CEO 9X: "Giới trẻ hiện tại thích thuê hơn thay vì tích góp tiền để mua nhà"
Nguyễn Cẩm Tú - Tổng Giám đốc của D&B Holding đồng thời là nhà sáng lập & điều hành Vietnam Design & Build Center (VDBC)
Thích trải nghiệm trong nhiều không gian sống, Nguyễn Cẩm Tú sẵn sàng chi hơn 1000 USD/tháng để thuê một căn hộ dịch vụ thay vì mua căn nhà để ở “cố định”. Tú còn là một người trẻ đam mê thay đổi nội thất căn hộ trong ngắn hạn chỉ để làm mới chính mình.
Nguyễn Cẩm Tú hiện đang đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc của D&B Holding đồng thời là nhà sáng lập & điều hành Vietnam Design & Build Center (VDBC). Nữ CEO sinh năm 1993 đã có chia sẻ xoay quanh thói quen, xu hướng lựa chọn thuê nhà, mua nhà của giới trẻ hiện nay.
Người trẻ hiện nay dường như cởi mở và linh hoạt hơn trong câu chuyện chuyển nhà, thiết kế nội thất. Tú nghĩ thế nào về điều này?
Trong vài năm gần đây, việc thay đổi nội thất hay chuyển nhà của giới trẻ là xu hướng được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đất động sản và báo chí đề cập đến. Nguyên nhân chính là do quỹ đất tại Việt Nam đang ngày càng hạn hẹp nhưng mức giá bất động sản ngày càng leo thang theo cấp số nhân, khiến việc tiếp cận nhà ở của những người có thu nhập trung bình và những người trẻ tuổi còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, việc thuê nhà có nhiều ưu điểm như chi phí thấp, linh hoạt, nhiều lựa chọn… Ngoài ra, sự thay đổi quan niệm của giới trẻ, thích trải nghiệm chứ không hướng đến "an cư lạc nghiệp" cũng thúc đẩy xu hướng này phát triển.
Tôi cũng là một người theo xu hướng đó. Tôi sẵn sàng chấp nhận bỏ ra hơn 1000 USD/tháng để thuê một căn hộ dịch vụ thay vì cố định mua một căn chung cư với mục đích trải nghiệm và hướng tới sự tiện ích. Bởi tôi muốn thỉnh thoảng sẽ được đổi sang một không gian mới. Và tôi cũng sẽ thay đổi lại nội thất trong nhà. Tôi thích việc này vì đó là cách để làm mới bản thân mình và cuộc sống.
Khi dự tính ở một căn nhà trong vòng 2-3 năm, tôi sẽ đầu tư một số tiền nội thất phù hợp theo ý của mình. Nếu tôi thích tôi kí tiếp hợp đồng, không thì tôi chuyển sang nơi khác và làm nội thất khác. Bây giờ có rất nhiều gói nội thất với giá hợp lí, và nó có thể làm thay đổi căn nhà của mình 100%.
Quan điểm của Tú như thế nào về sự lựa chọn giữa thuê nhà và mua căn hộ để “an cư”?
Mỗi người có sự lựa chọn và quan điểm. Với thực tế của chính mình, có con nhỏ, tôi thích thuê căn hộ dịch vụ để hưởng tiện ích. Ở đó, các dịch vụ chăm sóc rất tốt như dọn nhà hàng ngày, an ninh tốt, gần như tôi không phải…làm việc nhà! Nó thực sự phù hợp với gia đình tôi khi công việc của tôi đi công tác liên tục, nhà lại có trẻ nhỏ.
Hiện tại, tôi chưa nghĩ đến việc phải mua căn nhà cố định để ở. Tôi muốn trải nghiệm sống nhiều căn hộ khác nhau với tiện ích khác nhau. Việc chuyển nhà cũng rất đơn giản. Tôi cũng là người đơn giản nên đồ đạc không cầu kì.
Nhưng chắc chắn, ở độ tuổi khác, tôi sẽ cần một căn nhà của riêng mình.
Không chỉ cởi mở hơn về mua – thuê nhà hay thay đổi nội thất, người trẻ giờ đây còn sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn để mua nội thất online. Nhưng có vẻ như, tâm lý mua nội thất online còn gặp nhiều trở ngại?
