với các trường hợp nhập cảnh khi mở lại các đường bay thương mại; TP cũng cho hoạt động trở lại một số loại hình kinh doanh…
Ông Quý đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, cần tiếp tục tuyên truyền người dân không chủ quan, đeo khẩu trang khi ra đường, trên phương tiện giao thông công cộng. "Cần thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang bởi đây là biện pháp rất căn cơ. Các đơn vị cần tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm" - ông Ngô Văn Quý nói.
Ông Quý cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức kiểm tra ngay các bar, karaoke, vũ trường trên địa bàn với 2 nội dung: Các biện pháp phòng dịch và phòng chống cháy nổ.
Nêu việc trong tháng 10, TP sẽ diễn ra nhiều hoạt động lớn như kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội, Đại hội Đảng bộ TP… Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết theo kế hoạch, trong tháng 10 dự kiến TP sẽ tổ chức 49 sự kiện. Tuy nhiên, TP đã rà soát, điều chỉnh lại chỉ tổ chức 30 sự kiện. Các sự kiện khác sẽ tổ chức khi điều kiện phòng chống dịch cho phép.
Yêu cầu các đơn vị tiếp tục hạn chế tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; các sự kiện tổ chức phải lấy ý kiến của Sở Y tế để đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch… Cần chú ý kiểm soát tốt các dịch bệnh khác trong thời điểm giao mùa, không để dịch chồng dịch, đảm bảo tốt nhất sức khỏe của người dân.
Người lao động