MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam chỉ ra thế mạnh đặc biệt giúp Việt Nam bùng nổ và trở thành thị trường trực tuyến sôi động nhất khu vực

25-03-2023 - 10:53 AM | Tài chính quốc tế

Theo ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, dư địa để “xuất khẩu online” vẫn còn rất lớn khi chỉ mới chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam.

CEO Amazon Global Selling Việt Nam chỉ ra thế mạnh đặc biệt giúp Việt Nam bùng nổ và trở thành thị trường trực tuyến sôi động nhất khu vực - Ảnh 1.

CEO Amazon Global Selling Việt Nam chỉ ra thế mạnh đặc biệt giúp Việt Nam bùng nổ và trở thành thị trường trực tuyến sôi động nhất khu vực - Ảnh 2.

Được biết trước Việt Nam ông từng là một trong những nhân sự đầu tiên đặt nền móng cho Amazon tại Hàn Quốc và Singapore. Cơ duyên nào đưa ông đến với Amazon Global Selling Việt Nam?

Sự liên kết của tôi với Việt Nam bắt đầu từ trước khi Amazon Global Selling thành lập tại đây. Năm 2017, tôi có chuyến công tác đến Việt Nam để tham dự một sự kiện dành cho nhà bán hàng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới do một bên thứ ba tổ chức. Tôi thực sự ấn tượng với khung cảnh hàng ngàn khách tham dự với nguồn năng lượng vô cùng tích cực và nhiệt huyết. Một nhu cầu hòa nhập vào dòng chảy chung của xu thế thương mại mới trên toàn thế giới đã có mặt tại đất nước này.

2019, Amazon Global Selling thành lập đội ngũ chuyên trách tại Việt Nam; thời điểm đó tôi vẫn làm việc tại Singapore và hỗ trợ Việt Nam từ xa. Năm 2021, tôi chính thức đảm nhận vị trí điều hành & quản lý trực tiếp. Đến nay, chúng tôi đã có hai đội ngũ nhân sự tại TP.HCM & Hà Nội, đã & đang hỗ trợ hàng ngàn đối tác bán hàng Việt Nam vươn ra toàn cầu.

CEO Amazon Global Selling Việt Nam chỉ ra thế mạnh đặc biệt giúp Việt Nam bùng nổ và trở thành thị trường trực tuyến sôi động nhất khu vực - Ảnh 3.

Amazon chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam vì lý do gì? Cục diện thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam lúc đó ra sao và liệu đã có gì đổi khác ở thời điểm hiện tại hay chưa?

Với chương trình bán hàng toàn cầu qua Amazon, chúng tôi mong muốn "mở đường" và đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp Việt, sản phẩm Made-in-Vietnam bước ra toàn cầu bởi Việt Nam là đất nước có tốc độ phát triển TMĐT mạnh mẽ hàng đầu trong khu vực. Bên cạnh đó, nhu cầu chuyển đổi số, khai thác TMĐT trong kinh doanh vô cùng "nóng".

Hơn nữa, Việt Nam hiện có năng lực sản xuất dồi dào, nhiều thương hiệu quốc tế đã chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam, cho thấy "Made-in-Vietnam" có thể tạo nên giá trị quốc gia.

Và điểm thứ ba, Việt Nam có cộng đồng người bán và khởi nghiệp trực tuyến lớn và tích cực với hàng trăm nghìn người với tinh thần sẵn sàng ra khơi.

Qua các năm đại dịch vừa qua, TMĐT đang dần trở thành một trụ cột quan trọng giúp doanh nghiệp sinh tồn, phục hồi và phát triển, đóng góp chung vào nền kinh tế Việt Nam. Nếu coi "TMĐT B2C" là một ngành hàng xuất khẩu, đây sẽ là ngành xuất khẩu đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.

Dù tốc độ tăng trưởng của TMĐT xuyên biên giới (hay xuất khẩu online) rất khả quan, dư địa của ngành này vẫn còn rất lớn khi chỉ mới chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam. 

CEO Amazon Global Selling Việt Nam chỉ ra thế mạnh đặc biệt giúp Việt Nam bùng nổ và trở thành thị trường trực tuyến sôi động nhất khu vực - Ảnh 4.

Những lợi thế của Việt Nam khiến Amazon chọn triển khai chương trình bán hàng toàn cầu tại đây? So với Hàn Quốc và Singapore ở giai đoạn khởi đầu có những gì khác biệt?

Đại dịch đã tạo ra thay đổi lớn về thói quen và xu hướng mua sắm trực tuyến, từ đó tạo đà phát triển cho nền kinh tế số ở châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể.

Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam phản ánh các mức độ phát triển TMĐT khác nhau.

Hàn Quốc là một trong những thị trường TMĐT lớn nhất thế giới với các thương hiệu và ngành hàng đã tạo được dấu ấn đậm nét trên thị trường quốc tế (K-Beauty, K-food). Trong khi đó, Singapore tiếp tục khẳng định là một trong những điểm đến TMĐT quan trọng ở châu Á với tinh thần kinh doanh và làm chủ thương hiệu mạnh mẽ. Đối với Việt Nam, chúng ta có năng lực sản xuất dồi dào và cộng đồng người bán online & khởi nghiệp lớn, họ sẵn sàng đón nhận các mô hình mới, thử nghiệm mới.

Mặc dù ở các giai đoạn phát triển khác nhau của thương mại điện tử, điểm giống nhau mà tôi nhận thấy giữa 3 quốc gia là đây đều là các nước có nền kinh tế dựa vào xuất khẩu nhưng nhận thức về cơ hội đến từ TMĐT xuyên biên giới so với TMĐT trong nước vẫn còn nhiều chênh lệch.

CEO Amazon Global Selling Việt Nam chỉ ra thế mạnh đặc biệt giúp Việt Nam bùng nổ và trở thành thị trường trực tuyến sôi động nhất khu vực - Ảnh 5.

Thương mại điện tử là sân chơi rất khốc liệt. Trước Amazon, Alibaba cũng đã vào Việt Nam và phối hợp với các bộ ngành để hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu. Vậy chiến lược kinh doanh của Amazon tại Việt Nam có gì khác biệt so với các đối thủ? Amazon có lợi thế gì?

Sự khác biệt & giá trị của Amazon đến từ cách thức chúng tôi hỗ trợ và nguồn lực toàn cầu mà chúng tôi mang đến cho đối tác bán hàng, giúp chọ tiếp cận người tiêu dùng tại thị trường Mỹ, Châu Âu cũng như hơn 200 quốc gia mà nền tảng Amazon đang hoạt động.

Amazon sở hữu nền tảng với hàng trăm triệu tài khoản người mua hàng, 400 trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên toàn thế giới, hàng trăm máy bay vận chuyển, kết nối, tiếp cận với khách hàng ở hơn 200 quốc gia & vùng lãnh thổ.

Mô hình TMĐT xuyên biên giới của Amazon là mô hình rất hiếm hoi phù hợp nhiều loại hình doanh nghiệp, dù là quy mô nào, ngành nghề gì, mức độ phát triển TMĐT ra sao. Có rất nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ tại Việt Nam đang bán hàng trên Amazon, từ các thương hiệu có tiếng tăm như Cà phê Trung Nguyên, gốm sứ Minh Long, đến các nhà sản xuất đầu ngành như nón bảo hiểm Royal Helmet, gia dụng SunHouse, hạt điều Lafooco, nhựa phân hủy sinh học AnEco đến các công ty khởi nghiệp như Rong nho Trường Thọ, thiệp 3D Handmade HMG Popup Paper.

CEO Amazon Global Selling Việt Nam chỉ ra thế mạnh đặc biệt giúp Việt Nam bùng nổ và trở thành thị trường trực tuyến sôi động nhất khu vực - Ảnh 6.

Từ trước đến nay xuất khẩu vẫn là một trụ cột của nền kinh tế Việt Nam. Thông qua Amazon, hoạt động xuất khẩu mở ra 1 con đường mới là xuất khẩu online. Ông có thể chia sẻ thêm về tiềm năng của con đường này, có khác biệt gì so với xuất khẩu truyền thống? Hàng Việt Nam có cơ hội đi ra thế giới như thế nào với sự hiện diện của các nền tảng như Amazon?

Nói một cách đơn giản, Thương mại điện tử xuyên biên giới là cấp độ cao hơn của sự đổi mới khi cho phép bạn bày bán sản phẩm của mình ở những quốc gia thậm chí chưa từng đặt chân tới, mà không cần mở bất cứ cửa hàng offline nào. Không chỉ còn là một khái niệm hay xu hướng kinh doanh mới, TMĐT xuyên biên giới hứa hẹn sẽ là một "bình thường mới" cho các doanh nghiệp Việt Nam và là một động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế xuất khẩu.

Báo cáo xuất bản cuối năm 2022 của Amazon tại Việt Nam cũng cho thấy bức tranh khởi sắc về xuất khẩu online thông qua Amazon của doanh nghiệp  vừa & nhỏ Việt Nam. Tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp  Việt qua Amazon năm 2022 tăng 45%, gần 10 triệu sản phẩm do doanh nghiệp  & nhà bán hàng Việt Nam bán đến tay khách hàng Amazon trên thế giới.

