MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO 8X Nguyễn Trung Tín: Kinh doanh mà hỏi ý kiến từ bạn bè là sai lầm, chỉ có khách hàng sẵn sàng "chửi" thẳng vào mặt mới khiến ta làm tốt hơn

31-08-2017 - 12:02 PM | Doanh nghiệp

Bạn bè là một lượng khách hàng rất nhỏ và hạn chế trong việc đưa ra ý kiến góp ý hay phê bình vì cả nể. Còn khách hàng thì có thể "chửi" thẳng vào mặt bạn, giúp nhận ra sai lầm để sau đó làm tốt hơn...

Nguyễn Trung Tín, CEO Tập đoàn bất động sản Trung Thủy được biết đến như một thiếu gia với hình ảnh của người thừa kế một gia đình giàu có, gương mặt trẻ Forbes Việt Nam “30 Under 30” năm 2015, người từng được trực tiếp trò chuyện với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại mô hình Dreamplex do mình sáng lập.

Điều đáng nói, 8x này đã đi qua hành trình “vượt sướng” của chính mình, dám dấn thân vào những “giả thuyết” và trải nghiệm để ghi dấu trên thị trường bằng những sản phẩm và dự án “bẻ khóa” mọi giới hạn, không gian (unlocking Spaces).

Được biết, tập đoàn Trung Thủy hoạt động theo tiêu chí lấy thị trường làm trọng tâm. Tuy nhiên, nếu cứ chạy theo thị trường và xu hướng thì liệu Trung Thủy có mất đi định vị riêng của mình?

"Nếu không có thị trường thì kinh doanh sẽ không tồn tại". Làm ra sản phẩm mà nhu cầu thị trường không có thì dẫu sáng tạo và phá cách thế nào cũng sẽ thất bại. Nhưng nếu đã có thị trường và nhu cầu thì thách thức lại trở về câu chuyện sáng tạo. Sự khác biệt của sản phẩm là gì?

Thị trường là "yếu tố cần" nhưng chưa đủ. Để đứng vững trên thị trường, người làm kinh doanh phải có sự mày mò, tìm hiểu và không ngừng đổi mới và làm tốt hơn mỗi ngày. Tôi luôn luôn đặt ra câu hỏi “Tại sao?". Vì sao phải làm thế này, thế kia? Sao không thể làm tốt hơn và sao không thể làm khác đi? Liệu đó có là cách tốt nhất?". Đây cũng là văn hóa “không ngừng đặt câu hỏi” mà tôi luôn đặt ra trong công ty của mình.

Sự sáng tạo và đổi mới được nhắc đến nhiều rồi. Vậy với một người đi du học thì quy trình sáng tạo có gì khác? Như Tín nói, thị trường là yếu tố cần nhưng chưa đủ. Làm thế nào để cho nó đủ? Làm thế nào để cân bằng giữa việc khác biệt nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng thị trường?

Đó là cách bắt đầu bằng cách đặt giả thuyết về thị trường và có quy trình để chạy theo nó. Quy trình này bao gồm các bước triển khai chính như sau: Thứ nhất đưa ra giả thuyết, thứ hai là test hoặc thử nghiệm. Các bước tiếp theo là cải tiến và đổi mới.

Chẳng hạn, khi thực hiện dự án Dreamplex, chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng thị trường cần một không gian làm việc chia sẻ và nó sẽ giải quyết được một số vấn đề của các doanh nghiệp Startup.

Từ giả thuyết đó chúng tôi làm các Demo, Mock-up sản phẩm, thu thập những hình ảnh 3D, mặt bằng và bản vẽ rồi đi giới thiệu với những khách hàng tiềm năng để lắng nghe ý kiến của họ, luôn đặt cho họ các câu hỏi: "Nếu bây giờ tôi có sản phẩm như vậy thì anh/chị có thích hay không? Có chịu trả mức giá này hay không? Nếu câu trả lời là không thì chúng tôi sẽ không làm hoặc cân nhắc. Nếu có thì phải suy nghĩ cách để làm sao hoàn thiện sản phẩm tốt nhất. Tôi được thầy dạy rằng hãy đi tìm hiểu tất cả những gì người ta đã làm trước đó, phân tích vì sao họ làm như vậy từ đó mới tự hỏi: "Làm thế nào để có thể cải tiến”.