Thói mua hàng của người Việt, mua đồ gia dụng online thì có, nhưng những đồ nội thất lớn thì vẫn e dè. Ví dụ mua một cái bàn to, họ chưa thể tự tin mua một cái bàn online mà phải ra tận cửa hàng kiểm tra chất lượng và xem có phù hợp với căn nhà của mình không? Cho dù là trên website của đơn vị đó họ để đầy đủ kích cỡ rồi nhưng họ vẫn phải đến tận nơi để xem nó như thế nào.
Nhưng tôi cho rằng, thói quen đó sẽ dần thay đổi. Như trước đây, người Việt muốn mua tủ lạnh đắt tiền, họ đều phải ra cửa hàng. Muốn mua bộ quần áo, họ phải ra cửa hiệu để thử. Giờ thì khác. Thói quen mua sắm đồ nội thất cũng như vậy, dần dần sẽ thay đổi. Trước, người Việt rất ít thay đổi nội thất trong căn nhà. Nhưng giờ họ có thể chuyển nhà nhiều lần và sẵn sàng đặt gói nội thất mới. Thậm chí, ngay cả khi đó là nhà thuê, họ cũng bỏ tiền ra để thiết kế lại không gian sống.
Ngay cả khi thị trường bất động sản biến động thì nhu cầu về xây nhà, sửa, hay cải tạo văn phòng, chung cư vẫn luôn xuất hiện. Người dân vẫn có nhu cầu mua để ở. Hay nếu cần chuyển nhà vì công việc, họ vẫn phải tìm một căn để thuê.
Ở Việt Nam, mua đồ gia dụng, thời trang, mỹ phẩm đã có trang thương mại điện tử như Shoppee, Tiki… nhưng nhắc đến nền tảng thương mại trực tuyến trong lĩnh vực thiết kế, kiến trúc, nội thất, hình như ở Việt Nam, đó là mô hình rất mới mẻ?
Tôi là người thường hay chuyển nhà. Mỗi lần tôi chuyển nhà, thiết kế lại căn hộ hay mua sắm thêm nội thất… Tôi lại mất rất nhiều thời gian để lựa chọn đủ những thứ cần thiết cho mình. Khi tìm kiếm trên Internet thì lại lạc vào “mê hồn trận” những đơn vị riêng lẻ mà không có một trang đủ uy tín nào đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Lúc đó tôi chợt nhận ra, ở Việt Nam chưa có nền tảng thương mại trực tuyến nào dành riêng cho lĩnh vực này.
Ở nước ngoài, hầu như họ đều có nền tảng thương mại trực tuyến cho nội thất, thiết kế, thi công. Ví dụ như ở Ý, trang thương mại điện tử archiproducts đã xuất hiện từ hơn 10 năm trước.
Tôi cũng nhiều lần tự đặt ra câu hỏi: Chúng ta có rất nhiều sàn thương mại điện tử về tiêu dùng, thực phẩm hay điện tử như Shopee, Lazada… nhưng để có một “Amazon” riêng trong lĩnh vực thiết kế, nội thất, thi công, hội tụ tất cả các thương hiệu trong nước lại chưa hề có.
Điều gì khiến Tú cho rằng, sau này, người Việt đặc biệt là giới trẻ sẽ mạnh dạn hơn trong quyết định mua sắm đồ nội thất online?
Quan niệm của mọi người về xây nhà, thiết kế nội thất cũng dần thay đổi. Họ sẵn sàng thay lại toàn bộ nội thất trong vòng 2-3 năm để làm mới cuộc sống của chính mình. Hay những người trẻ không còn ở cố định trong thời gian dài mà sẵn sàng chuyển nhà để trải nghiệm không gian mới. Ở mỗi căn hộ, họ lại có nhu cầu thiết kế, thay đổi nội thất, tìm đơn vị thi công...
Mặt khác, ở các nước đang phát triển, nhu cầu thi công thiết kế đang cao hơn các nước đã phát triển. Tại Việt Nam, rất nhiều công trình mới đang được xây dựng. Bởi nhu cầu này, nên tương lai sẽ có sàn thương mại điện tử về nội thất, thi công, thiết kế xuất hiện ở Việt Nam. Chính sự tiện lợi, giá trị mà người mua nhận được như mua hàng tiêu dùng, thời trang trên nền tảng thương mại điện tử nên thói quen mua đồ nội thất online của người Việt đặc biệt là người trẻ cũng thay đổi.
Cảm ơn những chia sẻ của Tú!
Nhịp sống thị trường