CEO Amazon Global Selling Việt Nam chỉ ra thế mạnh đặc biệt giúp Việt Nam bùng nổ và trở thành thị trường trực tuyến sôi động nhất khu vực - Ảnh 7.

Trước khi Amazon vào Việt Nam cũng đã có những câu chuyện về các bạn trẻ Việt kiếm được rất nhiều tiền từ việc bán hàng trên Amazon, nhưng đó đều là tự phát. Với Amazon Global Selling, có thể nói đã xuất hiện kênh chính thức để người Việt tận dụng sức mạnh của Amazon để kiếm bộn tiền?

Kể từ năm 2019 khi thành lập đội ngũ nhân sự Amazon Global Selling Việt Nam, chúng tôi đã làm việc và hỗ trợ hàng ngàn đối tác bán hàng Việt Nam, trong đó có nhiều nhà sản xuất truyền thống tên tuổi nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều chủ thương hiệu trẻ, các khởi nghiệp năng động & nhạy bén với kinh doanh online.

Họ là những doanh nhân có tầm nhìn toàn cầu, dám khám phá cơ hội mới, mở đường cho TMĐT xuyên biên giới. Họ khéo léo tận dụng thế mạnh của mình để tạo ra những sản phẩm Made-in-Vietnam độc đáo và đưa chúng ra thị trường toàn cầu thông qua Amazon; đồng thời hỗ trợ tạo nhiều việc làm tại địa phương cho cộng đồng.

Chúng tôi gọi đây là công thức thành công đến từ sản phẩm địa phương độc đáo của Việt Nam và tầm nhìn toàn cầu trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ.

Amazon nổi tiếng với dịch vụ hoàn thiện đơn hàng (FBA). Ở Việt Nam, FBA được triển khai như thế nào?

Thống kê cho thấy trong năm 2022, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tận dụng Dịch vụ Hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (FBA) tăng hơn 90% so với năm trước và doanh số bán hàng qua FBA của họ tăng hơn 50%. FBA giúp tiết kiệm hơn 70% chi phí so với các lựa chọn vận chuyển trong vòng 2 ngày khác.

FBA (Fulfillment by Amazon) là dịch vụ hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon. Nhà bán hàng chỉ việc đưa hàng hóa đến các trung tâm hoàn thiện đơn hàng của Amazon, Amazon sẽ phụ trách hoàn thiện đơn hàng khi có khách hàng đặt mua, từ khâu lấy hàng, đóng gói, vận chuyển đơn hàng, chăm sóc khách hàng và quản lý đổi trả hàng hoá, thanh toán. FBA cho phép các đối tác bán hàng tiết kiệm thời gian và nhân lực để tập trung vào việc nghiên cứu phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, vận hành kinh doanh.

CEO Amazon Global Selling Việt Nam chỉ ra thế mạnh đặc biệt giúp Việt Nam bùng nổ và trở thành thị trường trực tuyến sôi động nhất khu vực - Ảnh 8.

Mặt hàng nào của VN được thế giới quan tâm nhất? Có phải là nông sản hay đồ thủ công mỹ nghệ?

Top 5 ngành hàng bán chạy nhất của các doanh nghiệp Việt Nam trên Amazon trong liên tiếp 2 năm vừa qua bao gồm: Nhà bếp; Nhà cửa; May mặc; Sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và cá nhân; Tiện ích gia đình.

Nhóm Nhà cửa - Nội thất và nhóm Nhà Bếp liên tiếp dẫn đầu trong 2 năm. Năm 2022 chứng kiến sự đa dạng hơn của các sản phẩm trong 2 nhóm ngành hàng này và sản phẩm không chỉ đơn thuần là trang trí nhà cửa mà còn là những sản phẩm tiện ích và nâng cấp không gian sống- với hai xu hướng chính: sản phẩm làm từ gỗ và sản phẩm từ mây tre cói đan.

Điều này cũng phản ánh thực tế Việt Nam hiện đang là nhà xuất khẩu về Nội thất gỗ hàng đầu thế giới vào thị trường Mỹ. Các sản phẩm dụng cụ, tiện ích, trang trí nhà cửa làm từ gỗ nổi bật trên Amazon có thể kể đến như bàn ghế ngoài trời, các sản phẩm treo tường để trang trí nhà cửa hoặc không gian làm việc.

CEO Amazon Global Selling Việt Nam chỉ ra thế mạnh đặc biệt giúp Việt Nam bùng nổ và trở thành thị trường trực tuyến sôi động nhất khu vực - Ảnh 9.