Có những thứ đã quá tốt, không cần sáng tạo, chỉ cần copy và có những thứ bộc lộ sự hạn chế, khuyết điểm, cần cải thiện. Ngay cả những người nghệ sĩ giỏi nhất trên thế giới đôi khi cũng phải copy một cách học hỏi những người đi trước và phát triển nó thành của mình. Tư duy này rất quan trọng giúp cho người làm kinh doanh tránh sa đà vào bẫy “sáng tạo hoang đường” và chú trọng vào hiệu quả thực tế.

Vậy muốn biến thành “của mình” thì cần làm những gì?

Vẫn bằng cách đặt câu hỏi. Với văn hóa Việt Nam thì cần phải "địa phương hóa" sự sáng tạo của người khác. Làm sao để có thể làm tốt hơn với tiền bạc, nội lực, con người của mình.

Điều này đòi hỏi sự "đào sâu", tìm tòi về sản phẩm, thị trường và người tiêu dùng. Ngay cả khi sản phẩm đã hoàn thiện rồi thì phải lắng nghe phản hồi của khách hàng. Phản hồi của khách hàng là gì? Khách hàng thích thú điều gì, chưa hài lòng điều gì? Phải luôn thu thập phản hồi của khách hàng để biết điều nào tốt và ngược lại.

Sáng tạo là phải biết copy một cách học hỏi những người đi trước và phát triển nó thành của mình

Hiện nay, Big Data và các công cụ đo lường hành vi khách hàng đã phần nào giúp cho các DN thực hiện khảo sát khách hàng một cách dễ dàng hơn đặc biệt là trên mạng xã hội. Công ty anh có đang sử dụng các công cụ hay công nghệ nào để thực hiện điều này?

Chúng tôi đang áp dụng dịch vụ Social Listening (lắng nghe mạng xã hội). Tuy nhiên, không có gì tốt hơn trong việc lắng nghe để thấu hiểu khách hàng bằng “focus group” khi mình là người trực tiếp tổ chức hoặc là người kết nối giữa mình với khách hàng.

Với focus group, thì chúng tôi thường làm với một nhóm ưu tiên, mời những khách hàng thực sự tiềm năng, đặc biệt là với những khách hàng đã từng sử dụng những sản phẩm của mình vì họ sẽ có những ý kiến xác đáng hơn.

Ở Việt Nam, sự cởi mở chia sẻ của khách hàng kể cả phản hồi tích cực lẫn tiêu cực đều rất dè dặt. Nếu DN không hỏi thì khách hàng cũng sẽ không nói. Vì vậy, để có được những sự “thấu hiểu khách hàng một cách toàn diện” chúng tôi “không ngừng đặt câu hỏi”.

Các anh chị cảm thấy dịch vụ thế nào? Không gian thế nào? Thiết kế được không? Diện tích như thế này là to hay nhỏ? Khi làm F&B thì nếu tổ chức Beer Party cho thành viên thì tần suất bao nhiêu là phù hợp, hoạt động nào là hấp dẫn? Khi chúng tôi làm Dreamplex 2, chúng tôi lại đi khảo sát những khách hàng đã sử dụng Dreamplex 1 để có những bước cải tiến đáng kể hơn.

Có khi nào giả thuyết là sai và thất bại trong việc kinh doanh mà Tín từng trải qua là gì?

Sau khi về nước một thời gian ngắn, tôi tự kinh doanh riêng trong lĩnh vực F&B với một số mô hình giải trí và kinh doanh nhà hàng. Trong đó, Mama Restaurant là một trong những thất bại dù đã làm nghiên cứu kỹ lưỡng nhưng cái sai là chúng tôi đi test với bạn bè của mình.

Bạn bè là một lượng khách hàng rất nhỏ và hạn chế trong việc đưa ra ý kiến góp ý hay phê bình vì cả nể. Còn khách hàng thì có thể "chửi" thẳng vào mặt. Khi test sai thì giả thuyết sai và kéo theo là một chuỗi sai kế tiếp.

Đó có phải là thất bại duy nhất?

Không phải duy nhất. Thất bại đầu tiên của tôi là Sin Lounge phiên bản 1 rồi mới đến Mama Restaurant. Lí do là bởi tôi muốn làm sản phẩm đó và không quan tâm tới thị trường. Thất bại thứ hai với Mama Restaurant là có quan tâm tới thị trường, có làm test nhưng lại sai đối tượng khách hàng.

Anh cảm giác và suy nghĩ như thế nào trước thất bại?

"Thất bại là người thầy tốt. Thành công là người thầy tồi!". Thất bại dạy mình nhiều trong khi thành công không dạy mình được gì hết.

Cảm giác đầu tiên thì đau đớn, trách bản thân, kế tiếp là xấu hổ. Cái cảm giác đứng trước toàn thể nhân viên nói lời xin lỗi thật không dễ dàng gì. Cuối cùng là cảm giác vui mừng vì mình đã thất bại sớm, đã rút ra được kinh nghiệm và bài học xương máu cho bản thân.

Có thể nói, Trung Thủy thành công là nhờ chú trọng nhiều đến việc nghiên cứu thị trường. Theo anh, điều này quan trọng như thế nào?

Thị trường quyết định tất cả. Phải nghiên cứu thị trường và biết được thị trường đang muốn gì. Công ty đang ấp ủ nghiên cứu những dự án về nhà thu nhập vừa túi tiền. Trước khi thiết kế thì đã chuẩn bị focus group để làm, đi thăm những dự án nhà trung bình đã xây trước đó, xem từng căn nhà và cách sống của người dân như thế nào… từ đó có thể hình dung, sản phẩm mình sẽ như thế nào.

Tuy nhiên trong ngành bất động sản, thách thức đặt ra là những phản hồi của khách hàng cần có thời gian dài để kiểm chứng. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi dự định sẽ áp dụng công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo để khách hàng góp ý càng sớm càng tốt, từ đó có thể tối ưu hóa giá trị sản phẩm, giá thành phù hợp và sản phẩm thì đúng như mong đợi của khách hàng.

Để đứng vững trên thị trường người làm kinh doanh phải biết “Không ngừng đặt câu hỏi”

Trạm dừng chân là một sản phẩm khá độc đáo của Trung Thủy. Sản phẩm này phải chăng cũng được nghiên cứu rất kỹ khi cho ra mắt thị trường? Ý tưởng này xuất phát từ đâu?

Ý tưởng này xuất phát từ mẹ tôi, có thể không dựa trên một sự nghiên cứu bài bản nhưng lại bắt nguồn từ việc thấu hiểu nỗi lòng của khách du lịch. Tính mẹ tôi hay quan tâm, bắt chuyện mọi người nên hồi làm mỹ nghệ có những đoàn khách Nhật đến cửa hàng thì hay hỏi là họ từ đâu tới, chuyến đi thế nào, có vui không, an toàn không?

Được lời như cởi tấm lòng, họ bày tỏ bao nhiêu nỗi niềm bức xúc từ việc ăn cơm “tù” tới việc nghỉ chân tại các trạm dừng không có toilet ra sao. Chính vì thực tế đó mà mẹ Tín mới nảy ra ý tưởng làm một trạm dừng để giải quyết những nỗi khổ trên của khách du lịch.

Mô hình này có giống một mô hình nào đó ở nước ngoài và nó đã được "địa phương hóa" như thế nào khi về Việt Nam?

Ở nước ngoài thì trạm dừng khá phổ biến nhưng hầu hết lại theo kiểu McDonald hay cây xăng. Ở đó, trạm dừng được hiểu là “điểm dừng”. Khi mang mô hình này về Việt Nam, chúng tôi muốn xem nó như một “điểm đến”, là một hoạt động trong chuyến đi của khách du lịch. Hiện nay, trạm dừng chân của Trung Thủy có không gian và mô hình hoạt động không khác gì một resort.

Vậy còn đối với "Sin Lounge", liệu rằng nó cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế của một người trẻ không tìm được chỗ giải trí xứng tầm?

Cũng có thể nói như vậy (cười). Nếu như trạm dừng chân giải quyết những nhu cầu cơ bản của con người trong việc ăn, ở, đi lại thì Sin Lounge giải quyết nhu cầu cao hơn của con người đặc biệt là giới trẻ trong việc tìm ra “không gian” và cộng đồng giải trí cho riêng mình sau giờ làm việc. Điều đặc biệt là hầu hết khách hàng đều biết nhau và họ đến Sin Lounge giống như là đến một cộng đồng Networking hơn là giải trí đơn thuần.