Sau 3 năm hoạt động ở Việt Nam, Amazon đã đạt được những thành tựu gì? Ông có thể chia sẻ những con số ấn tượng nhất?

Sau 3 năm, đến nay, chúng tôi rất vui nhìn thấy TMĐT xuyên biên giới đã mở ra cơ hội thực sự cho doanh nghiệp & doanh nhân Việt, thúc đẩy họ nắm bắt sức mạnh của kinh doanh trực tuyến và cơ hội xuất khẩu để tăng doanh thu và phục hồi sau đại dịch.  

Trong khi đó, Amazon Global Selling vẫn tiếp tục vai trò là một đối tác tin cậy trên hành trình vươn ra toàn cầu của doanh nhân, doanh nghiệp và nhà sản xuất Việt - cung cấp nguồn tài nguyên, công cụ và dịch vụ giúp họ thành công trong thương mại quốc tế.

Số lượng đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon tăng hàng năm, đáng chú tăng hơn 80% trong năm 2022, trong đó phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sự tham gia đa dạng của các đối tác bán hàng từ nhiều quy mô và ngành hàng khác nhau cho thấy, TMĐT xuyên biên giới giờ đây không còn là sân chơi chỉ dành cho những thương hiệu lớn. Trong năm 2022, các đối tác bán hàng Việt Nam đã bán gần 10 triệu sản phẩm trên các gian hàng trực tuyến của Amazon trên toàn cầu, giá trị xuất khẩu của các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon đã tăng hơn 45% .

Các nỗ lực của Amazon Global Selling Việt Nam dành cho các nhà bán hàng đã mang lại những tác động tích cực cho nền kinh tế số Việt Nam, góp phần nâng tầm vị thế hàng hóa và giá trị thương hiệu "Made-in-Vietnam", thúc đẩy các doanh nghiệp Việt nâng cao trách nhiệm xã hội đồng thời hỗ trợ tạo ra công ăn việc làm tại nhiều địa phương.

CEO Amazon Global Selling Việt Nam chỉ ra thế mạnh đặc biệt giúp Việt Nam bùng nổ và trở thành thị trường trực tuyến sôi động nhất khu vực - Ảnh 10.

Mức độ tăng trưởng của thị trường Việt Nam ra sao so với khu vực và trên thế giới? Ông nhận định như thế nào triển vọng ngành xuất khẩu online/ thương mại điện tử xuyên biên giới cho Việt Nam?

Trong 2-3 năm vừa qua, trong khu vực Đông Nam Á, chương trình bán hàng toàn cầu qua Amazon tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất so với các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines.

Theo cáo cáo của AlphaBeta, xuất khẩu trực tuyến, hay TMĐT xuyên biên giới đang cho thấy đây là cơ hội mới cho Việt Nam với quy mô tăng trưởng tiềm năng lớn trong 5 năm tới, dự báo mức tăng trưởng hơn 20%/năm. Doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam dự kiến đạt 256,1 nghìn tỷ đồng (11,1 tỷ USD) vào năm 2026.

TMĐT xuyên biên giới có thể mang lại cơ hội để thay đổi toàn diện từ tư duy, vận hành, phát triển của doanh nghiệp. TMĐT xuyên biên giới tạo ra giá trị mới, không chỉ là "Made-in-Vietnam", mà sẽ là "Thương hiệu Việt Nam" trên thị trường quốc tế. TMĐT xuyên biên giới góp phần giúp Doanh nghiệp và doanh nhân Việt thay đổi tư duy với tầm nhìn dài hạn lẫn khả năng phản ứng nhanh nhạy với thị trường. Thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới, nền kinh tế mở cửa và tuần hoàn, công nghệ sẽ mang lại sức mạnh và tính cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường toàn thế giới.

CEO Amazon Global Selling Việt Nam chỉ ra thế mạnh đặc biệt giúp Việt Nam bùng nổ và trở thành thị trường trực tuyến sôi động nhất khu vực - Ảnh 11.

Doanh nghiệp Việt cần nắm bắt những xu hướng nào hoặc cần làm gì để hội nhập và phát triển tốt trên thị trường toàn cầu?

TMĐT lấy khách hàng làm trung tâm sẽ dẫn dắt dòng chảy kinh doanh: hiểu thị hiếu khách hàng, đáp ứng các thay đổi nhanh của người tiêu dùng, chủ động lắng nghe & phản hồi trực tiếp với khách hàng. TMĐT tạo ra một cuộc cạnh tranh lành mạnh mới khi người tiêu dùng hoàn toàn có thể chủ động tìm kiếm, so sánh sản phẩm, giá cả, uy tín của người bán. Điều này thúc đẩy việc xây dựng và phát triển thương hiệu để nâng cao giá trị và uy tín của sản phẩm, thay thế dần việc thuần túy cạnh tranh bằng mức giá bán.