Từ Sin Lounge đến Dreamplex, có vẻ như “cộng đồng” của Trung Thủy đã lớn hơn? Liệu Dreamplex có phải là “giấc mơ lớn” của Trung Tín, đúng như tên gọi của nó? Giấc mơ ấy sẽ lớn cỡ nào?

Đúng vậy. "Dream" là giấc mơ và "Plex" nghĩa là một khu phức hợp. Tôi đã hình dung và mơ rằng nó sẽ lớn hơn những gì diễn ra bây giờ, không chỉ là mô hình làm việc cho startup mà còn là mô hình tiên phong về văn phòng dịch vụ.

Mơ rằng trong tương lai sẽ có nhiều tòa nhà Dreamplex mọc lên nữa, nơi mà các doanh nghiệp lớn và nhỏ có thể trao gửi “8 tiếng vàng” của mình ở đó. Xu hướng sắp tới, các cá nhân và tổ chức sẽ rất chú trọng tới không gian làm việc sáng tạo với những tiện ích hiện đại, góp phần nâng cao các giá trị sống của người làm việc ở đó.

Để đạt được như vậy thì Trung Thủy có kế hoạch cụ thể thế nào?

Hiện tại Dreamplex có những dịch vụ phục vụ cho các nhu cầu tối thiểu cho DN startup. Trong tương lai Dreamplex sẽ có thêm nhiều dịch vụ cá nhân như Gym, hồ bơi. Dần dần thì công việc và cuộc sống sẽ có mối liên hệ mật thiết hơn.

Vậy theo Tín làm thế nào để có thể cân bằng cuộc sống?

Thực tế thì không cân bằng được. Thường thì cuộc sống có 5 ưu tiên chính bao gồm: Gia đình, Bạn bè, Sự nghiệp, Sức khỏe, Sở thích và Đam mê. Chúng ta phải chấp nhận hi sinh hoặc đánh đổi để lựa chọn ưu tiên nào.

Trong bất cứ giai đoạn nào của con người, nếu may mắn thì sẽ chỉ có thể được chọn 3 còn không thì 2. Điều quan trọng là ở mỗi thời điểm chúng ta phải biết chọn điều gì là quan trọng nhất cho bản thân.

Hiện tại tôi đang chọn sự nghiệp và một phần đam mê vì 2 thứ có liên kết với nhau và gia đình. Ngay cả sở thích với Golf tôi cũng gác lại, ít nhất 10 năm.

“Hãy mơ những giấc mơ lớn”

Dreamplex đã và đang trở thành một môi trường năng động và hiệu quả cho Startup trẻ. Theo Tín, kỹ năng networking quan trọng như thế nào đối với Startup và doanh nhân trẻ Việt Nam cần phải làm như thế nào để cải thiện?

Cực kì quan trọng. Đây không còn là thời đại “hữu xạ tự nhiên hương” nữa. Mình làm tốt thì phải biết cách la làng. "La làng" bằng cách networking, mối quan hệ, social media,… Startup bây giờ phải làm được điều đó dù muốn hay không.

Networking là phải xây dựng mối quan hệ có giá trị và ý nghĩa chứ không đơn thuần là việc gặp gỡ và trao đổi danh thiếp. Để làm được điều đó thì phải thực lòng quan tâm và “lắng nghe” lẫn nhau, xem đó như là một cá nhân, một con người chứ không phải là công cụ giao tiếp và mở rộng mạng lưới. Quan tâm thì sẽ hỏi rất nhiều thứ liên quan đến cuộc sống và suy nghĩ của đối phương chứ không chỉ nhằm tiếp cận vì các mục đích khác.

John C. Maxwell có viết một cuốn sách rất hay có tựa đề là “Ai Cũng Giao Tiếp Nhưng Mấy Người Kết Nối”. Tín suy nghĩ như thế nào về sự kết nối?

Để kết nối và giao tiếp với bất kỳ ai, điều quan trọng nhất là phải có khả năng “tạo ra sự đồng cảm”. Đó không phải là một kỹ năng mà là thái độ. Phải xuất phát từ sự quan tâm thực lòng, không giả bộ được.

Vậy khi kết nối người khác và được người khác kết nối những giá trị nào người ta cần phải đề cao?

Kết nối ngoài đời hay cả trên mạng xã hội, Tín rất tâm đắc với công thức "ICE" bao gồm "Inform", "Connect", "Entertainment/Education". Tất cả những gì chúng ta tương tác với những người xung quanh đều phải gắn liền với 3 tiêu chí đó.

Là một người đi du học và trở về Việt Nam, theo Tín đâu là cơ hội và thách thức khi trở về và làm việc ở môi trường sở tại?

Cơ hội thì rất nhiều. Những người được đi du học thì có cơ hội tiếp xúc với văn hóa mới và nên tận dụng tối đa kiến thức ở nước ngoài. Cũng như tư duy "Copy" mà Tín đã đề cập từ đầu. Việt Nam đi sau Thái Lan, Singapore, Malaysia bao nhiêu năm thì tại sao không nhìn các nước đó họ đã làm được những gì, họ thành công ra sao rồi nhìn lại Việt Nam đã có ai làm chưa, nếu chưa thì làm được và làm tốt hơn hay không?

Tiếng Anh cũng là lợi thế rất lớn. Khi biết thêm một ngoại ngữ thì chúng ta đã có thêm một cách tư duy khác. Đối với Tín, thông thường thì tư duy tiếng Việt nhưng khi nào cần suy nghĩ về chiến lược, sáng tạo, đột phá thì lại muốn tư duy bằng tiếng Anh.

Tín nhận được những gì từ Đại học?

Đó là sự tự học, tự nghiên cứu, lí luận, tự đưa ra chính kiến và có nhiều cách giải quyết trước một vấn đề.

8 năm du học ở Úc là một khoảng thời gian dài. Tư duy và phong cách sống của Tín có sự pha trộn như thế nào khi về nước?

Một điều mà Tín chưa bao giờ chia sẻ với báo chí là kỷ niệm đáng nhớ hồi năm lớp 9 tại trường Geelong Grammar School (trường Thái tử Anh từng học). Khi đó Tín được đi học “ở trên rừng”. Ở trong kí túc xá, như quân đội, không nước nóng, không internet, không điện thoại di động, không máy tính.

Chính môi trường đó đã dạy cho Tín kỹ năng sống tập thể, kỹ năng sống không cần công nghệ và tham gia vào các hoạt động cắm trại, leo núi, làm dịch vụ công ích. Chính những năm tháng đó đã giúp cho Tín hiểu rằng tạo ra một “cộng đồng” và duy trì nó hoạt động là cả một hành trình trải nghiệm.

Vậy Tín có lời khuyên nào cho các bạn du học ở nước ngoài mà còn ngần ngại chưa dám về Việt Nam không?

Không nhất thiết cứ đi học là phải về. Nếu họ nhìn thấy được một nhu cầu hay một vấn đề xã hội nào đó mà ở Việt Nam chưa giải quyết được và họ làm được điều đó hoặc là một cơ hội tiềm năng mà muốn làm thì hãy về.

Còn khi về Việt Nam rồi thì nên nhớ một câu là: "When in Rome, do as the Romans do" nghĩa là Nhập gia tùy tục. Nếu không biết cách linh hoạt thì khó lòng kinh doanh ở Việt Nam được.

Bạn có chia sẻ gì với các startup trẻ ở Việt Nam?

Hãy thật sự tỉnh táo với những gì mình làm. Trước khi khởi nghiệp thì hãy suy nghĩ cho kỹ, sau đó phải đặt ra các giả thuyết, phải test rất sớm và thận trọng. Cũng cần phải cân bằng chọn giữa đam mê của bản thân và nhu cầu thị trường, xem xét lại 5 ưu tiên phải chọn. Nếu như chọn sự nghiệp và hy sinh đam mê thì đó là 1 sự lựa chọn. May mắn hơn thì có thể chọn cả 2.

Tôi thích triết lý Ikigai của Nhật Bản. Trong tiếng Nhật, Ikigai là một khái niệm có nghĩa "tìm kiếm mục đích của bạn" hay "lý do để thức dậy vào mỗi sáng". Khi tìm thấy “Ikigai” mỗi người sẽ luôn tràn đầy năng lượng mỗi ngày và có một cuộc sống lâu dài, hạnh phúc.

Xin cảm ơn anh vì những chia sẻ chân thành và chúc anh cùng các “cộng đồng” của mình sẽ phát triển và nhân rộng mô hình hơn nữa.

Theo Hoài Anh

Trí thức trẻ

Trở lên trên