Các nhà bán hàng thành công từ Việt Nam những năm vừa qua cũng cho thấy sự nghiêm túc đầu tư vào đăng ký thương hiệu, xây dựng thương hiệu, tận dụng các công cụ thu hút người dùng vào trang sản phẩm, nâng cấp hình ảnh, nội dung, câu chuyện về sản phẩm & thương hiệu của mình.

Lafooco quảng bá hình ảnh của một thương hiệu hạt điều chất lượng từ Việt Nam, được gắn nhãn hiệu "Climate Pledge Friendly" trên Amazon, giúp người mua hàng nhận diện và chọn lựa các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn bền vững & bảo tồn thế giới tự nhiên. Hay Rong Nho Trường Thọ từ một doanh nghiệp start-up nhỏ, hiện đã là một thương hiệu rong nho uy tín đạt chứng nhận FDA (tiêu chuẩn của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ), được gắn mác Amazon's Choice chỉ sau 3 tháng kinh doanh trên Amazon.

Một trong những thách thức & câu hỏi lớn nhất của nhà bán hàng Việt khi xuất khẩu online hàng hóa ra các thị trường toàn cầu là logistics. Một báo cáo gần đây mà chúng tôi công bố, do AlphaBeta thực hiện cũng chỉ ra rằng: 77% doanh nghiệp vừa, nhỏ & siêu nhỏ VN tham gia khảo sát cho rằng họ thiếu thông tin về vận tải quốc tế và 83% số được khảo sát cho rằng họ gặp khó khăn về chi phí vận chuyển ra nước ngoài. Đừng bỏ qua việc khai thác, tận dụng lợi ích từ cơ sở hạ tầng hậu cần và các công cụ, dịch vụ tiên tiến từ Amazon để nhanh chóng triển khai hoạt động xuất khẩu qua thương mại điện tử, tiếp cận hàng trăm triệu khách hàng trên toàn thế giới và trở thành thương hiệu toàn cầu.

Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam chỉ ra thế mạnh đặc biệt giúp Việt Nam bùng nổ và trở thành thị trường trực tuyến sôi động nhất khu vực - Ảnh 12.

Tọa đàm thảo luận về cách thức hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia TMĐT xuyên biên giới.

Hành vi của người tiêu dùng luôn luôn thay đổi, chiến lược của Amazon tại Việt Nam cho giai đoạn sắp tới là gì?

Điểm đầu tiên trong trọng tâm chiến lược của chúng tôi trong năm 2023 sẽ là nâng cao nhận thức và sự sẵn sàng cho TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam. Bằng cách đa dạng hóa những hợp tác với cơ quan chính phủ, Amazon muốn tiếp cận nhiều doanh nghiệp Việt Nam hơn và tiếp tục đầu tư vào kiến thức đào tạo cho nhà bán hàng.

Thứ hai, khuyến khích doanh nghiệp Việt xây dựng thương hiệu toàn cầu cho hàng hóa Made-in-Việt Nam bằng cách cung cấp các giải pháp từ bảo vệ thương hiệu với Brand Registry, đến quảng bá và xây dựng thương hiệu bằng nhiều công cụ và sản phẩm Quảng cáo, xây dựng thương hiệu trên Amazon.

Một điểm quan trọng khác giúp đối tác bán hàng mở rộng toàn cầu là các giải pháp hỗ trợ hậu cần. FBA tiếp tục là giải pháp chính để hỗ trợ việc mở rộng toàn cầu của các đối tác bán hàng, đặc biệt là thúc đẩy các chương trình logistics mới tại Việt Nam cho cả đường hàng không và đường biển.

Thứ tư, chúng tôi muốn nâng cao trải nghiệm của nhà bán hàng bằng cách giảm thời gian đăng ký, bản địa hóa và tối ưu hóa quy trình xác minh, đồng thời tăng cường hỗ trợ người bán sau khi ra mắt bằng nhiều nội dung giáo dục hơn và các kênh liên hệ bằng tiếng Việt.

Cuối cùng, chúng tôi sẽ đóng góp vào sự phát triển lành mạnh và bền vững của cộng đồng doanh nhân tại Việt Nam bằng nhiều hoạt động hơn nữa, tham gia kết nối người bán và nhà sản xuất, đồng thời tạo ra các cách thức để thúc đẩy thành công của các doanh nghiệp địa phương.


Thu Hương
Hải An

Thu Hương

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên